Thời gian qua, những sai phạm của một số cán bộ,
đảng viên đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức
lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “diễn biến hòa bình” luôn
có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhận diện và đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ tình
trạng này đã và đang là một nhiệm vụ cấp thiết.
Từ dự
báo khoa học đến những hiện tượng nguy hiểm
Cách đây 6 năm, Tổng cục Chính trị Quân đội
nhân dân Việt Nam và một số cơ quan đồng tổ chức hội thảo khoa học về “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” (TDB, TCH). Hội thảo xác định, TDB, TCH có thể diễn ra 3
giai đoạn, ứng với 3 mức độ. Ở giai đoạn ban đầu, đối tượng thể hiện sự hoang
mang, dao động về tư tưởng chính trị, hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, về Chủ
nghĩa Mác-Lênin; giai đoạn 2, đối tượng bắt đầu chủ động tiếp nhận những thông
tin trái chiều, những luận điệu chống đối, hoặc lý luận phản động; giai đoạn 3,
đối tượng hoàn toàn có tư tưởng phản động, chống đối. Tương ứng với đó sẽ là 3
kịch bản TDB, TCH: Một là, về chính trị. Hai là, từ kinh tế
chuyển hóa về chính trị. Ba là, các phần tử biến chất liên kết lại, dùng
“nội công, ngoại kích” tạo ra “cách mạng màu” theo kiểu “mùa xuân Ả-rập”.
Năm 2016, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung
ương 4, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước) đã đề cập mối quan hệ nguy hiểm: “Từ suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể
dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý
tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Một dẫn chứng của hiện tượng trên chính là
Trịnh Xuân Thanh. Theo thông tin kết luận từ cơ quan chức năng, Thanh có nhiều
sai phạm từ lâu nhưng không bị xử lý vì có sự dung túng, bao che và còn liên
tục được bổ nhiệm cao hơn, nên ngày càng lộng hành, coi thường kỷ cương, phép
nước, coi thường những ý kiến góp ý của cấp trên, đồng đội. Với bản tính như
vậy, khi bị xử lý, Thanh viết đơn xin ra khỏi Đảng, công khai tuyên bố không
còn tin ở lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trốn đi nước ngoài. Thanh đã tự biến mình từ
một tội phạm tham nhũng trở thành kẻ tiếp tay cho các đối tượng phản động, cung
cấp tài liệu (cả tài liệu mật) để chúng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Năm 2018, xảy ra vụ một cán bộ bị truy nã do
liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả đã bỏ trốn ra nước ngoài, xin tị nạn
chính trị, thậm chí gọi điện cho đài phản động VOA “kêu cứu”, vu khống Đảng,
Nhà nước, quân đội. Trường hợp Đặng Xương Hùng, cựu cán bộ ngoại giao ở Thụy Sĩ
cũng vì bất mãn mà xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ. Nhà chức trách nước ngoài
từ chối vì lý do nêu ra để xin tị nạn của Hùng không thuyết phục. Thế là Hùng
tuyên bố ra khỏi Đảng, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước để chứng minh mình là
“nạn nhân” của chế độ.
Không
để hình ảnh quân đội bị lợi dụng, xuyên tạc
Đối tượng Lê Văn Thương từng là thượng úy
nhưng do vi phạm kỷ luật, bị cho ra quân. Khi về địa phương, Thương mở cửa hàng
gỗ mỹ nghệ vì có hoa tay trong lĩnh vực này. Lẽ ra Thương có thể trở thành
người dân làm ăn lương thiện nhưng Thương thường xuyên lên mạng giao du với các
đối tượng phản động như Đào Minh Quân, Lisa Phạm… Chúng đã kích động khiến
Thương ngộ nhận mình là “quân oan” nên dần dần Thương đã đi theo con đường
chống phá đất nước và trốn ra nước ngoài. Thương đã bị cơ quan công an khởi tố,
truy nã về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ
luật Hình sự năm 2015.
Với trường hợp một cán bộ cao cấp quân đội
nghỉ hưu có lời nói, việc làm sai trái gây bức xúc trong dư luận vừa qua, đáng
buồn là người này cũng đã có nhiều việc làm tiếp tay cho các thế lực thù địch
chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội. Lợi dụng hình ảnh sĩ quan cao cấp và các
danh hiệu, nhiều tổ chức núp bóng viện nghiên cứu, tổ chức xã hội dân sự, dưới
vỏ bọc yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã lôi kéo những cựu quan chức tham
gia hoạt động cùng với nhiều thành phần bất mãn, cơ hội chính trị. Trao đổi với
phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban
Biên giới Chính phủ cho biết, ông cũng được mời nhưng kiên quyết không dự vì
ông thừa biết bộ mặt thật của những tổ chức đó. Ông cũng không thể ngồi chung
bàn với những đối tượng mà từ lâu nghe đến tên người ta đã biết họ chỉ gắn với
giới "dân chủ cuội", được các đài, báo phản động đăng tải.
Nguyên nhân của những sự việc trên đều một
phần liên quan tới bệnh công thần, kiêu ngạo, đến chủ nghĩa cá nhân, xa rời tổ
chức, coi thường kỷ luật Đảng, kỷ cương phép nước. Họ không ý thức được trách
nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình, đòi hỏi thái quá ở tổ chức, tự cao, tự
đại... nên đã nảy sinh bất mãn, tiêu cực, để rồi bị các thế lực thù địch lợi
dụng, lôi kéo, kích động. Trên thực tế, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân
đội và các cựu chiến binh, cựu quân nhân vẫn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc,
với Đảng và nhân dân; luôn giữ gìn và phát huy truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ
Hồ. Một vài người như trên chỉ là cá biệt, "con sâu làm rầu nồi
canh".
Xử lý
nghiêm minh để lấy lại và củng cố niềm tin
Sinh thời, trong bài viết đăng trên
Báo Cứu quốc ngày 17-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:
“Người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi
mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải
trừ được gian nguy”.
Ngẫm lời Bác, soi vào một số hiện tượng vừa
qua, có người chỉ vì hư danh, ngộ nhận đã tiếp tay cho thế lực xấu, thù địch
như vậy, quả thực đau lòng. Xưa nay, người lính nghỉ hưu về với đời thường,
nhất là những cán bộ cao cấp phải là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền cơ sở, là
cây cao bóng cả đối với thế hệ trẻ. Nhưng thật đáng trách, có người đã mắc sai
lầm, phải trả giá rất đắt cho sinh mệnh chính trị, tên tuổi và danh dự của
mình. Hậu quả để lại không chỉ với bản thân họ mà còn hết sức nặng nề đối với
gia đình, con cháu, bạn bè, đồng đội.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi trao
đổi với phóng viên đã tâm sự: "Thời ở chiến trường đánh Mỹ, kẻ thù thâm
độc từng tung tin tôi-trung đoàn trưởng đầu hàng để gây hoang mang cho bộ đội.
Thế mà nay, chính người là cán bộ nghỉ hưu của ta lại tung tin sai lệch về
Đảng, về Nhà nước, quân đội thì nguy hiểm nào bằng". Thượng tướng, Anh
hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung cũng hết sức bức xúc và lo lắng khi một vị
tướng đứng tên biên soạn cuốn sách có nhiều nội dung sai sự thật, trở thành
miếng mồi “vô giá” cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc; thậm chí chúng
còn tài trợ để xuất bản ở nước ngoài trong khi cơ quan chức năng của quân đội
khẳng định nó sai quá nhiều, không đủ điều kiện để xuất bản.
Xuyên tạc, bịa đặt về quân đội, ảnh hưởng đến
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là điều không thể chấp nhận, càng không thể chấp nhận
khi đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Trên thực tế, từng có
người đã bị xử lý bởi thông tin bịa đặt về quân đội. Trước đây, có tờ báo đăng
tải chuyện sĩ quan cấp tá tên Vũ Văn Nhồng ở một khu tập thể kinh doanh cà phê
và chiếu phim sex gây mất an ninh trật tự, vị sĩ quan ấy đã bắn chết hai đứa
con vì chúng dâm loạn khi xem phim. Thông tin ấy thực ra không có thật, bịa đặt
trắng trợn khiến dư luận dậy sóng, cả khu tập thể quân đội bức xúc vì sự bịa
đặt vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín của quân đội. Người dân đã viết đơn khởi
kiện ra tòa án quân sự. Nhà báo viết bài sai sự thật đã phải ra tòa, bị xử 6
tháng tù treo. Thiết nghĩ, đó là bài học đắt giá vẫn còn nguyên tính thời sự.
Hiện nay, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác
trước nguy cơ các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ, chiến sĩ LLVT, trong đó có cả sĩ quan cao cấp nghỉ hưu. Vừa qua, hầu
hết những trường hợp TDB, TCH bị chúng lôi kéo đều là những người đã nghỉ hưu,
ra quân, có mâu thuẫn, vướng mắc, nảy sinh bất mãn nên bị lợi dụng. Nhưng cũng
có trường hợp chúng khai thác triệt để bệnh công thần, háo danh. Lại có trường
hợp chúng lợi dụng cá tính bộc trực, thẳng thắn, lôi kéo cán bộ tham gia dưới
cái mũ đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nhân danh lòng yêu nước, bảo vệ
chủ quyền biển, đảo. Có trường hợp chúng lợi dụng cán bộ thiếu thông tin, cán
bộ bị bệnh tật, tâm lý không bình thường để kích động.
Để đẩy lùi hiện tượng trên, cùng với việc giữ
mình, tự soi, tự sửa của từng cán bộ, đảng viên, kiên quyết không sai phạm, nếu
có sai phạm phải kịp thời khắc phục, không để các thế lực thù địch và kẻ xấu
lợi dụng, lôi kéo, kích động thì vai trò tổ chức đảng, đoàn thể các cấp, vai
trò công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện
đảng viên, trong đó có cả đảng viên nghỉ hưu hết sức quan trọng. Chúng ta phải
dựa vào sức mạnh cộng đồng của cấp ủy đảng, đoàn thể, nhân dân nhằm giáo dục,
thuyết phục, động viên người vi phạm nhìn ra khuyết điểm để sửa chữa khắc phục
và đấu tranh, không để kẻ xấu làm hỏng cán bộ. Tuy nhiên, với những người cố
tình vi phạm, coi thường tổ chức đảng, đoàn thể, coi thường đồng chí đồng đội
và nhân dân, cố tình đi ngược, phá hoại lợi ích của đất nước và nhân dân thì
cần phải kiên quyết xử lý.
Trước những hiện tượng công thần, kiêu ngạo,
bị kẻ xấu lôi kéo phá hoại vừa qua, chúng ta càng thấm thía chủ trương, quan
điểm của Đảng về việc phải xử lý, cách chức, thu hồi danh hiệu cả với những cán
bộ nghỉ hưu gần đây. Ban đầu, từng có ý kiến cho rằng cách làm đó không hiệu
quả nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định đây là
việc làm cần thiết, mang tính giáo dục cao, rất thấm thía đối với người bị xử
lý. Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý đảng viên vi phạm
kỷ luật cũng đã nêu rõ thời hiệu kỷ luật lên tới 10 năm đối với những hành vi
vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và sẽ không
áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải
khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm
hại đến lợi ích quốc gia... Về lâu dài, chúng ta cũng cần nghiên cứu kinh
nghiệm của các nước trên thế giới, như ở Đức, công chức hưu mắc sai phạm có thể
phải chịu hình thức xử lý là giảm lương hưu hay truất lương hưu vĩnh viễn.
Chúng ta đồng tình và tiếp tục thực hiện chủ
trương của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, như lời phát biểu của
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII mới đây, sau khi nhắc lại việc phải kỷ luật hơn
70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý: “Thật đau xót, nhưng không thể
không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của
đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả
chúng ta”. “… Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý
nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của
Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân
dân!”.
CÔNG
MINH - NGUYÊN MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét