Trọng Cao
Liên quan đến việc xử lý cán bộ thời gian qua,
đặc biệt là cán bộ cấp cao, có thể thấy Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự kiên
quyết, không có “vùng cấm”. Gần đây nhất, chiều 28/8, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy
viên Trung ương Đảng, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam
4 tháng về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Đây là việc làm đúng quy định pháp
luật, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước, làm trong sạch đội ngũ cán
bộ của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị
trong và ngoài nước lại lợi dụng sự việc này để xuyên tạc, hướng lái thông tin
nhằm mục đích gây phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cụ thể,
trên các trang mạng xã hội đang lan truyền bài viết với tiêu đề “Sự phá sản của
các bí thư thành uỷ”. Trong bài viết này, các đối tượng điểm danh lại việc xử
lý kỷ luật và xử lý hình sự đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Bí thư Thành uỷ
Hồ Chí Minh), xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Thành uỷ Đà
Nẵng) và ông Hoàng Trung Hải (nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội), từ đó đưa ra
những nhận định, đánh giá mang tính chất xuyên tạc, sai lệch bản chất vụ việc,
gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Về việc các đồng chí nguyên là Bí thư Thành
uỷ Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội bị xử lý kỷ luật, trong đó ông Đinh La Thăng
đã bị kết án hình sự do các sai phạm nghiêm trọng mà mình gây ra, có thể nói
đây là tổn thất trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Cán bộ, đảng viên,
đặc biệt là những cán bộ cấp cao để xảy ra sai phạm đã gây ra những thiệt hại
lớn về vật chất cho Nhà nước, cho nhân dân; ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của
Đảng, Nhà nước; tác động đến niềm tin của quần chúng. Với tinh thần đấu tranh
làm trong sạch nội bộ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta
thời gian qua đã có những thành quả đáng ghi nhận. “Củi tươi, củi khô” đã được
xử lý, không còn vùng cấm trong công tác chống tham nhũng.
Tuy nhiên, với âm mưu chống phá quyết liệt,
các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị liên tục lợi dụng thực tiễn công tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta để xuyên tạc, hướng lái thông
tin. Đối với việc nguyên Bí thư Thành uỷ tại ba thành phố lớn của Việt Nam gồm
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bị xử lý, các đối tượng đưa ra luận điệu
rằng: “đây là sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng Cộng sản lãnh
đạo”. Đồng thời, đưa ra một loạt thông tin mang tính chất đả phá Đảng, Nhà nước
như: công tác nhân sự của Đảng đầy lỗ hổng; Đảng lựa chọn cán bộ không theo một
quy chuẩn nào; các cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam chỉ được cất nhắc vì có “lòng
trung thành” với Đảng chứ không hề có năng lực lãnh đạo…
Trên cơ sở xuyên tạc thông tin, các đối tượng
này tiếp tục quy chụp nguyên nhân việc cán bộ sai phạm là do Đảng Cộng sản
thiếu năng lực, không đảm bảo dân chủ khi làm công tác cán bộ. Các đối tượng
rêu rao rằng công tác cán bộ không xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc mà
chỉ phục vụ các “phe cánh chính trị”; việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ không dựa
trên năng lực của từng người mà căn cứ trên sự thoả thuận của các “nhóm lợi
ích” trong Đảng. Cuối cùng, các đối tượng cũng không quên “cài cắm” thông tin
đòi thay đổi chế độ chính trị, yêu cầu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Về mặt quy định, Đảng, Nhà nước ta đã xây
dựng các bộ tiêu chuẩn đối với từng chức danh lãnh đạo, đưa ra một quy trình
chặt chẽ để có thể đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc và bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên,
chúng ta phải thừa nhận rằng việc vận hành các quy trình liên quan đến công tác
cán bộ ở một số nơi còn tồn tại sai phạm, có nơi sai phạm nghiêm trọng. Chính
vì vậy, Đảng, Nhà nước đã phải đẩy mạnh công tác thanh – kiểm tra và xử lý sai
phạm, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ. Chúng ta
cũng không thể phủ nhận việc một số cán bộ khi có chức quyền trong tay đã nảy
sinh những thói hư, tật xấu, bị lợi ích tiền tài, vật chất làm mờ mắt, dẫn đến
việc để xảy ra các sai phạm trong khi thi hành công vụ. Nguyên nhân của các sai
phạm trên xuất phát từ cá nhân của cán bộ.
Việc quy chụp, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước là thiếu
khách quan, vô căn cứ. Để đánh giá bản chất sự việc, cần có cái nhìn công bằng
và chuẩn xác; không thể dựa trên những vụ việc đơn lẻ để đánh đồng với bản chất
của một chế độ.
Thẳng thắn đánh giá, đội ngũ cán bộ của chúng
ta hiện nay có một bộ phận hoạt động theo kiểu cầm chừng, tạo ra gánh nặng cho
ngân sách nhà nước. Đồng thời, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái
về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Điều này đã trở thành cái cớ để không ít đối tượng phản động, chống đối, cơ hội
chính trị tiến hành xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Những hạn chế, thiếu sót trong công tác cán
bộ đã được Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận. Cụ thể, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW năm
2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ
các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ đã chỉ rõ những mặt hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ và đưa ra
giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Ngoài ra, Đảng ta đã đưa ra nhiều Nghị
quyết, chỉ thị liên quan để tăng cường quản lý công tác tác bộ.
Để củng cố uy tín, sức mạnh của Đảng, Nhà
nước, một mặt chúng ta phải xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ có đủ năng lực,
phẩm chất, đạo đức và uy tín để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước. Mặt
khác, chúng ta cũng cần chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những thông
tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc liên quan đến công tác cán bộ để kịp thời
đấu tranh, phê phán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét