Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ
tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (ngày 15/10/1949), theo đề
nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý chọn ngày
15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và là Ngày
Dân vận của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời
dạy của Bác1.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và
những trải nghiệm trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ
Chí Minh đã tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam với vai trò lãnh đạo của
một đảng cách mạng chân chính. Nguồn gốc sức mạnh của Đảng là từ sức mạnh to
lớn của Nhân dân, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, niềm tin của Nhân
dân đối với Đảng. Thực hiện quan điểm, tư tưởng đó, Nguyễn Ái Quốc bắt tay vào
công việc vận động quần chúng yêu nước; thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh
niên ở Quảng Châu, Trung Quốc (năm 1925). Người trực tiếp huấn luyện những
chiến sĩ trung kiên làm hạt nhân tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, gieo niềm
tin cách mạng và tinh thần đoàn kết trong các giai tầng xã hội qua tác phẩm
Đường Cách mệnh (năm 1927), tạo nên bước ngoặt lịch sử bằng việc thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng
đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam và đề ra sách
lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng
đi theo lá cờ tiên phong của Đảng. Thời kỳ này, xác định tập hợp lực lượng quần
chúng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết để đối phó với “khủng bố trắng” và chính
sách mị dân của chính quyền thuộc địa, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (từ
ngày 14 - 31/10/1930 tại Hồng Kông) đã thông qua các Án nghị quyết về công nhân
vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động,
quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết xác định rõ:
“Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra
các Ban chuyên môn về các giới vận động”2, đặt nền tảng cho sự
ra đời nhanh chóng hệ thống Ban chuyên môn và đội ngũ cán bộ về các giới vận
động của Đảng, gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt
trận phản đế làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần
chúng nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi dân
sinh, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã thực
hiện “vô sản hóa”, “ba cùng” với nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập
các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh, động lực cho
cách mạng theo đường lối “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Cao trào cách mạng
1930 - 1931, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là mốc son sáng chói
đánh dấu việc lần đầu tiên một đảng cách mạng dù còn rất non trẻ đã thể hiện
vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh
đạo, đoàn kết, huy động quần chúng nhân dân. Chỉ với vài nghìn đảng viên, Đảng
đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, gắn bó máu thịt, thấu
hiểu nguyện vọng của nhân dân, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân; tuyên truyền
giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc; tổ
chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội với hình thức
linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, đồng tâm hợp lực
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm
1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945, mở ra kỷ
nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ
nghĩa xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
(giai đoạn 1945 - 1954), nhận rõ nguy cơ kẻ thù phá hoại mối quan hệ mật thiết
giữa Đảng và Nhân dân, Chỉ thị về công tác dân vận của Ban Thường vụ Trung ương
Đảng ngày 01/9/1947 nhấn mạnh: “Quân địch đang dùng những thủ đoạn tàn bạo, xảo
trá, hòng chia rẽ lừa dối nhân dân và làm cho nhân dân hoang mang. Vậy công
việc dân vận trong lúc này là một công tác quan trọng của Hội”3. Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không
được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”4.
Đặc biệt, ngày 15/10/1949, Người viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, cơ
quan Trung ương của Đảng. Có thể nói đây là cương lĩnh hoàn chỉnh của Đảng về
công tác Dân vận, làm nền tảng cho việc phát huy công tác vận động quần chúng
để thực hiện nhiệm vụ cách mạng trên cơ sở “lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên
truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào dân để thực
hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân”5. Với sự thống nhất và mở
rộng Mặt trận Liên Việt, sự phát triển rộng khắp của các đoàn thể nhân dân, ta
đã xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu thực hiện toàn dân đánh giặc. Phong
trào Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, được mọi tầng lớp nhân
dân hưởng ứng sâu rộng, khơi dậy ý chí cách mạng, nhiệt huyết phấn đấu, hy
sinh, thi đua lao động, sản xuất vì Tổ quốc; đồng thời, tăng cường công tác
địch vận, làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, v.v. Nhờ đó, tạo sức mạnh
cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thắng lợi, đỉnh cao là chiến thắng Điện
Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Giai đoạn 1954 - 1975, đất nước tạm thời bị
chia cắt hai miền, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức
của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam ra đời, tăng cường đoàn kết mọi lực lượng, động viên đồng bào,
chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tất cả vì miền Nam ruột
thịt. Tại miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam
Việt Nam được thành lập. Công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các
cấp, ngành, lĩnh vực, tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa
bình trên thế giới; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại,
tạo sức mạnh tổng hợp “đánh cho Mỹ cút - Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Báo cáo chính trị
tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986), nhấn mạnh bài học đầu tiên trong 04 bài học
lớn được rút ra qua thực tiễn cách mạng, đó là: “Trong toàn bộ hoạt động của
mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy
quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”; “phải đặc biệt chăm lo củng cố sự
liên hệ giữa Đảng và Nhân dân”6. Tư tưởng này tiếp tục được Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), bổ
sung, phát triển (năm 2011) khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân,
do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi
lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng
chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân
dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn
lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.
Các Báo cáo chính trị của các Đại hội Đảng toàn quốc luôn chú trọng kiểm điểm,
đánh giá về xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội
chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ,
giải pháp đối với công tác vận động quần chúng phù hợp từng giai đoạn cụ thể.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, Đảng đã ban hành nhiều
văn bản, nổi bật là: Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về “Đổi mới công
tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”; Chỉ thị
số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ
sở”; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 về “Quy chế công tác dân vận của
hệ thống chính trị”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và
đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”,
khẳng định 05 quan điểm, 07 nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận trong tình hình
mới. Các văn bản tạo điều kiện cho nhân dân, các tổ chức quần chúng tham gia
góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh, như: Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về việc ban hành
Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn
thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 ban hành quy
định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân
dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định số
124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ
chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức,
lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Qua đó, nhằm
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính
trị đối với công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ
lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận tiếp tục được tăng cường, đổi
mới, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác dân vận của cơ quan nhà nước được chú
trọng đẩy mạnh, việc thực hiện “Năm dân vận chính quyền” với 06 nội dung trọng
tâm được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền theo hướng “thật sự tin dân,
trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội hướng về cơ sở, tiếp tục đổi
mới nội dung, phương thức hoạt động, mở rộng hoạt động giám sát, phản biện, góp
ý xây dựng Đảng, chính quyền. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn
với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong
trào Thi đua “Dân vận khéo” với hàng vạn mô hình, điển hình tiêu biểu,… làm cho
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” lan tỏa mạnh
mẽ vào thực tiễn cuộc sống. Đội ngũ cán bộ dân vận được kiện toàn, nâng cao
năng lực tham mưu cho Đảng lãnh đạo, đổi mới công tác dân vận, góp phần tạo
đồng thuận xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng, hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kết quả đó góp phần củng cố niềm tin của
nhân dân với Đảng, tiếp tục khẳng định cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,
Nhân dân làm chủ” trong thực tiễn. Ghi nhận những đóng góp của ngành Dân vận,
tập thể Ban Dân vận Trung ương được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu: Huân
chương Sao vàng (năm 2002), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2015), Huân chương Lao
động hạng Nhất (năm: 2010, 2015, 2019) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy truyền
thống, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới
Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, công
tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý
nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, góp phần bảo đảm sự lãnh
đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước
với Nhân dân. Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra, đó là: “Trong
mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin
tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện
đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân
thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ
trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích
chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi
ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào
nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của
nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất
lượng cán bộ, đảng viên. Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải
kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện
tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho
Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”7.
Thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực có
nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường; tình hình trong nước vẫn đối
mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đời
sống nhân dân; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị,
kiểm soát quyền lực còn một số hạn chế phải nhanh chóng khắc phục.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục
xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh,
đối ngoại, phát triển đất nước ở mức độ cao hơn. Động lực phát triển của đất
nước giai đoạn tới chính là tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, văn hóa và con người Việt Nam, sức
mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Nhân tố quyết định thành công của
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng
Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trên cơ sở đó, công
tác dân vận của Đảng phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu
đặt ra, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng và của cả hệ
thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước
trong sạch, vững mạnh. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng
tạo; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí
quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng
viên; tạo đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,
phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tập trung làm tốt công tác dân vận của các
cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là: (1). Phát huy vai trò
tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp
luật; bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng giữa Nhà nước, doanh nghiệp
và nhân dân gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc, quan tâm địa bàn khó khăn, đối
tượng yếu thế trong xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra”. Nâng cao chất lượng, khắc phục tính hình thức trong hoạt
động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tiếp dân, đối
thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. (2). Nâng
cao đạo đức công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ; phát
huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý,
lãnh đạo, người đứng đầu trước nhân dân. Kiên quyết phê phán, đấu tranh biểu
hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, thiếu trách
nhiệm với nhân dân; đồng thời, nâng cao trách nhiệm công dân, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm pháp luật. (3). Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ
cơ sở, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính
đáng, hợp pháp của nhân dân; khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được tình
hình nhân dân. Tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan
trực tiếp đến đời sống nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo
dài, tránh để hình thành và lan rộng các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.
Ba là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước,
thực hiện tốt phong trào Thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu
dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận. Phát huy vai trò,
tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng
tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội.
Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội
ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận, đoàn thể; kiên quyết không bố trí
cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.
Bốn là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương
mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức; kiên quyết
đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái.
Năm là, phối hợp, thực hiện có hiệu quả Quy chế công
tác Dân vận của hệ thống chính trị; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận.
Trong chặng đường phát triển tiếp theo của đất
nước với mục tiêu trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu
nhập trung bình cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; trở thành nước phát
triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, đòi hỏi công tác
dân vận phải không ngừng phát huy truyền thống, nâng cao năng lực vận động quần
chúng, làm tốt vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân, củng cố,
tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-chu-truong-cong-tac-lon/phat-huy-truyen-thong-90-nam-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-dan-van-cua-dang-/16129.html____________________
1 - Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị số
293-CV/TW, ngày 14/10/1999.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập,
Tập 2, tr. 119.
3 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập,
Tập 8, tr. 285.
4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5,
Nxb CTQG, H. 2011, tr. 278.
5 - Sđd, Tập 5, tr. 88.
6 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập,
Tập 47, tr. 710.
7 - Bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật
tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển
mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm
75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét