Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

ĐỪNG XÚC PHẠM LỊCH SỬ



.
.
.
Một hôm đang thưởng thức ly cà-phê buổi sáng ở quán quen thì tôi nghe tiếng tranh cãi của một nhóm người nào đó ở quán bên cạnh. Vốn ít để ý đến những cuộc tranh cãi, tuy nhiên, một câu nói lớn vọng lại làm tôi bất ngờ giật mình: “Các ông nên nhớ, tôi là một trong những người đi đánh giặc. Tôi đã từng vào sinh ra tử…”. Sau khi câu nói đó được cất lên, nhìn một lượt xung quanh, tôi càng giật mình hơn khi bắt gặp những nụ cười khẩy của một vài bạn trẻ ngồi trong quán cà-phê về khái niệm “vào sinh ra tử” một cách rất phũ phàng, lạnh lùng. Một câu chuyện tình cờ bắt gặp trong đời sống, vậy mà tôi cũng mang cảm giác rất bận lòng.
Phải thừa nhận rằng, cùng với xu thế toàn cầu hóa, chúng ta dễ dàng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của cả thế giới, khoảng cách giữa các nước dường như ngắn lại, mức độ cập nhật thông tin gần như là tức thời, sự xâm nhập lẫn nhau về tư tưởng, lối sống giữa các quốc gia là rất lớn. Bên cạnh sự ghi nhận những thành tựu lớn lao trong công cuộc xây dựng đất nước, đâu đó vẫn xuất hiện sự so sánh rồi bi quan về tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nước ta so với các nước trên thế giới. Từ đó, họ luôn miệng ngợi ca về các nước tư bản phát triển…
Có lẽ thế hệ của tôi và các bạn trẻ sau này vinh dự khi mình chưa bao giờ mang thân phận của người nô lệ. Vậy từ đâu mà chúng ta có được điều đó? Chẳng phải là từ kết quả đấu tranh đầy máu xương của thế hệ cha anh - của những “người lính Cụ Hồ”, của những người đi đánh giặc, của những tinh thần quả cảm “vào sinh ra tử” đó sao?! Những bạn trẻ ấy - những bạn đang mỉa mai, cười đùa ấy - các bạn nghĩ đơn giản, nhân dân một nước thuộc địa, một nước bị đô hộ rồi cũng sẽ được hưởng trọn vẹn đầy đủ những sự phát triển của nước đang đô hộ, áp bức mình sao?
Các bạn nghĩ, nhân dân một nước bị nô lệ thì sẽ không bị bóc lột, sẽ được đối xử công bằng, bình đẳng như nhân dân chính nước đang đô hộ, áp bức mình hay sao? Tôi khẳng định với các bạn, nếu không có lịch sử vẻ vang với những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ và các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để gìn giữ độc lập, tôi và các bạn sẽ không có được ngay cả những phút thảnh thơi bên ly cà-phê mỗi sáng như bây giờ, chứ chưa kể những điều kiện tự do học hành, phát triển sự nghiệp như các bạn đang có.
Trong dòng chảy cuộc sống hằng ngày, đôi lúc có nhiều chuyện xảy ra khiến chúng ta rùng mình mỗi khi nghĩ đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Chúng ta sợ, chúng ta cẩn trọng và chúng ta cầu xin sự bình an mỗi ngày. Vậy sao chúng ta không nghĩ đến ngày xưa, thế hệ trước - cũng là con người, cũng có những nỗi sợ rất “người” - nhưng các ông, cha, chú, các cô, các bác… vẫn sẵn sàng cầm súng ra trận, đối mặt với đủ loại vũ khí tối tân và sự tàn bạo của kẻ thù?
Đó là vì họ dám xả thân vì nước, sẵn sàng đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên sự sống của bản thân mình. Biết bao người con của dân tộc đã tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước và đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Có rất, rất nhiều người đến lúc này vẫn nằm dưới đất lạnh sâu, chưa được yên ổn mộ phần và chưa một lần được tưởng niệm dù chỉ là một nén nhang.
Thử tưởng tượng, cảm giác sẽ như thế nào khi tiễn người thân ra đi mà chưa biết có còn được đón họ trở về hay không! Thử tưởng tượng, cảm giác sẽ như thế nào khi mỗi ngày, bản thân mình đều ngắm nhìn trời xanh và tự hỏi, liệu rằng đây có phải là lần cuối được cảm nhận cuộc sống? Đó chắc chắn không phải là cảm giác dễ dàng để chịu đựng.
Vậy nên, hãy trân trọng tất cả những điều đó! Hãy biết ơn tất cả những điều đó thay vì sự sùng bái một cách mù quáng các giá trị vật chất và quay lại phủ nhận lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Hãy nhớ, vẫn còn rất nhiều mẹ già sống trong nỗi cô đơn, cô quạnh và đau đớn khi có tới chín người con trai, một người con rể và chồng đều đã trở thành liệt sĩ.
Có thể hiện nay, nước ta so với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế và chậm phát triển hơn. Các bạn có thể đồng tình hay không đồng tình với chủ trương này hay chính sách kia, các bạn có quyền bức xúc với nhiều vấn đề tồn tại, thậm chí các bạn có thể đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm cá nhân; tuy nhiên, các bạn phải suy luận thấu đáo, toàn diện và công bằng để phân định rạch ròi lịch sử - hiện tại, đừng xúc phạm công sức, xương máu của các thế hệ đi trước…
Và trên tất cả, đừng xúc phạm lịch sử!
Đỗ Lan Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...