Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Định danh “cuộc thí nghiệm vĩ đại” hay là ngõ cụt của chủ nghĩa chống cộng (Bài 2)

Nay sau 35 năm đổi mới thì sao? Từ thu nhập bình quân đầu người 100USD/người vào năm 1986, đến năm 2020 là 3.500USD/người, tăng gấp 35 lần; Việt Nam được bầu chọn là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3). 

Tiện đây, xin được nhắc lại, trong lịch sử nhân loại, thị trường trao đổi hàng hóa đã ra đời và tồn tại hàng nghìn năm trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Trước đây, chính những người cộng sản, chứ không phải các nhà tư tưởng chống cộng, cho rằng kinh tế thị trường không thể tương dung với CNXH. Nhưng với tinh thần đổi mới, xem xét vấn đề theo quan điểm “khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển” của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những người cộng sản đã nghiên cứu kỹ lưỡng và rút ra kết luận, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của riêng chủ nghĩa tư bản. 

Đó là thành quả quan trọng của sự phát triển lâu dài trong nền văn minh nhân loại từ khi nó xuất hiện chứ không phải là của riêng hoặc là độc quyền của một hình thái kinh tế-xã hội nào. Chính Mác là người phát hiện ra rằng, kinh tế thị trường có bước phát triển vượt bậc trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vì “lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này”. Phương thức này tuy thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động nhưng nó gây ra những hệ lụy kinh hoàng về mặt xã hội, nhất là bất công xã hội; dù nhà nước tư sản có giỏi xoa dịu đến mấy cũng không thể khắc phục tận gốc vấn đề. 

Với nhận thức mới, những người cộng sản đã vận dụng quy luật của kinh tế thị trường phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH. Ở nước Nga, từ năm 1921, “Chính sách kinh tế mới” của Lênin được xây dựng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc thị trường và đã thu được nhiều thành tựu. Rất tiếc là do nhiều lý do khác nhau, chính sách kinh tế mới của Liên Xô thời kỳ “hậu Lênin” đã không được duy trì. 

Ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. 

Những thành tựu không thể phủ nhận được của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xin được đề cập bằng những ý kiến khách quan của các học giả, chuyên gia quốc tế. GS, TSKH Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Liên bang Nga) cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản có điểm mạnh là cạnh tranh và đạt được thành tựu đáng kể về phát triển khoa học-kỹ thuật và xã hội. Việt Nam đang sử dụng rất tốt điều đó nhằm bảo đảm lợi ích và phát triển của mình. Điều đáng nói, các lợi ích kinh tế được phân bổ một cách đồng đều nhất giữa các tầng lớp xã hội. Đây là sự độc đáo của một Việt Nam hiện đại. Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có sự chắt lọc hoàn hảo những điều tinh túy nhất của chủ nghĩa tư bản. Bài viết của Tổng Bí thư (Nguyễn Phú Trọng-TG) đã giải thích khúc chiết tại sao trong bối cảnh hiện nay lại mang tính ưu việt nhất”. 

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng việc đặt người dân vào vị trí trung tâm và trước hết. Việt Nam đã thành công hơn các nước khác trong cuộc chiến khó khăn này. Chúng tôi rất vui mừng khi được biết sự cam kết mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như vậy; luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Bà Mimi Vũ, một người Mỹ gốc Việt thì cho rằng: “Việt Nam đang được thế giới ghi nhận nhiều hơn không chỉ vì thành tích phòng, chống dịch Covid-19 mà còn vì thành tích phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đó chính là sự khẳng định rõ ràng nhất về tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam. Chúng ta thực sự đã có con đường đi riêng của mình và đang mạnh mẽ tiến lên phía trước. Vậy nên nhiều kiều bào nhìn vào điều đó và nhận ra những cơ hội thực sự tốt lành ở đây”. 

Như vậy, cái mà các nhà tư tưởng chống cộng gọi là “cuộc thí nghiệm vĩ đại”, còn những người cộng sản và nhân dân Việt Nam gọi là công cuộc đổi mới, trải qua cuộc hành trình 35 năm đã có những câu trả lời rất rõ ràng. Việt Nam chẳng những không lâm vào ngõ cụt mà đang từng ngày, từng giờ hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Các chuyên gia kinh tế thế giới khẳng định, nếu giữ được sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình như 35 năm qua thì không có điều gì cản trở Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ 21. Với những người mang tư tưởng chống cộng, các vị hành nghề tung luận điệu chống đối, phủ nhận Việt Nam thì cứ việc, nhưng đã 35 năm rồi mà vẫn chỉ biết nhai đi, nhai lại hai từ “ngõ cụt” thì e rằng chính các vị mới là người đang lâm vào "ngõ cụt".
Nguồn: QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...