Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí đặc biệt của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Người thường xuyên động viên tuổi trẻ tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập vươn lên để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967).
Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm sức vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam thành lớp chiến sĩ cách mạng kiên cường, anh dũng. Xuất phát từ sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khách quan vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Người đặc biệt quan tâm vấn đề giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa "chuyên"(1). Đây chính là sự tổng kết lý luận và thực tiễn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc và cũng là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá thanh niên với tất cả những ưu điểm vốn có của họ, coi họ là “bộ phận quan trọng của dân tộc”, là “lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”. Người cho rằng, thanh niên chính là lực lượng xung kích trong mọi công việc. “Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên”(2) và để kế thừa được truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, kế thừa sự nghiệp cách mạng, nhất thiết thanh niên phải có đạo đức cách mạng. Trong mối quan hệ giữa đạo đức với tài năng, Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc, nó quyết định sức mạnh tinh thần to lớn của con người, sức mạnh của đoàn kết, nhờ đó mà đạo đức góp phần to lớn vào việc quyết định sự thành bại của cách mạng nước ta.
Chính vì vậy, Người luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ. Một mặt, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò và sức mạnh của thanh niên, nhưng mặt khác, Người cũng thẳng thắn nêu lên những nhược điểm, những thiếu sót của thanh niên. Đó là sự thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, một số chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, bệnh cá nhân, tự cao, tự đại… Người yêu cầu mọi thanh niên phải chống tâm lý tư lợi, ham sung sướng, tránh khó nhọc, chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; chống bệnh lười biếng, xa xỉ; chống kiêu ngạo, giả dối, hình thức, khoe khoang… Phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu là con đường để tự hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Muốn làm được điều đó, thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho tuổi trẻ là nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước và là người cách mạng chân chính… Đó là những con người “vừa có đức, vừa có tài” hoặc “vừa hồng, vừa chuyên”. Bởi, trong mối quan hệ đức - tài, hồng - chuyên, Người coi “đạo đức là cái gốc của người cách mạng” và Người dạy, thanh niên ta phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đặc biệt, mục đích quan trọng hàng đầu của giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên là để tạo nguồn cán bộ cho cách mạng.
Người căn dặn kỹ, phải giáo dục họ “luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”(3), đó chính là những giá trị tốt đẹp trong phẩm chất của một người cách mạng chân chính. Giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng cống hiến hết mình để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”(4).
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”(5). Mục tiêu đặt ra là: “Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hoá, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể trở thành những công dân tốt của đất nước”(6).
Thực hiện lời dạy của Chủ tich Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta coi công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển toàn diện thế hệ trẻ cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe và nghề nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện để thanh niên có việc làm, phát huy tài năng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả. Hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh niên ngày càng được hoàn thiện. Giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường và đổi mới. Nhờ đó trong các thời kỳ cách mạng, thanh niên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần yêu nước, hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, kế tục và phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Thanh niên Việt Nam ngày nay có hạnh phúc được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Họ đã và đang thừa hưởng những thành quả đấu tranh do cha ông để lại. Họ đang đi theo con đường mà dân tộc, Đảng, Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Họ cũng đang tiếp tục thực hiện những quan điểm định hướng cho việc giáo dục đào tạo thanh niên của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng trở thành những chủ nhân tốt của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Nhìn chung, thế hệ trẻ Việt Nam được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ngày một tốt hơn; phần lớn thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, thanh niên ngày nay đã phát huy truyền thống, hăng hái, sôi nổi, đi đầu trong các phong trào thi đua sôi nổi, như các phong trào: “thanh niên lập nghiệp”, “tuổi trẻ giữ nước”, “thanh niên tình nguyện”..., góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Thế hệ thanh niên ngày nay đã kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang xuất hiện những nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà hoạt động nghệ thuật có đức, có tài trong độ tuổi thanh niên. Nét nổi bật của thanh niên nước ta là ý chí vươn lên, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ham mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tuyệt đại bộ phận thanh niên vẫn là cánh tay đắc lực của Đoàn, cơ bản giữ vững đạo đức cách mạng, sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn lên. Thanh niên sống có hoài bão, có lý tưởng, có niềm tin ở tương lai tươi sáng của dân tộc. Họ dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng, lên án cái xấu, cái ác như tham nhũng, lãng phí… Những tấm gương cao đẹp hy sinh thân mình vì hạnh phúc của nhân dân luôn được tuổi trẻ ngưỡng mộ, học tập và làm theo. Điều đó cho thấy, thanh niên nước ta ngày nay vẫn ý thức rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, mong muốn được đóng góp vào công việc xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mong ước.
Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt những âm mưu thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến cho không ít người chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; có thái độ thờ ơ, bàng quan trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước, không muốn tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, không muốn phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng. Một số thanh niên phạm vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ án được khám phá trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ phạm tội trong thanh niên có chiều hướng gia tăng. Điều nguy hiểm hiện nay là đã xuất hiện một bộ phận thanh niên tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi trọng đồng tiền; tỏ ra lười học tập và rèn luyện, không có động cơ học tập đúng đắn, thiếu sự tự giác phấn đấu rèn luyện…
Một số giải pháp tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên hiện nay
Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Tổ chức đoàn, hội chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Trước những diễn biến của thời đại ngày nay, cần chú trọng nội dung giáo dục thanh niên về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường giáo dục cho thanh niên nắm vững tính cách mạng, khoa học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế trong sáng của thanh niên; về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng, củng cố tổ chức đoàn vững mạnh, làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục thanh niên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(7). Để tập hợp, thu hút được đông đảo thanh niên, trước hết, Đoàn phải chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác ngay từ đầu năm, ký kết chương trình liên tịch phối hợp hoạt động với các tổ chức đoàn thể - hội nhằm cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy đảng, lãnh đạo của địa phương, đơn vị mình và của đoàn cấp trên, nghị quyết đại hội đoàn cấp mình. Chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng về cơ chế, nội dung trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, trong chỉ đạo các hoạt động phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, hội để thực hiện tốt công tác thanh niên; đặc biệt, phải chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, nhu cầu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, đề xuất của từng đoàn viên thanh niên để khuyến khích thanh niên tự giác tham gia các hoạt động đoàn.
Ba là, tăng cường giáo dục cho thanh niên hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường; giáo dục, xây dựng tình bạn, tình yêu chân chính, trong sáng, lành mạnh; xây dựng ý thức công dân, chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam..., làm cho thanh niên có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về những vấn đề lý luận, thực tiễn xã hội đặt ra, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Bốn là, gắn bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên với các phong trào thực tiễn. Đặc biệt là triển khai hiệu quả ba phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” cho phù hợp với đặc thù của từng nhóm thanh niên ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền và nhất là tổ chức đoàn các cấp cần tổ chức và có cơ chế khuyến khích thanh niên tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các hoạt động có ích cho xã hội như: giúp đỡ người neo đơn, hiến máu nhân đạo, thanh niên tình nguyện, các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa... Tham gia những hoạt động đó sẽ cho giúp thanh niên sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn cho bản thân và có ích cho cộng đồng.
Năm là, các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn cần phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Bên cạnh đó, cần quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống.
Mỗi thanh niên cần xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng. Thanh niên cần phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ; vượt qua mọi khó khăn gian khổ như Bác Hồ đã dạy: “gian nan rèn luyện mới thành công”.
-------------------------------
(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 15, tr.622, 507.
(2), (7) Sđd, tập 12, tr.18, 420.
(4) Sđd, tập 11, tr.612.
(5), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2008, tr.41, 43.
Nguồn: Tạp chí XDĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét