Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Ngày 7-4-1965: Bác căn dặn "Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một"

Ngày 7-4-1949, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Với sắc lệnh này, các đội du kích tập trung được phát triển thành các trung đội, đại đội bộ đội địa phương huyện và các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh. Bộ đội địa phương là những đơn vị Vệ quốc đoàn do Đảng bộ địa phương lãnh đạo, có nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và chính quyền địa phương, phát triển chiến tranh du kích, chống địch càn quét, dìu dắt dân quân, du kích xã, chuẩn bị chiến trường cho bộ đội chủ lực và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, bổ sung cho bộ đội chủ lực.

Ngày 7-4-1803, Ngô Thì Nhậm từ trần. Ngô Thì Nhậm sinh nǎm 1746 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ nhưng thất vọng vì chế độ Lê - Trịnh suy mạt. Đến với Nguyễn Huệ, ông hiến diệu kế "rút quân về Tam Điệp", góp phần đại thắng quân Thanh mùa Xuân nǎm Kỷ Dậu 1789. Ngô Thì Nhậm còn là cây bút tiêu biểu của Ngô Gia vǎn phái và là một nhà ngoại giao tài giỏi thời Tây Sơn. Ông đã được vua Quang Trung giao nhiệm vụ đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Ngày 7-4-1907: Ngày sinh đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí sinh ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí qua đời ngày 10-7-1986 tại Hà Nội. Đồng chí vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ nǎm 1930. Trong gần 60 nǎm hoạt động cách mạng, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà lý luận sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn có nhiều cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 7-4-1971: Trước áp lực của quần chúng và do chịu thêm nhiều thất bại quân sự, Tổng thống Hoa Kỳ R.Nixon tuyên bố sẽ rút một đợt 10.000 binh lính Mỹ khỏi Việt Nam. Ngay sau đó, cuộc biểu tình quần chúng Mỹ đã nổ ra ở thủ đô Washington với quy mô chưa từng có đòi chấm dứt ngay chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên bán đảo Đông Dương.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, đóng vai trò điều hòa các hoạt động y tế và chăm lo sức khỏe cho con người trên phạm vi toàn thế giới; hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc và các chính phủ nhằm tìm cách nâng cao sự hiểu biết trong lĩnh vực y tế, giúp đỡ kỹ thuật cho các nước trong việc bảo vệ sức khỏe con người. 

Ngày 7-4-1921, trên tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản), Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê bình một số đảng cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm nghiên cứu đến vấn đề cách mạng ở các thuộc địa một cách nghiêm túc. Về Đông Dương, bài báo viết: “Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”. 

Ngày 7-4-1947, Bác Hồ viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bùi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến) nhắc nhở phải thúc đẩy việc di chuyển các bộ rời khỏi các khu vực nguy hiểm. Bác căn dặn: Phải động viên các vị bộ trưởng hiểu, chịu khó mấy hôm mà an toàn hơn là cầu yên và nước đến chân mới nhảy và dặn họ giải thích với gia quyến họ... Phải cử người thạo việc đi theo để lúc gặp việc khó khăn biết cách giải quyết và biết nâng đỡ tinh thần của đàn bà, trẻ con. Phải làm cho mọi người ý thức rằng, cuộc kháng chiến là gian khổ và trường kỳ.

Ngày 7-4-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình chiến sự trên cả nước và một số vấn đề về ngoại giao. Bác lưu ý, việc tăng cường công tác vận động ngoại giao nhân dân, cần tuyên truyền về Tòa án xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Huân tước và triết gia nổi tiếng người Anh Bectơran Rytxen (Bertrand Roussell - năm đó đã 94 tuổi), một người có cảm tình đặc biệt đối với nhân dân ta, đề xướng để tranh thủ dư luận quốc tế.

Ngày 7-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các vị trong Bộ Chính trị đến họp tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch và ở lại dùng bữa với Bác. Đây là lần họp cuối cùng của Bộ Chính trị diễn ra khi có Bác.

Ngày 7-4-1965, với bút danh là Lê Nông, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm/một héc-ta” để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này và khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học - kỹ thuật, thực hành cần kiệm xây dựng và tự lực cánh sinh, chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí. “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.

Tôn trọng và phát huy sức mạnh của nhân tố con người với tư cách là chủ thể sáng tạo của lịch sử luôn là bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta. Bác luôn coi trọng việc giáo dục về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn để giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng quân sự của Bác với triết lý “người trước, súng sau” đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bên cạnh việc đầu tư mới vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng nhân tố con người, coi đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 564, ngày 7-4-1959 có đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch đến thăm triển lãm thành tích và sáng kiến hậu cần của các đơn vị quân đội, các cơ sở và các ngành thuộc Tổng cục Hậu cần. Hồ Chủ tịch đã tỏ lời khen anh em có nhiều cố gắng và căn dặn cần chú trọng nghiên cứu để cải tiến hơn nữa những sáng chế phát minh đó, và có kế hoạch phổ biến một cách rộng rãi hơn.

Trên trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 10369, ngày 7-4-1990 đăng bài “Vai trò Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ” của bà Giô-dê-phin Xtên-sơn, người Mỹ tại Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguồn: Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...