Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định, đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Hôm nay, ngày 29/11, đoàn đại biểu Việt nam lên đường đến Thụy Sỹ nhằm bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 tại Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước ở Geneve. Công ước CERD ra đời năm 1965, là một trong 9 Công ước quốc tế cơ bản nhằm bảo đảm quyền con người, quy định các thành viên phải bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi thành viên bao gồm cả sự khác biệt về chủng tộc. Hiện đã có 181 quốc gia trên thế giới là thành viên của Công ước này.
Bà Trần Chi Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết, Báo cáo công ước CERD lần thứ 5 của Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các dân tộc thiểu số như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tại Điều 1 Công ước CERD; Chia sẻ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023; Khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, và những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng.
Năm 1982, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước CERD, từ đó đến nay đã có 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của các quốc gia thành viên. Việt Nam cũng nghiêm túc ghi nhận các khuyến nghị phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trên cơ sở này, Việt Nam đã nội luật hóa, bổ sung nhiều quy định pháp luật cụ thể, xây dựng, hoạch định chính sách tạo ra một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh nhằm bảo đảm quyền dân sự chính trị; quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Trong những năm qua, ấn tượng nhất trong những thành tựu đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam là thành tựu bao phủ bảo hiểm y tế với gần 100% và đây là một chính sách tốt đẹp, chỉ ở Việt Nam mới có. Bên cạnh đó là các chính sách trong đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển 5 trường dự bị đại học về Uỷ ban Dân tộc quản lý nhằm tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường này để thu hút học sinh dân tộc thiểu số theo học. Việt Nam có hệ thống gần 400 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, mở ra cơ hội phát triển giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số…
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: "Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV hiện nay có 89/499 đại biểu của 32 dân tộc thiểu số, đạt 17,8 % cao nhất so với các khóa Quốc hội và cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong tổng số dân (14,6%). Đến nay đã có tổng số 52/54 dân tộc có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Đáng chú ý, Quốc hội khóa XIV ghi nhận lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người) và khóa XV ghi nhận lần đầu tiên có đại diện của dân tộc Brâu (dân số dưới 1.000 người) và dân tộc Lự (dân số 6.000 người).
Ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản địa
Việt Nam là quốc gia thống nhất với 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14,1 triệu người, sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Khác với nhiều quốc gia đa dân tộc, các dân tộc thiểu số Việt Nam không có khu vực lãnh thổ riêng, sống xen kẽ với nhau. Trình độ phát triển về KT - XH của các dân tộc thiểu số thường thấp hơn, khó khăn hơn so với dân tộc Kinh. Đây là một vấn đề do địa bàn cư trú và lịch sử để lại. Mục tiêu của Việt Nam là bảo đảm quyền của các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Duyên hải miền Trung.
Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc hoặc kích động thù hằn dân tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật công chức, Luật viên chức, Luật Lao động, NĐ88/2015/ND-CP,…)
Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền của Chính phủ cho biết, ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản địa mà chỉ có có các khái niệm phổ biến là dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số rất ít người. Những nội dung này đã được thể hiện rất rõ trong Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013; và tại các văn bản luật: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự…
“Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia lớn, dành ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được triển khai và đã đem lại thành quả to lớn, hiệu quả thiết thực như: Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở; Chương trình 135 phát triển KT - XH cho các xã đặc biệt khó khăn, cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; Chương trình KT - XH thực hiện Nghị quyết 30a thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho 62 huyện nghèo trong toàn quốc… Nhờ những chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt”- ông Nguyễn Văn Kỷ cho hay.
Có thể nói, việc tham gia Công ước CERD là cơ hội để Việt Nam trao đổi, hợp tác với các quốc gia, tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ hướng đến mục tiêu tất cả dân tộc đều được thụ hưởng các quyền cơ bản của con người gồm các quyền dân sự-chính trị và quyền kinh tế-xã hội-văn hóa.
Bên cạnh đó, lợi ích của Việt Nam khi tham gia công ước CERD là được Ủy ban Công ước hỗ trợ giám sát. Thông qua “kết luận quan sát”, Nhà nước Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng các trí thức, luật pháp quốc tế, kinh nghiệm, thực tiễn của các quốc gia thành viên trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Báo: VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét