Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Việt Nam phản đối xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam là phi pháp khi đề cập hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa. 

"Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay. 

Phát biểu được đưa ra khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao được hỏi về phản ứng trước việc Trung Quốc triển khai trái phép máy bay quân sự và tàu trinh sát đến đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như dự án của Trung Quốc nhằm gắn thẻ tên cho các loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế. 

"Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

Ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp ngày 9/6 cho thấy một tàu trinh sát thuộc lớp Type 815G của Trung Quốc hoạt động gần đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong ảnh vệ tinh, một máy bay tuần thám Y-8Q và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cũng đỗ tại đường băng trên đảo nhân tạo này. 

Trinh sát hạm và máy bay tuần thám Trung Quốc xuất hiện tại quần đảo Trường Sa trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông gia tăng sau loạt hoạt động của Bắc Kinh tại khu vực, bao gồm việc triển khai hàng trăm tàu cá tại khu vực bãi Ba Đầu và vụ 16 máy bay quân sự áp sát không phận Malaysia. 

Đá Chữ Thập là một trong các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song Trung Quốc chiếm giữ trái phép, bồi đắp thành đảo nhân tạo và tiến hành các hoạt động quân sự hóa như xây đường băng, cầu cảng và cơ sở quân sự trên thực thể này. 

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. 

Trung Quốc nhiều lần điều tàu khảo sát tới thăm dò tài nguyên cá và dầu khí tại khu vực Biển Đông, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực, vốn được công nhận theo luật pháp quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...