Kết hợp chặt chẽ
giữa phát triển kinh tế-xã hội (KH-XH), với củng cố quốc phòng, an ninh (gọi
tắt là kết hợp kinh tế với quốc phòng) là quan điểm, chủ trương của Đảng ta và
đã triển khai thực hiện qua nhiều kỳ đại hội.
Quan điểm này xuất
phát từ truyền thống dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam đã
hình thành từ hàng nghìn năm qua và được trao truyền từ thời đại này sang thời
đại khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính từ sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh
tế với quốc phòng đã giúp cho đất nước ta luôn ổn định về chính trị, giữ vững
độc lập, chủ quyền, bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội, không ngừng mở rộng các
quan hệ đối ngoại... Đó là cơ sở để đưa nước ta từ một nước lạc hậu, kém phát
triển, trở thành một nước đang phát triển, với mức thu nhập trung bình như hiện
nay.
Những năm gần đây, với
sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, sự tham mưu đúng, trúng của
các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT, công tác kết hợp kinh tế với quốc phòng từ cấp
vĩ mô đến vi mô đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Qua tổng kết 10
năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc cho
thấy: Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng đã được nhiều bộ, ngành, địa phương
chú trọng thực hiện. Ở các bộ, ngành đã nhận thức rõ công tác quốc phòng không
phải là chỉ riêng LLVT tiến hành, nên đã có những đóng góp tích cực từ việc
tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách, đường lối, cho đến trực tiếp
phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT triển khai thực hiện các dự án, đề
án về kết hợp kinh tế với quốc phòng trên khắp các vùng miền, biên giới, hải
đảo. Do đó thế trận phòng thủ trên bộ, trên không, trên biển không ngừng được
củng cố, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững không
phận và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đối với các địa
phương, nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ trì cũng đã có những chuyển biến tích
cực. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển kinh tế gắn với củng cố
quốc phòng, an ninh đã được ban hành có tính thường kỳ. Nhiều địa phương đã cố định
một tỷ lệ ngân sách, bố trí diện tích tự nhiên để xây dựng các công trình quân
sự, quốc phòng, xây dựng căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Tổng hợp tất
cả các yếu tố lại chúng ta có thể thấy, hệ thống khu vực phòng thủ trên địa bàn
cả nước đang dần được hình thành và có sự liên kết khá vững chắc cả trên bộ,
trên không, trên biển; tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ đang được tăng
cường, có thể đáp ứng được yêu cầu tác chiến khi có chiến tranh xảy ra.
Tuy nhiên, nhìn vào
thực tế cũng thấy nổi lên một số vấn đề, đó là vẫn còn một số người cho rằng
hiện nay chỉ cần tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là được, còn
chiến tranh chưa xảy ra nên chưa cần đầu tư nhiều nguồn lực vào công tác quốc
phòng. Nguyên nhân dẫn đến nhận thức sai lệch này là do hiểu không đúng về vai
trò, mối quan hệ của kinh tế đối với quốc phòng, quốc phòng đối với kinh tế
trong một quốc gia độc lập, thống nhất có chủ quyền. Do đó họ muốn tách rời
quan hệ kinh tế với quan hệ quốc phòng, tách rời việc tạo tiềm lực kinh tế với
tạo tiềm lực quốc phòng. Một phần nữa là do tác động từ mặt trái của nền kinh
tế thị trường, cho rằng đã làm kinh tế thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích
cá nhân hoặc lợi ích cục bộ. Chính từ nhận thức trên đã dẫn đến những hiện
tượng, hành vi có tác động xấu tới việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trong
thực tiễn, đó là:
Trước hết, việc ban
hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư phát triển KT-XH ở một số địa phương
đã có những dấu hiệu chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ của ngành
mình, địa phương mình hoặc của một nhóm người; không chú trọng đến tính liên
kết, đồng bộ trong phát triển của các lĩnh vực, vùng miền. Điều này một phần
xuất phát từ cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” đang tồn tại trong một số cán bộ.
Việc làm đó đã khiến nguồn lực đầu tư đổ dồn vào chỗ có thể sinh lợi, còn các
nơi khác thì không, kể cả vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Hệ lụy của nó
là tạo ra sự mất cân đối về nguồn lực giữa các vùng miền, nới rộng khoảng cách
giàu nghèo, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận lòng
dân. Việc ban hành văn bản nhằm vào lợi ích cục bộ là một hiện tượng rất đáng
báo động, bởi đây cũng là gốc rễ sinh ra sự thiếu công bằng trong xã hội, là
một phần nguyên nhân của hiện tượng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, và điều nguy
hại là nó sẽ gây ra những hệ lụy rất khó khắc phục trong thực tiễn.
Thứ hai là, hiện nay
đang tồn tại hiện tượng cố tình làm sai các hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức
năng và cơ quan cấp trên trong lĩnh vực kết hợp kinh tế với quốc phòng, an
ninh. Có những địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mặc dù đã được cơ
quan chức năng hướng dẫn kỹ càng, đầy đủ trước khi thực hiện các dự án, đề án,
nhưng trong tổ chức thực hiện đã cố tình làm sai, làm trái. Vấn đề này thể hiện
rất rõ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, lĩnh vực khai thác du lịch, khoáng
sản... Có khá nhiều công trình sai phép, trái phép về độ cao, về phạm vi, diện
tích xây dựng, hoặc vị trí, quy mô xây dựng không đúng quy hoạch... Vì vậy,
nhiều công trình khi xây dựng lên đã uy hiếp sự an toàn của mục tiêu cần bảo vệ
(công trình số 8B phố Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội là một điển hình và công trình
này đang bị UBND TP Hà Nội yêu cầu tháo dỡ, bảo đảm đúng so với thiết kế và
giấy phép xây dựng). Trong thực hiện, vì lợi ích kinh tế nên có những địa
phương đã cấp phép cho các doanh nghiệp xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch
vào các vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ ở địa phương. Có những khu
du lịch chiếm cứ toàn bộ một dải bờ biển, hoặc chiếm toàn bộ khu vực có thể tạo
nên trận địa phòng ngự tại một điểm cao, sau đó xây dựng các công trình, phá vỡ
địa hình tự nhiên, làm ảnh hưởng tới kế hoạch tác chiến phòng thủ của địa
phương, trong đó khu lịch sinh thái biển Tiên Sa thuộc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng
có thể gọi là một ví dụ điển hình. Rất may là khu resort này đã bị cơ quan chức
năng và chính quyền địa phương đình chỉ thi công. Trong cả nước còn có khá
nhiều dự án xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép, hoặc sai phép, xuất phát
từ lợi ích của một nhóm người, nhưng lại làm phương hại đến lợi ích của cộng
đồng và lợi ích quốc gia, làm ảnh hưởng tới khả năng cơ động lực lượng, làm sai
lệch kết cấu của thế trận phòng thủ, không đúng quan điểm kết hợp kinh tế với
quốc phòng của Đảng.
Thứ ba là, có hiện
tượng cán bộ nhận thức lơ mơ cả về lý luận và thực tiễn đối với quan điểm kết
hợp kinh tế với quốc phòng. Do đó khi thực hiện nhiệm vụ đã không thể làm tròn
trách nhiệm, hoặc không biết mình làm sai. Nguyên nhân của hiện tượng này là do
cán bộ không chịu học tập, nghiên cứu về chủ trương, đường lối của Đảng trong
lĩnh vực kết hợp kinh tế với quốc phòng, nên không hiểu được căn nguyên, gốc rễ
vấn đề, làm việc theo cảm tính, thiếu căn cứ lý luận và không phù hợp với thực
tiễn. Một phần khác là do các thế lực thù địch lôi kéo, gây nhiễu loạn thông
tin, khiến cho một số cán bộ không phân biệt được lợi và hại, chỉ nhìn một
chiều, nên khi hoạch định chính sách, triển khai chính sách phát triển KT-XH,
hoặc giám sát thực hiện... đều dễ mắc sai lầm, tiến hành các dự án, đề án theo
kiểu đơn lẻ, thiển cận, thiếu sự quan sát, gắn kết có tính tổng quan giữa phát
triển KT-XH với củng cố quốc phòng, an ninh.
Trong nhân dân thì còn
một bộ phận thiếu hiểu biết về pháp luật, cộng với lòng tham nên thừa lúc công
tác quản lý còn lỏng lẻo, đã cố ý lấn chiếm các khu vực quân sự, quốc phòng,
biến đất quốc phòng thành đất của riêng mình. Vì vậy nhiều khu đất đã được quy
hoạch thành khu vực xây dựng công trình quân sự, phục vụ sự nghiệp quốc phòng,
nhưng một bộ phận người dân đã xâm phạm, canh tác hoặc xây dựng các công trình
trong khu vực lấn chiếm. Khi Nhà nước thu hồi thì tỏ thái độ chống đối, chây ỳ,
không chịu di dời trả lại mặt bằng cho Nhà nước, khiến cho việc giải phóng mặt
bằng trở nên phức tạp. Bên cạnh đó đã xuất hiện một số đối tượng có kiến thức
về luật pháp, nhưng lại vào hùa với cái sai hòng trục lợi nên đã hướng lái
người dân “cố thủ” trên các khu vực đã lấn chiếm để đòi hỏi quyền lợi. Việc lấn
chiếm đất quốc phòng ở khu vực sân bay Miếu Môn hiện nay là một ví dụ điển
hình.
Khắc phục hiện tượng
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực kết hợp kinh tế với quốc phòng
là việc bắt buộc phải làm. Cần phải làm cho mọi cán bộ và nhân dân hiểu rõ ý
nghĩa, tầm quan trọng của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với
kinh tế, từ đó xác định rõ trách nhiệm, bổn phận của mình trong thực hiện chủ
trương trên. Vì vậy, phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nêu bật
các điển hình tích cực, đồng thời cũng chỉ rõ các hành vi tiêu cực trong lĩnh
vực này. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật, bảo đảm cho hệ thống văn bản này luôn thống nhất với quan điểm,
đường lối của Đảng, tạo cơ sở vững chắc và tính chặt chẽ trong hướng dẫn thực
hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Các văn bản trước khi ban hành phải
được rà soát, loại bỏ mọi kẽ hở có thể tạo ra lợi ích cục bộ cho một ngành,
hoặc một nhóm người. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, đề
án phát triển KT-XH cần được tiến hành nghiêm túc, liên tục, từ khâu xét duyệt
cho đến lúc triển khai thực hiện và hoàn thành, tất cả các khâu, các bước phải
luôn gắn kết với yếu tố bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mọi hành vi sai trái, đi
ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải bị
nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thế giới hiện
nay, hầu hết các cường quốc về kinh tế thì đều là các cường quốc về quân sự,
quốc phòng, điều đó chứng tỏ kinh tế và quốc phòng là hai thực thể không thể
tách rời. Việc Đảng ta đề ra và kiên quyết, kiên trì với quan điểm kết hợp giữa
phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh là phù hợp cả về mặt lý luận
và thực tiễn khách quan. Kinh tế không phát triển thì không có nguồn lực cho
quốc phòng vững mạnh, ngược lại quốc phòng không vững chắc thì không có chỗ dựa
cho KT-XH phát triển. Cha ông chúng ta từ xa xưa đã dạy “Thái bình nên gắng
sức/Non nước vững nghìn thu”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”... Ngày nay,
Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, “xây
dựng phải đi đôi với bảo vệ”... Đó chính là những khái quát ở tầm mức cao về
chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay mà cụ thể hóa nó chính là kết
hợp kinh tế với quốc phòng. Do vậy, không có lý do gì để quan niệm phát triển
kinh tế không gắn kết với quốc phòng, an ninh tồn tại trong tư duy, nhận thức
của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét