4. Tư tưởng của Bác Hồ và chính Người là hiện thân của quan niệm “một tấm gương sống còn giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tâm lý học hiện đại khẳng định phương pháp giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng chính nhân cách nhà giáo dục. Đảng ta cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên lãnh đạo bằng cách nêu gương. Thế mà ở một số nơi có cán bộ lại theo đuôi quần chúng, không bằng quần chúng. Có cán bộ, khi mà cả nước căng mình chống dịch Covid-19 thì ngược lại, làm “tấm gương xấu” cho mọi người! Những người này thường là người ích kỷ, chăm chăm vun vén lợi ích cá nhân, cánh hẩu, vì lợi riêng quên lợi chung...
5. Bi quan về chủ nghĩa xã hội, dao động trong suy nghĩ, việc làm. Đến nay, ai cũng thấy sự đổ vỡ của Liên Xô (trước đây) là tất yếu vì những sai lầm quá lớn, nhưng có cán bộ, đảng viên ta chỉ nhìn thấy hiện tượng rồi nghe lời kích động của kẻ xấu mà có những phát ngôn không chỉ ngược với đường lối của Đảng mà còn ngược cả với đạo lý truyền thống. Cũng vì bi quan mà thu mình lại trong cái vỏ ốc cá nhân nên có cán bộ né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh, không có chính kiến, cơ hội, đúng kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi” như Bác Hồ từng phê phán.
6. Lại có cán bộ đạt được một ít thành tích thì lên mặt thỏa mãn, huênh hoang cho rằng cơ quan đi lên là nhờ “tài năng” mình lãnh đạo. Họ không biết rằng “nước lên thuyền lên”, cơ quan ấy nằm trong tổng thể công cuộc đổi mới chung của Đảng. Hơn nữa, dù người ấy có tài thật nhưng cũng còn nhờ sự ủng hộ của đồng chí, đồng nghiệp, quần chúng...
Cần có giải pháp nào để khắc phục?
Một là, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực chất hơn nữa. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đúng đắn, cần lan tỏa sâu rộng hơn nữa vào mọi tầng lớp, nhất là với cán bộ, đảng viên. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, hằng ngày. Đây là cách rất cơ bản để “nâng cao đạo đức cách mạng”, góp phần “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Hai là, cần có chế độ kiểm tra, giám sát việc học tập lý luận, nghị quyết Đảng một cách chặt chẽ, thưởng phạt công minh, đưa vào tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ, đảng viên.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu một cách thiết thực, hiệu quả Chủ nghĩa Mác Lê-nin - một trí tuệ lớn lao, một tài sản văn hóa tinh thần vô giá của nhân loại. Cần chứng minh sự gặp gỡ với các chủ nghĩa, các trào lưu tư tưởng lớn khác trên thế giới xưa nay để thấy được giá trị, chiều sâu và ý nghĩa phổ quát của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Cần khắc phục thực tế ở một số trường đại học hiện nay, dạy và học Chủ nghĩa Mác-Lênin còn đại khái, hình thức.
Bốn là, hiện nay, bộ môn “liên văn hóa” (Intercultural) phát triển mạnh trên thế giới có nhiệm vụ nghiên cứu sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa mới. Hồ Chí Minh là một hiện tượng “liên văn hóa” rất tiêu biểu. Các bộ môn nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở nước ta đều có thể vận dụng hướng nghiên cứu này để làm sinh động hơn, phong phú thêm các ý nghĩa mới. (Hết)
Nguồn: Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét