Để nâng cao mức sống dân cư (MSDC), ngoài điều kiện
cần là tăng trưởng kinh tế (TTKT), thì việc điều tiết phân phối kết quả TTKT
của chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, những thành
tựu TTKT đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, song bên cạnh đó,
vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có những biện
pháp cụ thể, thích hợp để bảo đảm vừa thúc đẩy TTKT, vừa nâng cao mức sống dân
cư.
1. Vai trò của tăng
trưởng kinh tế với nâng cao mức sống dân cư
Tăng
trưởng kinh tế là sự tăng thêm tổng giá trị gia tăng (GDP) của nền kinh tế
trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm. Khi GDP được tạo ra ở năm sau
lớn hơn GDP được tạo ra ở năm trước (tính theo giá so sánh), thì đó là sự TTKT.
Mức sống
dân cư (MSDC)là một phạm trù kinh tế - xã hội được xác định bằng mức độ thỏa
mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội. Khi mức
độ thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần cho dân cư tăng lên, tức là MSDC
được nâng cao. Có 4 nhóm chỉ tiêu đánh giá MSDC, đó là:
(1) Các
chỉ tiêu phản ánh đặc điểm và điều kiện lao động như: mức độ bảo đảm việc làm
cho người lao động; độ dài thời gian làm việc bình quân trong ngày; thời gian
nghỉ ngơi; cường độ lao động; tỷ trọng công việc được cơ giới hóa, tự động hóa;
bảo hộ lao động và an toàn, vệ sinh lao động; sinh hoạt văn hóa, tinh thần nơi
làm việc; phương tiện đi lại đến nơi làm việc của người lao động.
(2) Các
chỉ tiêu phản ánh mức tiêu dùng của cải vật chất trong xã hội như: thu nhập
bình quân đầu người; mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu; điều kiện
nhà ở (diện tích bình quân, loại nhà ở...); đồ dùng lâu bền.
(3) Các
chỉ tiêu phản ánh điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần và bảo đảm sức khỏe
như: sự phát triển của hệ thống giáo dục- đào tạo; trình độ học vấn phổ thông
của dân cư; tình trạng chăm sóc sức khỏe nhân dân; sự phát triển của các công
trình văn hóa; hệ thống giao thông công cộng; tình hình vệ sinh môi trường.
(4) Các
chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả tác động giữa các yếu tố như: tuổi thọ trung
bình của dân số; chỉ số phát triển con người HDI; mức độ tham gia quản lý xã
hội của dân cư.
Muốn nâng
cao MSDC, trước hết phải có TTKT (hay gia tăng thu nhập của nền kinh tế), bởi
thu nhập của dân cư phụ thuộc vào tổng thu nhập của nền kinh tế (hay kết quả
của quá trình TTKT). Ngoài ra, để gia tăng MSDC, thì mức tăng tổng thu nhập của
nền kinh tế phải lớn hơn mức tăng quy mô dân số. Đặc biệt, đối với các quốc gia
đang phát triển, tốc độ tăng trưởng dân số cao, thì tốc độ TTKT cần cao hơn tốc
độ tăng trưởng dân số.
Tuy nhiên,
trên thực tế, có những nước có mức thu nhập bình quân đầu người khá cao, nhưng
tỷ lệ dân số đói nghèo, không được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục lại cao
hơn so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn. Thí dụ: năm
2007, Brazil có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,24 lần của Trung Quốc và
2,73 lần của Việt Nam, nhưng tỷ lệ nghèo của Brazil là 21,5%, cao hơn nhiều so
với Trung Quốc (4,6%) và Việt Nam (khoảng 14%). Tỷ lệ người lớn biết chữ của
Brazil là 88,6%, thấp hơn của Trung Quốc (90,9%) và Việt Nam (90,3%). Tuổi thọ
bình quân của Brazil là 71,7 tuổi, trong khi của Trung Quốc là 72,5 tuổi và Việt
Nam là 73,7 tuổi(1).
Từ những
phân tích trên, có thể khẳng định là TTKT chỉ là điều kiện cần, không phải là
điều kiện đủ để nâng cao MSDC.
Để nâng
cao MSDC, ngoài điều kiện cần là TTKT, phải có điều kiện đủ, đó là vai trò điều
tiết phân phối kết quả TTKT của chính phủ. Cụ thể là việc chính phủ giải quyết
các mối quan hệ sau:
- Quan hệ
giữa tiêu dùng cuối cùng với tích lũy, tái đầu tư. Trong điều kiện TTKT có hạn,
nếu chính phủ ưu tiên mạnh cho mục tiêu tích lũy, tái đầu tư với kỳ vọng tăng
thêm tiềm lực kinh tế để đạt TTKT cao, dài hạn trong tương lai thì trước mắt
MSDC sẽ không được nâng lên và ngược lại.
- Quan hệ
giữa tiêu dùng cá nhân (nâng cao MSDC), với tiêu dùng chính phủ (cho an ninh,
quốc phòng, ngoại giao...). Trong điều kiện TTKT có hạn, nếu chính phủ ưu tiên
hơn cho mục tiêu an ninh, quốc phòng... thì phải giảm mục tiêu nâng cao MSDC và
ngược lại.
- Chính
sách phân phối thu nhập của chính phủ: Trong nền kinh tế thị trường có 2 hình
thức phân phối thu nhập là: (i) Phân phối theo sự đóng góp của các yếu tố nguồn
lực hay phân phối lần đầu, nghĩa là người lao động hưởng tiền lương, người có
đất đai hưởng tiền thuê đất, người có vốn góp hưởng lợi nhuận và người có tiền
gửi hưởng lãi suất cho vay. Hình thức phân phối này huy động và sử dụng có hiệu
quả hơn các nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, các thành viên
trong xã hội lại sở hữu số lượng và chất lượng các nguồn lực rất khác nhau. Do
đó, nếu chỉ thực hiện hình thức phân phối này, thì có thể dẫn đến phân hóa giàu
nghèo, làm cho tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tăng lên, ảnh hưởng xấu đến
nâng cao MSDC. (ii) Phân phối lại thu nhập. Hình thức phân phối này có thể thực
hiện bằng 2 cách. Một là, phân phối lại trực tiếp, tức là nhà nước thông qua
chính sách thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) để
điều chỉnh thu nhập, san sẻ bớt từ người có thu nhập cao sang người có thu nhập
thấp thông qua trợ cấp thường xuyên hay đột xuất. Hai là, phân phối lại gián
tiếp, thực chất là chính sách ưu tiên trong việc tiếp cận các dịch vụ công cho
người nghèo, vùng nghèo, những người yếu thế. Trong thực tế, việc thực hiện
phân phối lại thu nhập nếu không đi cùng với nâng cao năng lực sản xuất cho
người nghèo, vùng nghèo; nâng cao lòng tự tôn, tự lực, ý chí thoát nghèo... thì
có thể làm tăng sự ỷ lại của người nghèo vào chính phủ, làm mất động lực thúc
đẩy TTKT.
2.
Tăng trưởng kinh tế với nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam
a. Tăng
trưởng kinh tế tạo điều kiện nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam
Trong 2
thập niên (1991-2010), Việt Nam đạt tốc độ TTKT bình quân tương đối cao, khoảng
7,3%/năm. Nhờ đó, quy mô GDP tăng khá nhanh, từ 7,94 tỷ USD năm 1991 lên 101,6
tỷ USD năm 2010 (gấp 12,8 lần năm 1991). GDP bình quân đầu người theo tỷ
giá hối đoái của Việt Nam tăng từ 118 USD năm 1991, lên 1.168 USD năm 2010 (gấp
9,9 lần năm 1991). Thành tựu này đã góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình
trạng kém phát triển và bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm
2008.
Giai đoạn
2011-2018, mặc dù có nhiều khó khăn, song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được
tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, khoảng 6,08%/năm. Quy mô GDP năm 2018 ước
đạt 240,5 tỷ USD, gấp 2,17 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người tăng
lên khoảng 2.540 USD (gấp 6,3 lần năm 2000)(2).
Trên nền
tảng những thành tựu đạt được trong TTKT (điều kiện cần), Chính phủ Việt Nam đã
giải quyết hợp lý các mối quan hệ giữa tiêu dùng cuối cùng với tích lũy, tái
đầu tư; giữa tiêu dùng cá nhân (nâng cao MSDC) với tiêu dùng chính phủ (cho an
ninh, quốc phòng, ngoại giao...) và áp dụng phù hợp các hình thức phân phối thu
nhập, đồng thời kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm
nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện an sinh xã hội... nên MSDC của Việt Nam
được nâng lên rõ rệt, thể hiện trên các mặt sau:
Một là,
thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên
Nếu như
năm 1999, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 295 nghìn
đồng/người/tháng, thì đến năm 2018 đã tăng lên đạt 3.760 nghìn đồng/người/tháng
(tăng gấp 12,74 lần). Tính đến năm 2016, Đông Nam Bộ là vùng có mức thu nhập
bình quân đầu người/tháng cao nhất cả nước (4.662 nghìn đồng), tiếp đến là vùng
đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và thấp
nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (1.963 nghìn đồng).
Hai là, tỷ
lệ hộ nghèo giảm nhanh
Năm 1998,
tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 37,4%, năm 2010 giảm xuống còn 14,2% và giảm mạnh
xuống 5,8% năm 2016(3). Tỷ lệ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2017 là
9,2% và năm 2018 ước khoảng 6,8%(4). Thành tựu giảm nghèo đạt được trên phạm vi
cả nước, từ thành thị tới nông thôn và trên tất cả các vùng. Năm 1998, thành
thị có 9% hộ nghèo, đến năm 2016 chỉ còn 2%, tương ứng ở khu vực nông thôn tỷ
lệ này là 49,9% và 7,5%. Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia sớm đạt được Mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ, hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói
vào năm 2015.
Ba là, mức
tiêu dùng của cải vật chất của dân cư được nâng lên
Cùng với
việc thu nhập bình quân đầu người tăng lên, chất lượng nhà ở và mức độ sở hữu
các hàng hóa tiêu dùng lâu bền, khả năng tiếp cận điện và nước sạch của người
dân cũng tăng lên đáng kể. Ngoài việc bảo đảm chi tiêu cho đời sống hàng ngày,
nhiều hộ gia đình còn mua sắm và tích lũy tài sản, xây dựng nhà ở, chất lượng
cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt.
Bốn là,
điều kiện y tế, giáo dục của dân cư tăng lên
Nhìn
chung, điều kiện y tế và giáo dục của người dân ngày một tăng lên. Năm 1995, số
bác sỹ trên 1 vạn dân là 4,3 bác sỹ, đến năm 2016 đã tăng lên 8,4 bác sỹ; tương
tự, số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 17,8 giường lên 27,8 giường. Tỷ lệ
dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ khá cao, đạt 95,1% năm 2017, cao hơn so với
các nước có thu nhập trung bình (90,0%).
Năm là, tỷ
lệ lao động trong độ tuổi bị thất nghiệp giảm xuống
Tỷ
lệ này ở khu vực thành thị giảm từ 6,7% năm 2000 xuống 3,18% năm 2017; ở khu
vực nông thôn giảm từ 2,3% năm 2010 xuống 1,78% năm 2017.
b. Một số
hạn chế trong nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam
Bên cạnh
những thành công trên, còn nhiều thách thức đặt ra cho Việt Nam trong việc nâng
cao mức sống dân cư như:
Thu nhập
bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp và tăng chậm so với nhiều nước
Tính đến
năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 2.500 USD. Ngay
cả khi đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người là 3.000 USD vào năm 2020 thì
Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, kém xa so
với thành tựu phát triển của Hàn Quốc. Năm 1962, mức thu nhập bình quân đầu
người của Hàn Quốc là 87 USD, đến năm 1996 đã tăng lên 10.548 USD. Năm 1996,
Hàn Quốc chính thức trở thành nước công nghiệp, là nền kinh tế lớn thứ 11 và
trở thành thành viên thứ 29 của nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát
triển Kinh tế (OECD). Thành công này có được là vì trong khoảng thời gian từ 1963-1996,
Hàn Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao; trung bình 8,7%/năm.
Trong khi đó, giai đoạn 1991-2018, Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế
bình quân hàng năm khoảng 6,5%.
Bất bình
đẳng thu nhập dẫn tới bất bình đẳng trong tiếp cận nhà ở, điều kiện vệ sinh và
các dịch vụ y tế, giáo dục có xu hướng tăng lên
Hệ số Gini
của Việt Nam đã tăng nhẹ từ 0,42 năm 2002 lên 0,431 năm 2016 và chênh lệch thu
nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất với nhóm 20% dân số nghèo nhất tăng từ 6,99
lần vào năm 1995 lên 9,2 lần năm 2010 và 9,8 lần năm 2016. Sự gia tăng chênh
lệch về thu nhập dẫn tới sự gia tăng khoảng cách chênh lệch về mặt xã hội như
chênh lệch về tỷ lệ nhập học bậc trung và đại học; chênh lệch về khả năng tiếp
cận dịch vụ y tế có chất lượng cao. Thực tế cho thấy các hộ giàu thường chi
tiêu nhiều hơn cho việc đi học của con cái, đặc biệt là việc học thêm. Với việc
đầu tư như vậy, con cái các hộ khá giả thường có thành tích học tập tốt hơn con
hộ nghèo. Nhóm các hộ nghèo thường bị bệnh tật nhiều hơn, nhưng họ lại sử dụng
các dịch vụ y tế ít hơn các hộ giàu.
Tốc độ
tăng HDI có xu hướng giảm xuống
Giai đoạn
2000-2005, tốc độ tăng HDI đạt 1,39%/năm, sang giai đoạn 2006-2010 giảm xuống
còn 1,17%/năm và giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt khoảng 0,49%/năm.
Số năm đi
học bình quân của Việt Nam tăng chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực
Năm 1960,
số năm đi học bình quân của người Việt Nam cao hơn của Trung Quốc, Malaysia
(Việt Nam 3 năm, Trung Quốc 2,3 năm, Malaysia 2,8 năm), nhưng đến năm 2010, hai
quốc gia này đã vượt khá xa so với nước ta (Việt Nam 6,4 năm, Trung Quốc 8,2
năm, Malaysia 10,1 năm). Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ tiêu này của Việt Nam
đứng sau nhiều nước trong khu vực ASEAN.
3.
Một số khuyến nghị
Những phân
tích trên cho thấy, để vừa thúc đẩy TTKT vừa bảo đảm nâng cao MSDC, Chính phủ
cần:
(1) Duy
trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, trên cơ sở đó thúc đẩy cơ cấu lại nền
kinh tế gắn với đổi mới mô hình TTKT, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu
quả hoạt động của nền kinh tế.
(2) Thực
hiện phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Cần có quy hoạch và
kế hoạch cụ thể để cân đối mức đầu tư cho các vùng miền, cũng như các ngành
hoạt động khác nhau. Việc dành mức đầu tư cao hơn cho các vùng kinh tế động lực
là rất cần thiết nhằm tạo ra những “đầu tàu” tăng trưởng để kéo “đoàn tàu” kinh
tế Việt Nam đi lên. Bên cạnh đó, cần đầu tư hợp lý cả về kinh tế, văn hóa, xã
hội cho các vùng, miền khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số nhằm giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng.
(3) Gia
tăng cơ hội cho nhóm dân số có thu nhập thấp tham gia và hưởng lợi nhiều hơn từ
tiến trình CNH, HĐH đất nước. Mở rộng khả năng tích lũy tài sản cho người dân
để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
(4) Kết
hợp hài hòa giữa việc phân phối lại thông qua điều tiết hợp lý thu nhập trong
các tầng lớp dân cư với việc xây dựng và kiện toàn hệ thống an sinh xã hội
nhiều tầng nấc. Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, các đối tượng của
chính sách xã hội là rất đa dạng, do đó cần xây dựng, củng cố và ngày càng kiện
toàn hệ thống chính sách an sinh xã hội nhiều tầng nấc.
_____________________
(1) Chương
trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP): Báo cáo phát triển con người 2007/2008,
tr.236, 244.
(2) Báo
cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội năm 2019”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(3) Tổng
cục thống kê.
(4) Bộ Kế
hoạch và Đầu tư: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, và Tổng cục thống kê, Tổng quan
tình hình kinh tế -xã hội năm 2018, http://www.gso.gov.vn.
PGS,TS
Nguyễn Thị Thơm
Viện Kinh
tế,
Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét