Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), Tổng Bí thư đã có bài viết với tiêu đề “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong khi tập trung trả lời 4 câu hỏi: chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?; Tổng Bí thư đã nhấn mạnh cách thức để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó Tổng Bí thư khẳng định: “nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa” . Nghiên cứu quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn đảng của Tổng Bí thư trong bài viết, có thể nhận thức trên các vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ then chốt, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự lãnh đạo của đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN. Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, có thể khẳng định: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” . Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vì thế, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, tăng cường xây dựng đảng về chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng
Cùng với tăng cường xây dựng đảng về chính trị, đòi hỏi đảng phải đồng thời nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của đảng. Nếu có bản lĩnh chính trị nhưng không có trình độ trí tuệ, không có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, thiếu sức chiến đấu thì đảng không có sức mạnh thực lực. Tổng Bí thư chỉ rõ phải tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trình độ, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, cầm quyền trong hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách, phù hợp với thực tiễn việt nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai thực hiện đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Thứ ba, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, nâng tầm tư duy lý luận, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, phục vụ hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước
Xuất phát từ thực trạng và những yêu cầu của công tác tư tưởng, lý luận, tổng bí thư đã chỉ rõ: “không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”, “phải có tầm nhìn vượt trước” . Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa chính trị
Tổng Bí thư chỉ rõ, phải tập trung xây dựng đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ chí minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, đảng viên, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư chỉ rõ, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Thứ sáu, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng
Tổng Bí thư khẳng định: “một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên” . Để củng cố niềm tin của nhân dân, Tổng Bí thư yêu cầu phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, suy thoái về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho đảng thật sự là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Bảy là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng
Tổng Bí thư chỉ rõ, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng toàn diện phải gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đặc biệt là cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị “bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất”; “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”; “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét