Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT CỦA QUÂN ĐỘI ANH HÙNG, XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH



Ngày 29-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò nòng cốt của quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh".

Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò nòng cốt của quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh" là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2019). Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định, làm rõ truyền thống anh hùng, bản chất tốt đẹp và những nhân tố quan trọng, quyết định tạo nên sức mạnh quật cường của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phân tích, làm rõ bối cảnh dẫn đến quyết định của Ban Bí thư lấy ngày 22-12 hằng năm là Ngày hội Quốc phòng toàn dân; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa cũng như giá trị thực tiễn của sự kiện này đối với quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀ QUỐC HỘI DÂN CHỦ, CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN



Cứ đến dịp Quốc hội họp, đâu đó lại xuất hiện một vài giọng điệu đả kích, cho rằng: "Quốc hội Việt Nam chỉ quyết định theo chỉ đạo của Đảng, là cơ quan thảo luận cho vui và chỉ mang tính hình thức". Những giọng điệu này hoàn toàn lạc lõng trước sự tín nhiệm ngày càng cao của cử tri, nhân dân dành cho Quốc hội Việt Nam-một cơ quan liên tục tự đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả làm việc và thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Một trong những lập luận của những người đả kích là "các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều được tiến hành trên cơ sở Đảng cử, dân bầu nên không có tự do ứng cử", rồi "khi bầu cử thì vận động, ép buộc bầu người này, người kia, như thế là không dân chủ".
Theo Hiến pháp cũng như quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND), mọi công dân Việt Nam nếu thấy mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND đều có quyền tự ứng cử. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế cũng có quyền giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Việc tổ chức 3 vòng hiệp thương để chốt danh sách người ứng cử cũng là chuyện bình thường và nước nào cũng có cách làm tương tự để rà soát người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử. Công việc này ở mỗi nước được giao các cơ quan khác nhau đảm nhiệm, tùy theo đặc điểm, tình hình. Tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là tổ chức mang tính đại diện rộng rãi của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị và các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc… Vì vậy, MTTQ là tổ chức phù hợp nhất tiến hành các vòng hiệp thương nhằm xác định được danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đáp ứng được tính cơ cấu, đại diện theo vùng, miền, địa phương, dân tộc, giới tính, độ tuổi, giai tầng, trong đó có cả người được giới thiệu và người tự ứng cử. Người được giới thiệu hay người tự ứng cử có thể là đảng viên, có thể là người ngoài Đảng nếu có đủ điều kiện và theo đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế qua các kỳ bầu cử cho thấy, rất nhiều người tự ứng cử đã giành được sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập nên vượt qua vòng hiệp thương thứ hai; có đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm vượt qua vòng bỏ phiếu hiệp thương thứ ba để có tên trên danh sách phiếu bầu; được cử tri nơi bầu cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Ví dụ ĐBQH Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) và ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đều là những người tự ứng cử. 
Cùng với đó, cũng có rất nhiều người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế giới thiệu (trong đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên), dù vượt qua các vòng hiệp thương nhưng không đạt được tỷ lệ phiếu bầu ở nơi ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Ví dụ, tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, có 15 đại biểu thuộc diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử để trở thành ĐBQH.
Việc vận động bầu cử là việc làm bình thường ở các nước, Việt Nam không là ngoại lệ. Cáo buộc “ép buộc” bầu người này, bầu người kia được đưa ra một cách vu vơ, thiếu dẫn chứng cụ thể thì rất khó thuyết phục. Thực tế, nếu có hành vi ép buộc người khác bầu cử, hành vi đó đương nhiên vi phạm Điều 95 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự. Bất kỳ ai nhận thấy mình bị mua chuộc, ép buộc khi bỏ phiếu đều có thể khiếu nại, tố cáo để làm rõ và xử lý.
Như vậy, về mặt pháp luật, quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử của công dân Việt Nam được Hiến định và được pháp luật quy định rất rõ ràng, được tôn trọng và bảo vệ. Về mặt thực tiễn, dù người tự ứng cử hay người được giới thiệu, dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, ứng cử viên nào được cử tri tín nhiệm thì mới được cử tri bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Ngược lại, ứng cử viên nào không đủ tín nhiệm với cử tri thì đều không được bầu, không cứ đó là ứng cử viên tự do hay ứng cử viên được giới thiệu.
Lập luận thứ hai mà những người đả kích Quốc hội Việt Nam đưa ra là "Quốc hội Việt Nam chỉ thảo luận, thông qua những nội dung theo quyết định của Đảng, việc thảo luận chỉ để “cho vui”, mang tính hình thức". Luận điệu cũ rích này khó có thể thuyết phục được những người quan tâm, theo dõi hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Thực tế, các nội dung được Quốc hội thảo luận đều thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của Quốc hội theo Hiến pháp và pháp luật. Không phủ nhận, những vấn đề quan trọng mà Quốc hội bàn thảo đều có dấu ấn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này là bình thường, bởi theo Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, cũng theo Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đều hướng tới nhân dân, vì nhân dân. Bởi vậy, việc Quốc hội Việt Nam thảo luận về những vấn đề do Đảng lãnh đạo là đúng Hiến pháp, hướng tới nhân dân, vì nhân dân, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Mọi vấn đề đưa ra nghị trường đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, thẳng thắn. Những nội dung không thuộc bí mật quốc gia đều được công bố công khai, minh bạch cả về tài liệu lẫn các ý kiến thảo luận. Thậm chí, những phiên họp liên quan tới các vấn đề lớn của đất nước, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Mỗi vấn đề được Quốc hội thảo luận đều có những ý kiến đồng tình, ý kiến phản bác. Tất cả ý kiến dù đồng tình hay phản bác đều được trân trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Quốc hội chỉ quyết định theo đa số. Tính dân chủ thể hiện rất rõ ở tỷ lệ thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết, thậm chí là quyết định công tác nhân sự, tuyệt đại đa số đều không đạt tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối, bởi không đại biểu nào bị ép buộc phải nhấn nút biểu quyết đồng ý nếu bản thân chưa nhất trí. Nếu ai theo dõi hoạt động của Quốc hội thường xuyên sẽ thấy, có những nội dung được Quốc hội thông qua chỉ với khoảng 70% ĐBQH nhấn nút đồng ý, trong khi tỷ lệ ĐBQH khóa XIV là người ngoài Đảng chiếm 4,2% tổng số ĐBQH. Như vậy, trong số những đại biểu nhấn nút không đồng ý, chắc chắn có đại biểu là đảng viên. Do đó, không thể có chuyện ĐBQH là đảng viên đều phải nhấn nút biểu quyết đồng ý theo “chỉ đạo”.
Thực tế cũng có những nội dung sau khi thảo luận, tranh luận đã bị Quốc hội bác bỏ, chẳng hạn việc Quốc hội chưa đồng ý thành lập Tòa án Nhân dân khu vực, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực khi thông qua các luật tổ chức liên quan tới hai ngành này. Hay nổi bật hơn là việc Quốc hội bác bỏ chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc vào năm 2010. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ tám, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Tuy nhiên, sau khi các đại biểu Quốc hội nhận được ý kiến của cử tri đã thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Có đại biểu đồng ý, có đại biểu không đồng ý. Kết quả biểu quyết cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không nhất trí mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất để khẳng định: Quốc hội Việt Nam không “thảo luận cho vui” mà thảo luận, tranh luận một cách thực sự, mang tính dân chủ cao, quyết định theo đa số, theo ý nguyện của cử tri và nhân dân.
Bởi vậy, những luận điệu cũ rích nhằm đả kích, làm giảm sút niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân với Quốc hội chẳng thể làm thay đổi được thực tế: Quốc hội Việt Nam thực sự là Quốc hội dân chủ, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cử tri, nhân dân đã, đang và vẫn sẽ luôn tin cậy, dành sự tín nhiệm cao cho Quốc hội cũng như dành sự quan tâm rất lớn tới các hoạt động của Quốc hội…

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

VẠCH TRẦN BẢN CHẤT PHẢN ĐỘNG CỦA NHÓM “PHONG TRÀO CHẤN HƯNG NƯỚC VIỆT”



Năm 2013, Vũ Quang Thuận, Lê Thăng Long tuyên bố lập nhóm “Phong trào chấn hưng nước Việt” và kênh “Chấn hưng nước Việt” làm cơ quan ngôn luận, tuyên truyền phát triển tổ chức; mục đích nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh đòi dân chủ, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động, Vũ Quang Thuận đã lôi kéo được Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Lê Văn Dũng tham gia hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước.
Lê Văn Dũng hay gọi là Dũng Vova sinh ra trong một gia đình công chức. Bản thân Dũng từng là sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào những năm 1987-1992. Sau khi ra trường, Dũng làm kỹ sư Công ty cổ phần kỹ nghệ lạnh Đà Nẵng, ở đường Lê Trọng Tấn, TP Đà Nẵng. 2 năm sau, làm kỹ sư điện Công ty TNHH Tư vấn và quản lý xây dựng...
Lê Văn Dũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động chống đối tụ tập, biểu tình gây rối ANTT từ năm 2011. Đối tượng đã lợi dụng các vấn đề phức tạp về chủ quyền biên giới, khiếu kiện đất đai tại một số địa bàn như Dương Nội (Đông Anh); Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên); ô nhiễm môi trường (Formusa, chặt hạ cây xanh) hay lợi dụng danh nghĩa tưởng niệm các sự kiện lịch sử; việc bắt giữ, xử lý số đối tượng chống đối để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Lê Văn Dũng luôn giữ vai trò tích cực tham gia hàng trăm cuộc biểu tình, tụ tập gây rối an ninh trật tự tại các địa phương.
Ngoài ra, Lê Văn Dũng còn tham gia các hội nhóm chống đối như nhóm “No-U, “Phong trào chấn hưng nước Việt”; tích cực tham gia các “phong trào” do số đối tượng chống đối trong và ngoài nước phát động.
Từ năm 2017, Lê Văn Dũng điều hành “Kênh 4” của “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Trong quá trình thực hiện để tránh bị cơ quan chức năng xử lý, đối tượng đã đổi tên “Kênh 4 phong trào chấn hưng nước Việt” thành “Thông tấn xã vỉa hè”, “Chấn hưng tivi”, “CHTV VietNam”...
Dũng và các đối tượng tự xưng là phóng viên, tự làm giả thẻ phóng viên..., “ảo tưởng” về bản thân khi tự cho mình quyền phán xét người khác, hay giải quyết các vướng mắc của người dân.
Đối tượng sử dụng nhà riêng để lập “trường quay”. Cụ thể, đối tượng sử dụng phòng khách của gia đình, dùng điện thoại thông minh và một số thiết bị thu âm, sử dụng tính năng livestream của facebook để thực hiện các video clip.
Sau đó, đối tượng móc nối, lôi kéo người dân khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương để thực hiện livestream. Người dân có thể trực tiếp mang hồ sơ vụ khiếu kiện đến hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
Sau khi các đối tượng “duyệt” hồ sơ thì sẽ lựa chọn, tiến hành phỏng vấn trực tiếp người dân khiếu kiện và phát trên facebook cá nhân. Trong quá trình livestream, đối tượng thường xuyên sử dụng những lời nói xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền, lãnh đạo các địa phương nhằm mục đích câu like, sự ủng hộ của số đối tượng phản động, chống đối.
Đầu năm 2018, Lê Văn Dũng bắt đầu hoạt động trở lại, nổi lên với vai trò là người đứng đầu nhóm “Phong trào chấn hưng nước Việt” đã tạo lập nhiều tài khoản như “Lê Văn Dũng”, “Le Dung vova”, “Chấn hưng tivi Việt Nam”… lôi kéo 6 đối tượng ở các địa phương, công khai thành lập 1 kênh “Tiếng dân tivi”, 1 kênh “ Eva tivi”, 5 kênh “Chấn hưng Tivi” trên Youtube, Facebook.
Hiện nay, để đối phó với Cơ quan An ninh, khi thực hiện các video, clip các đối tượng không lấy biểu tương logo “Phong trào chấn hưng nước Việt” mà chuyển thành “CHTV”.
Đến nay, Dũng đã thực hiện hàng nghìn video clip xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm của xã hội đăng trên các facebook như “Le Dung VoVa”, “Chấn hưng TV Viet Nam”, “Viet Nguyen”…
Ngoài ra, Lê Văn Dũng còn cùng các đối tượng tích cực đi các địa phương tìm cách phát triển lực lượng chống đối, trong đó họ tập trung móc nối, lôi kéo số đầu đơn, khiếu kiện cực đoan tại các địa phương, thu thập thông tin về các vụ khiếu kiện, sau đó lồng ghép các nội dung xuyên tạc, bôi nhọ..., tán phát trên “Đài CHTV”.
Người dân cần cảnh giác với các chiêu trò phá hoại, phản động
Từ năm 2016 đến nay, ngoài facebook, số đối tượng phản động, chống đối còn lợi dụng Youtube để đăng tải các video clip tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình Việt Nam. Các video này tác động tiêu cực, gây hoang mang trong một bộ phận quần chúng nhân dân, đặc biệt trong giới trẻ là những người thường xuyên sử dụng Internet.
Nội dung các video clip các đối tượng phản ánh thường tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, xúc phạm đời tư của một số lãnh đạo; kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự; tuyên truyền, cổ súy “xã hội dân sự”; đa nguyên, đa đảng, đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động chống đối, cách thức thực hiện “cách mạng màu”, lật đổ chế độ tại Việt Nam...
Lê Dũng VoVa đã thu lượm, cóp nhặt thông tin, hình ảnh trên Internet sau đó biên tập lại kèm lời bình để dựng thành video clip tán phát trên Youtube.
Để thu hút lượng truy cập từ người dùng Internet, các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn như lợi dụng tính tò mò, hiếu kỳ của người dân dùng Internet đặt các từ khóa nhạy cảm..., nhằm thu hút sự chú ý của công dân mạng. Khi đạt đến một lượng truy cập lớn, video clip sẽ tự nổi, hiển thị ngay khi người dùng truy cập Youtube.
Ngoài mục đích tuyên truyền, xuyên tạc tình hình Việt Nam, số đối tượng phản động còn lợi dụng Yotube để kiếm tiền từ quảng cáo. Đối với các kênh có từ trên 10.000 lượt người xem sẽ được Youtube đặt quảng cáo tại các video đăng trên kênh. Lượt xem càng lớn thì số tiền nhận được càng lớn...
Đối với Lê Văn Dũng, trong các video clip phát trực tiếp trên mạng Internet, mục đích của đối tượng nhằm lừa bịp người dân cho rằng đây là kênh truyền hình chính thức của Nhà nước.
Nội dung các video clip thường lồng ghép thật giả, đúng sai, bóp méo, xuyên tác đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cập nhật tình hình các điểm nóng về an ninh trật tự; xuyên tạc đời tư, học vấn, hình ảnh nhà riêng, nhân thân của các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, địa phương; kích động chống lại sự lãnh đạo của Đảng pháp luật của Nhà nước.
Hầu hết các video clip của Dũng đều được các tổ chức phản động lưu vong, các báo, đài, nước ngoài có thái độ thù địch khai thác.
Với những phân tích như ở trên thì bản chất và ý đồ của Lê Dũng Vova đã thể hiện rõ nét. Vì thế, khi người dân có những vấn đề khúc mắc thì nên tìm đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng pháp luật. Đừng vì nhẹ dạ, cả tin mà để Lê Dũng Vova và các đối tượng lợi dụng lừa bịp.
“Đài CHTV” không phải là một kênh truyền hình và Dũng và đồng bọn không phải là phóng viên. Với các clip video được quay tại nhà riêng, Dũng chỉ muốn lợi dụng người dân để thực hiện cho ý đồ cá nhân của họ.

CÁN BỘ NGHỈ HƯU VẪN BỊ XỬ LÝ KỶ LUẬT



Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi nên đã bỏ quy định này trong Luật.
Chiều 25-11, với 426/454 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua đã không còn định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ. Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật để thể hiện chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội thì trong các phiên thảo luận tại nhóm và tổ, một số ý kiến tán thành trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức chỉ nên quy định khái niệm, khung chế độ, chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. 
Một số ý kiến đề nghị quy định trong Luật khái niệm “người có tài năng”, chế độ, chính sách đối với người có tài năng, bao gồm cả chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút người có tài năng; quy định người có tài năng là người phải “vừa có đức, vừa có tài”. Một số ý kiến đề nghị không định nghĩa về người có tài năng trong Luật vì rất khó có một khái niệm chung, hoàn hảo về “người có tài năng”, “người có tài năng trong hoạt động công vụ”. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định khung chính sách chung về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để làm cơ sở cho địa phương quy định, tránh việc áp dụng Luật một cách tùy tiện. 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi nên đã bỏ quy định này trong Luật. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng quy định phương thức tuyển dụng công chức, quy định việc tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển là cần thiết. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển. Quá trình tổ chức thực hiện đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu bị xử lý kỷ cũng được quy định trong  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng. Cụ thể, quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức đã nghỉ việc nghỉ hưu nhằm bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

THỦ ĐOẠN DIỄN BIẾN, CHỐNG PHÁ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Về vấn đề dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân... Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... Cụ thể hóa tư tưởng tiến bộ này cũng như những giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền trên thế giới, vấn đề dân chủ, quyền con người được thể chế hóa, nội địa hóa trong hệ thống pháp luật hiện hành và thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam. Ngay trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14 – Hiến pháp 2013).
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ngay tại Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận, quyết định thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam. Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn sinh động đó là minh chứng phản bác luận điệu quy kết Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, phản động. Họ cố tình suy diễn vấn đề Hồng Kông để xuyên tạc, hòng tạo ra nhận thức sai lệch thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Thủ đoạn của họ là làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình trái pháp luật gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chống phá cách mạng Việt Nam, thúc đẩy “xã hội dân sự”, dân chủ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo kiểu phương Tây, tiến tới lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thủ đoạn nguy hiểm cần nhận diện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước.
http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Loi-dung-bat-on-o-Hong-Kong-de-xuyen-tac-kich-dong-chong-pha-Viet-Nam-571287/

LỢI DỤNG BẤT ỔN Ở HỒNG KÔNG ĐỂ XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG CHỐNG PHÁ VIỆT NAM



Lợi dụng vào tình hình bất ổn ở ở Hồng Kông, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã có những suy diễn, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam...
Thời gian qua, cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng vào tình hình chính trị bất ổn ở đặc khu này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã có những suy diễn, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam, kích động, cổ suý, tập hợp lực lượng, gia tăng chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong nước.
Biểu tình ở Hồng Kông gây hậu quả nghiêm trọng
Biểu tình tại Hồng Kông khởi nguồn từphong trào chống dự luật dẫn độ - giọt nước tràn ly làm bùng phát hoàng loạt cuộc biểu tình kéo dài liên tiếp sang tháng thứ sáu. Mặc dù dự luật này đã được chính quyền Hồng Kông chính thức hủy bỏ để trấn an tình hình, tuy nhiên cuộc biểu tình chuyển sang vấn đề đấu tranh dân chủ và diễn biến hết sức phức tạp, gây ra tình hình bất ổn, xã hội hỗn loạn, nhiều lĩnh vực có thời điểm tê liệt, kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng.
Trong tuần qua, Hồng Kông chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực. Nhiều trường đại học tê liệt, đã phải kết thúc học kỳ sớm. Sinh viên thuộc chương trình trao đổi với nước ngoài hối hả về nước. Ngành giáo dục cũng hủy các lớp học ở tất cả các trường trên toàn thành phố vài ngày qua. Trước đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam cho biết, loại trừ bất kỳ phương án nhượng bộ nào với người biểu tình trong bối cảnh bạo lực leo thang. Bà này tuyên bố: “Đã nhiều lần nói rằng bạo lực không mang lại giải pháp, mà chỉ gây ra nhiều bạo lực hơn, việc nhượng bộ chỉ vì bạo lực đang leo thang sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn. Mặt khác, chúng ta nên xem xét mọi biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực”. Tình trạng đổ máu, thậm chí chết người đã xảy ra. Trong bối cảnh đó, chính quyền thể hiện các quán điểm cứng rắn, trong khi các cuộc biểu tình, bạo lực ngày càng gia tăng làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.
Theo thông tin trên tờ South China Morning Post, Hồng Kông tiếp tục rơi vào suy thoái khi nền kinh tế suy giảm 3,2% trong quý III so với quý trước. Cục Thống kê Hồng Kông cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ đã giảm 2,9% trong quý thứ ba, đây là suy thoái tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Trên chuyên trang kinh tế của Bloomerrg, chuyên gia kinh tế Eric Lam và Enda Curran đánh giá: Các cuộc biểu tình kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế Hồng Kông tăng trưởng âm trong năm 2019, thị trường việc làm bắt đầu suy yếu khi suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc, tình trạng bất ổn đã làm gián đoạn nghiêm trọng, có giai đoạn làm tê liệt đối với ngành dịch vụ, bán lẻ. Phân tích tình hình Hồng Kông thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng rất khó dự đoán các cuộc biểu tình sẽ còn kéo dài đến bao giờ và có kết quả đến đâu, chính quyền sẽ có giải pháp gì tiếp theo, nhưng rõ ràng tác động của nó đến đặc khu từng là trung tâm tài chính, dịch vụ hàng đầu châu Á và thế giới là hết sức bất ổn.
Mượn cớ suy diễn, xuyên tạc tình hình
Lợi dụng tình hình bất ổn ở Hồng Kông, thời gian qua, thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, phản động mượn cớ, liên hệ để suy diễn xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam.
Trên các đài BBC, RFA, VOA, các trang hải ngoại đăng tải nhiều bài viết liên hệ vấn đề Hồng Kông, các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng núp bóng “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền” trong và ngoài nước xuyên tạc rằng “chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam thì hoàn toàn không tự do, dân chủ”. Họ hô hào, tình hình ở Hồng Kông sẽ lan tỏa, rồi đưa ra những đánh giá có tính kích động như “càng đàn áp thì khao khát dân chủ càng lớn, mưu cầu tự do càng cao”, “tự do hay là chết”, “quyết tử cho tự do dân chủ”! Họ xuyên tạc nhà cầm quyền Việt Nam “không coi người dân ra gì”, rồi cáo buộc “chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái của họ mà thôi”. Vì vậy, trước những vấn đề xã hội, họ kích động người dân “noi gương Hồng Kông”, cần xuống đường biểu tình “đòi tự do, dân chủ, chống toàn trị”! Họ phân tích sự “im lặng” của giới trẻ Việt Nam rồi châm chọc, kích bác rằng, các bạn trẻ Việt Nam “phải mạnh dạn, không có gì lo sợ khi chính quyền đàn áp lúc tham gia các cuộc biểu tình” và rằng, nếu chúng ta không lên tiếng phản đối  thì chúng ta không còn là chúng ta nữa, chúng ta sống nhưng chúng ta không có một cái quyền gì cả!
Cũng trong những ngày vừa qua, các phần tử phản động hải ngoại lưu vong của “phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền” thông báo, kêu gọi giới trẻ tham gia Đại hội lần thứ 2 vào tháng 4-2020 tại Nhật Bản. Các đối tượng cầm đầu của tổ chức này âm mưu tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là ở trong nước “thấu hiểu các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, tự do”, qua đó hướng dẫn cái gọi là “vượt thoát các ngục tù tư tưởng” do Đảng Cộng sản Việt Nam uốn nắn từ tuổi thơ qua hệ thống giáo dục “thui chột, một chiều”, tạo ý thức thế hệ trẻ về tình trạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Theo thông báo, trong đại hội này có sự tham gia, hướng dẫn phương thức hành động của các diễn giả là những cá nhân đứng đầu phong trào biểu tình ở Hồng Kông để truyền bá kinh nghiệm, cách thức tổ chức biểu tình. Từ đó, họ thảo luận, tìm ra cách thức hành động, liên kết thành lập mạng lưới liên minh các đối tượng hoạt động trong nước và quốc tế núp bóng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Những đối tượng “lựa gió bẻ măng”, lợi dụng vấn đề Hồng Kông để suy diễn, xuyên tạc tình hình Việt Nam đều là những phần tử có bề dày thành tích bất hảo chống đối trong nước, phối hợp với các phần tử phản động lưu vong, các hội đoàn chống cộng, trong đó có nhiều đối tượng có những hoạt động mà họ cho là “yêu nước”, thực chất là các phần tử, từng bị xử lý tội “hoạt động chống phá chính quyền nhân dân” theo pháp luật Việt Nam và nhiều đối tượng là phần tử của các tổ chức phản động, tổ chức khủng bố Việt Tân.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

GIỮ NGHIÊM KỶ LUẬT PHÁT NGÔN



Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và các tầng lớp nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước. Cùng với việc gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên còn phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, những điều đảng viên không được làm, trong đó có kỷ luật phát ngôn.
Phát ngôn tùy tiện - biểu hiện xa rời nguyên tắc của Đảng
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy chế, quy định về kỷ luật phát ngôn đối với CB, ĐV, nhằm giữ vững tính Đảng, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước. Nhìn chung, CB, ĐV đều giữ vững quan điểm, lập trường, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, từ đó nói, viết đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tổ chức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số CB, ĐV có những phát ngôn tùy tiện, không đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Cách đây một năm, việc ông Chu Hảo bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, vì đã có những vi phạm vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn báo chí nước ngoài không đúng sự thật, cổ súy cho những tư tưởng sai trái, lệch lạc, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta... Đó là biểu hiện rõ nét của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của người đảng viên, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không chịu trui rèn bản lĩnh, nhận thức chính trị, không tuân thủ kỷ luật phát ngôn của Đảng...
Một số CB, ĐV hưu trí lợi dụng dân chủ, phát ngôn sai trái, đi ngược lại đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, lộ rõ là những kẻ hai mặt, bởi khi còn đương chức thì không tham gia xây dựng, đóng góp cho Đảng, cho đất nước, nhưng khi nghỉ hưu thì phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng, hoặc lợi dụng những thông tin không chính thống để quy kết, luận bàn thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị, thậm chí bị lôi kéo, kích động. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhân sự việc ông Chu Hảo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Về cơ bản CB, ĐV là rất tốt, nhưng không phải không có những người cậy mình có chút công lao để sinh ra kiêu ngạo, muốn nói gì thì nói, phán gì thì phán, nói trái điều lệ, nói trái Cương lĩnh. Như vậy, có còn là đảng viên nữa không...?”
Thời gian gần đây, trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, một số CB, ĐV đang ở giai đoạn giao thời, hoặc có biểu hiện “chợ chiều cuối khóa” đã không giữ được tính Đảng trong lời nói của mình. Biểu hiện là khi trong hội nghị thì phát ngôn một đằng, nhưng ngoài hội nghị lại nói một nẻo liên quan đến những vấn đề về nhân sự đại hội đảng, vi phạm nguyên tắc của Đảng. Những phát ngôn sai lệch, không đúng bản chất, khi gặp “chất xúc tác” của những người đưa tin theo kiểu “cắt gọt”, giật tít “nóng” để câu view, đã tạo ra những luồng dư luận xấu trên các diễn đàn, mạng xã hội; ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị về mọi mặt cho đại hội đảng các cấp.
Nhìn rộng ra, ở các chi bộ, đảng bộ, nơi này, nơi kia có những CB, ĐV nhận thức chưa đầy đủ, hoặc không đúng về chủ trương của cấp ủy, có những phát ngôn mang nặng thiên kiến chủ quan, gây mất đoàn kết, dẫn đến có những suy nghĩ, lời nói, việc làm vi phạm kỷ luật phát ngôn, ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của tổ chức đảng và đảng viên. Một số CB, ĐV vẫn còn biểu hiện “hẹp hòi”, phát ngôn không có cơ sở, cung cấp những thông tin không thuộc thẩm quyền, làm ảnh hưởng uy tín của người đảng viên và gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ; trong hội họp, tự phê bình và phê bình còn biểu hiện nể nang, né tránh, ít tranh luận, ít đấu tranh phê phán. Cũng có những đảng viên trong cuộc họp, lấy “im lặng là vàng”, nhưng khi ra khỏi cuộc họp thì bàn tán, phê người này, nói xấu người kia…
Tôn trọng kỷ luật Đảng là đạo đức cách mạng của người cộng sản
Đội ngũ CB, ĐV là những người trực tiếp tuyên truyền, thực hiện đưa nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Hơn ai hết, đây là những người phải nắm chắc, hiểu sâu nguyên tắc của Đảng và đường lối, chủ trương của Đảng để tuyên truyền đúng, đủ đến các tầng lớp nhân dân. Người CB, ĐV khi tiếp xúc, giao tiếp với nhân dân, với các cơ quan báo chí phải phát ngôn đúng với chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác của mình; đặc biệt, cần bám sát các quy định, quy chế phát ngôn do các cơ quan chức năng cũng như cơ quan, địa phương mình ban hành.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Trong giai đoạn hiện nay, việc củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải để kỷ luật nhiều đảng viên mà quan trọng nhất là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ CB, ĐV. Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác thì phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng; có như vậy mới bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và từ đó tăng cường dân chủ.
Thực hiện nhất quán những vấn đề mang tính nguyên tắc trên, Đảng và Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, để mọi người được tham gia đóng góp, xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền Nhà nước và đề đạt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến riêng của mình. Đảng mở rộng dân chủ trong đóng góp ý kiến, trong phát ngôn, nhưng phải trong khuôn khổ những quy định của nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Do vậy, trong các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, CB, ĐV phát biểu ý kiến phải theo đường lối, chủ trương và các nghị quyết của Đảng; phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được phát ngôn tùy tiện, hoặc lợi dụng các diễn đàn, các cuộc hội thảo, hội nghị để đả kích tổ chức, phê phán lãnh đạo, bôi nhọ cá nhân và tuyên truyền các quan điểm sai trái. Tuỳ tiện phát ngôn sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và những phần tử xấu lợi dụng chống Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các diễn đàn online, mạng xã hội đặt ra yêu cầu cấp thiết phải quản lý chặt chẽ CB, ĐV trong cả lời nói và việc làm. Những thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội rất khó kiểm soát, kiểm chứng về mức độ tin cậy. Bởi vậy, khi tham gia các diễn đàn này, bất kỳ một bình luận, phát ngôn nào của CB, ĐV cũng dễ trở thành chủ đề bàn luận, thậm chí bị các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. Trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đặt ra các yêu cầu, quy chế về việc phát ngôn đối với mọi đảng viên sinh hoạt ở chi bộ mình. Cấp ủy các cấp, các đảng bộ, chi bộ cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường phổ biến, quán triệt, nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật phát ngôn của Đảng cho CB, ĐV; kịp thời ngăn chặn, xử lý khi có CB, ĐV vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm trái quan điểm, đường lối, quy định của Đảng và Nhà nước.
Cùng với việc siết chặt quản lý, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cá nhân có phát ngôn không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình; không đúng với đường lối, quan điểm của Đảng để giữ nghiêm nguyên tắc, kỷ luật phát ngôn của Đảng. Đồng thời, mỗi CB, ĐV phải nâng cao bản lĩnh, tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời nhận diện và đấu tranh trực diện chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng chống phá; nhất là khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội trên môi trường internet, từng CB, ĐV cần có nhận thức đúng đắn, không bị các thế lực thù địch, phản động dụ dỗ, lôi kéo, cài bẫy trong các bình luận, phát ngôn, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng.
Mọi CB, ĐV dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhất thiết không để CB, ĐV đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đây là yêu cầu cấp thiết thường xuyên để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Hơn ai hết, CB, ĐV phải tự nghiên cứu, học tập, trau rèn nhận thức, bản lĩnh chính trị, nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết, nghi kỵ nội bộ, tiếp tay cho những hành vi vi phạm. Có như vậy, kỷ cương, kỷ luật của Đảng không những được phát huy hiệu lực, hiệu quả, mà uy tín, vai trò, vị thế của Đảng ngày càng được tăng cường và khẳng định.


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

LỢI DỤNG HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 11 ĐỂ TÁN PHÁT “THƯ NGỎ”, CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC



Lợi dụng thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 11, các phần tử cơ hội chính trị tiếp tục giở chiêu trò “thư ngỏ” gửi hội nghị và phát tán trên mạng xuyên tạc tình hình, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều vấn đề khác theo kiểu “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.
Từ ngày 7 đến 12-10, Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Lợi dụng thời điểm này, các phần tử cơ hội chính trị tiếp tục giở chiêu trò “thư ngỏ” gửi hội nghị và phát tán trên mạng xuyên tạc tình hình, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều vấn đề khác theo kiểu “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Trong “thư ngỏ” của một vị giáo sư vốn là người không còn đứng trong hàng ngũ của Đảng, cho rằng: Hội nghị Trung ương lần thứ 11 họp đúng vào lúc đất nước ta đang đối diện trong một bối cảnh vận nước “chao đảo với lớp lớp sóng triều Biển Đông, lòng dân sục sôi với thế nước trực diện với nạn xâm lăng”. 
Ông vu cáo: Chuyện “kiểm soát quyền lực (Quy định 205-QĐ/TW) chỉ là “trò chơi tranh giành quyền lực”… Từ đó, bài viết quy kết mang tính kích động: phải dứt khoát từ bỏ những kẻ đang ngoan cố duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ nhằm vớt vát quyền uy mục ruỗng, quyết đẩy đất nước vào con đường lệ thuộc, bán nước cho Trung Quốc. Một số đối tượng khác thì không ngừng vu cáo Đảng, Nhà nước nhu nhược, không có biện pháp đối với vấn đề bãi Tư Chính, Biển Đông. Phần cuối trong “thư ngỏ”, họ cũng lòi ra cái đuôi khi kết luận: Nếu không thực hiện dân chủ hóa theo đa nguyên, đa đảng, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự” thì không thể giữ được độc lập, chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân.
Ở một hướng khác, Đài Á châu tự do (RFA) chống phá, tuyên truyền xuyên tạc theo hướng dẫn dắt thông tin khi cho đăng tải bài viết, phát biểu của nhiều phần tử chống đối, phê phán Hội nghị Trung ương 11, công tác nhân sự của Đảng là lạc hậu, khép kín và trái khoáy; nói rằng, nếu Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5-2019 chủ yếu “sắp ghế” cho 200 ủy viên Trung ương thì Hội nghị Trung ương 11 có nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt Ủy viên Bộ Chính trị cho khóa 13. Từ đó, bài viết này xuyên tạc “Hội nghị 11 chỉ là cuộc đấu đá, sát phạt giữa các phe nhóm”.
Thủ đoạn sử dụng hình thức “thư ngỏ” là lợi dụng vào những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Bản chất của các “thư ngỏ” là xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong “thư ngỏ”, mục đích của họ là “kiến nghị”, “yêu sách” đòi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi từ bỏ, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền tảng tư tưởng của Đảng…
Qua hình thức gửi “thư ngỏ”, có thể thấy thủ đoạn của họ sau đây:
Một là, lợi dụng những thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị trọng đại, họ gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” để tập trung sự quan tâm của dư luận, nhất là những thời điểm nhạy cảm, đánh vào tâm lý tò mò của một bộ phận người dân. Luận điệu trong các “thư ngỏ” được họ trình bày giả dạng dưới hình thức phân tích, diễn biến tình hình hết sức cấp bách, nguy hiểm, hỗn loạn, sục sôi theo kiểu “tung hoả mù”, sau đó là những kiến nghị hết sức “khẩn thiết”, “tâm huyết”, “trách nhiệm” trước vận mệnh đất nước, dân tộc. Qua đó, nếu không tỉnh táo, người đọc dễ hoài nghi, hoang mang, dao động.
Hai là, thủ đoạn tinh vi của họ thể hiện ở chỗ vu khống, đổ lỗi những vấn đề mà họ nêu ra là do thể chế chính trị gây ra, từ đó quy kết vai trò lãnh đạo của Đảng là độc đoán, chuyên quyền; xuyên tạc công tác cán bộ là tranh giành, đấu đá, thanh trừng phe nhóm. Mục đích của họ là khuấy động tình trạng hỗn loạn theo kiểu “đục nước béo cò”, nói xấu, xuyên tạc, vu cáo lãnh đạo cấp cao. Qua đó làm giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo Đảng.
Ba là, từ “thư ngỏ”, những kiến nghị, đòi hỏi họ đưa ra vẫn là những mục tiêu “diễn biến hoà bình” không bao giờ thay đổi là xoá bỏ thể chế chính trị xã hội XHCN, yêu cầu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện “nhà nước tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, qua đó lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Bốn là, phương thức của thủ đoạn tinh vi nói trên của họ là tung lên mạng xã hội, các trang của các tổ chức, hội đoàn phản động lưu vong, truyền thông hải ngoại để mở rộng đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, đồng thời kích động, lôi kéo tụ tập xuống đường, biểu tình, gây rối làm mất ổn định chính trị và an ninh, trật tự.
Các đối tượng đề tên, ký tên “thư ngỏ” thường là những người từng là cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị, đã có thời gian công tác, vị trí chức vụ lãnh đạo, có tiếng nói, uy tín nhất định. Lúc đương chức, đang công tác, họ không có ý kiến, góp ý, khi có tuổi hoặc về hưu mới bắt đầu lên tiếng phê phán, xét lại, trở cờ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, câu nối, móc ngoặc phần tử phản động bên ngoài để chống phá cách mạng Việt Nam.
Đối với vấn đề Biển Đông cũng là nội dung được đề cập trong các “thư ngỏ” gửi Hội nghị Trung ương 11. Các “thư ngỏ” nêu ra vấn đề phức tạp tại Biển Đông rồi đánh giá tính chất “cực kỳ hệ trọng”, nhân danh nhân sĩ, trí thức yêu nước đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có biện pháp cứng rắn, quyết liệt. Từ chỗ phê phán chính sách quốc phòng “3 không”, cho rằng “sai lầm về đường lối”, ứng phó hèn nhát, họ chuyển sang “tham mưu” với những đề xuất kiểu như phải theo phe này, nước kia để giữ chủ quyền biển đảo.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước chỉ rõ: Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đối với vấn đề Biển Đông nói chung, bãi Tư Chính nói riêng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định “nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Ðông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép”.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. 
Tại Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng nêu rõ vấn đề Biển Đông và quan điểm của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Hay trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, trao đổi trực tiếp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề này để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước.
Đặc biệt, trong phát biểu khai mạc Hội nghị 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương “Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức”.
Chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì giữ vững. Những giải pháp mà Đảng, Nhà nước thực hiện đối với vấn đề Biển Đông vừa là vấn đề chiến lược, vừa là sách lược trong từng thời điểm cụ thể. Yêu nước, thể hiện quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo, song chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước để tuyên truyền gây tâm lý hoang mang, kích động chống phá.


NHẬN DẠNG NHỮNG BIỂU HIỆN CỤ THỂ, MỚI NẢY SINH HIỆN NAY CỦA CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỚI CƯƠNG LĨNH, NGHỊ QUYẾT, QUAN ĐIỂM, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG



Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng là hệ thống những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, góp phần thực hiện đường lối cách mạng của Đảng trong một giai đoạn, khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định xây dựng và tổ chức thực hiện cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng và nhận dạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái bảo vệ cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng, coi đây là sự cụ thể hóa phương châm “giữ vững bên trong là chính”, phòng, chống và làm thất bại âm mưu “phá từ bên trong phá ra”, “tạo sự chuyển biến từ bên trong” của các thế lực thù địch. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định một trong những phương hướng, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng là phải: “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển... Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch” (1).
Dưới phương diện bảo vệ an ninh, trật tự, quan điểm sai trái là quan điểm, ý kiến không đúng sự thật, xuất phát từ sự nhận thức không đầy đủ, thiếu chính xác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dẫn đến phản ánh, đánh giá không đúng bản chất sự vật, sự việc, hiện tượng, có tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Còn quan điểm thù địch là quan điểm, ý kiến thể hiện sự đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp và chủ thể của nó thường là những đối tượng có sự đối lập về ý thức hệ. Do tính chất phức tạp và quyết liệt của đấu tranh giai cấp, trên thực tiễn chính trị - xã hội Việt Nam, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ kép là “sai trái, thù địch” để chỉ các quan điểm đối lập với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Trong trường hợp này, thuật ngữ “sai trái” được sử dụng để nhấn mạnh tới phương diện phản khoa học, phi thực tiễn của loại quan điểm nêu trên; còn khi dùng thuật ngữ “thù địch” là để nhấn mạnh tới sự đối lập với lợi ích, lập trường giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, với nền tảng tư tưởng của Đảng, chú ý hơn đến yếu tố “đối tượng”. Từ cách tiếp cận trên nhận thấy, quan niệm sai trái, thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng là nhận thức, suy nghĩ, thái độ không khách quan, cách nhìn phiến diện, phản khoa học hoặc thù địch và đối lập với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đi ngược con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, việc tấn công chống phá, xuyên tạc, bóp méo cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội là những hoạt động thường xuyên, liên tục với những phương thức, thủ đoạn đa dạng, nham hiểm, tinh vi, xảo quyệt. Trong thời gian gần đây, với mục tiêu đòi xóa bỏ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, làm cho cán bộ, đảng viên dần phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, mơ hồ, hoài nghi cương lĩnh, nghị quyết, đường lối của Đảng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các thế lực thù địch luôn có sự chuẩn bị, tổ chức nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng từ lý luận đến thực tiễn, từ sự kiện, sự việc đến nhân vật, hướng tới những đối tượng tác động cụ thể và lựa chọn các hình thức tuyên truyền, chống phá khác nhau. Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với những tác động của một lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch với cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng; tuy nhiên, để nhận dạng đúng, đẩy lùi, giảm thiểu và bác bỏ ảnh hưởng xấu ấy đối với xã hội còn khá nhiều bất cập. Trạng thái “nhiễu” về thông tin đã và đang gây nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tình cảm và cả tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều bài viết có những quan điểm chống đối, tư tưởng sai lệch với cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng chưa được nhận diện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, xử lý triệt để.
Với nhận thức như vậy, trong bối cảnh tình hình mới, hơn bao giờ hết, việc nhận diện đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện cụ thể, mới nảy sinh hiện nay của các thế lực thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng là yêu cầu khách quan, rất cần thiết, là khâu mở đầu cho việc nghiên cứu, phân tích, đề ra các chủ trương, biện pháp, đối sách phù hợp. Ngược lại, nếu không nhận dạng đúng, nhận dạng trúng các quan điểm sai trái, thù địch với cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng thì hậu quả đối với xã hội sẽ khôn lường; cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng sẽ không được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước sẽ bị suy giảm.
Từ thực tiễn, có thể khái quát những biểu hiện cụ thể, mới nảy sinh hiện nay của các thế lực thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng, như sau:
(1) Về nội dung, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng cả trong quá trình xây dựng, hoạch định và trong quá trình tổ chức quán triệt và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống nhằm gây sức ép, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, tạo khuynh hướng dân chủ tư sản, khuyến khích xây dựng “xã hội dân sự” theo tiêu chí phương Tây. Điển hình là, trong quá trình xây dựng, hoạch định nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng, lợi dụng công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng và các hội nghị Trung ương của Đảng, các thế lực thù địch tán phát, tuyên truyền tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và cho rằng người dân không còn quan tâm đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng; từ đó, kích động phong trào “bỏ Đảng”, “kiến nghị” sửa đổi cương lĩnh của Đảng, sửa đổi phương thức lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy cho sự hình thành tư tưởng đa đảng, đa nguyên chính trị trong tâm lý xã hội, đặc biệt là trong đội ngũ trí thức, cán bộ, đảng viên.
Trong quá trình tổ chức quán triệt và vận dụng cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Ðảng, nhất là các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đến nay, lợi dụng những sai lầm, yếu kém của chúng ta trong quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, các thế lực thù địch tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng để thổi phồng, quy kết thành bản chất. Chúng cho rằng, công cuộc đổi mới đã được thực hiện hơn 30 năm qua nhưng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên ngày càng nghiêm trọng; việc Đảng ta lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không có tính khoa học và khả thi; chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là sự mở đường cho việc tư nhân hóa và lợi ích nhóm, là bước chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa; việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí không thể thành công mà thực chất chỉ là cuộc “thanh trừng” trong nội bộ nhằm loại bỏ những người vi phạm ý thức hệ, không tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, là điều kiện để tiếp tục tăng tốc cơ cấu cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng; việc tiếp tục chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn liền với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện xuất hiện các hình thái chiến tranh mới ưu tiên sử dụng công nghệ cao là không phù hợp; lợi dụng những diễn biến phức tạp trên biển Đông để kích động tâm lý “bài Trung”, đòi liên minh quân sự với nước ngoài... Nguyên nhân là do Đảng ta chưa có một chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại phù hợp; Việt Nam là xã hội thiếu dân chủ, nhân quyền.
(2) Về phương thức, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng của các thế lực thù địch ngày càng thâm độc, tinh vi, xảo quyệt cả dưới phương thức truyền thống và phương thức phi truyền thống. Dưới phương thức truyền thống, chúng chú trọng tuyên truyền, truyền bá các nội dung không đúng sự thật, dối trá, lừa bịp theo kiểu cứ nói dối, cứ làm ầm ĩ lên, cứ lặp lại nhiều lần những điều dối trá, thế nào cũng còn đọng lại một cái gì đó. Đây là phương thức, thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, tuy không mới nhưng lại có tác dụng rất lớn, nhất là đối với những đối tượng nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin, thiếu sức tự đề kháng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch câu kết với một số chính khách có tư tưởng bảo thủ, học giả phương Tây và những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tập trung tuyên truyền những thông tin theo hướng trộn lẫn thật giả, đưa các thông tin tiêu cực, những ý kiến, quan điểm sai lệch có thật từ các nguồn tin của các báo chí, các cuộc hội nghị, hội thảo để tỏ ra khách quan nhưng lại gắn với những bình luận chủ quan, thổi phồng, bóp méo, quy chụp các tiêu cực xã hội... hòng tạo tâm lý bán tín, bán nghi về quan điểm, đường lối của Đảng. Đặc biệt là, các thế lực thù địch khai thác triệt để những thời điểm nhạy cảm chính trị, nhân những sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại hoặc những ngày lễ lớn của đất nước... để tuyên truyền, xuyên tạc cương lĩnh, nghị quyết, đường lối của Đảng, xuyên tạc lịch sử, tạo sự phân tâm, hoang mang dao động mất lòng tin của nhân dân; kích động tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo hướng tiêu cực, gây bất ổn, rối loạn trật tự, xã hội và chuyển hóa những vấn đề trật tự xã hội thành an ninh quốc gia.
(3) Về hình thức tuyên truyền những biểu hiện mới, cụ thể của các quan điểm sai trái, thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng để đánh lừa dư luận, tạo vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực thù địch thường khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài nước; thiết kế, cấu trúc nội dung theo kiểu đánh lừa tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài cách thức tuyên truyền truyền thống như cung cấp dưới dạng tin, bài, ảnh, sau các bài viết, các thế lực thù địch triệt để sử dụng các tiện ích khác như video, clip, trang mạng xã hội facebook, zalo, instagram, blog cá nhân, các website, trang thông tin điện tử dưới dạng phản hồi, trao đổi ý kiến trực tiếp, phản biện với mục đích là tạo sức hấp dẫn, đánh lừa đối tượng, rộng đường cho thông tin sai trái, thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng với các dạng phổ biến như: cơ bản là sai sự thật, chỉ có một phần đúng; đa số đúng, chỉ một phần sai, nhưng lại bình luận, khoét sâu cái sai; sai hoàn toàn, thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng, nhưng gắn với thêu dệt và ca ngợi những “thành tựu”, “tiến bộ” của cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng.
Trong thời gian tới, trên cơ sở quán triệt Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Kế hoạch số 14-KH/TW ngày 25-3-2019 của Ban Bí thư về thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, để nhận dạng đúng, nhận dạng trúng và đấu tranh có hiệu quả các quan điểm, sai trái thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, chú trọng công tác dự báo, nắm tình hình, nhận diện rõ các nhóm, các đối tượng chống phá trong và ngoài nước, các nội dung tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch trên cả ba lĩnh vực trọng yếu là lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa và văn học, nghệ thuật. Nắm bắt kịp thời tác động xã hội và phản ứng cả dư luận trong và ngoài nước, dư luận xã hội trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề, chính sách mới, còn nhiều ý kiến khác nhau; các vấn đề liên quan đến chức sắc, tín đồ tôn giáo cực đoan. Đồng thời, nắm chắc tình hình cán bộ, đảng viên, phóng viên các cơ quan báo chí có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thường xuyên đăng tin, bài bình luận trên blog, facebook cá nhân, tham gia các hoạt động trái với đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các biện pháp, giải pháp mang tính chiến lược cũng như có sự phân công, phân cấp và tổ chức phối hợp lực lượng thực hiện hoạt động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn phù hợp.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là cương lĩnh chính trị, nghị quyết, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng loại đối tượng, nhất là đội ngũ trí thức, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên. Chú trọng cung cấp thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó thông tin do lực lượng Công an nhân dân phải mang tính chất nguồn, làm cơ sở để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Việc cung cấp thông tin chính thống, thường xuyên như vậy, kết hợp với tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phương thức tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch với cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng sẽ làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, nghị quyết, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng... thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, từng bước thấm sâu vào cán bộ, đảng viên, các tầng lớp quần chúng và đi vào thực tiễn cuộc sống. Khi đã nhận thức đúng, khi đã có sức tự đề kháng, tự bảo vệ thì dù thông tin sai trái, thù địch có thâm độc đến mấy, phương thức, thủ đoạn tuyên truyền có tinh vi, xảo quyệt đến đâu cũng khó có thể tác động, lay chuyển được nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ba là, phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phân công, phối hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo đảm tính thống nhất, tính thuyết phục, khoa học, chiến đấu và đúng định hướng. Chú trọng hơn nữa vai trò tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương trong việc cung cấp những luận cứ khoa học, lý luận, phân tích, luận giải một cách thấu đáo, toàn diện những vấn đề phức tạp, mới nảy sinh trong thực tiễn đất nước đặt trong bối cảnh thế giới đương đại, làm cơ sở xây dựng, hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời bảo đảm sự xung kích, chủ động, trực tiếp của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác đặc biệt quan trọng này.
Bốn là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong Nhà nước và trong xã hội đi đôi với mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tự do tư tưởng, sáng tạo, dân chủ, nhân quyền trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; đề cao sự nêu gương ý thức gần dân, học dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân trong cán bộ, công chức, đảng viên các cấp và nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình nghiên cứu hoạch định cũng như tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc của xã hội hoặc các vụ việc phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm, không để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động, chống phá; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Năm là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là các chuyên gia đầu ngành, bảo đảm uy tín, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Làm tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, an ninh thông tin, truyền thông, nhất là lĩnh vực báo chí, xuất bản và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc cho phép thành lập, quản lý các hội, nhóm, trong quản lý, cấp phép các mạng xã hội, quản lý nội dung thông tin, quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là số cán bộ, học sinh học tập, lao động, công tác ở nước ngoài.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...