(TG)
- Công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội
Đảng nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự thành công của
đại hội Đảng và công tác lãnh đạo của Đảng; liên quan đến sự sống còn của Đảng,
sự phát triển bền vững của Đảng, và đất nước.
Hơn 90 năm qua, với 12 kỳ đại
hội Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm
đến công việc trọng yếu này. Ở từng chặng đường cách mạng, công tác nhân sự của
mỗi kỳ Đại hội góp phần quan trọng, mang tính quyết định, tạo nên đội ngũ cán
bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo
cấp chiến lược nói riêng vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của tình hình và
nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi.
Các tầng lớp nhân dân và dư
luận đặc biệt quan tâm và luôn đặt ra những câu hỏi: Đảng sẽ lựa chọn, bố trí
đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
nhất là cán bộ chủ chốt) như thế nào để tập thể lãnh đạo đó đủ đức và tài, đảm
bảo hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Là một trong hai
nhiệm vụ quan trọng của Đại hội Đảng (chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội),
song công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội phức tạp và nhạy cảm hơn, vì liên quan
trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, uy tín, danh dự và lợi ích của mỗi con người,
mỗi cán bộ, đảng viên.
Cũng như thường lệ, cứ trước
mỗi thềm Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là những nhiệm kỳ gần đây,
luôn có những phần tử xấu, cơ hội, phản động "mượn gió bẻ măng" lan
truyền thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên như: thêu dệt về
bí mật đời tư, bịa đặt về tình hình sức khỏe, đạo đức, lối sống của cán bộ; bóp
méo các thông tin, vu khống các bước của quy trình nhân sự là “đấu đá phe
phái”, “lợi ích nhóm”… hòng gây hoang mang, gieo rắc hoài nghi trong nhân dân,
chia rẽ nội bộ, phá hoại công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác nhân sự nói
riêng. Trong đó, cũng có người mượn tiếng đòi dân chủ trong công tác nhân sự
"đòi cho ứng cử và tranh cử" như một số người mượn danh dân chủ, giả
danh dân chủ phát biểu trên mạng xã hội để hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng,
tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam. Thực chất, đó là những người đã "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa", xa rời lý tưởng cách mạng, xa rời mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa
chọn.
Về công việc trọng yếu này,
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề cần
đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” đã
nhấn mạnh: Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng, hết sức phức tạp,
khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với
quyết tâm, nỗ lực rất lớn; nhất là, phải làm thật sự công tâm, khách quan, khoa
học trên tinh thần đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân
lên trên hết, trước hết.
Cụ thể, theo Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước, việc giới thiệu nhân sự nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ
vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai,
minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu để lựa chọn nhân sự; phải lấy
phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả
công tác của cán bộ làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí
cán bộ phù hợp với công việc. Đồng thời, trong công tác nhân sự, phải phòng và
chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo
tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; nhất là chống các biểu hiện cơ hội,
tham vọng quyền lực, vận động cá nhân để chạy phiếu bầu, cục bộ địa phương,
liên kết phe cánh, lợi ích nhóm... của cả người làm công tác nhân sự và người
được giới thiệu vào danh sách nhân sự.
Thấm nhuần những chỉ dẫn của
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”[1] và “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ
trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân
dân chứ không phải làm quan cách mạng”, vì thế, “làm cán bộ tức là suốt đời làm
đày tớ trung thành của nhân dân"[2]…, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng đã nhấn mạnh: Công tác nhân sự của Đảng phải được tiến hành cẩn trọng, để
không chỉ lựa chọn đúng, trúng mà còn kiên quyết không bỏ sót những người thật
sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời, cũng không để lọt vào Ban Chấp
hành Trung ương khóa XIII những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, vi
phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, làm việc kém
hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, uy tín giảm sút, có biểu
hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình
rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu,
lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; nhất là những người đã vi phạm khuyết
điểm…
Để có thể chọn được những cán
bộ lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược vừa có đức vừa có tài, đảm bảo đủ các tiêu
chuẩn đã đề ra, thì những cơ quan làm công tác nhân sự và người đề cử, giới
thiệu nhân sự phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu
nhân sự, đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân
liên quan. Đặc biệt, trong công tác nhân sự phải chú trọng và thực hiện nghiêm
nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức
đảng và người đứng đầu; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc, nói
không đi đôi với làm.
Tại các cấp ủy, phải thống nhất
và kiên quyết, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát để không đưa vào cơ quan lãnh
đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, những người nói một đằng
làm một nẻo, những người "ba phải", nhẫn nhục chờ thời, những người
luôn "diễn gương" để lấy phiếu bầu chứ không phải thật sự nêu gương,
thật sự tài đức. Nhất định phải giới thiệu và bầu cho được những người: 1) Luôn
đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sẵn
sàng đón nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích
chung. 2) “Làm người đày tớ nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân”[3]; những người luôn coi “dân là chủ”
và “dân làm chủ”, luôn “mở rộng dân chủ thật sự với nhân dân”[4]. 3) Trong bất cứ thời điểm nào,
hoàn cảnh cụ thể nào cũng phải “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc
gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; phải “yêu dân”, “kính dân” chứ không để
“dân đói”, “dân rét”, “dân dốt”…
CÔNG
TÁC GIỚI THIỆU VÀ BẦU CỬ QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ
Để làm tốt công tác nhân sự
trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị
quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, v.v..., tạo cơ sở pháp lý để thực
hiện đúng, nghiêm công tác cán bộ, công tác nhân sự. Cụ thể, Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"
đã khẳng định một chủ trương rất mới và tích cực trong việc lựa chọn, bố trí
người tài, đức vào các vị trí lãnh đạo. Đó chính là “thí điểm chế độ tiến cử, chế
độ tập sự lãnh đạo quản lý”; là “quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với
phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu cac tổ chức
trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ"[5] theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
và Công văn số 13-CV/TW ngày 17/8/2016 về “Xác định tuổi công tác của đảng
viên”, lấy ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ kết nạp Đảng của đảng viên làm
căn cứ để tính tuổi công tác, từng bước chấm dứt tình trạng “chạy tuổi” đã diễn
ra trong nhiều năm qua...
Tiếp đó là các Quy định số
89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Khung tiêu chuẩn
chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”;
Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh
giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản
lý”; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 về “Phân cấp quản lý cán bộ
và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” để thay thế Quyết định số
67-QĐ/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị khóa X, nhằm
đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cán bộ và bổ sung, hoàn thiện quy trình 5 bước
khi tiến hành bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm dân chủ, khách
quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn; Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3/1/2018,
của Ban Bí thư về “Công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng,
rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết số 26-NQ/TW
ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ” và Kết luận số 55-KL/TW ngày 15/8/2019 của Ban Bí thư về việc “Tiếp
tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và
Đại hội XIII của Đảng”… đã thể hiện rõ việc lựa chọn nhân sự, bầu cử vào
các vị trí quan trọng của hệ thống chính trị ngày càng đổi mới, bảo đảm dân
chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, có sự tham gia rộng rãi của
toàn xã hội.
Thực tế cũng cho thấy việc giới
thiệu nhân sự các cấp (từ Đại hội Đảng bộ các cấp đến Đại hội đại biểu toàn
quốc của Đảng) đã được xem xét, cân nhắc và thực hiện theo đúng Điều lệ, nghị
quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý. Việc bầu ra
cơ quan lãnh đạo các cấp được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo
môi trường thực sự dân chủ trong quá trình chuẩn bị nhân sự và trong bầu cử tại
đại hội. Đó cũng chính là minh chứng cho thấy trong công tác cán bộ, Đảng không
chỉ chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương mà còn luôn tạo cơ chế, môi trường,
điều kiện để khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, song phải đảm bảo sự cẩn trọng,
công tâm của cán bộ, đảng viên và đi liền cùng đó là tăng cường việc kiểm soát
quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, so bì, tị nạnh, chạy phiếu… để kịp thời
ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.
Bầu cử trong Đảng là công tác
vô cùng hệ trọng; bảo đảm cho mọi đảng viên thực hiện quyền bầu cử theo quy
định của Điều lệ Đảng để lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín
vào cấp ủy một cách dân chủ, nghiêm túc, đúng Điều lệ, làm cho Đảng thực sự là
một tổ chức cách mạng chặt chẽ, đoàn kết, kỷ cương, thống nhất cao, trong sạch
vững mạnh. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác bầu cử, xem
đây là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Nhiều nhiệm kỳ qua, cùng với
việc đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng đã có
những đổi mới quan trọng. Các quy định về bầu cử trong Đảng luôn bám sát và
tuân thủ đúng Điều lệ, các nghị quyết Đại hội Đảng, các quy định của Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, bảo đảm phù hợp với tình
hình thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và yêu cầu, mục tiêu xây dựng đội ngũ
cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Thực tế, công tác chuẩn bị, tổ
chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng được thực hiện trên cơ sở
phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; coi trọng
chất lượng, hiệu quả trên tinh thần: “Đại hội là dịp để sàng lọc cán bộ chứ
không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ
thiếu cán bộ” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. Lựa
chọn cán bộ, chuẩn bị nhân sự là một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán,
bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan và chế tài
để các cơ quan làm công tác nhân sự và người giới thiệu, đề cử nhân sự
"tuân thủ" chính là Quy chế bầu cử trong Đảng theo Quyết định số
244-QĐ/TW ngày 9/6/2014, đảm bảo từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, các tổ chức đảng giới
thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các đoàn thể nhân dân được vận dụng theo quy chế phù hợp với thẩm quyền.
Cụ thể, trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người có đức
và tài, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ để tạo ra một ê kíp, một tập thể
cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh, để tránh tình trạng "nhìn
gà hoá cuốc”, “thấy đỏ tưởng là chín”, "thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy
cái sơ sài bên trong”. Đồng thời, người giới thiệu và người tham gia bầu cử tại
Đại hội đều cần phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, lựa chọn để
chọn và bầu cho được những người thật sự đủ đức và tài - những “anh hùng đoán
giữa trần ai mới già!” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lưu ý. Đây không chỉ
là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành
Trung ương mà của cả hệ thống chính trị. Đy là nhiệm vụ trọng yếu liên quan đến
sự sinh tồn của Đảng và sự phát triển bền vững của quốc gia - dân tộc.
Cụ thể, Quyết định số 244-QĐ/TW tạo cơ
sở vững chắc cho công tác bầu cử trong Đảng được triển khai theo đúng nguyên
tắc, đúng quy trình; bảo đảm quyền của đảng viên trong bầu cử, ứng cử, cũng như
thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong công tác bầu cử. Đây cũng
chính là sự cụ thể hóa một bước quan trọng về nội dung của nguyên tắc tập trung
dân chủ trong công tác bầu cử của Đảng; đặc biệt là các nội dung liên quan đến
việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính
trị, Ủy viên Ban Bí thư, quy định về số dư và danh sách bầu cử. Bên cạnh đó,
cũng thể hiện sự phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát huy dân chủ, đoàn kết
thống nhất của một Đảng cách mạng, chân chính. Đó là dân chủ theo đúng Điều lệ
Đảng và kỷ luật Đảng, là tập trung dân chủ chứ không phải dân chủ hình thức,
dân chủ cực đoan như các thế lực phản động bịa đặt, vu khống trên các trang
mạng xã hội...
Làm tốt công tác nhân sự từ đại
hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng
liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và sự phát triển bền
vững, vững mạnh của đất nước. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân hãy
bình tĩnh, tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, tung hỏa mù, giả danh dân
chủ để tin tưởng vào những người, những tổ chức có trách nhiệm, được phân công
tham gia công tác nhân sự ở các công đoạn, tham gia bầu cử tại Đại hội Đảng bộ
các cấp và tại Đại hội XIII của Đảng.
Tựu trung lại, cả hệ thống
chính trị và xã hội, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia các công đoạn
của công tác nhân sự, các đại biểu dự Đại hội cần phải có trách nhiệm quan sát,
theo dõi, động viên, khích lệ để lựa chọn, giới thiệu nhân sự thật chính xác,
thật đúng và thật trúng, phòng và tránh hiện tượng: “1. Ham dùng người bà con,
anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng
những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng
những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp
với mình"[6]. Đồng thời, tiếp tục đòi hỏi các nhân sự
đã trúng cử trên các cương vị công tác của mình phải nỗ lực phấn đấu, rèn đức,
luyện tài, để và phải xứng đáng với sự lựa chọn, tin yêu và kỳ vọng của Đảng và
nhân dân; phải nỗ lực hoạt động, tích cực, sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong
mọi lĩnh vực công tác, thực sự là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành
của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn./.
TS.
Văn Thị Thanh Mai
[1] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289
[2] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.670
[3] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.292
[4] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.294
[5] Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.206
[6] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.296
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét