Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

LUẬN THUYẾT MỊ DÂN



Hiện nay, phụ họa cho trào lưu đòi xét lại lịch sử vô cùng nguy hiểm của các thế lực phản động, thù địch, đã và đang xuất hiện nhiều luận thuyết nhằm giải thích, bào chữa cho cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam trước đây của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó đáng chú ý hơn cả là nhận định “Việt Nam đánh Pháp, đuổi Mỹ thực chất là đánh đuổi các nền văn minh nhân loại”.

Luận điệu này xuất phát từ những tên phản động đội lốt “nhà báo, nhà trí thức cấp tiến, tiến bộ”, những kẻ cơ hội lưu manh chính trị như Trương Huy San, Dương Hoài Linh và được bọn “ba que xỏ lá”, cùng các thế lực thù địch trong, ngoài nước và các nhà “ngụy sử” sử dụng để mị dân. Hơn nữa, chúng coi đó như một tấm bùa hộ mệnh, lời bào chữa để bảo vệ, thanh minh cho những hành động hèn nhát, bán nước hại dân của chế độ phong kiến thối nát cuối đời nhà Nguyễn, chính quyền bù nhìn Sài Gòn trước đây. Đó là luận điệu của những kẻ vong ơn bội nghĩa, “ăn cây táo, rào cây sung”, một kiểu tư duy nô lệ.
Văn minh nhân loại là thành quả lao động sáng tạo chung của loài người, chứ không phải riêng có của chủ nghĩa tư bản, không phải được hình thành trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa. Tư bản xuất hiện là theo quy luật phát triển tất yếu khách quan của lịch sử, là chất xúc tác, là điểm mốc để đánh dấu một bước phát triển của hình thái kinh tế, xã hội và đó hoàn toàn không phải thành tựu tự thân của tư bản. Trước khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện hàng ngàn năm, dưới chế độ cộng sản nguyên thủy hay thời kỳ phong kiến, thế giới đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của các nền văn minh như văn minh sông Hằng, văn minh sông Hồng (châu Á), hay văn minh Maya (châu Mỹ).
Vì vậy, có thể nói Việt Nam từ xa xưa cũng đã là một nền văn minh của nhân loại. Việc chúng ta đánh đuổi thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, thực chất là đánh đuổi sự dã man, tàn bạo và tư tưởng áp bức, bóc lột, muốn nô lệ dân tộc khác mà thôi. Đó là hành động chính nghĩa để giành độc lập cho Tổ quốc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân...Do đó, nói Việt Nam đánh Pháp, đuổi Mỹ thực chất là đánh đuổi nền văn minh nhân loại là cách nói “tát bùn sang ao”, “cả vú lấp miệng em” hòng đánh lừa một bộ phận nhân dân nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết.
Với xu thế “lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết” thì sẽ chẳng ai lại dại dột từ chối, bỏ đi những mối lợi mà người khác đem lại cho mình, đó là bản chất của con người và nhân dân Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng, thực chất thì tất cả những gì thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ trước đây đem đến cho chúng ta có hoàn toàn là những giá trị văn minh không? Thực chất hành động đó có phải đi khai sáng văn minh cho dân tộc ta như những gì chúng từng rêu rao không? Câu trả lời chắc chắn là không!
Trước hết, hãy nói về hành động đem quân xâm lược, nô dịch một đất nước có chủ quyền của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như vậy đã là văn minh chưa, có xứng đáng là những nền văn minh của nhân loại? Rồi khi những “nền văn minh nhân loại” đó vào Việt Nam, sự thực như thế nào thì không chỉ người Việt Nam, mà cả bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều thuộc nằm lòng, rằng: Từ năm 1858 đến trước khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta lúc đó đã được hưởng những thành tựu văn minh gì, ngoài làm một kiếp ngựa trâu không hơn không kém, là trên 90% nhân dân mù chữ, tài nguyên thiên nhiên của đất nước bị vơ vét để làm giàu cho nước Pháp. Thậm chí, bọn chúng còn đang tâm bắt nhân dân ta phải nhổ lúa trồng đay để lấy nguyên liệu may quần áo phục vụ chiến tranh phát xít, bỏ mặc hơn 2 triệu đồng bào phải phơi xác nơi đầu đường, xó chợ vì đói, rét. Và hình tượng cùng cực đến mức không thể khổ hơn của các nhân vật chị Dậu, Chí Phèo, lão Hạc mà các nhà văn đương thời đã nói lên tất cả giá trị “văn minh” đó.
Rồi thì bom đạn, chất độc da cam, bom napal, những “khu trù mật”, “ấp chiến lược”, những đợt bố ráp, hành quân càn quét “tìm, diệt” của bọn Mỹ, ngụy tay sai; là lối sống thực dụng, hưởng thụ, rượu chè, bài bạc, đĩ điếm, hút chích; là vợ mất chồng, con mất cha, gia đình ly tán do chiến tranh, bom rơi đạn lạc. Những giá trị “văn minh” đó to lớn đến nỗi, đất nước đã được giải phóng gần 45 năm rồi, song cả dân tộc vẫn chưa khắc phục hết những mất mát, đau thương đó. Những công trình cầu cống, đường sắt, nhà ga xe lửa, công trình xây dựng mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dựng lên ở Việt Nam trước đây cũng không phải vì mục đích tốt đẹp “khai sáng văn minh” cho chúng ta, mà chính là để phục vụ việc tận thu tư bản được thuận tiện, nhanh chóng, là để phục vụ các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng của bọn tướng tá, binh lính sau những ngày đánh trận mà thôi.
Thực tế, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sau những thất bại liên tiếp, không thể cứu vãn tại Việt Nam đã phải cút khỏi nước ta một cách nhục nhã, mất danh dự. Nhưng, với truyền thống yêu chuộng hòa bình, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, nhân dân Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ, vượt qua bất đồng, hướng tới tương lai để hợp tác với Pháp và Mỹ, vì lợi ích của chính nhân dân mỗi nước. Song, chúng ta không bao giờ quên được tội ác tày trời mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra cho chúng ta trước đây. Đó là những bài học lịch sử được viết bằng máu, là lời cảnh tỉnh để chúng ta không một phút giây nào được lơ là, xao nhãng, mất cảnh giác mà quên đi lời dạy của Lênin “còn chủ nghĩa đế quốc là còn nguy cơ chiến tranh”. Thanh minh, bào chữa cho những tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra với đồng bào ta trước đây chính là hành động ngậm máu phun người, vong ân bội nghĩa, đánh đồng sự hy sinh xương máu của bao anh hùng liệt sĩ với hành động xâm lược phi nghĩa, vô nhân đạo của bọn cướp nước và tay sai bán nước hèn nhát. Lên án Việt Nam đánh đuổi những “nền văn minh nhân loại” chính là đang rêu rao, tuyên truyền, cổ xúy cho trào lưu phụ thuộc, bán mình cho ngoại bang mà thôi.
Nếu đã là những “nền văn minh nhân loại”, vậy tại sao bọn thù địch, phản động, hại nước hại dân không qua những xứ đó để dệt ước mơ, để thỏa chí tang bồng mà lại luôn quanh quẩn ở Việt Nam chống phá, chửi bới? Đất nước này, dân tộc này không bao giờ chấp nhận những kẻ phản phúc, vô ơn như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...