Hồ Chí Minh khẳng định: bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Cán bộ, đảng viên đặc biệt là những người lãnh đạo nào mắc phải bệnh này thì: có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Bệnh quan liêu không chỉ là sự sai lầm về tác phong, phương pháp công tác mà xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền, là hệ quả của sự suy thoái lập trường tư tưởng, chính trị, đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh chỉ ra những
biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu: chỉ đạo xa rời thực tế, xa quần chúng; áp
dụng phương pháp mệnh lệnh hành chính; chỉ biết hô hào khẩu hiệu chỉ thị, xem
báo cáo, làm việc qua loa; lời nói không đi đôi với việc làm; chủ quan, tự mãn,
coi thường quần chúng… Cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu: Miệng thì nói dân
chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần
chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với
phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.
Trên thực tế, có thể thấy
hiện nay căn bệnh này diễn ra xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các địa
phương, với những mức độ khác nhau. Những vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong
nhân dân như việc tố cáo, khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm;
hàng loạt dự án hiện đang “đắp chiếu” có thâm niên chục năm với hàng nghìn tỷ đồng;
việc xây dựng trụ sở hành chính quá lãng phí trong khi địa phương còn nghèo hay
dùng ngân sách ưu tiên phục vụ cho nhà riêng của cán bộ lãnh đạo; những câu
chuyện "hành dân" của một số bộ phận trong cơ quan công quyền hoặc ứng
xử không đúng với chuẩn mực của người cán bộ ở các địa phương; những đại biểu
nhân dân chỉ biết “ngủ gật” trước bức xúc của dân, vấn đề cuộc sống “rất nóng”
nhưng hội trường HĐND cấp tỉnh, huyện, xã thì “rất lạnh” cũng không phải hiếm gặp.
Nhiều chính sách ban hành viển vông, xa rời thực tế, một bộ phận không nhỏ cán
bộ công chức trì trệ, vô trách nhiệm “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Ngày 25/10/2021, thay mặt
Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định
37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm trong đó có nhiều điểm mới so với
Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011. Một trong điểm mới là Đảng làm rõ và bổ sung
thêm biểu hiện căn bệnh quan liêu ở Điều 3: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai
không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Có thể
nói, đó là sự bổ sung xác đáng từ nhận thức sâu sắc về thực trạng và tác hại của
căn bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm với dân đã tồn tại dai dẳng, thậm chí có mặt
diễn biến phức tạp hơn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - căn bệnh mà sinh thời
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: bệnh quan liêu, xa dân là nguy cơ lớn nhất
của đảng cầm quyền.
Bên cạnh đó, trong xã hội
hiện đại và dân chủ hiện nay, việc tăng cường đối thoại với nhân dân là một
trong cách hiệu quả nhất để giải quyết những điểm nóng ở cơ sở. Bộ Chính trị đã
ban hành quy định số 11-QĐI/TW ngày 18/2/2019 về “Trách nhiệm của người đứng đầu
cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản
ánh, kiến nghị của dân”. Điều quan trọng hơn là từ cuộc đối thoại trực tiếp đó,
các cấp ủy đảng, chính quyền cần có hành động thiết thực, cụ thể giải quyết nhu
cầu chính đáng của nhân dân, tránh nói suông, hứa suông làm mất niềm tin của
dân. Thực hiện các quy định trên sẽ là liều thuốc “đặc trị” căn “bệnh mãn tính”
quan liêu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, đảng viên; xây dựng mối quan hệ máu thịt
giữa dân với Đảng, Đảng với dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét