Rõ ràng, trong mỗi một thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam, ba nguyên tắc quan trọng này đã có những nội hàm cụ thể để thể hiện được tính thời đại, định hướng cho sự phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu của bối cảnh xã hội lúc đó.
Nếu như văn hóa kháng chiến là sự kết tinh của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng dân tộc, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt, thì trong thời bình, hội nhập quốc tế, đó lại là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn hóa làm nên sức mạnh mềm, bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam. Kết tinh thành các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn dắt sự phát triển của mỗi con người và toàn dân tộc, lan tỏa niềm tin và sự tự hào Việt Nam, đó là những gì được bắt đầu từ cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng về văn hóa: Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Đề cương được ra đời trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, trước khi chúng ta tiến hành khởi nghĩa, giành độc lập cho dân tộc, trong hoàn cảnh văn hóa nước nhà, về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản, đang gặp rất nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn với chiến tranh thế giới lần thứ hai làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa mạnh lên, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, trở thành một bản cương lĩnh về văn hóa, bổ sung cho cương lĩnh chính trị của Đảng, ở đó, Đảng ta quyết tâm cải tạo xã hội bằng văn hóa, thông qua cải cách, đổi mới về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Lần đầu tiên, Đảng ta công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác xít, văn hóa (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế) được xác định là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải đấu tranh, từ đó tạo nên thay đổi mang tính cách mạng trong nhận thức về văn hóa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, và sau này là bảo vệ và xây dựng đất nước.
Sau năm 1943, được truyền cảm hứng từ Đề cương, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), lần thứ hai (1948), cùng với đó là sự ra đời của các hội văn hóa cứu quốc, các hội văn học nghệ thuật với các triển lãm, hội nghị, hội thảo thường xuyên được tổ chức… đã lan tỏa những thông điệp tích cực từ văn hóa, nghệ thuật để ý nghĩa của bản Đề cương theo suốt chiều dài lịch sử đất nước. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, văn hóa là một lực lượng quan trọng để hình thành nên sức mạnh tinh thần cho đất nước, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, san bằng mọi cách biệt về kinh tế, quân sự. Từ việc tạo nên tinh thần yêu nước, xác định “văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, dẫn đến “tiếng hát át tiếng bom”, đến xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” để hình thành quyết tâm diệt giặc dốt. Từ đó đã hình thành nên một nền văn hóa cách mạng đáng tự hào, trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập cho toàn thế giới.
Văn hóa truyền thống đang được nhiều người trẻ trân trọng giữ gìn và tiếp nối.Ảnh: MINH LÊ |
Nội hàm và sức sống mới
Trong bối cảnh đất nước hiện nay, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, đồng thời mang nội hàm và sức sống mới. Ở thời kỳ hội nhập quốc tế, khi sự xâm lăng văn hóa với hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” không chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, mà còn nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực văn hóa, thì giữ gìn văn hóa dân tộc, chủ quyền văn hóa quốc gia trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Kế thừa nguyên tắc dân tộc hóa trong Đề cương, chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới làm giàu có hơn cho bản sắc dân tộc. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”…
Nhằm phát huy hơn nữa giá trị của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 trong bối cảnh ngày hôm nay, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Đề cương nói riêng, sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nhất thiết chúng ta cần cập nhật những nội dung mới, phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại. Để kế thừa và bổ sung những giá trị của bản Đề cương, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, văn kiện nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) và đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Các văn kiện này đã cụ thể hóa ba nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương. Qua các lần bổ sung ấy, những nội dung mới như nguyên tắc dân tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở đó, “Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”.
Đối với nguyên tắc khoa học hóa, chúng ta cần hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân-thiện-mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập trở thành nhiệm vụ xuyên suốt qua các Nghị quyết của Đảng về văn hóa.
Bên cạnh đó, quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng là sự bổ sung cho nguyên tắc đại chúng hóa trong phát triển văn hóa của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa”. (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc).
Đến năm 2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ở đó, văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin, khát vọng cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong bài Kết luận Hội nghị của Tổng Bí thư, sáu nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển văn hóa được nêu ra, đặc biệt là khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa; Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư... đã trở thành sự cập nhật, bổ sung những nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Giờ đây văn hóa có vị trí rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một chủ trương mang tính đột phá để văn hóa lan tỏa sức mạnh của mình sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) một lần nữa khẳng định tinh thần của bản Đề cương “văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”, để sức sống mới của văn hóa tạo nên mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
Luôn là chỗ dựa vững chắc
Văn hóa ngày hôm nay đã có nhiều khác biệt so với bối cảnh của những năm 1940 của thế kỷ trước. Đời sống văn hóa đa dạng và phong phú hơn. Nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân cao hơn. Tác động của văn hóa thế giới đến văn hóa Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn. Đảng và Nhà nước ta cũng có nhiều điều kiện hơn trong chăm sóc đời sống văn hóa cho nhân dân. Thuận lợi và thách thức đan xen trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam khiến chúng ta cần tìm những giải pháp phù hợp để phát triển văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó, những giá trị trường tồn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam chính là một trong những chỗ dựa vững chắc, đã được kiểm chứng qua thời gian, giúp chúng ta khẳng định sức mạnh văn hóa Việt Nam.
Bối cảnh xã hội hiện thời càng cần phát huy hơn nữa vai trò của văn hóa để hình thành nên hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra hành trang, bản lĩnh và sự tự tin để đất nước hội nhập tốt hơn vào một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng. Vì văn hóa liên quan đến toàn bộ xã hội, nên những nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cần phải được thẩm thấu vào trong toàn bộ hệ thống luật pháp, trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả đất nước và từng địa phương. Điều đó giúp lan tỏa sức sống lâu bền của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
* Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét