Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một số người có nhận thức chưa đúng, thậm chí những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị đã phê phán, phủ nhận giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện, bác bỏ những luận điệu sai trái này.
Thứ nhất, cho rằng Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng.
Một số người bị dao động về lập trường tư tưởng, hùa theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động khi cho rằng “không có tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Sinh thời, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm tốn tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng, nhưng trên thực tế, trong quá trình hoạt động cách mạng, tư tưởng của Người đã dần được hình thành và được bạn bè thế giới công nhận. Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”(1). Trong đó tiêu biểu là tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trước khi khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh xuất hiện thì thế giới đã thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tổ chức UNESCO khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”(2). Nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, các tổ chức tiến bộ trên thế giới đã thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng. Thực tiễn những thành tựu to lớn mà cách mạng Việt Nam đạt được nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh qua từng giai đoạn cách mạng đã củng cố vững chắc điều này.
Thứ hai, cố tình đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của Đảng.
Một số người có nhận thức lệch lạc khi một mặt họ cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh khác và đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin về bản chất; mặt khác, họ lại “tôn vinh” tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp giá trị, vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam.
Hai quan điểm này đều không đúng cả về lịch sử và logic. Về mặt lịch sử, Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là nguồn gốc quan trọng dẫn tới hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Về mặt logic, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với Chủ nghĩa Mác-Lênin về bản chất chứ không hề có sự mâu thuẫn, đối lập như suy luận, xuyên tạc của một số người.
Về quan điểm thứ nhất, một số người đã hùa theo các luận điệu xuyên tạc, nhận thức lệch lạc khi cho rằng, Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh đến đấu tranh. Luận điệu này đã làm dư luận hoài nghi về bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gây ra tâm lý hoang mang, dao động, chia rẽ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong Đảng, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Về quan điểm thứ hai, một số người cho rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin từng có giá trị nhưng đã bị lịch sử vượt qua. Những người này còn ngụy biện rằng, cho dù chưa bị lịch sử vượt qua thì Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng chỉ phù hợp với các nước phương Tây, còn tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với Việt Nam. Do đó, họ ra sức kêu gọi “chỉ cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bỏ qua Chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Từ đó họ cho rằng, nên đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ nên giữ lại tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Đây là quan điểm nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, song thực chất nhằm phủ nhận cả Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nếu tách tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi cội nguồn lý luận quan trọng nhất là Chủ nghĩa Mác-Lênin thì bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không còn những đặc tính khoa học, cách mạng, nhân văn như vốn có.
Bên cạnh đó, một số người đã cố tình vin vào cớ hiện nay “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” như trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra để thổi phồng những khuyết điểm của một số cán bộ thoái hóa, biến chất mà bỏ qua những ưu điểm mang tính bản chất của đa số cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Từ đó, họ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay cũng đã thoái hóa, biến chất, khác xa với lý tưởng, khát vọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ yêu cầu phải bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013, tức là xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đấu tranh tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên, mang bản chất cách mạng của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(3).
Vậy mà, khi Đảng kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, loại trừ các vấn nạn trong công tác cán bộ nhằm làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ thì một số người lại có nhận thức lệch lạc, cố tình vu khống, quy kết là Đảng ta “đấu đá nội bộ”, “đấu tranh giữa các phe phái vì quyền lực”. Họ làm ra vẻ khách quan khi dùng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh làm “hệ quy chiếu” để đánh giá, phán xét Đảng.
Danh nghĩa là họ đề cao Hồ Chí Minh nhưng thực chất lại đang hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Điều này gây hoang mang, mất niềm tin, chia rẽ nội bộ, đặc biệt, nó có thể làm một bộ phận dân chúng, thậm chí ngay cả một số ít văn nghệ sĩ, trí thức từng tin tưởng và kính trọng Hồ Chí Minh cũng có thể trở nên lung lay tư tưởng, rệu rã niềm tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, phủ nhận giá trị thực tiễn và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Một số người đã có nhận thức rất lệch lạc khi cho rằng, Hồ Chí Minh là “nhà dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là nhà mác-xít”, “không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” vì tư tưởng Hồ Chí Minh không phù hợp với điều kiện mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Những người này ra sức phủ nhận sự cần thiết và hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lý do họ đưa ra là Hồ Chí Minh là bậc thánh nhân trong khi chúng ta là người bình thường; Hồ Chí Minh là người đi theo chủ nghĩa khổ hạnh trong khi chúng ta đang có cuộc sống bình thường ở thế giới hiện đại.
Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa khổ hạnh và cũng chưa bao giờ tỏ ra mình là bậc thánh nhân, mà Người luôn yêu cầu cán bộ góp ý cho mình, rằng: “Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi”(4).
Những người này đã cố tình không hiểu rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học tinh thần tinh túy trong tư tưởng, phương pháp, phong cách của Người để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào trong thực tiễn như sinh thời Người đã học tập, vận dụng sáng tạo thành công Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, chứ không phải học rồi “làm theo” một cách máy móc để cho giống hoặc thành một “Hồ Chí Minh thứ hai”. Do đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp với lòng dân và có giá trị thiết thực trong việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số rất ít nhân vật trong lịch sử đã trở thành một phần của huyền thoại ngay từ khi còn sống. Cho đến nay, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Giá trị đó không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với nhân loại; không chỉ được khẳng định trong thế kỷ 20, mà còn được thể hiện trong hiện tại và tương lai. Đấu tranh chống các nhận thức lệch lạc, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nhằm bảo vệ nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Để việc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự thuyết phục, chúng ta phải có cái nhìn khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, không được chủ quan, áp đặt, thiên kiến hoặc máy móc trong việc nhận định, đánh giá, phản bác các luận điệu xuyên tạc tư tưởng của Người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”.
Nguồn: Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét