ĐÁNH GIÁ SAI
LỆNH VỀ TỰ DO, DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM CỦA FH
Trần Trí Nam
Thời
gian qua, rất nhiều tổ chức phi chính phủ dựa vào các thông tin thiếu khách
quan, trung thực trên các phương tiện thông tin truyền thông để quy kết, đánh
giá sai lệnh về tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam. Mà một trong số đó là đánh
giá của tổ chức phi chính phủ Freedom House (FH).
Ngày
31/1/2017, FH - một tổ chức tự cho mình chức năng là “theo dõi tiến trình dân
chủ hóa toàn cầu, cũng như khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do
chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên
thế giới”, đã công bố phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên
thế giới. Trong đó, FH đã liệt Việt Nam vào 1 trong số 49 quốc gia trên thế
giới hoàn toàn không được tự do về nhiều mặt. Trong lời tuyên bố của mình, bà
Sarah Repucci (Giám đốc chuyên trách xuất bản toàn cầu của FH), nói rằng:
“Chúng tôi nhận thấy, năm nay Việt Nam chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm
ngoái, nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay
của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt”. Nếu theo dõi đầy đủ các bản báo
cáo của FH, chúng ta có thể nhận thấy hầu như năm nào, FH cũng cho rằng Việt
Nam là nước không có tự do, dân chủ. Đây chính là đánh giá hoàn toàn sai lệch
về tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam. Nói cách khác, đó chính là sự vu cáo
trắng trợn, mang tính áp đặt, thể hiện rõ ý đồ muốn lợi dụng chiêu bài dân chủ
- nhân quyền, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Vậy vì sao FH
lại đánh giá hoàn toàn sai lệch về tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam?
Thứ nhất, có thể trả lời
một cách chắc chắn cho bà Sarah Repucci cũng như toàn thể tổ chức FH rằng, Việt
Nam là một nước có tự do, dân chủ và đang ngày càng mở rộng, đảm bảo quyền tự
do, dân chủ của người dân. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn
khẳng định nhất quán việc phát triển giá trị tự do, dân chủ. Và tự do là một
trong 3 tiêu chí để xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Độc
lập – Tự do – Hạnh phúc). Tự do, dân chủ còn được văn bản có giá trị pháp lý
cao nhất ở Việt Nam là Hiến pháp hiến định từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa ra đời năm 1945 đến nay. Trong đó, riêng ở bản Hiến pháp mới nhất của
Việt Nam - Hiến pháp năm 2013, đã dành hẳn 1 chương để hiến định về quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này, phản ánh nội dung quyền
con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thông qua các chế định từ Điều
14 đến Điều 49, chương II (36 điều), hiến định một cách đầy đủ, toàn diện các
quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Việt Nam, cũng như
việc bảo đảm các quyền đó. Đề cập về quyền tự do, Điều 23, 24, 25, Hiến pháp
2013 hiến định các quyền tự do về đi lại và cư trú; tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu
tình. Tuy nhiên các quyền tự do này đều phải tuân theo pháp luật, chứ không
chấp nhận tự do tùy tiện, vô nguyên tắc dẫn tới xâm hại đến lợi ích, quyền của con
người, cũng như lợi ích của quốc gia dân tộc.
Thứ hai, thực tế trong những
năm vừa qua, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn chú ý đảm bảo
quyền tự do, dân chủ về chính trị của nhân dân. Người dân được trực tiếp lựa
chọn người lãnh đạo của mình, được trực tiếp tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội
– cơ quan quyền lực cao nhất, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và tham
gia bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Người dân được quyền cho ý kiến
về hoạt động của cơ quan công quyền thông qua hình thức dân chủ đại diện hoặc
dân chủ trực tiếp. Vì vậy, quan điểm của FH cho rằng có rất nhiều nhà hoạt động
đối lập bị bắt giữ, bị phạt tù là hoàn toàn vô lý. Bởi lẽ, nhà hoạt động đối
lập đó là ai khác ngoài Cấn Thị Thêu, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị
Nga,… Đây là những đối tượng đã nhận tiền từ các tổ chức phản động bên ngoài,
lợi dụng tự do ngôn luận để tuyên truyền xuyên tạc, kích động người dân gây rối
trật tự công cộng, gây dư luận xấu trong nhân dân, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn quyết tâm
chống đối, hòng nhận thêm tiền viện trợ từ bên ngoài. Việc bắt giữ các đối
tượng trên là thực hiện đúng quy định của pháp luật, được nhân dân địa phương
ủng hộ, hoàn toàn không phải là đàn áp người bất đồng với chính quyền. Đây là
một hành động nhằm đảm bảo đúng đắn việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của
nhân dân Việt Nam. Và trên thực tế, rất nhiều quốc gia đều tiến hành bắt giữ các
đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, vu cáo chính quyền, kích động
người dân gây rối như: Singgapo, Anh, Nga,… và cả ở Mỹ.
Thứ ba, tình hình tự do
báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam ngày càng được thực thi hiệu quả. Những năm
qua, hầu hết người dân Việt Nam đều được thụ hưởng thành tựu về sự phát triển
như vũ bão của các cơ quan thông tin đại chúng, mà nổi bật là báo chí, xuất
bản. Trong đó, báo mạng có sự phát triển hết sức mạnh mẽ. Theo số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, đến hết
năm 2015, Việt Nam có 858 cơ quan báo chí. Trong đó có: 199 cơ quan báo in
chiếm 24% (86 báo trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và
659 tạp chí chiếm 76% (522 tạp chí trung ương, các bộ, ngành, trường đại học và
viện nghiên cứu; 137 tạp chí địa phương); 105 cơ quan báo điện tử (Trong đó có:
83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc
lập), 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát
thanh, truyền hình (Trong đó có: 02 đài Trung ương, 64 đài địa phương (riêng
TP. Hồ Chí Minh có 02 đài: Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói
nhân dân TP. Hồ Chí Minh); có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động
trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài[1].
Hiện
nay, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực về sự phát triển của
Internet, với gần 50 triệu người dùng (chiếm 52% dân số cả nước[2]).
Tỉ lệ phủ sóng phát thanh đạt 98%; tỉ lệ phủ sóng truyền hình đạt 98%[3].
Đây cũng chính là kênh thông tin để người dân nâng cao nhận thức về tình hình
mọi mặt của đất nước, cũng như quốc tế. Và từ lâu Việt Nam đã không có vùng cấm
trong báo chí, báo chí đã tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước,
góp phần vào việc thực hiện đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước, phanh phui ra hàng trăm trường hợp các quan chức tham ô, tham nhũng, trực
tiếp đấu tranh vào những mảng tối nhất của xã hội. Vậy nếu Nhà nước không đảm
bảo quyền tự do báo chí, liệu báo chí Việt Nam có phát triển như vậy không? Vì
thế, đánh giá của FH khi cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí, tự do thông
tin và tự do mạng là thiếu khách quan và áp đặt.
Thứ tư, thực chất
nguyên tắc tổ chức và hoạt động của FH chỉ là tổ chức do Chính phủ Mỹ dựng ra
nhằm mục đích áp đặt quan điểm chính trị về tự do kiểu Mỹ. Xem lại lịch sử, dễ
nhận thấy rằng, từ khi bắt đầu được thành lập năm1941, FH đã là “cỗ máy tuyên
truyền” do cố Tổng thống Roosevelt lập ra, nhằm thực hiện những ý đồ chính trị
của chính quyền Mĩ, cổ súy giá trị tự do của Mĩ. Trong chiến tranh lạnh, FH
phát động chương trình đào tạo về nhân quyền cho các phần tử chống đối ở Ðông
và Trung Âu; khuyến khích công đoàn và người lao động tham gia các hoạt động bí
mật, qua đó can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước ở Ðông và Trung Âu.
Hầu hết kinh phí của FH do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, và có liên quan trực tiếp
tới rất nhiều các quan chức của Chính phủ Mỹ. Do vậy, có thể khẳng định, đứng
sau FH chính là Chính phủ Mỹ, nhằm sử dụng tổ chức này như một công cụ, núp
dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, coi “nhân quyền” cao hơn chủ quyền để can
thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Như vậy, đánh giá của FH về tự do, dân chủ ở
Việt Nam năm 2017, là hoàn toàn sai lệch và mang tính áp đặt về chính trị. Đánh
giá đó đi ngược lại với kết quả về thực hiện quyền tự do, dân chủ ở Việt Nam
những năm qua. Và về thực chất thì FH chẳng qua cũng chỉ là công cụ mà Chính
phủ Mỹ lợi dụng để xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ trên thế giới, tuyên
truyền giá trị tự do kiểu Mĩ với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đảng,
Nhà nước và nhân dân Việt Nam không chấp nhận các đánh giá mang tính bịa đặt,
vu cáo và xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam. Thực tiễn
tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam đã khẳng định quyền tự do, dân chủ là quyền
cơ bản của con người, công dân và luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm
thông qua các chính sách nhất quán và được pháp luật quy định, cũng như bảo đảm
thực thi trên thực tế./.
[1]
http://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/116095/Tinh-hinh-phat-trien-linh-vuc-bao-chi-va-phat-thanh-truyen-hinh-nam-2015.html
[2]
http://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/116095/Tinh-hinh-phat-trien-linh-vuc-bao-chi-va-phat-thanh-truyen-hinh-nam-2015.html
[3]
http://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/116095/Tinh-hinh-phat-trien-linh-vuc-bao-chi-va-phat-thanh-truyen-hinh-nam-2015.html
Bài viết rất xác đáng và vạch rõ âm muu của FH
Trả lờiXóa