Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Đối ngoại quốc phòng từ một góc nhìn

Qua hai phần ba thế kỷ, ngành đối ngoại toàn quân đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nhất là mỗi lần chuyển hướng chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

 Đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân luôn chủ động vượt qua những thách thức, khó khăn để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, và nhiều lần đã “đi trước một bước” như sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Đại thắng mùa Xuân 1975, sau năm 1979 và thời kỳ đổi mới.

Thật vậy, qua các thời kỳ, ĐNQP đều đóng góp ở góc độ này hay góc độ khác, của từng nhóm, tổ, phòng và các cơ quan đối ngoại cũng như liên quan đến đối ngoại của toàn quân, gặt hái được nhiều thành tích quan trọng và được Đảng, Nhà nước, quân đội khen thưởng ở rất nhiều cấp trong thực hiện nhiệm vụ ĐNQP ở mức cao.

Những năm gần đây, ĐNQP đã chủ động thực hiện rất rõ việc “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Để tạo nên sức mạnh đó, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động tuần tra chung trên biển, tổ chức các cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với quân đội các nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hoạt động này không chỉ thể hiện tinh thần “độc lập, tự chủ” mà còn cho thấy sự chủ động, sáng tạo của Quân đội ta trong duy trì và phát triển quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hợp tác song phương với quân đội các nước cũng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, học tập kinh nghiệm về vũ khí, trang bị kỹ thuật, từ đó chủ động xây dựng quân đội từng bước hiện đại.

Trong hợp tác đa phương ở các diễn đàn quốc tế, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), những thành công, thành tích mà công tác ĐNQP đã đạt được cũng rất đáng trân trọng và cần được biểu dương.

Lớp lớp cán bộ của ngành đối ngoại toàn quân ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác đều vận dụng sáng tạo các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, toàn quân, đại hội Đảng các cấp đúng hướng, đúng mục đích. 

Tuy vậy, nhìn thẳng vào sự thật và ở từng góc độ khác nhau sẽ thấy rằng, cán bộ các cấp, các cá nhân, tổ công tác, các phòng công tác trong từng thời kỳ và cả hiện nay còn có mặt này, mặt khác cần cố gắng hơn nữa để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi-những người đã kinh qua công tác ĐNQP, tự nhận thấy rằng so với yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, bản thân mình cũng có lúc chưa làm hết trách nhiệm cho đến khi về nghỉ. Nhớ lại và suy ngẫm, điều quan trọng nhất đối với những người làm công tác ĐNQP là phải quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, phải đặt ra câu hỏi giữa “Đảng và tôi”.

Nếu đặt Đảng lớn hơn “cái tôi” thì cơ quan, đơn vị thành công, thắng lợi, đoàn kết, dám nghĩ dám làm và ngược lại, nếu “cái tôi” lớn hơn thì đơn vị trung bình, mất đoàn kết, yếu kém. 

Các đại hội gần đây của Đảng và đặc biệt là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã chỉ ra những đòi hỏi cao hơn đối với nhiệm vụ đối ngoại nói chung và ĐNQP nói riêng. Trong tình hình thế giới hiện nay, diễn biến về địa chính trị, kinh tế, quân sự... rất khẩn trương và khó lường.

Vì thế, yêu cầu mà Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặt ra đó là ĐNQP cần vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa. Do vậy, chúng ta cần quán triệt các nghị quyết của Đảng và nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, từ đó xây dựng bản lĩnh chính trị để có nhãn quan nắm bắt, đánh giá tình hình, dự báo đúng, trúng, đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

Đặc biệt, cần chủ động bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thuộc các cơ quan, tổ chức làm công tác ĐNQP cũng như liên quan đến ĐNQP về năng lực tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy, phân công nhiệm vụ, chức trách rõ ràng, nhất là các nhóm, các tổ, phòng công tác.

Đồng thời phải xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác ĐNQP sao cho được cả đức và tài, luôn đặt Đảng lớn hơn “cái tôi” của bản thân. Bởi, tài nếu hướng dẫn kỹ thì có thể phát triển tốt, nhưng đức vẫn là “gốc” của cán bộ; còn nếu cán bộ lúc nào cũng đặt “cái tôi” lên trên thì khó sửa vô cùng.

Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay, tinh giản tổ chức biên chế trong quân đội là điều cần thiết song cũng cần nhìn vào những kinh nghiệm mà chúng ta đã đúc kết được. Đó là, những nơi có thể tinh giản hoặc những nơi có chức năng nhiệm vụ gần giống nhau cần tinh giản biên chế trước.

Đối với những nơi có chuyên môn, nhiệm vụ khác nhau, điều quan trọng nhất là phải đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng, xem xét đánh giá thật khách quan, từ đó loại bỏ dần những cán bộ có “cái tôi” lớn hơn và chọn lọc ra những người đủ đức, đủ tài. Như vậy thì đến năm 2025 ngành đối ngoại toàn quân mới có được một đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và liên quan đến đối ngoại “vừa hồng, vừa chuyên” trên mọi mặt trận.

Ngoài ra, cũng cần thường xuyên rút kinh nghiệm trong phạm vi cho phép ở từng cấp về nội dung, phương pháp, biện pháp triển khai các hoạt động liên quan tới ĐNQP. Chẳng hạn, các hoạt động tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam-Trung Quốc hay các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia dù đã cho thấy tính thiết thực, hiệu quả, nhưng sau mỗi lần tổ chức cần rút ra những kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao hơn.

Với lòng tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, với tình cảm chân thành và quý trọng, cá nhân tôi rất mong muốn đội ngũ cán bộ làm công tác ĐNQP hoặc liên quan đến ĐNQP tiếp tục trưởng thành, phục vụ tốt hơn nữa, đáp ứng sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân!

Báo: QĐNDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...