QUYỀN
LỰC MỀM CỦA HỒ CHÍ MINH
(LLCT) - Trên
cơ sở nhận thức cơ bản về quyền lực mềm, bài viết phân tích tư tưởng, tấm gương
Hồ Chí Minh trong việc sử dụng quyền lực mềm trên ba khía cạnh cơ bản. Một là,
văn hóa Hồ Chí Minh - sức hấp dẫn mọi người và các dân tộc một cách tuyệt vời;
Hai là, chính trị Hồ Chí Minh “đoàn kết và thanh khiết, sao cho được lòng dân”
có giá trị cả trong và ngoài nước; Ba là, chính sách đối ngoại Hồ Chí Minh
chính danh và có giá trị đạo đức, làm bạn với tất cả các nước vì một nền hòa
bình bền vững và thịnh vượng chung, thể hiện tình hữu nghị, mở cửa hợp tác với
các nước
Sinh
thời, Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm “Quyền lực mềm”, nhưng những gì ngày nay
ta hiểu về “Quyền lực mềm” (Soft power) lại in đậm trong di sản tư tưởng của
Người.
Quyền
lực là khả năng tác động vào người khác nhằm đạt được kết quả mong muốn. Có ba
biện pháp chính: cưỡng ép, mua chuộc bằng sự hấp dẫn. Tính hấp dẫn thuộc loại
quyền lực mềm với ba bộ phận cơ bản: văn hóa, chính trị và chính sách đối
ngoại. Trong đó, văn hóa phải là những giá trị hấp dẫn được các dân tộc khác;
chính trị có giá trị ở cả trong và ngoài nước và chính sách đối ngoại phải là
chính danh và có giá trị đạo đức.
Quyền
lực mềm nhưng lại có khả năng đem lại sức mạnh cứng, vì những nguồn lực văn
hóa, chính trị, đối ngoại kết lại thành một khối, xuất phát từ tư duy của con
người “chí công vô tư”, chính tâm, lời nói đi đôi với việc làm. Hồ Chí Minh đã
làm được điều đó, bởi: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện
của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình
mình... Nếu so sánh với vũ khí thì điều đó quan trọng không kém tất cả vũ khí
của Hạm đội 7... Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn
ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của
Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp
rất tự nhiên”(1).
Rọi
chiếu những hiểu biết căn cốt trên vào di sản Hồ Chí Minh dễ dàng nhận thấy
Người đã sử dụng quyền lực mềm một cách khoa học, đạt đến trình độ nghệ thuật,
tạo sức mạnh to lớn để nước ta từ một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân
tộc thế giới.
1.
Văn hóa Hồ Chí Minh - sức hấp dẫn mọi người, mọi dân tộc
Đó
là sức hấp dẫn bằng giá trị phổ quát toàn nhân loại. Văn hóa Hồ Chí Minh kết
tinh từ ba tầng giá trị lớn: Một là, lý luận - tư tưởng của dân tộc, của phương
Đông, phương Tây và chủ nghĩa Mác - Lênin; Hai là, thực tiễn Việt Nam, thế gới
và trải nghiệm của chính Hồ Chí Minh; Ba là,phẩm chất Hồ Chí Minh - bậc đại
nhân, đại trí, đại dũng.
Cội
nguồn sâu xa trong văn hóa Hồ Chí Minh, tự bản thân nó đã có sức hấp dẫn mọi
người, mọi dân tộc dù chế độ chính trị, chính kiến, cương vị, tài năng khác
nhau. Thế giới gọi Hồ Chí Minh là một hiện tượng kỳ lạ, hiếm thấy, “chỉ có ít
nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống
và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”. Huyền thoại ngay khi còn sống và
ngay từ những ngày đầu bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Ở
tuổi 33, mới trở thành người cộng sản được 3 năm, nhưng qua phong thái thanh
cao, giọng nói trầm ấm, một phong cách ứng xử lịch thiệp và tế nhị, những người
tiếp xúc với Hồ Chí Minh đã “nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông
của tình hữu ái toàn thế giới... Từ Nguyễn Aí Quốc tỏa ra một thứ văn hóa,
không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”(2).
Là
người cộng sản với tinh thần giải phóng dân tộc và đấu tranh cho quyền con
người - quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, Hồ Chí Minh cũng là
con người của hòa bình, nhân phẩm vì Người luôn đấu tranh cho sự phát triển của
đất nước, của toàn nhân loại. Văn hóa Hồ Chí Minh là biểu tượng cho tinh thần
các dân tộc không chịu sống nô lệ và cuộc chiến đấu cho nhân phẩm, tự do
phải được đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác.
Văn
hóa Hồ Chí Minh là sự chung đúc những cái tốt, cái hay của văn hóa cổ, kim,
Đông, Tây để tạo dựng, đắp bồi một bản sắc văn hóa Việt Nam, hợp với tinh thần
dân chủ. Theo Người, Khổng giáo chú ý đến việc tu dưỡng đạo đức cá nhân, Thiên
Chúa giáo lại chú ý đến lòng nhân ái, Tôn Dật Tiên quan tâm đến dân tộc độc
lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, ưu điểm của chủ nghĩa Mác là tính
biện chứng. Người luôn cố gắng làm người học trò nhỏ của những người thầy này.
Hồ
Chí Minh vừa cởi mở với thế giới, vừa quy tụ được những điểm tương đồng, tìm
thấy mẫu số chung của con người cùng khổ, của các dân tộc bị chà đạp. Đó là một
trong những nét tiêu biểu, đặc sắc nhất của văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên sức
lôi cuốn kỳ diệu. Năm 1946, tâm sự với nhà báo Pháp Jean Lacouture (Giăng
Lacutuyrơ), Người nói: “Một dân tộc như dân tộc của anh đã cho thế giới một nền
văn hóa ca ngợi tự do thì dù sao đi nữa bao giờ cũng tìm thấy ở chúng tôi những
người bạn. Anh có biết là không năm nào là tôi không say mê đọc lại Víchto Huygô
và Misơlê”(3). Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh “đã dùng tới nền văn hóa và
tâm hồn của kẻ địch của ông”(4).
Không
chỉ là dân tộc Pháp. Theo Thượng nghị sĩ Anh William Warbey, “Trong những thập
kỷ đầu của thế kỷ XX, ông đã có cơ hội biết và yêu nhân dân Mỹ, và qua sách
báo, ông đã ngưỡng mộ chính khách của họ là Abraham Lincoln . Cuộc chiến đấu
của Lincoln chống chế độ nô lệ và sự bóc lột lao động, đối với ông Hồ như là
một tiếng vọng của chính sứ mạng của mình là giải phóng nhân dân Việt Nam”(5).
Văn
hóa và tri thức Hồ Chí Minh trở thành một quyền lực, bởi như Edmond Michelet,
Bộ trưởng các quân chủng Pháp, người được ủy nhiệm tiếp Chủ tịch Hồ Chí
Minh ở Pari (1946) nhận xét về sắc thái chính kiến của Hồ Chí Minh: “Đó là một
người cộng sản theo lý tưởng... Tôi thấy ông dường như luôn luôn chịu ảnh hưởng
của các tác giả lớn của ông là Mác, chắc chắn là cả Lênin nữa... Nhưng trong
ông có Jaurè (Giôrex)... Ông là người đã chọn chủ nghĩa cộng sản, đúng thế,
nhưng có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc...Tôi cho là trong thế giới cộng sản,
chắc chắn ông là một trong những người chấp nhận cách mạng cộng sản chủ nghĩa,
phải!... nhưng trong tự do”(6). Ở một góc nhìn khác, Đavít
Hanbớcxtam, một chính khách Mỹ, nhận xét: “Hồ Chí Minh là một nhân vật kỳ lạ
của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam”(7).
Từ những đánh giá sáng suốt của chính khách đối phương, nhà văn hóa Hữu Ngọc
viết: “Quả thật là Bác Hồ tìm một chủ nghĩa cộng sản có tình người, kế thừa
những truyền thống cách mạng xã hội chủ nghĩa 1917, nhưng tiếp thu tinh hoa của
những cuộc cách mạng tư sản, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc,- một chủ
nghĩa cộng sản tôn trọng cá nhân, biết khóc, biết cười, biết ngâm vịnh”(8).
Đại
tướng Võ Nguyên Giáp cho chúng ta biết về phát biểu của một đại biểu Mỹ: “Nếu
chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”;
“chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin
Lành, đạo Thiên Chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo,
chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung
là lý tưởng Hồ Chí Minh: “Muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”(9).
Nghiên
cứu các cuộc hành trình trong cuộc đời của Hồ Chí Minh, ông Hans D’Orville, Phó
Tổng Giám đốc UNESCO đã khẳng định, “Bác Hồ là con người của đối thoại, trở
thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn
cầu”, “các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư
tưởng mà ông đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa những sự đa dạng mà
Người đã tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống
tiếp thu trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”(10).
Trong
một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng trong mọi khía cạnh
cuộc sống của con người, UNESCO ý thức và cố gắng thúc đẩy các nền văn hóa xích
lại gần nhau. Trong văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta cũng đã thấy rõ điều đó. Vì
tư tưởng, hành động và ước vọng của Người là tôn trọng lẫn nhau giữa các nền
văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Những gì UNESCO thực hiện phù hợp với
văn hóa Hồ Chí Minh, đó là đấu tranh để tăng cường sự đối thoại và hiểu biết
lẫn nhau, tạo điều kiện cho sự tôn trọng các nền văn hóa của nhau, xóa bỏ những
rào cản giữa các nền văn hóa khác nhau. Bởi trao đổi và đối thoại giữa các nền
văn hóa chính là công cụ hữu hiệu nhất để xây dựng hòa bình. Ông Hans D’Orville
khẳng định: “Bản tính của Người là luôn lo lắng phấn đấu cho một tương lai được
xây dựng trên nền tảng của sự công bằng, bình đẳng, biết truyền thụ và chia sẻ
sự đa dạng văn hóa và để các nền văn hóa xích lại gần nhau”(11).
Tổ
chức UNESCO đánh giá Hồ Chí Minh là một con người hội tụ nhiều tư tưởng
thể hiện khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa dân
tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Thông điệp văn
hóa Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và luôn có giá trị thời đại vì có điểm
chung là lý tưởng về độc lập, tự do, hạnh phúc - “Không có gì quý hơn độc lập,
tự do!” trên cơ sở dung hòa những sự khác biệt. Trong tiệc chiêu đãi Chủ tịch
Hồ Chí Minh ngày 7-2-1958, Thủ tướng Ấn Độ đã phát biểu cảm tưởng: “thật là một
điều hân hạnh được gặp con người vĩ đại và có sức thu hút mãnh liệt đối với
chúng ta. Mặc dầu trong thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng
được gặp Bác Hồ, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người...,
tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả”(12).
2.
Giá trị về mặt chính trị của Hồ Chí Minh: đoàn kết và thanh khiết
Sức
mạnh mềm trong chính trị là sự khéo léo để thuyết phục, cảm hóa người khác, tức
là chính trị phát triển thành văn hóa chính trị với một chỉnh thể cấu trúc bao
gồm tri thức chính trị, hệ tư tưởng, đạo đức chính trị, năng lực hoạt động
chính trị. Trong đó, quan trọng nhất là đạo đức chính trị vì nó tạo ra niềm tin
chính trị.
Hồ
Chí Minh cho rằng “văn hóa hiểu rộng cũng là chính trị. Chính trị hiểu sâu cũng
là văn hóa”(13). Là một người có quyền lực - đứng đầu Chính phủ
(1945-1969); Chủ tịch Đảng (1951-1969), nhưng không bao giờ Hồ Chí Minh hành xử
như một người có quyền. Người xác định nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân;
Chính phủ là công bộc của dân: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là đày tớ chung của
dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ...
Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(14).
Nhiều học giả trên thế giới nhận xét: “Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, Người là một con người
của quần chúng”(15). “Ông Hồ không cố ý tìm kiếm những cái trang sức
cho quyền lực, vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân và
với lịch sử đến nỗi không cần những pho tượng, những cái cầu, những pho sách và
những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiên hạ thấy”(16).
Chính
trị Hồ Chí Minh cần được hiểu sâu như Người từng nói: “Tóm lại chính trị là:1.
Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”(17). Khi nói về đoàn kết, Hồ
Chí Minh cho rằng “đoàn kết không phải là một thủ đoạn chính trị”. Đại đoàn kết
trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một tư duy triết học cho thấy rõ mối quan hệ biện
chứng giữa giai cấp và dân tộc; dân tộc và quốc tế; giữa các tầng lớp xã hội cơ
bản với các tầng lớp xã hội khác. Tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh cố tìm mẫu số
chung của các dân tộc bị chà đạp thay vì khoét sâu sự cách biệt, đặt tiến trình
xoáy trôn ốc đi lên của lịch sử trên căn bản quy tụ thay vì loại trừ. Giá trị
toàn cầu, giá trị thời đại và có ý nghĩa trường tồn của tư tưởng chính trị Hồ
Chí Minh là ở chỗ đó. Bởi vì “Trong thế giới ngày nay, không có cái gì có thể
chống lại sự đoàn kết của nhân dân. Trong thế giới ngày nay không có gì quý báu
hơn nhân dân. Không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Trong xã
hội không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ nhân dân”(18).
Giá
trị trong chính trị của Hồ Chí Minh thể hiện trong tư tưởng, phẩm chất, đạo đức
của Người. Báo Pháp Lơ Phigarô nhận xét: “Cụ Hồ Chí Minh là người đã buộc Pháp
phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương. Cụ Hồ đã chứng minh cho nước
Mỹ hùng mạnh thấy rõ một cách đắng cay rằng con người có thể chiến thắng được
vũ khí”(19).
3.
Chính sách đối ngoại chính danh và có giá trị đạo đức
Quyền
lực mềm nhìn nhận ở khía cạnh chính sách đối ngoại thì phải là một chính sách
đối ngoại được coi là chính danh và có giá trị đạo đức. Chính sách đối ngoại Hồ
Chí Minh là làm bạn, thân thiện với tất cả các nước và không gây thù oán với
nước nào. Chính sách đối ngoại đó đặt trên cơ sở các nước cùng tôn trọng chủ
quyền, lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội
chính của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, cùng sống chung trong hòa
bình; tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
Chính
sách đối ngoại Hồ Chí Minh là thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì hòa bình,
thịnh vượng chung, thể hiện thái độ bạn bè và trách nhiệm cùng các nước giải
quyết những vấn đề về hòa bình, vì một thế giới tốt đẹp, một nền hòa bình bền
vững và thịnh vượng. Trong bức điện ngày 14-1-1946 gửi các ông: Ăngđrê Grômưcô
- đại diện của Liên Xô, Giêm Biếcnơ - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bác sỹ Cố Duy
Quân - đại diện của Trung Quốc, Hồ Chí Minh trình bày nguyện vọng của nhân dân
Việt Nam muốn được công nhận nền độc lập và nhận vào Liên Hợp quốc. Người khẳng
định “chúng tôi tin rằng sự có mặt của chúng tôi trong hội nghị sẽ có ích nhiều
cho việc giải quyết một cách nhanh chóng và hòa bình cho các vấn đề ở Đông Nam
Á châu hiện nay”(20). Trong Công hàm gửi Chính phủ các nước Trung
Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh ngày 18-2-1946, Hồ Chí Minh tiếp tục
khẳng định việc “hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế
giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững. Những nguyện vọng đó là chính
đáng và sự nghiệp hòa bình thế giới phải được bảo vệ”(21).
Tính
chính danh và giá trị đạo đức trong chính sách đối ngoại của Hồ Chí Minh không
những dựa trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền mà còn thực
thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực. Ngay trong kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn đưa ra chính sách dành sự tiếp
nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất
cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá
giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức
hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc...”(22).
Trong
một thế giới còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, thì việc vận dụng và
phát triển sáng tạo quyền lực mềm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh là một
trong những giải pháp quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
_______________________
Bài
đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018
(1),
(3), (4), (7), (12), (15), (16), (19) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi
trong trái tim nhân loại, Nxb Lao động - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,
1993, tr.109, 32, 36, 116, 103, 104, 120, 19.
(2)
Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.463,
462.
(5),
(6), (8) Dẫn theo Hữu Ngọc: Phác thảo chân dung văn hóa Pháp,Nxb Ngoại văn Việt
Nam, Hà Nội, 1991, tr.22, 21, 21.
(9)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát
triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.
(10),
(11) Hans D’Orville: “Bài phát biểu tại lễ mít tinh tại Đại sứ quán Việt Nam
tại Pháp ngày 14-5-2010, nhân kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí
Minh”, in trong Bảo tàng Hồ Chí Minh: Đặc san thông tin tư liệu, số 27, tháng
6-2010, tr.12, 13.
(13)
Dẫn theo GS Đinh Xuân Lâm - TS Nguyễn Văn Khoan: Luật sư Phan Anh,Nxb Công an
nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.326.
(14),
(17) Hồ Chí Minh, Sđd, Toàn tập,t.5, tr.74-75, 75.
(18)
Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh(trích tham luận của đại biểu quốc tế),
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.79.
(20),
(21), (22) Hồ Chí Minh, Sđd, Toàn tập,t.4, tr.180, 210, 523.
PGS, TS Bùi Đình Phong
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2599-quyen-luc-mem-cua-ho-chi-minh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét