Tất Thắng
Cùng với những thành tựu to lớn trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước 30 năm qua nói chung và sự đúng đắn
trong nhận thức, tư duy về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở
nước ta nói riêng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng từng bước giải quyết hài hòa,
linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả mối quan hệ giữa hai lĩnh vực cơ bản này;
góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới đất nước. Mặc dù
vậy, thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong quá trình nhận thức
và xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta. Song
nếu chỉ dựa vào những khiếm khuyết (mặt thứ yếu, không cơ bản) của vấn đề này
mà lại vội vàng quy chụp cho rằng, ở
Việt Nam chỉ có đổi mới kinh tế, không có đổi mới chính trị; hoặc đổi mới chính
trị “lệch pha” so với đổi mới kinh tế,… thì quả là một sự “ngụy biện” có chủ
đích; một sự xuyên tạc, bó mép trắng trợn, thô thiển của các thế lực thù địch.
Bởi lẽ, sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, sự thống nhất
biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là nét độc đáo riêng có của
Việt Nam, hoàn toàn khác với Liên Xô, với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước
đây, cũng như khác ngay cả với Trung Quốc. Nếu như ở Liên Xô, ngay trong bước đầu của cải tổ,
Đảng Cộng sản Liên Xô đã đi vào cải tổ chính trị, nêu ra dân chủ hóa, công khai
hóa; hơn nữa, lại để phong trào phát triển vô chính phủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản, tách Đảng khỏi Nhà nước, tách Nhà nước ra khỏi Đảng, nêu khẩu
hiệu Đảng hóa thân vào Nhà nước. Xét đến cùng, đây là sự vô hiệu hóa Đảng, nên
đã dẫn đến tan vỡ Đảng, sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự tan rã của Liên
bang Xô Viết. Trong khi đó, Trung Quốc ngay từ đầu đã tiến hành đồng bộ cải
cách thể chế chính trị với cải cách kinh tế, chính vì vậy đã tạo sự phát triển ấn
tượng. Nhưng, sau sự kiện năm 1989, tốc độ cải cách chính trị có phần chững lại,
không theo kịp đà cải cách và phát triển trong lĩnh vực kinh tế. Bất cập này đã
tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế, làm nảy sinh các tiêu cực và nhiều
vấn đề khác như phân hóa xã hội, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập,... Trái lại,
ở Việt Nam, ngay từ khi đề ra đường lối đổi mới cũng như trong quá trình lãnh đạo
công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định: “Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng
bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị”[1];
“Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị”[2];
“Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp”[3],
v.v..
Điều đó có
nghĩa, công cuộc đổi mới ở nước ta vừa có đổi mới kinh tế, vừa
có đổi mới chính trị. Đổi mới kinh tế không phải là đổi mới một
cách tùy tiện, vô nguyên tắc mà theo một định hướng chính trị nhất định. Đổi mới,
phát triển kinh tế tạo ra môi trường và điều kiện để củng cố cơ sở kinh tế cho
đổi mới chính trị, là nhân tố suy đến cùng quyết định sự ổn định chính trị - xã
hội. Ngược lại, đổi mới chính trị lại tạo ra cơ sở chính trị - pháp lý cho sự
phát triển kinh tế; đồng thời tạo động lực và gia tăng sức mạnh tổng hợp để
phát triển kinh tế.
Với những
luận chứng, luận cứ trên chứng minh rõ ràng rằng, đổi mới kinh tế và đổi mới
chính trị ở Việt Nam luôn song hành, hỗ trợ, bổ sung cho nhau; làm cơ sở, tiền
đề, điều kiện của nhau; luôn có mối quan hệ biện chứng và thống nhất hữu cơ với
nhau.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ VII, Nhà xuất bản Sự thật, Hà
Nội, 1991, tr. 54.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 71.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 99.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét