Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

ĐẰNG SAU SỰ TUYỆT ĐỐI HÓA TƯ TƯỞNG
HỒ CHÍ MINH VÀ PHỦ NHẬN CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN
                                                                  Lê Huy
Trong lịch sử tồn tại, phát triển của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin đã có không ít kẻ thù chống phá từ nhiều phía. Có ý kiến cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã “bỏ rơi” con người. Đây là một sự xuyên tạc cố ý, bởi lẽ, con người vừa là xuất phát điểm, vừa là động lực, lại vừa là mục đích của chủ nghĩa Mác - Lênin. Một trong những điểm khác căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin với các trào lưu tư tưởng khác là ở chỗ, chủ nghĩa Mác - Lênin không có mục đích nào ngoài sự giải phóng triệt để con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, làm chủ đất nước, xã hội và làm chủ bản thân mình.
Cũng có một số quan điểm cho rằng, chính sự sụp đổ của CNXH ở Liên xô và Đông Âu đã chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp. Sai lầm của quan niệm này là đã đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH giáo điều, khép kín với chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn đổi mới, mở cửa, cải cách với những thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội ở các nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba đã bác bỏ trên thực tế quan niệm sai lầm này.
Đặc biệt vừa qua, có quan điểm cho rằng, thời đại đã đổi thay nên chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên không còn phù hợp nữa, đã lỗi thời, lạc hậu với thời cuộc. Vì thế, ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần chủ nghĩa Mác - Lênin.v.v. Đây thực sự không có gì mới cả, bởi lẽ, trong nhiều năm qua, đã có một số người Việt Nam thiếu thiện chí, mang nặng tư tưởng hằn học, nhân danh “tự do ngôn luận”…ra sức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Lúc thì họ phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc theo họ nếu có thì tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng qua chỉ là sự hội tụ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và học thuyết của Khổng Tử mà thôi… Đó là những con người mà chúng ta đều không lạ gì họ như: Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Nguyễn Minh Cần, Minh Võ… Có điều, hiện nay để tiếp tục lừa mỵ được nhiều hơn những người Việt Nam thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh, thiếu thiện chí…cả tin đi theo họ và tán dương ủng hộ chiêu bài của họ mà thôi. Thực chất của những luận điệu đó của họ đều nhằm hướng đích là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng để đi tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Chúng ta còn nhớ, cách đây hơn mười năm, ông Minh Võ cũng đã nêu lên rằng “chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx là sai lầm, dối trá, tàn ác, phản nhân đạo, phản dân tộc. Đó là sự khẳng định thiếu thiện chí, bởi lẽ cũng như Trần Mạnh Hảo, ông Minh Võ đã không hiểu gì về Marx mà lại nhận xét Marx như vậy. Trong khi đó, thế giới ngày nay đánh giá cao những đóng góp vĩ đại của Marx. Vị trí của Marx trong số những tư tưởng gia vĩ đại của thế giới như thế nào? Ngày 13-7-2005, theo kết quả thăm dò ý kiến thính giả của đài BBC Radio, trong số 20 tư tưởng gia được biết đến, kính trọng và có ảnh hưởng nhiều nhất, thì Marx được tôn vinh là một triết gia vĩ đại nhất của mọi thời đại!
Chúng ta biết rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết chính trị do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập, sau này được Lênin bảo vệ và phát triển trong điều kiện mới. Bản thân Lênin cũng đã đánh giá: “Học thuyết của Mác là một học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là học thuyết hoàn bị và chặt chẽ, nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”[1].
Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường cứu nước để giải phóng dân tộc, khi tiếp cận được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Người đã tìm thấy ở đó con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[2]. Sau sày, Người tiếp tục đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Trả lời cuộc Họp báo tại Biệt thự Roayan Mông xô (Pháp - 12/7/1946), Người nêu rõ: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”[3]. Người khẳng định: “Chúng tôi là những kẻ chiến thắng hiện tại cũng như trong tương lai, vì con đường đi của chúng tôi được học thuyết vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng”[4].
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là cách mạng và khoa học nhất. Bởi bì theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin đã kế thừa và phát triển tất cả những gì tốt đẹp nhất mà loài người đã sáng tạo ra ở thế kỷ XIX; chủ nghĩa Mác - Lênin đã phát hiện ra những quy luật khách quan phát triển của cả tự nhiên và xã hội; là thế giới quan, hệ tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân trong nhiệm vụ xây dựng lại xã hội một cách cách mạng; chủ nghĩa Mác - Lênin luôn gắn với thực tiễn vận động, phát triển; chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một lý luận tư biện, mà là một lý luận khoa học gắn liền với phong trào cách mạng hiện thực; là sự tổng kết và phản ánh về mặt lý luận, thực tiễn của phong trào ấy với cả những bước thăng, trầm, cao trào và thoái trào; chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết về sự giải phóng con người một cách toàn diện và triệt để nhất.
Chủ nghĩa Mác - Lênin mà hạt nhân của nó là phép biện chứng duy vật, có những cơ sở khoa học mới để tiếp tục khẳng định và phát triển. Về mặt xã hội, sự tồn tại và khả năng tự điều chỉnh, phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại không nói lên sự lạc hậu, lỗi thời của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thời đại ngày nay vẫn còn giai cấp, áp bức giai cấp và đấu tranh giai cấp, còn bất công, bất bình đẳng xã hội. Mà bước vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, bất công, bất bình đẳng có xu hướng trầm trọng hơn. Chủ nghĩa tư bản hiện đại không có khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu bức xúc, mặc dù điều kiện kỹ thuật để giải quyết các vấn đề ấy ngày càng tốt hơn. Chủ nghĩa tư bản dù là “hiện đại” cũng khó có thể thoả mãn những ước nguyện của con người về lẽ công bằng, về hạnh phúc và niềm vui.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), đã nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”[5].
Rõ ràng, chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận quan trọng, quyết định sự hình thành, phát triển và bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin trang bị cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận biện chứng và khoa học nhằm chỉ đạo hoạt động nhận thức và thực tiễn của Người. Như Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Theo chủ nghĩa Mác thì chẳng những cần hiểu biết quy luật thế giới để giải thích thế giới, mà còn phải dùng sự hiểu biết ấy để cải tạo thế giới”[6].
Chủ nghĩa Mác - Lênin là nhân tố quyết định bản chất giai cấp công nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản. Theo Người: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[7].
Chủ nghĩa Mác - Lênin là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh. Toàn bộ nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh đều là sự nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin. Tất cả những nguyên lý, quy luật, phạm trù của tư tưởng Hồ Chí Minh có phần cốt lõi từ chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nhờ có phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh tìm ra được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, vạch ra được bản chất của mọi hiện tượng, quá trình chuyển biến của cách mạng Việt Nam. Bản chất giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin quyết định bản chất giai cấp công nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh. Và bản chất đó được thể hiện xuyên suốt trong mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin có ảnh hưởng đến giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận mãi mãi xanh tươi mà mạch nguồn chủ của nó là phép biện chứng duy vật. Theo đó, dựa vào đó tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc và thời đại. Thế giới có đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi.
Chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất là một hệ thống mở, không ngừng phát triển cũng là đòi hỏi đáp ứng yêu cầu nội tại, thiết thực của chính chủ nghĩa Mác - Lênin; mặt khác, chỉ có phát triển, thông qua phát triển và bằng phát triển thì chủ nghĩa Mác - Lênin mới thể hiện được sức sống của mình đối với thời đại. Tuy nhiên, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phải trên những nguyên tắc cơ bản: Một là, tiếp tục làm sáng tỏ, làm giàu thêm và khẳng định bản chất cách mạng, khoa học vốn có của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới. Hai là, bổ sung, phát triển phải trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điểm nào trước đây đúng, bây giờ vẫn đúng; những luận điểm nào trước đây đúng nhưng vì ta nhận thức sai, bây giờ phải nhận thức lại cho đúng; những luận điểm nào trước đây đúng nhưng bây giờ do thực tiễn đổi thay nên không còn phù hợp; những điểm cần bổ sung vào lý luận Mác - Lênin do thực tiễn mới, do sự phát triển của khoa học, công nghệ yêu cầu.
Tóm lại, cho đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng nhiệm vụ lịch sử nhằm giải phóng triệt để con người, mà chưa có học thuyết nào có thể thay thế được. Cũng vì thế, nếu phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn sai lầm, phản khoa học và thiếu thiện chí. Âm mưu của họ là tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin; làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh mất cơ sở khoa học; từ đó phủ nhận tính cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, để rồi phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay./.



[1] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.49,50.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.313.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83,84.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.127.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...