PHẢI CHĂNG PH.ĂNGGHEN ĐÃ “TRỞ CỜ”?
Tháng
3-1895, Ph.Ăngghen hoàn thành viết “Lời nói đầu” cho tác phẩm “Đấu tranh giai
cấp ở Pháp 1848-1850” của C.Mác. Sau khi tác phẩm được công bố, một số nhân vật
xét lại đã trích đăng một số đoạn, nhưng tách rời hoàn cảnh ra đời, và kết luận
đây là “di chúc chính trị”, sự “trở cờ” của Ph.Ăngghen. Vậy, thực chất những
quan điểm của ông là gì? Bài viết dưới đây sẽ phân tích bối cảnh và nội dung
những quan điểm đó.
1. Về
tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848-1850” của C.Mác
“Đấu
tranh giai cấp ở Pháp từ 1848-1850”là tác phẩm của C.Mác viết dưới dạng các bài báo được đăng
trên tạp chí “Neue Rheinische Zeitung. Politisch-okonomische Revue” các số
1,2,3 và 5,6 năm 1850. Nhìn tổng quát, tác phẩm là sự phản ánh thực trạng phong
trào công nhân những năm 50 của thế kỷ XIX, trên cơ sở bối cảnh cụ thể, C.Mác
đưa ra dự báo về khả năng một cuộc cách mạng sẽ nổ ra và giai cấp công nhân có
thể dùng bạo lực để giành chính quyền. Tác phẩm trên được viết trong bối cảnh:
Một là,
về kinh tế, những
năm 1845-1846 ở một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan bị mất mùa do
bệnh dịch khoai tây và lúa mì; cùng với đó là tình trạng đầu cơ dẫn đến giá cả
một số mặt hàng tăng mạnh. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thậm chí đã diễn
ra cả tình trạng xung đột. Trong lĩnh vực công nghiệp, tình trạng khủng hoảng
thừa trong các ngành bông, vải, sợi, một số nhà tư bản chuyển sang đầu tư vào
ngành đường sắt. Năm 1846-1847, hàng loạt cổ phiếu ngành đường sắt mất giá, kéo
theo tình trạng khủng hoảng của ngành tài chính, ngân hàng, nhiều công xưởng
phải đóng cửa. C.Mác coi đây là “hai sự biến kinh tế có ý nghĩa thế giới”(1)
khiến cho làn sóng bất bình phát triển nhanh chóng thành khởi nghĩa. Chính trên
cơ sở kinh tế đó, ông đã đưa ra những nhận định về chính trị: “một cuộc cách
mạng mới chỉ có thể nổ ra sau một cuộc khủng hoảng mới. Nhưng cả cuộc cách mạng
mới lẫn cuộc khủng hoảng mới đều nhất định phải nổ ra”(2).
Hai là,
về chính trị, từ
tháng 2-1848 đến hết năm 1849, châu Âu bước vào thời kỳ “bão táp cách mạng”.
Tháng 2-1848, nhân dân Pháp lật đổ nền thống trị quân chủ vương triều Lui
Philip (Louis Philippe I), thành lập nền cộng hòa đệ nhị. Tháng 3-1848, tại
Viên nổ ra cuộc khởi nghĩa, chấm dứt hơn 30 năm cầm quyền của chính quyền phản
động Metternich. Tại Đức, ngày 18-3, chính quyền rơi vào tay phe đối lập là
Haixơmen(3). Cũng trong thời gian đó, nhiều phong trào đấu tranh của
nhân dân lao động nổ ra ở Ý, Ba Lan, Hunggary... Trong bối cảnh sục sôi như
vậy, căn cứ vào kinh nghiệm các cuộc cách mạng Pháp năm 1789, 1830, C.Mác đã
đưa ra dự báo về cuộc cách mạng sẽ mau chóng xảy ra, giai cấp công nhân có thể
giành được chính quyền xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Ba là, về
phong trào công nhân,
tại các nước châu Âu, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sau
khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố, phong trào công nhân đã
được trang bị lý luận khoa học - đó là chủ nghĩa Mác. Cùng với Liên đoàn những
người cộng sản, tháng 4-1850, thành lập Hội những người cộng sản - cách
mạng toàn thế giới. Trong đó quy định: “Mục đích của Hội là đánh đổ tất cả
mọi giai cấp đặc quyền, buộc các giai cấp này phải phục tùng nền chuyên chính
của những người vô sản bằng cách duy trì cách mạng không ngừng cho tới khi thực
hiện được chủ nghĩa cộng sản”(4). Các nhà kinh điển cho rằng, sự liên
hiệp quốc tế của các đại biểu cách mạng của giai cấp công nhân các nước sẽ giúp
cho cách mạng thắng lợi, trong đó hạt nhân là Liên đoàn những người cộng sản.
Trong bối
cảnh như vậy, nhận định về thời cơ nổ ra cuộc cách mạng, sau khi phân tích bối
cảnh châu Âu và nước Pháp lúc đó, C.Mác đưa ra dự báo: “mọi cuộc khởi nghĩa mới
của giai cấp vô sản Pháp đều lập tức kéo theo một cuộc chiến tranh thế giới.
Cuộc cách mạng mới ở Pháp sẽ buộc phải lập tức vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, chiếm
lấy vũ đài châu Âu, vũ đài duy nhất trên đó cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa của thế kỷ XIX có thể thắng lợi được... nước Pháp đóng vai trò kẻ thủ
xướng ra cuộc cách mạng châu Âu”(5); “tuyệt nhiên không nghi
ngờ gì nữa trận quyết chiến vĩ đại bắt đầu, rằng trận quyết chiến đó phải được
thực hiện đến cùng trong một thời kỳ cách mạng lâu dài và đầy những chuyển
biến, nhưng trận chiến đấu ấy chỉ có thể kết thúc bằng thắng lợi cuối cùng của
giai cấp vô sản”(6).
Như vậy, có
thể thấy từ thực trạng tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể của châu Âu,
nhất là nước Pháp, C.Mác đã đưa ra dự báo về khả năng có thể nổ ra cuộc cách
mạng XHCN, giai cấp công nhân giành được chính quyền.
Về phương
thức giành chính quyền, trong giai đoạn này các nhà kinh điển cho rằng, biện
pháp chủ yếu là dùng bạo lực cách mạng. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,
các ông đã cho rằng, mục đích của giai cấp công nhân: “chỉ có thể đạt được bằng
cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành”(7). Trong
tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850, C.Mác vẫn kiên định lập
trường: “Chỉ có đẫm máu của những người khởi nghĩa tháng Sáu thì ngọn cờ tam
tài mới trở thành ngọn cờ cách mạng châu Âu, ngọn cờ đỏ”(8).
Như vậy, giai
đoạn 1848-1850, có hai luận điểm nổi bật trong tác phẩm: Một là, thời
cơ đã chín muồi để nổ ra cuộc cách mạng XHCN; Hai là, giai cấp công
nhân bằng bạo lực cách mạng có thể giành được chính quyền xây dựng chủ nghĩa
cộng sản.
Cần thấy
rằng, tác phẩm này được viết sau khi đã công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản, do vậy, những tư tưởng, quan điểm chủ yếu của chủ nghĩa duy vật lịch
sử, những luận điểm về tính tất yếu của chủ nghĩa cộng sản đã chi phối toàn bộ
tư tưởng của C.Mác. C.Mác đã đứng trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử
để giải thích toàn bộ thời kỳ lịch sử Pháp giai đoạn đó và đề xuất những luận
điểm quan trọng nhất của sách lược cách mạng của giai cấp vô sản.
2. Về
Lời nói
đầu
viết cho tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850”
Lời nói
đầuđược Ph.Ăngghen
viết vào khoảng tháng 3-1895, tác phẩm được viết trong bối cảnh sau:
Thứ nhất
là, châu Âu đã trải
qua một thời kỳ ổn định tương đối dài, nền kinh tế phát triển tích cực. Nhờ áp
dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật như động cơ hơi nước, công nghiệp hóa chất
(anilin), hệ thống đường sắt mở rộng... cho nên các lĩnh vực công nghiệp như
sản xuất dệt, than, gang, thép, điện, hóa chất... phát triển mạnh. Cũng trong
thời kỳ này, nhiều nước châu Âu đã mở rộng hệ thống thuộc địa sang châu Á, Phi,
Mỹ Latinh, nhờ đó, thị trường, nguồn tài nguyên, lao động ngày càng phong phú;
một số mâu thuẫn xã hội trong nước được “chuyển” sang các nước thuộc địa làm
cho tình hình phần nào bớt gay gắt.
Thứ hai
là, các đảng dân
chủ - xã hội, đảng công nhân ở châu Âu đã được luật pháp thừa nhận. Nếu như
trước 1890, nhiều nước áp dụng “Đạo luật đặc biệt” đặt các đảng dân chủ - xã
hội, đảng công nhân ngoài vòng pháp luật(9); khi đó, các tờ báo,
cuộc họp, tổ chức của công nhân bị cấm hoạt động, nhiều đảng viên bị kết án, bỏ
tù... thì đến giai đoạn này, các đảng dân chủ - xã hội đã được công nhận hợp
pháp. Không những vậy, thông qua bầu cử dân chủ, nhiều đại biểu của các đảng
dân chủ - xã hội, đảng XHCN giành được thắng lợi. Ví như, năm 1874, tại cuộc
bầu cử Nghị viện Anh, có hai đại biểu công nhân trúng cử là Macdonald
(1821-1881), Thomad Burt (1837-1922)(10); ở Đức, năm 1871, Đảng dân
chủ - xã hội thu được 102.000 phiếu, năm 1874 thu 352.000 phiếu, năm 1877 thu
493.000 phiếu và đến 1890 thu 1.427.000 phiếu (chiếm khoảng 25% tổng số cử tri)(11)...
Đây chính là những cơ sở thực tiễn, pháp lý để Ph.Ăngghen đưa ra dự báo về
phương thức giành chính quyền thông qua tuyển cử: “sử dụng chế độ đầu phiếu phổ
thông một cách có hiệu quả như vậy, là giai cấp vô sản đã vận dụng một phương
thức đấu tranh hoàn toàn mới và phương pháp đó ngày càng phát huy tác dụng”(12);
“quyền đầu phiếu - từ chỗ trước đây là thủ đoạn lừa bịp nay thành một công cụ
giải phóng”(13).
Từ thực tế
trên, nhận định về thời cơ cách mạng, Ph.Ăngghen đã thừa nhận:
“Lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi và tất cả những ai nghĩ giống như chúng
tôi đều sai lầm. Lịch sử đã chỉ rõ rằng trạng thái phát triển kinh tế trên lục
địa lúc bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa”(14).
Nếu chỉ dừng
lại ở luận điểm này, nhiều người sẽ nghĩ rằng, đến đây (1895) Ph.Ăngghen đã
“thừa nhận sai lầm”. Tuy nhiên, nghiên cứu tư tưởng của ông trong suốt giai
đoạn từ 1850 đến lúc đó, có thể thấy, ngay từ giữa năm 1850, qua nghiên cứu thị
trường thế giới, khi nền kinh tế của châu Âu và Mỹ đã phục hồi, “giai đoạn phồn
vinh mới của nền công nghiệp đã bắt đầu”, thì từ mùa thu năm 1850, các ông chỉ
rõ: “trong tình hình thịnh vượng chung đó, trong đó các lực lượng sản xuất của
xã hội tư sản đã phát triển hết sức dồi dào trong chừng mực của mối quan hệ tư
sản cho phép, thì không thể nói đến một cuộc cách mạng thực sự được nữa”(15),
“chúng tôi đã tuyên bố rằng (1850) ít ra là giai đoạn thứ nhất của thời kỳ cách
mạng cũng đã kết thúc, khi cuộc khủng hoảng mới trong nền kinh tế thế giới chưa
bùng nổ thì không mong đợi điều gì xảy ra cả”(16).
Trở lại các
luận điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong nhiều công trình trước đó, các
nhà kinh điển đã chỉ ra rằng, một cuộc cách mạng chỉ có thể nổ ra và thắng lợi
khi quan hệ sản xuất đã hoàn toàn lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của lực lượng
sản xuất: “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản
xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có... Từ chỗ
là các hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành
các xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc
cách mạng xã hội...”(17)
Như vậy, cách
mạng không xuất phát từ mong muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hay đảng chính
trị nào. Cách mạng phải là tất yếu của lịch sử có nguồn gốc từ những nhân tố
khách quan. Điều này đã được các nhà kinh điển giải thích cặn kẽ ngay trong tác
phẩm của mình là do khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn giai cấp gay gắt, tình thế
quân sự chín muồi... khi những điều kiện đó không còn, thời cơ để nổ ra cuộc
cách mạng cũng chấm dứt.
Về hình
thức giành chính quyền, các nhà kinh điển cũng nhận định: “Về mặt khởi nghĩa cũng vậy, những
điều kiện đấu tranh đã biến đổi nhiều. Từ 1848 về trước thì bất cứ ở đâu khởi
nghĩa theo kiểu cũ, chiến đấu trên các lũy chướng ngại, đều cũng có tác dụng
quyết định, nhưng ngày nay đã hết sức lỗi thời”(18). Nhìn nhận lại
những quan điểm của mình trong những năm 50 của thế kỷ XIX, các ông cũng cho
rằng: “Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi cũng đã phạm sai lầm, lịch sử
đã vạch ra rằng quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ là một ảo tưởng. Lịch sử
lại còn đi xa hơn thế nữa; lịch sử không những đã đánh tan những sai lầm hồi
bấy giờ của chúng tôi mà còn hoàn toàn đảo lộn những điều kiện trong đó giai
cấp vô sản đang phải chiến đấu. Ngày nay, phương pháp đấu tranh trong thời kỳ
1848 đã lỗi thời về mọi phương diện, và đó là một điều đáng được nghiên cứu tỉ
mỉ hơn”(19).
Trong bối
cảnh mâu thuẫn giai cấp không còn gay gắt, tình thế cách mạng đã chuyển sang
trạng thái hòa bình, các ông đưa ra hình thức mới để giai cấp công nhân giành
chính quyền, đó là thông qua bầu cử dân chủ: “Bắt đầu từ đó, công nhân Đức đã
sử dụng quyền đầu phiếu phổ thông (...) lấy làm mẫu mực cho công nhân tất cả
các nước (...) Bầu cử từ chỗ là thủ đoạn lừa bịp trở thành công cụ giải phóng”(20).
Việc các nhà kinh điển đề xuất biện pháp giành chính quyền thông qua tuyển cử
tự do cần lưu ý mấy điều sau:
Thứ nhất, ngay trong Tuyên ngôn của Đảng
Cộng sản đã công bố rằng một trong những nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng
nhất của giai cấp vô sản chiến đấu là phải giành cho được quyền đầu phiếu phổ
thông, “giành lấy dân chủ”(21). Như vậy, giành chính quyền thông qua
đầu phiếu cũng hoàn toàn không là ngoại lệ. Đầu tiên, giai cấp công nhân đấu
tranh giành được quyền bỏ phiếu, sau đó thông qua quyền đó mà chính đảng giai
cấp công nhân giành được chính quyền: “giai cấp công nhân có thể đấu tranh
chống lại ngay chính những thiết chế nhà nước ấy... tranh nhau với giai cấp tư
sản từng chức vụ mà một bộ phận giai cấp vô sản có đủ phiếu để chỉ định người
phụ trách”(22).
Thứ hai, thông qua bầu cử dân chủ mà các
đảng dân chủ - xã hội từng bước hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực, thu hút
được quần chúng nhân dân lao động, qua đó cũng tự khẳng định uy tín của mình.
Thắng lợi trong các cuộc bầu cử, một mặt làm cho uy tín của đảng dân chủ xã hội
tăng lên so với các đảng phái chính trị khác; mặt khác, thông qua cổ động tuyển
cử, cung cấp phương tiện vô song để tiếp xúc với quần chúng nhân dân; mở ra cơ
hội mới tranh luận với đối phương ngay tại diễn đàn Quốc hội...
3.
Một số ý kiến nhận xét
Một là,
trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng
Cộng sản Việt Nam nhận định: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát
triển”(23). Vậy, hơn 100 năm trước đây Ph.Ăngghen đã nêu ra dự báo
“trạng thái phát triển trên lục địa lúc đó còn lâu mới xóa bỏ phương thức sản
xuất tư bản” cũng cần được coi là một dự báo thiên tài của ông. Bởi dự báo đó
dựa trên cơ sở khoa học là chủ nghĩa duy vật lịch sử, về mối quan hệ lực lượng
sản xuất và quan hệ sản xuất chứ hoàn toàn không phải là quan điểm chủ quan,
tùy tiện. Tất cả những người cộng sản cần nhận thức sâu sắc rằng, chừng nào
quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa còn có tác dụng mở đường cho lực lượng sản
xuất phát triển thì chừng đó chưa thể nói đến một cuộc cách mạng thực sự được.
Nắm vững quan điểm này để không rơi vào bệnh chủ quan, tùy tiện, phiêu lưu, mạo
hiểm trong nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn.
Hai là, thời cơ và hình thức cách mạng có
mối quan hệ biện chứng với nhau, trong những thời cơ này phải có hình thức nhất
định cho phù hợp. Khi tình thế cách mạng chín muồi, có thể nổ ra rộng khắp; khi
đó, dùng bạo lực cách mạng để đồng loạt giành chính quyền là cần thiết và phù
hợp. Ngược lại, khi thời cơ chưa đến, việc sử dụng linh hoạt các biện pháp khác
nhau, nhất là các biện pháp hợp pháp là cần thiết. Nếu ở giai đoạn 1848-1850 mà
đưa ra những hình thức như những năm 1895 thì thật là ảo tưởng, bởi những quan
hệ giai cấp, xã hội không cho phép. Tuy nhiên, trải qua một thời gian phát
triển tương đối hòa bình, bối cảnh xã hội cụ thể cho phép các ông có thể đưa ra
những dự báo mới về hình thức giành chính quyền. Bối cảnh mới quy định hình
thức mới đó chính là biện chứng của nhận thức: “Đã qua rồi, thời kỳ những cuộc
đột kích, thời kỳ những cuộc cách mạng do những nhóm thiểu số tự giác cầm đầu
những quần chúng không tự giác tiến hành”(24).
Ba là, nhận thức về cách mạng XHCN cả về
thời cơ và hình thức cũng là một quá trình. Nếu tuyệt đối hóa hình thức này hay
hình thức kia trong khi các điều kiện chủ quan, khách quan đã thay đổi đó là
phương pháp siêu hình. Đúng như Lênin khẳng định: “Quan điểm biện chứng đòi hỏi
phải đi xa hơn thế: phải xem xét sự vật một cách khách quan, toàn diện, trong
sự tự vận động, phát triển của sự vật ở từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó,
từ đó thông qua các biện pháp nhận thức cần thiết mà đi vào nhận thức sự vật
sâu hơn nữa: từ bản chất cấp 1 đến bản chất cấp 2, v.v., đến vô cùng tận”(25).
Nhận thức của C.Mác, Ph.Ăngghen về thời cơ và phương thức của cuộc cách mạng
XHCN cũng tuân theo quy luật đó.
Bốn là, về mặt phương pháp luận, chúng ta
đều thấy sách lược, phương pháp đấu tranh là sự phản ánh của thực tiễn, khi
thực tiễn thay đổi thì phương pháp cũng phải thay đổi theo, đó là phương pháp
nhận thức duy vật biện chứng. Bản chất của cách mạng không phải là những hành
động nhất thời hay những kết quả trước mắt, cách mạng thực sự là: “trong quá
trình tiến triển, đã vạch ra cho mình một con đường không phải bằng những thắng
lợi trực tiếp vừa bi thảm, vừa nực cười của mình, mà trái lại, chính là chỉ
bằng việc làm nảy sinh ra được một lực lượng phản cách mạng cố kết, mạnh mẽ,
làm nảy sinh ra được một kẻ thù với mình, và chỉ bằng cuộc chiến đấu với kẻ thù
đó mà đảng chủ trương lật đổ mới có thể trở thành một đảng thực sự cách mạng
được”(26).
Căn cứ vào sự
phân tích trên có thể thấy, sự thay đổi trong nhận thức của Ph.Ăngghen về thời
cơ và phương thức cách mạng hoàn toàn không phải là sự “trở cờ” như một số quan
điểm rêu rao. Ở đây, ta càng thấy sự nhuần nhuyễn trong tuân thủ và vận dụng
những nguyên lý của CNXH khoa học, nhất là lý luận về chủ nghĩa duy vật lịch sử
của ông. Mặt khác, cũng thấy tinh thần khoa học, cách mạng không bảo thủ, cố
chấp, phiêu lưu đưa phong trào công nhân vào chỗ chết khi tình thế đã thay đổi.
________________
Bài đăng trên
Tạp chí Lý luận chính trị số
6-2018
(1), (2),
(4), (5), (8), (15), (26) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.7, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.23, 613, 722, 49, 49, 137, 17.
(3)
D.Hansemann (1794-1864), thủ lĩnh giai cấp tư sản vùng Ranh nước Phổ.
(6), (11),
(12), (13), (14), (16), (18), (19), (20), (22), (24) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn
tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.757, 765-766, 769,
768, 761, 758, 764, 758, 767-768, 769, 775.
(7), (21)
C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1995, tr. 646, 626.
(9) “Đạo luật
đặc biệt chống những người XHCN” được thực hiện ở Đức từ 21-10-1828 –
1-10-1890.
(10) C.Mác và
Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.
145-146
(17) C.Mác và
Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.
14-15
(23) ĐCSVN: Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, tr.68
(25)
V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.363-364.
TS
Nguyễn Văn Quyết
Viện Chủ
nghĩa xã hội khoa học,
Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2664-phai-chang-phangghen-da-%E2%80%9Ctro-co%E2%80%9D?.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét