Trong thời gian vừa qua Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố trước Quốc hội, London đã khẳng định chính sách đối ngoại chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á nhưng vẫn nhấn mạnh, quan hệ với Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất của nước này...
Theo tài liệu dày 120 trang mang tên “Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh”, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Anh xác định là trọng tâm trong chính sách an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Có thể thấy bước chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á này là một trong những cải tổ lớn nhất của chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của Anh kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong đó, Anh vạch ra các chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại thời hậu Brexit cùng các biện pháp thực thi, nhằm xác định vị thế của đất nước trong một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, hợp tác và thương mại tự do.
Tài liệu trên xác định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng có vai trò như trung tâm địa chính trị của thế giới, trong đó có các cường quốc châu Á như: Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc và những nền kinh tế mới nổi như Indonesia và Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của Anh. Xứ sở sương mù đã sớm có các động thái chuẩn bị từ trước cho các bước chuyển chính sách quan trọng này. London đã đề nghị quy chế nước đối tác tại ASEAN và Thủ tướng Boris Johnson dự kiến đến Ấn Độ trong chuyến công du đầu tiên sau Brexit vào tháng 4 tới. Anh cũng đang xem xét khả năng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng như thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và ASEAN. Ngoài ra, tháng trước, Anh đã nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc này được Anh trông đợi mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Anh, vốn không còn là một phần của Liên minh châu Âu (EU) và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Anh với một số thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Mở đầu công bố tài liệu trên, ông Boris Johnson tuyên bố Anh-quốc gia vừa rời khỏi EU sẽ hướng đến “các mối quan hệ mang tính xây dựng và hiệu quả” với những thành viên của khối. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng, thỏa thuận Brexit giúp London “tự do làm những điều khác biệt và tốt hơn, cả về kinh tế và chính trị”.
Tuy nhiên, tài liệu được Thủ tướng Anh công bố cũng khẳng định quan hệ với Mỹ vẫn là mối quan hệ song phương quan trọng nhất của nước này. Quan hệ với Mỹ có ý nghĩa then chốt đối với các liên minh và các tổ chức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời Mỹ cũng là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của Anh.
Đối với Trung Quốc, tài liệu của Anh nêu rõ, các nền kinh tế mở và dựa vào thương mại như Anh cần hợp tác với Trung Quốc và tiếp tục mở cửa cho hoạt động thương mại và đầu tư của cường quốc châu Á này. Hợp tác với Bắc Kinh sẽ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, đặc biệt là biến đổi khí hậu và sự mất đa dạng sinh thái. London cũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết ngăn chặn các hành động có tác động tiêu cực tới sự thịnh vượng và an ninh.
Theo Thủ tướng Anh, mục đích to lớn của tài liệu được coi như bản đánh giá chính sách toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh này là làm cho nước Anh mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn, đồng thời bảo vệ các giá trị của nước này. Trong đó, Anh đề ra cách thức thúc đẩy các liên minh, củng cố năng lực, tìm ra những cách thức mới để đạt được giải pháp, nghiên cứu lại nghệ thuật cạnh tranh với các quốc gia có giá trị đối lập. Thủ tướng Boris Johnson cam kết Anh sẽ năng động hơn trong một thế giới ngày càng cạnh tranh quyết liệt. Đáng chú ý, tài liệu của London còn đặt mục tiêu tăng cường kho vũ khí hạt nhân để chống lại các mối đe dọa an ninh toàn cầu. Theo CNN, để đạt được các mục tiêu, Chính phủ Anh muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 24 tỷ bảng Anh trong 4 năm tới, một mức tăng lớn dựa trên mức 42,2 tỷ bảng Anh đã chi tiêu trong giai đoạn 2019-2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét