Xuất phát từ đặc điểm của đất nước, con người Việt Nam, dân tộc ta bao giờ cũng xác định nguồn gốc sức mạnh giữ nước trước hết là các giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc. Có thể hiểu văn hóa giữ nước Việt Nam là những giá trị tinh thần truyền thống được phát huy, phát triển sáng tạo trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập của quốc gia - dân tộc.
Trong giá trị văn hóa giữ nước đó, nổi lên những giá trị đặc trưng là: Tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường; ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc; tư tưởng gắn kết dựng nước với giữ nước; nghệ thuật đánh giặc đặc sắc và tính nhân văn cao cả.
Cách đây hàng nghìn năm, tổ tiên ta đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên để chinh phục vùng núi rừng, trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ngày nay, phát triển cuộc sống, từng bước dựng nên nước Văn Lang - hình thức nhà nước sơ khai của người Lạc Việt.
Quá trình lịch sử của dân tộc ta là quá trình lao động sáng tạo, biết tận dụng những thuận lợi, chế ngự, thích nghi, chung sống với những thách thức của thiên nhiên để sống còn và phát triển; mặt khác, lại biết phòng, chống các thế lực xâm lược, khẳng định sự tồn tại độc lập, sánh vai cùng các dân tộc khác.
Sinh ra và phát triển trong hoàn cảnh thường xuyên phải lao động và chiến đấu chống thiên tai, địch họa như vậy nên mọi hoạt động vật chất và tinh thần của dân tộc ta luôn phải tuân theo quy luật “Dựng nước đi đôi với giữ nước”.
Dựng nước vừa là mục đích lâu dài, vừa là nguồn sức mạnh căn bản để giữ nước. Giữ nước trước hết là để tồn tại, đồng thời tạo điều kiện để dựng nước thành công. Dựng nước và giữ nước là hai mặt hoạt động đồng thời, gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc ta.
Mục đích cao nhất của dân tộc ta từ xưa đến nay là đất nước được “quốc thái dân an”. Thời xưa, tổ tiên ta quan niệm “quốc thái dân an” là dân no đủ, sống yên bình, không lo đói rét; phép nước nghiêm, không lo quan lại sách nhiễu, trộm cướp quấy phá; quân binh mạnh, không lo cương vực bị đụng chạm; cuộc sống thanh bình, đàn hát hoan hỷ, lễ cưới chu tất; trên dưới thuận hòa, trong nhà ấm cúng, tích cốc phòng cơ,… như thế thì cơ nghiệp nước nhà truyền lâu mãi mãi (Bài khải của quan Ngự sử Nguyễn Duy Thì trình chúa Trịnh Tùng cuỗi thế kỷ XVI).
Lúc đất nước yên bình, hiển nhiên là phải tập trung vào nhiệm vụ dựng nước, chăm lo làm giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, bảo tồn được văn hóa dân tộc.
Dù khi đất nước không có chiến tranh nhưng các thế lực ngoại xâm luôn nhòm ngó, chống phá, nếu có thời cơ là lập tức gây chiến tranh xâm lược. Vì thế dân tộc ta phải thường xuyên “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, chăm lo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, bờ cõi, răn đe, ngăn chặn các hành vi xâm hại chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Nếu chúng cố tình gây chiến tranh xâm lược thì ta không lâm vào cảnh “bất ngờ”, “trở tay không kịp”, mà chủ động đánh thắng. Tổ tiên ta đã tổng kết: “Việc binh là việc của trăm năm để dùng trong một ngày” chính là với ý nghĩa như vậy.
Từ thời Lý trở đi, khi nước ta bước vào thời kỳ xây dựng căn bản và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ, các triều đình phong kiến đã sớm có ý thức chăm lo phòng thủ quốc gia từ lúc đất nước còn yên bình. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, nước Đại Việt dù còn nhỏ bé nhưng đã là một quốc gia độc lập, vững mạnh trong khu vực.
Mối quan hệ giữa dựng nước và giữ nước luôn được tổ tiên ta nhận thức sâu sắc và xử lý linh hoạt, sáng suốt trong hoạt động thực tiễn.
Vua Lý Nhân Tông trước khi qua đời, còn dặn lại: “Nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận” (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb, Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 455).
Vua Trần Thái Tông - vị vua mở đầu triều Trần, một triều đại thịnh trị, giữ vững biên cương phía Bắc, mở mang bờ cõi phương Nam, lập chiến công hiển hách chống Nguyên Mông - đã nói về đạo trị nước: “Lấy nhân đức để trị dân, lấy hiền tài để dựng nước, lấy khoan nhượng để thu phục lòng người, lấy trí dũng để bảo vệ đất nước”.
Thực tiễn lịch sử giữ nước của dân tộc ta cho thấy khi nào đất nước ta vững mạnh thì dù kẻ thù ngoại xâm lớn mạnh đến đâu, chúng ta vẫn giành thắng lợi; trái lại, khi nào đất nước lâm vào cảnh kinh tế suy sụp, trên dưới chia lìa, dân tình oán thán thì khi bị xâm lăng, dù cuộc kháng chiến của ta có chính nghĩa, vẫn có thể bại vong.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - một vị tướng chỉ huy quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất và Tổng tư lệnh cuộc kháng chiến lần thứ hai và thứ ba đã tổng kết: “Vừa rồi, vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức nên thắng được giặc và điều then chốt nhất là “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy” (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb, Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 118). Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra giá trị cốt lõi của văn hóa giữ nước của dân tộc ta là “cố kết nhân tâm”.
Đến thế kỷ XV, ngay sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Minh, Lê Thái Tổ lệnh chỉ cho quần thần: “Đại thần văn võ trăm quan, các ngươi hãy chăm việc nông tang, chỉnh đốn quân ngũ, sửa sang chiến khí, thuyền bè” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Sđd, tr. 469).
Chính sách “Ngụ binh ư nông” (gửi binh lính ở nhà nông) là một chính sách đặc sắc của các triều Lý, Trần, Lê sơ, quân chủ lực triều đình không nhiều, chủ yếu là quân địa phương tập trung theo từng phiên, nuôi quân đỡ tốn kém, bảo đảm sức lao động cho nông nghiệp, mà khi có chiến tranh, huy động được tối đa trai tráng cầm súng đánh giặc, đúng là “động binh tĩnh dân”, “bách tính giai binh”, “tận dân vi binh”.
Đây là cách tổ chức quân đội thời bình rất phù hợp với một nước nhỏ, dân số ít, phải chống với kẻ thù ngoại xâm lớn mạnh. Cách tổ chức quân đội này đã phát huy tác dụng lớn để đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược.
Trong thời đại mới, truyền thống dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát huy và phát triển lên tầm cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am tường lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử nhiều dân tộc trên thế giới và rất coi trọng vai trò của truyền thống lịch sử. Trong tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh, mục tiêu, nhiệm vụ dựng nước và giữ nước luôn gắn bó với nhau, độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta giành được chính quyền, đường lối cách mạng của Đảng bao giờ cũng gắn chặt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng lãnh đạo thực hiện đường lối “kháng chiến kiến quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công kháng chiến mới mau thắng lợi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 114).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN và đấu tranh giải phóng miền Nam. Chính nhờ sự lãnh đạo tài trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng sự chiến đấu hy sinh của toàn dân tộc, chúng ta đã thực hiện thành công hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước, quét sạch quân xâm lược, non sông thu về một mối, cả nước bước sang thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ngày nay, Việt Nam đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn toàn có khả năng để xây dựng đất nước hùng cường và bảo vệ vững chắc chủ quyền độc lập, thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.
Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn.
Trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết bài học lịch sử về dựng nước đi đôi với giữ nước: “Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta” và khẳng định “đó là những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy”.
Chỉ có như thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân và toàn quân ta mới vượt qua những khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nguồn: Báo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét