Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

PHẢI CHĂNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY CẦN
“KHẮC PHỤC SAI LẦM VỀ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”?
Bạch Long
Hiện nay, các thế lực thù địch đang tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng. Trong đó, chúng hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là điều không thể.
Trong những năm gần đây, âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm. Một trong những biểu hiện chủ yếu là phủ nhận, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà thực chất đó là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng đòi thay vào đó bằng hệ tư tưởng tư sản, xoá bỏ vị trí thống trị của hệ tư tưởng XHCN trong Đảng và trong xã hội ta. Chúng phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước khi cho rằng: “Kinh tế thị trường sẽ từng bước làm thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa còn non trẻ và ốm yếu ở Việt Nam. Nếu Mỹ chờ đợi thêm ít lâu nữa thì sẽ tới một ngày Chính phủ Việt Nam chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa”. Những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch đã tung ra, nhìn chung có sự thống nhất căn bản về bản chất và mục đích, nhưng hình thức thể hiện khá đa dạng. Có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học với Đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; có quan điểm thừa nhận giá trị lịch sử nhưng lại phủ nhận giá trị thời sự của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay; có quan điểm xuyên tạc trắng trợn rằng: “Việt Nam hiện nay đang bế tắc về phát triển kinh tế của đất nước nên đến lúc phải có một lực lượng chính trị mới lãnh đạo đất nước, chứ không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Độc tài, đảng trị là cái gốc sai chính của Nhà nước cầm quyền Việt Nam hiện đại”, “Đảng không nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo tuyệt đối”. Gần đây xuất hiện nhiều tài liệu tung ra bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhằm “đề cao” người này, “hạ thấp” người kia để chia rẽ nội bộ, làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đáng chú ý vào thời điểm ĐCSVN tiến hành đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, các thế lực cơ hội thù định coi đây là thời cơ để tập trung mở các chiến dịch chống phá Đảng và Nhà nước ta quyết liệt;... Trong các quan điểm sai trái trên, quan điểm cố tình phủ định mục tiêu lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn, từ đó đề cao một cách giả tạo chủ nghĩa tư bản là có tính ngụy biện dễ làm cho một số người ngộ nhận, tin theo.
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ vai trò của mình trong mọi hoàn cảnh, giá trị và sức sống bền vững của nó. Hơn 87 năm qua, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng ta giương cao đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với những thành tựu hơn 30 năm đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân Việt Nam vững vàng, tự tin hướng tới tương lai. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có những bài nói, bài viết, công trình khoa học nghiên cứu khẳng định chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn toả sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể phân tích đúng CNTB đương đại và CNXH lâm vào thoái trào sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, một số người tự cho mình là “thực sự yêu nước”, “tâm huyết trăn trở với vận mệnh của đất nước” muốn “khắc phục sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Họ bày tỏ các quan điểm lệch lạc, sai trái, hoặc công khai, hoặc che dấu kín đáo, nhưng đều chứa đựng dã tâm đòi “thay đổi chế độ chính trị”, mà thực chất là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và bảo vệ.
Người ta đưa ra những câu hỏi đại loại là: “giá như dân tộc Việt Nam không tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường khác thì đất nước đã phát triển hơn”. Từ đó họ quy kết:  “Đảng Cộng sản là thủ phạm đã gây ra cuộc chiến tranh ý thức hệ, đẩy hàng triệu con em người miền Bắc vào “lò nướng thịt” Trường Sơn, kéo lùi sự phát triển của đất nước”…
Thoảng qua, có người lầm tưởng thái độ của họ là thực sự “vì dân, vì nước”,  nhưng thực ra không phải như vậy, họ đang cổ súy cho chủ nghĩa tư bản, muốn hướng đất nước ta đi theo con đường chủ nghĩa tư bản. Họ đã coi thường, phủ nhận những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc ở thế kỷ XX khiến cả thế giới khâm phục và gọi Việt Nam là “lương tri của thời đại”. Nhân dân Việt Nam đã đứng “nơi đầu ngọn sóng” trong cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX. Ai là kẻ gây ra chiến tranh khi tuyên bố đưa Việt Nam “quay lại thời kỳ đồ đá”? Ai đã trút hàng triệu tấn bom đạn lên đầu người dân Việt Nam mà hậu quả của nó đến nay vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều thế hệ?. Ai nấy cũng đều thấy rằng, kẻ gây ra mấy chục năm “binh đao, khói lửa” đối với dân tộc Việt Nam không ai khác chính là thực dân, đế quốc. Song, nhân dân ta với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã đứng lên chiến đấu, chấp nhận gian khổ hy sinh để bảo vệ quyền được sống trong tự do và độc lập. Cả dân tộc Việt Nam đứng lên chiến đấu chống xâm lược để giải phóng dân tộc thống nhất đất nước là phi nghĩa, là vô ích hay sao?
Chủ nghĩa tư bản, ngay từ đầu thế kỷ XX và cho đến bây giờ, vẫn không phải và không thể là sự lựa chọn và là lời giải cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Người quan niệm CNXH là “xã hội ngày càng tiến, vật chất càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”, đó là CNXH mà “bất kỳ ai” cũng đều mong muốn trở thành hiện thực.
Một vài nhà “thông thái” khuyên rằng, Việt Nam nên đi theo chủ nghĩa tư bản, vì chủ nghĩa tư bản hiện đại là tiêu biểu nhất cho sự tiến bộ, văn minh của xã hội loài người. Thực ra, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản không phải như vậy. Nó vẫn là chế độ bóc lột, bất công và đầy mâu thuẫn. Trong điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ, nhưng bản chất bóc lột, phản động của nó không thay đổi. Các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính vẫn diễn ra theo chu kỳ ngày càng ngắn hơn; kèm theo đó là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên; sự suy thoái của môi trường sinh thái đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Và không những thế, chúng ta đang chứng kiến một thế giới không ở đâu có thể coi là an toàn bởi sự ám ảnh của - “bóng ma chủ nghĩa khủng bố”- sự phản ứng lại đối với những chính sách cường quyền mới về chính trị, kinh tế và cả quân sự của chủ nghĩa thế giới. Sự đói khổ của hàng tỷ người trên trái đất, những cảnh chết chóc, các cuộc di cư ồ ạt như là bản cáo trạng, vạch rõ bản chất bóc lột xấu xa và phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thế giới. Những người khuyên chúng ta đi theo chủ nghĩa tư bản sao cố tình làm ngơ sự thật đó? Tại sao họ lại nghĩ rằng thứ chủ nghĩa ấy, chế độ ấy là con đường để chúng ta lựa chọn?
Cũng có một số nhà “yêu nước” khéo léo hơn. Thấy không thể trực diện “thức tỉnh” nhân dân ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, họ lại quay  sang thủ đoạn khác tinh vi hơn. Họ mượn danh “góp ý cho Đảng”, “khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng”, cố tỏ ra là người “yêu nước thực sự, đầy tâm huyết”, làm ra vẻ vẫn trung thành với con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, nhưng lại cho rằng đường lối phát triển đất nước hiện nay là đã huy động đến mức “bão hòa” các động lực phát triển của đất nước. Họ cho rằng Việt Nam sẽ ở trong vòng luẩn quẩn bởi lựa con đường chủ nghĩa xã hội. Họ lập luận một cách vô căn cứ, nào là phát triển kinh tế thị trường mâu thuẫn với định hướng xã hội chủ nghĩa … Nói tóm lại, họ muốn xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa.
Rõ ràng đây không thể thái độ của người “yêu nước thực sự, đầy tâm huyết” như họ tự xưng. Người Việt Nam yêu nước hiện nay phải đồng thời là người yêu chủ nghĩa xã hội, là người phấn đấu cống hiến hết năng lực của mình để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường và chiến thắng các đế quốc to, mà còn vì chúng ta gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thành tựu của Việt Nam của hơn 30 năm đổi mới vừa qua được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Phải có tình cảm yêu nước, yêu quê hương sâu sắc và một thái độ có văn hóa mới thấm thía hết giá trị những thành tựu của đất nước. Lịch sử phát triển của dân tộc là một dòng chảy liên tục có sự chọn lọc và kế thừa. Quay lưng với lịch sử, phủ nhận sự lựa chọn con đường đi của dân tộc là một thái độ vô trách nhiệm và cách xem xét thiếu căn cứ.
Nước ta vừa mới ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân tuy có được cải thiện, nhưng còn những khó khăn. Song, điều đó tuyệt nhiên không phải là lỗi ở sự lựa chọn con đường mà chúng ta đang đi, không phải là bản chất của chế độ mà chúng ta đang xây dựng như một số người cố tình gán ghép. Chiến tranh và sự đô hộ thực dân, đế quốc đã kéo lùi sự phát triển của đất nước chúng ta. Thái độ đúng đắn ở đây, không phải là kêu ca, phàn nàn, oán trách, đòi “ khắc phục sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội” để hòng “thay đổi chế độ chính trị”, mà phải ghé vai vào cùng với Đảng, với nhân dân đẩy lùi nghèo, đói, chấn hưng đất nước.
Trong điều kiện mới, trước sự phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chúng ta kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Sự kiên định đó không phải chỉ là tình cảm cách mạng, không chỉ là sự trung thành với truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, mà dựa trên sự đánh giá phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế một cách tỉnh táo và đúng đắn. Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, đi tiếp con đường đó là giải pháp tổng quát duy nhất đúng, tối ưu nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xây dựng một nước Việt Nam thực sự giàu mạnh, văn minh, nhân dân Việt nam thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc.
Dù trong những năm tới, tình hình sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn là xu thế phát triển của lịch sử xã hội loài người, là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nghiệp xây dựng xã hội mới là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với thế và lực của đất nước ta hiện nay, với sức mạnh thống nhất của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân sẽ tận dụng được thuận lợi, tranh thủ được thời cơ, khắc phục nguy cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi những mục tiêu theo con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn./.



1 nhận xét:

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...