PV: Năm 2021 là năm thứ hai của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, vậy hướng tiếp theo của Việt Nam là gì và xin Phó Thủ tướng chia sẻ thêm về những nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Năm 2021, dịch COVID-19 có thể sẽ kiểm soát được mức độ và cũng có thể chưa được kiểm soát, sẽ tác động không nhỏ đến tình hình chung. Tình hình kinh tế thế giới cũng trên đà phục hồi chậm. Bên cạnh đó là những cuộc xung đột đang tiếp diễn cũng như những khả năng xung đột mới có thể xảy ra... Đó là những tác động không nhỏ đến hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ. Ưu tiên của chúng ta trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là tiếp tục tham gia giải quyết các xung đột, quan tâm đến vấn đề trẻ em trong xung đột, phụ nữ với hòa bình, an ninh, vấn đề khôi phục kinh tế sau xung đột, vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn sau xung đột... Một số vấn đề mới cũng hết sức đáng quan tâm là biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh và hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.
Về quan hệ đối ngoại, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, các nước láng giềng bằng những phương thức mới, đạt hiệu quả cao; chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động tại Hội đồng Bảo an LHQ; phát huy được những kết quả trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng ta cũng đã tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Vì thế, chúng ta phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Và đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta.
PV: Vâng, nhắc đến vấn đề biển đảo, xin Phó Thủ tướng cho biết, trong năm qua, chúng ta đã đóng góp như thế nào cho hòa bình ở Biển Đông?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Trước tiên phải nói là tình hình Biển Đông trong năm 2020 vẫn tiếp diễn phức tạp và có nhiều những yếu tố làm cho tình hình bất ổn định. Song, chúng ta vẫn duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông thông qua nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp quan hệ song phương với các nước. Trong tất cả các cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao với các nước cũng như trong các cuộc tiếp xúc các cấp, vấn đề Biển Đông luôn được nêu với mục tiêu, yêu cầu là phải đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), không có các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông.
Tại các hội nghị quốc tế và đặc biệt trong ASEAN, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được quan tâm. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta đã nêu và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong ASEAN cũng như bên ngoài. Quan trọng nhất là vấn đề tuân thủ luật pháp quốc tế, coi UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nước. Đây là nội dung hết sức mới trong các văn kiện của ASEAN và được các nước ASEAN đồng thuận, được các nước bên ngoài ủng hộ. Trên thực tế, các nước trong 2020 đã nhấn mạnh nhiều vào yếu tố tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS. (Hết)
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Nang-cao-vi-the-uy-tin-Viet-Nam-trong-khu-vuc-va-tren-the-gioi-626247/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét