Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một sự kiện
lịch sử đặc biệt quan trọng, bước ngoặt của cách mạng Việt Nam - chấm dứt thời
kỳ khủng hoảng đường lối chính trị, giai cấp lãnh đạo, mục tiêu, phương hướng,
phương pháp đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của phong kiến tay sai
và thực dân, đế quốc; mở ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn do Đảng tiên
phong của giai cấp công nhân, nông dân và dân tộc Việt Nam lãnh đạo. Từ đó đến
nay, Đảng ta luôn chủ động, sáng tạo hoạch định đường lối đúng đắn, sát hợp với
điều kiện, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng, lãnh đạo
dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Đặc biệt, qua hơn 30 năm đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những
thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1. Thế nhưng, chủ nghĩa
đế quốc và các thế lực thù địch, phản động luôn phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với cách mạng Việt Nam 90 năm qua.
Ngay sự ra đời của Đảng cũng bị chúng xuyên tạc và phủ nhận, bởi
lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không tuân thủ quy luật chung của quôc tế Cộng
sản mà mang đặc tính riêng rất Việt Nam, đó là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa Mác -
Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đây chính là sự vận
dụng sáng tạo, phát triển của Nguyễn Ái Quốc trong vấn đề thành lập Đảng. Có
được kết quả trên là nhờ Nguyễn Ái Quốc có phương pháp cách mạng đúng đắn, biết
tổng kết thực tiễn, đối chiếu lý luận với thực tiễn và lòng khao khát cháy bỏng
muốn nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Thực tế đã chứng
minh, sức mạnh của Đảng đã được tạo nên ngay nguồn gốc ra đời, dù bị kẻ thù
chống phá điên cuồng, thậm chí tàn sát đẫm máu, nhưng Đảng ta vẫn kiên trung,
tồn tại và lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành
thắng lợi to lớn. Với một Đảng vừa tròn 15 tuổi đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi
nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,
tiếp đó là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu”, thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù
gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế
vừa tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, vừa làm nhiệm vụ quốc tế
cao cả giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh đất nước;
đồng thời, chiến đấu trên tuyến biên giới phía Bắc bảo vệ độc lập chủ quyền,
thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và tập trung lãnh đạo công cuộc đổi mới đạt nhiều
thành tựu quan trọng, đưa nước ta thoát khỏi nhóm các nước nghèo, được Liên hợp
quốc xếp vào các nước phát triển trung bình, cuộc sống của nhân dân ngày càng
ấm no, hạnh phúc, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao, v.v.
Vậy mà, các thế lực thù địch vẫn rêu rao rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam nói đổi
mới nhưng thực chất là “đổi màu”, “sửa sai”, “đổi hướng đi lên chủ nghĩa tư
bản,…”. Chúng còn viện dẫn trong đường lối đổi mới của Đảng ta trước hết là
“đổi mới tư duy”, để quy chụp Đảng ta “đã chuyển sang lập trường duy tâm chủ
quan”, v.v. Nhưng trên thực tế, Đảng ta đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa
đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị rất biện chứng và trên lập trường duy vật:
“Kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế
là trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”2. Hơn nữa, theo
quan điểm của Đảng ta, đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành
tựu lý luận đã đạt được, những quy luật phổ quát của sự nghiệp xây dựng chủ
nghĩa xã hội,… đó chính là quá trình bổ sung và phát triển lý luận xây dựng chủ
nghĩa xã hội mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã đặt nền móng
cho nhân loại. Đặc biệt, trong quá trình tiến hành đổi mới toàn diện đất nước,
Đảng ta luôn nhấn mạnh: Đổi mới không phải thay đổi, xáo trộn, mất ổn
định, xa rời mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đó chính là mục tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã
lựa chọn.
Thời gian qua, các thế lực thù địch không chỉ tấn công vào đường
lối đổi mới của Đảng ta về ý thức hệ và phương pháp luận, mà còn tấn công trực
diện vào từng quan điểm, luận điểm lãnh đạo cách mạng. Đơn cử như, về
quan điểm kinh tế, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc bằng những luận điệu
hết sức phi lý, vô căn cứ khi cho rằng: “nền kinh tế Việt Nam là “đỏ vỏ,
xanh lòng”, “Việt Nam đã chấp nhận kinh tế tư nhân, tư bản nhà nước, kinh tế có
vốn đầu tư của nước ngoài,... là kinh tế tư bản, không phải là kinh tế xã hội
chủ nghĩa”, v.v. Đây là luận điệu rất nguy hiểm, để minh chứng chúng viện dẫn
tư tưởng kinh tế của C. Mác “tư nhân hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư
bản”, nhưng chúng quên, hoặc cố tình không nhắc đến quan điểm biện chứng, kế
thừa, phát triển của V.I. Lê-nin: Những người cộng sản phải biết bắc
những chiếc cầu nhỏ vững chắc xuyên qua chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa
xã hội, và những người cộng sản phải biết sử dụng giai cấp tư sản
cày trên mảnh đất của chủ nghĩa xã hội, v.v. Vì vậy, trong quá trình phát
triển kinh tế khách quan xây dựng chủ nghĩa xã hội, sử dụng thành phần kinh tế
tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài là tất yếu, nhằm tạo động lực
thúc đẩy kinh tế phát triển là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Trên thực tế,
thành phần kinh tế tư nhân, nhất là từ khi có Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 03
tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa
XII) về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tính đến tháng 10-2019, kinh
tế tư nhân đóng góp 40% GDP. Điều đó chứng tỏ, đường lối phát triển kinh tế tư
nhân của Đảng ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật kinh tế khách quan mà
các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ dẫn, chứ không phải như các thế
lực thù địch xuyên tạc.
Cũng trên lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch tấn công trực
diện vào quan điểm của Đảng ta về bản chất kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa. Chúng cho rằng, kinh tế thị trường chỉ có vận hành và chi phối bởi
các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không có định hướng xã hội chủ nghĩa,
Đảng Cộng sản Việt Nam gắn cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là “gượng ép,
trái quy luật”, v.v. Thực chất luận điệu này là nhằm phủ nhận bản chất nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi lẽ, trong một phương
thức sản xuất, giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và
quan hệ sản xuất đều phải rút ra kết luận bản chất kinh tế, hay nói cách khác
là khẳng định mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, trước
hết là sở hữu về tư liệu sản xuất. Do đó, đường lối phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sự vận dụng sáng
tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Trên lĩnh vực ngoại giao, lợi dụng quan
điểm của Đảng ta “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách
nhiệm của cộng đồng quốc tế”, “thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác
quan trọng”3, các thế lực thù địch lại cho rằng, “Việt Nam phải
thoát Trung, theo Mỹ” mới bảo vệ được lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là luận
điệu vô cùng thâm độc nhằm phá hoại đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng,
Nhà nước ta, hạ thấp uy tín, gây mâu thuẫn giữa nước ta với các nước, nhất là
với Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Họ đã không hiểu
hoặc cố tình không hiểu thực chất quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng và
Nhà nước ta là: Việt Nam muốn làm bạn với các nước nhằm kết hợp sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển
đất nước. Đó là quan điểm được hình thành trên cơ sở khoa học của chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống hòa hiếu của dân tộc phù hợp với
xu thế hội nhập quốc tế trong thế giới đương đại. Thực tế những thành tựu ngoại
giao của nước ta trong những năm gần đây đã chứng minh đường lối đối ngoại của
Đảng ta hoàn toàn đúng đắn; vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế ngày
càng cao. Năm 2019, Việt Nam được bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo
an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, với số phiếu tín nhiệm cao chưa từng có
trong lịch sử (192/193 phiếu); tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ
Hai: Mỹ - Triều Tiên; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam
Su Đăng và Trung Phi; đăng cai thành công Đại hội đồng liên nghị viện (IPU) lần
thứ 132, v.v. Điều đó chứng tỏ Đảng ta luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc
lập, tự chủ, thực hiện đúng luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc
nội bộ của các nước khác, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để
phát triển đất nước.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chuẩn bị toàn
diện về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức cho đại hội đảng các cấp tiến tới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực xem đây là “thời cơ có một
không hai” để chống phá. Âm mưu, thủ đoạn của chúng rất tinh vi, thâm hiểm,
hòng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta từ đường lối, nền tảng tư tưởng, đến
công tác tổ chức, cán bộ. Vừa qua, chúng triệt để lợi dụng công cuộc chống tham
nhũng của Đảng để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây mất đoàn kết
nội bộ trong Đảng. Thâm độc hơn, chúng hô hào thành lập các tổ chức “xã hội dân
sự”; kích động đòi “đa nguyên, đa đảng”, thay đổi các nguyên tắc đại hội, bỏ
chế độ “đảng cử, dân bầu”, v.v. Đó là những luận điệu thể hiện rõ mục đích, ý
đồ đen tối của các thế lực thù địch, nhằm phủ nhận thành quả cách mạng, nhất là
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và
chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Để giữ vững vai trò lãnh đạo và thực hiện sứ mệnh lịch sử của
mình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói
riêng phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; tự tu dưỡng, rèn luyện nâng
cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng, phương pháp tác
phong công tác, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ
Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh; Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
sản Việt Nam về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là ủy
viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trong
thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán
bộ, đảng viên của Đảng thực sự “vừa là người lãnh đạo, vừa là người
đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; xây dựng Đảng ta thực sự “là
đạo đức, là văn minh” - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam 90 năm qua và sự trường tồn của dân tộc. Đó cũng là cơ sở, điều
kiện tiên quyết làm thất bại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 69.
2 - ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VII, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 71.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 168.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét