Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

THƯ GỬI TỔNG THỐNG HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

                                                                                              Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 1946 

Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Nội Gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Oasinhtơn, D.C. 

 Ngài Tổng thống kính mến,  Nhân dịp này tôi xin được cảm ơn Ngài cùng nhân dân Hoa Kỳ

về sự quan tâm có lợi cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của Ngài tại tổ chức Liên hợp quốc đã bày tỏ.  Nhân dân Việt Nam chúng tôi, ngay từ năm 1941, đã đứng về phe các nước Đồng minh và chiến đấu chống lại người Nhật và những kẻ cấu kết với họ là bọn thực dân Pháp.  Từ năm 1941 đến năm 1945, chúng tôi đã chiến đấu gian khổ và duy trì được là nhờ chủ nghĩa yêu nước của đồng bào chúng tôi, và nhờ những cam kết của các nước Đồng minh tại Yanta, Xan Phranxixcô và Pôxđam.  Khi người Nhật bị đánh bại vào tháng 8-1945, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được thống nhất lại dưới một Chính phủ Cộng hòa lâm thời và Chính phủ này đã lập tức đi vào hoạt động. Trong năm tháng, hòa bình và trật tự được lập lại, một nền Cộng hòa Dân chủ được thiết lập trên những cơ sở pháp lý, và đã dành cho các nước Đồng minh sự giúp đỡ thoả đáng trong việc thực hiện sứ mệnh giải giáp của họ.  Nhưng thực dân Pháp, những kẻ trong thời chiến đã phản bội cả các nước Đồng minh lẫn nhân dân Việt Nam, đã quay lại và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn sát và không thương xót đối với chúng tôi hòng lập lại ách thống trị của họ. Cuộc xâm lăng của họ đã mở rộng ở Nam Việt Nam và đang đe dọa chúng tôi ở Bắc Việt Nam. Chỉ một bản tường trình vắn tắt về những tội ác và những vụ tàn sát mà họ gây ra mỗi ngày ở vùng chiến sự cũng đã có thể kín nhiều tập giấy rồi.  Sự xâm lược này là trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới. Nó là một sự thách thức đối với thái độ đáng kính trọng mà Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã bày tỏ trước, trong và sau chiến tranh. Nó đối chọi với lập trường vững chắc mà Ngài đã nêu lên trong bản tuyên bố mười hai điểm và với tính cao thượng và khoan dung lý tưởng mà phái đoàn của Ngài gồm các ông Byrnes, Stetlitus và J.F.Dulles đã bày tỏ trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.  Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền Dân chủ vĩ đại. Liên hợp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến.  Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. 

An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.  Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philippin một cách quý báu. Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới.  Xin kính chào Ngài Tổng thống. 

                                                                                                                              Kính thư 

                                                                                                                        HỒ CHÍ MINH

 Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.202-204

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...