Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

HỌC SỐNG YÊU THƯƠNG

HỌC SỐNG YÊU THƯƠNG

Dịp này, có người phải trải qua hàng chục bữa tiệc tổng kết, tất tiên. Những bữa tiệc ê hề, thừa mứa được bày ra không sức nào ăn hết. Những chai rượu tiền triệu... Nhưng ở đâu đó, vẫn còn những gia cảnh đón Tết trong cái dằn vặt của dạ dày. Giá như mỗi người đều biết học để sống yêu thương, sống sẻ chia. Bởi cuộc đời này, còn nhiều ưu tư lắm...
Khi cái Tết xôn xao ngoài ngõ, khi người ta đã bắt đầu rục rịch sắm sanh, thì chị bạn tôi chuẩn bị cho hai đứa con một chuyến đi xa. Hai đứa trẻ, một đứa đang học lớp bảy, đứa còn lại đang năm cuối cấp một, sẽ theo mẹ lên Hà Giang, cùng đoàn từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo. Đây là lần đầu tiên đứa nhỏ theo mẹ đi làm từ thiện, còn đứa lớn, đây là lần thứ hai. Mới nghe tin, ông bà hai bên nội ngoại đều phản đối. Tết nhất đến nơi, chuyến đi gấp gáp chỉ trong hai ngày cuối tuần, nhỡ có điều gì không may. Nhưng rồi, dù “xót cháu”, ông bà nội ngoại đều thấy, chuyến đi có thể đem lại nhiều thứ ý nghĩa hơn những gì người ta nghĩ...
Thời điểm này, là lúc nhiều cậu ấm cô chiêu đang cùng bố mẹ lên kế hoạch sắm Tết, chơi Tết. Có những cô bé đang học trung học cơ sở, cũng rất rành khi nói về son Hàn, nước hoa Pháp, hay một loại mascara xách tay; chúng cũng làm bố mẹ nở nụ cười tự hào tạo dáng không kém người mẫu khi trưng hình trên mạng. Cũng nhiều cậu ấm mang trên mình bộ đồ giá bằng cả... chục tấn gạo. Nhưng cũng nhiều người, chuẩn bị cho con một cái Tết khác. Cái Tết yêu thương.
Đời sống kinh tế những năm gần đây đầy đủ hơn, nhất là tại các đô thị. Nhưng cũng là khi không ít người sau này phàn nàn về thế hệ “trẻ em tuổi 20”. Không thiếu những bạn trẻ bố mẹ phải đưa đón suốt những năm học trung học. Cũng không hiếm những đứa trẻ từ bé đến lớn không phải đụng tay, đụng chân vào việc gì. Là “cái rốn của vũ trụ”, chúng không biết quan tâm, yêu thương ông bà, bố mẹ, không biết cảm thông, chia sẻ với bạn bè, hay những người chung quanh có hoàn cảnh khó khăn.
Chị bạn tôi cũng từng chật vật trong tìm cách dạy trẻ biết yêu thương. Một người bạn mách bảo: Hãy cho bọn trẻ tham gia các hoạt động từ thiện. Ban đầu, để chúng tham gia như một chuyến đi chơi, một chuyến dã ngoại. Dần dần, chúng sẽ cảm nhận và thay đổi suy nghĩ từ những gì trông thấy. Chị đã phải nỗ lực rất nhiều trong sắp xếp thời gian. Nhưng rồi, cảnh những đứa trẻ cùng trang lứa, có bạn tật nguyền vẫn cố gắng tới trường, ở nhà còn giúp đỡ bố mẹ; tận mắt thấy những đứa trẻ vùng cao, trời lạnh thấu xương mà chỉ có một manh áo mỏng, da dẻ tím ngắt lại vì giá lạnh... đã đánh thức những xúc cảm về cuộc sống, đánh thức những yêu thương. Cậu cả nhà chị đã chăm chỉ tiết kiệm tiền nuôi lợn để cùng mẹ đi từ thiện. Cậu cũng bắt đầu biết giúp đỡ mẹ việc lặt vặt như rửa bát, lau nhà khi rảnh rỗi. Cậu quấn quýt ông bà hơn, biết hỏi thăm khi ông bà đau ốm... Dịp này, hai đứa con chị có nhiệm vụ giặt giũ sạch sẽ những bộ quần áo cũ. Chúng cũng tham gia gói bánh chưng cùng các cô chú, để làm quà.
Người xưa đã bảo “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Những đứa trẻ sinh ra như một trang giấy trắng. Nhưng cuộc sống đã khiến chúng phát triển theo những hướng khác nhau. Sự sẻ chia, sự yêu thương thường là thứ dễ mất đi khi cuộc sống quá đủ đầy. Câu chuyện chị bạn tôi, khiến tôi nhớ lại những gì mình đã trải qua. Tôi cũng từng sinh ra và lớn lên khi đất nước còn gian khó. Tôi sớm biết cái vất vả của bố mẹ, khi phải chạy vạy những bữa cơm, khi bố tôi phải đạp xe đến những vùng quê cách ba, bốn chục cây số để đong gạo. Lớn lên, tôi được những vùng xa, những bản làng phải lội qua năm, sáu con suối; những bản vùng sâu thiếu chữ, khi các thầy, các cô chỉ “trụ” được dăm bữa nửa tháng rồi lại bỏ về... Nhưng rồi, cũng tại nơi đấy, lại có người tình nguyện dạy chữ, mà không lấy một đồng tiền công. Tôi không sao quên được hình ảnh những đứa trẻ sáu, bảy tuổi phải đi bộ gần chục cây số tới trường; không sao quên được những cái bụng phình ra, những cái mông đít bủng beo... của bọn trẻ vùng cao, bữa ăn không có gì ngoài lưng bát cơm hẩm trộn ngô. Những chuyến công tác xa nhà của tôi từ độ ấy, thường lỉnh kỉnh đồ đạc hơn, để có thể đem đến cho những đứa trẻ chút ít niềm vui. Những chuyến đi ấy, khiến tôi yêu thương những người thân trong gia đình, theo một cách khác... Tình yêu thương tự nhiên, chuyển hóa thành thứ tình cảm có chiều sâu, khi ta có thêm trải nghiệm về cuộc sống.
Cũng từ đận ấy, mỗi khi dự những tiệc tùng quá ư ê hề, tôi lại thấy chạnh lòng. Nhất là dịp cuối năm, có những người phải qua hàng chục tiệc tổng kết, tất niên. Những bữa tiệc ê hề, thừa mứa được bày ra không sức nào ăn hết. Những chai rượu tiền triệu... Nhưng ở đâu đó, vẫn còn những gia cảnh đón Tết trong cái dằn vặt của dạ dày. Học để sống yêu thương, sống sẻ chia, hình như không chỉ dành cho bọn trẻ. Bởi cuộc đời này, còn nhiều ưu tư lắm...
TUỆ MINH

http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38973202-hoc-song-yeu-thuong.html

THU HÚT NGUỒN LỰC KIỀU BÀO ĐỂ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THU HÚT NGUỒN LỰC KIỀU BÀO ĐỂ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36-NQ/TƯ và các văn bản của Đảng, Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) là triển khai, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con về sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh ở trong nước và thu hút, trọng dụng nguồn lực NVNƠNN.
Đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà Đảng ta đã đề ra tại Đại hội XII: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân”, trong đó có thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân, kiều bào trẻ phục vụ mục tiêu phát triển đất nước…
Chỉ thị số 45/CT-TƯ ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5-4-2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020 khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Thực hiện chủ trương trên, những năm qua, công tác về NVNƠNN đạt nhiều kết quả quan trọng, nguồn lực kiều bào được thu hút mạnh mẽ phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Theo Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai các dự án khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo với các cơ quan trong nước, tập trung trong các lĩnh vực khoa học nghiên cứu cơ bản, như: Toán, công nghệ hạt nhân, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, y tế, giáo dục-đào tạo.
Thông qua các hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với các địa phương tổ chức, một mạng lưới kết nối giữa kiều bào với địa phương được hình thành, trở thành cơ sở để bà con kiều bào phát huy trí tuệ và đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng trong các vấn đề phát triển của đất nước. Nhiều cá nhân, nhóm chuyên gia, trí thức đã chủ động hiến kế, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng… giúp địa phương phát triển bền vững. Điển hình như Hội nghị NVNƠNN lần thứ 3 do Bộ Ngoại giao tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 2016 đã tạo dựng kênh kết nối giữa kiều bào với lãnh đạo của thành phố, giúp thành phố giải quyết các vấn đề, từ cụ thể như ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước… tới vĩ mô như xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… Đặc biệt, sau hội nghị, các mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt kiều, như: Nhóm Sáng kiến Việt Nam (kiều bào Mỹ), nhóm Chuyên gia và khoa học toàn cầu (AVSE)… đã được Chính phủ mời về nước tham vấn, cho ý kiến về “Xây dựng chính phủ thông minh”, “Tạo lập hệ thống chấm điểm hành chính quốc gia”... Ngày 28-7-2017, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ được thành lập, trong đó có 4/14 thành viên là chuyên gia, trí thức kiều bào.
Không dừng lại ở phạm vi trong nước, tháng 12-2017, Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì, phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam và Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” tại thành phố San Francisco. Mục đích chính của diễn đàn là kết nối các cá nhân có tinh thần khởi nghiệp (startup) người Việt tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam cũng như với các doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư.
Bên cạnh đó, các mạng lưới NVNƠNN cũng dần khẳng định vai trò trong thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, như: Liên hiệp Hội người Việt Nam toàn châu Âu, Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài (viết tắt là BAOOV), mạng lưới kiều bào trẻ… Đồng thời, những mạng lưới này hỗ trợ tích cực các doanh nhân kiều bào khi về nước đầu tư cũng như các doanh nhân trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.
BAOOV cho biết, nhờ sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (năm 2014) và ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam (năm 2015), NVNƠNN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đầu tư, thương mại. Năm 2018, trên cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp của kiều bào với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD, trong đó nhiều kiều bào đã trở lại quê hương làm việc, kinh doanh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ…  Các dự án đầu tư của bà con kiều bào tập trung vào những lĩnh vực chế biến, chế tạo, thương mại, du lịch, xây dựng, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, công nghệ phần mềm… góp phần tạo việc làm, đào tạo nghề và phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Bên cạnh việc về nước triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh, kiều bào, đặc biệt là doanh nhân cũng là cầu nối tự nhiên giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã và đang đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài, trước hết là để phục vụ nhu cầu của bà con, sau là giúp các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường sở tại.
Tại hội nghị kết nối kiều bào với địa phương diễn ra ở tỉnh Nghệ An cuối tháng 12-2018, nhiều kiều bào cũng hiến kế giúp các địa phương thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Là một thành viên chủ chốt trong Hội doanh nhân Việt Nam tại Sydney (Australia), kiều bào Trần Đăng Huệ cho biết có nhiều người Việt đã và đang làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn cũng như tại các cơ quan của Chính phủ Australia. Họ chính là những cầu nối tích cực trong thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Australia. Ông Trần Đăng Huệ đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Australia và doanh nghiệp kiều bào. “Các tỉnh cần thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giới thiệu về tiềm năng của địa phương. Khi tiếp cận thị trường Australia, các doanh nghiệp, địa phương cần cập nhật các chính sách, thông tin thị trường Australia thông qua các kênh liên lạc để nắm bắt nhanh các luật lệ, thay đổi của thị trường Australia. Các hoạt động kết nối nên thông qua những người Việt hoặc người Australia có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp của Australia vì sự khác biệt về văn hóa, luật pháp, cũng như cách thức triển khai công việc rất lớn giữa hai nước”, ông Trần Đăng Huệ chia sẻ. Bà Đinh Kim Nguyệt, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vancouver, Canada, lại đề xuất giải pháp thu hút du khách từ du lịch văn hóa truyền thống và nguồn khách từ du thuyền quốc tế. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, bà Đinh Kim Nguyệt đề xuất các điểm lớn cần được chú ý khai thác ngay, như: Bên cạnh phong trào phát triển nông thôn mới hiện nay, Việt Nam cần xây dựng những làng du lịch văn hóa mà người làm du lịch phải chính là dân làng…
Có thể nói, những đề xuất, đóng góp tâm huyết của kiều bào đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung cũng như hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
LINH OANH

http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/thu-hut-nguon-luc-kieu-bao-de-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc-562896

MÁU THỊT CỦA DÂN TỘC KHÔNG THỂ CHIA TÁCH

MÁU THỊT CỦA DÂN TỘC KHÔNG THỂ CHIA TÁCH
Kiều bào khắp nơi trên thế giới đang náo nức hướng về mùa xuân đoàn viên sum họp ở quê hương. Với một bộ phận đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), mùa xuân quê hương còn là cơ hội xúc tiến các hoạt động đầu tư, hợp tác làm ăn, phát triển kinh tế, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước trong năm 2018 và hiệu quả dòng kiều hối ngày càng tăng khiến những phần tử cơ hội, cực đoan trong nước và các thành phần chống đối Đảng, Nhà nước ở hải ngoại bày tỏ thái độ cay cú, thực hiện ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Những con sâu trong vườn hoa Xuân
Năm nào cũng vậy, khi kiều bào khắp nơi trên thế giới như những cánh chim phương xa bay về tổ ấm vui xuân đoàn viên, những thành phần bất mãn, chống đối chế độ lại thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kích động, chống phá. Thời điểm cận Tết Kỷ Hợi 2019, các hoạt động này lại rộ lên. Thông qua internet, họ tung lên một số kênh truyền thông ở hải ngoại, Youtube và mạng xã hội các video clip, bài viết tuyên truyền, kích động, bôi xấu chế độ, phản ánh sai lệch những thông tin trong nước nhằm gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng NVNƠNN. Đa phần những thông tin ấy đều được ngụy tạo, cắt ghép từ những vụ việc tiêu cực, những sự cố về môi trường, những vụ án tham nhũng… mà chúng ta đã và đang xử lý hiệu quả, được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số phần tử chống đối đã nhân cơ hội này xuyên tạc sự thật về nền kinh tế trong nước, lấy những vấp váp, khó khăn, thậm chí thua lỗ của một số ít kiều bào trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam để thực hiện ý đồ. Họ cho đây là những “cú sốc” khi về nước đầu tư, từ đó “cảnh báo” cộng động doanh nhân NVNƠNN, nhất là những doanh nhân, trí thức trẻ ngừng các hoạt động về nước đầu tư. Họ xuyên tạc rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang “suy thoái” và đầy rẫy rủi ro. Thậm chí, trước xu hướng Việt kiều trở về nước đầu tư ngày càng nhiều, hiệu quả đầu tư ngày càng cao, các phần tử phản động lại lập tức rêu rao, đây là dấu hiệu “bất thường”? Từ những cái được gọi là dẫn chứng trong làm ăn kinh tế, họ quy chụp về quan điểm chính trị, kêu gọi NVNƠNN quay lưng với Đảng, Nhà nước, thực hiện các hoạt động chống đối chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ cộng đồng NVNƠNN với đất nước và chia rẽ sự gắn kết trong cộng đồng NVNƠNN với nhau.Ư
Với thái độ tỉnh táo, ai cũng có thể thấy, kiểu tuyên truyền kích động, xuyên tạc này thực chất chỉ là “bổn cũ soạn lại”, là kiểu phá hoại của những con sâu trong vườn hoa xuân. Người ta lấy những hiện tượng cá biệt thổi phồng lên để áp đặt, quy chụp bản chất.
Chủ trương nhất quán, hiện thực sống động
Cần nhắc lại để thấy, chính sách về NVNƠNN của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán về bản chất. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn và mãi mãi coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán quan điểm xuyên suốt này. Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân, trong đó có thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân kiều bào phục vụ mục tiêu phát triển đất nước…
Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ NVNƠNN về sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh trong nước và thu hút, trọng dụng nguồn lực của kiều bào.
Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với kiều bào phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở từng giai đoạn. Chỉ thị số 45/CT-TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5-4-2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020, tiếp tục khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”
Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế hệ thứ 2, thứ 3 trong cộng đồng NVNƠNN ngày càng tăng. Đây thực sự là nguồn lực quý báu của đất nước. Với chủ trương nhất quán và sự bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với NVNƠNN của Đảng, Nhà nước Việt Nam những năm qua, đã tạo đường băng thuận lợi để kiều bào về nước đầu tư, làm ăn, sinh sống. Trong năm 2018 có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 20-12, tổng kết công tác về NVNƠNN năm 2018, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN (Bộ Ngoại giao) dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Mức tăng trưởng kiều hối của Việt Nam đạt 10% mỗi năm. Lượng kiều hối năm 2016 là 11,88 tỷ USD; năm 2017 là 13,8 tỷ USD. Năm 2018 ước đạt 15,9 tỷ USD. Việt Nam nằm trong tốp những nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Số liệu tổng kết của UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, năm 2018, lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh khoảng 5 tỷ USD. Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp NVNƠNN đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD.
Hào khí non sông và thông điệp mùa Xuân
Hiện thực sống động ấy chứng minh tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NVNƠNN và hiệu quả phát huy nguồn lực NVNƠNN trên thực tế. Càng ngày, số lượng chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ kiều bào tham gia các hoạt động khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật trong nước càng tăng, trong đó có một số chuyên gia đã tham gia vào hoạt động nghiên cứu, tư vấn kinh tế cho Chính phủ. Điều này thể hiện, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong cộng đồng kiều bào của Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả.
Năm 2018 cũng là năm lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyến thăm, quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở bất cứ đâu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của kiều bào. Trong chuyến thăm Nga và Hungary tháng 9-2018 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã dành thời gian gặp gỡ bà con Việt kiều. Tổng Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi bà con sinh sống ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân và công tác cộng đồng. Đảng, Nhà nước mong muốn bà con luôn tự hào về quê hương đất nước, tự hào là con cháu Bác Hồ, con Lạc, cháu Hồng, làm gì cũng nghĩ về quê hương; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Những ngày này, không khí đón kiều bào về quê ăn Tết Kỷ Hợi 2019 tại các vùng quê trên cả nước, nhất là ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đang diễn ra nhộn nhịp, ấm áp tình thân. Hàng ngàn video clip và những bài viết, dòng trạng thái chia sẻ trên cộng đồng mạng của kiều bào đã cho thấy bầu không khí vui mừng, phấn khởi, hạnh phúc, cảm động của bà con kiều bào trước sự phát triển của đất nước và tình cảm với người thân quê hương. Đến nay, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ chương trình đón kiều bào về quê ăn Tết. Chương trình “Xuân quê hương” dành cho kiều bào sẽ được tổ chức trang trọng, ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc tại Thủ đô Hà Nội dự kiến vào ngày 26-1 (21 tháng Chạp), với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo đại biểu kiều bào. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình họp mặt kiều bào mừng Xuân được tổ chức vào ngày 24-1 (19 tháng Chạp) với sự tham gia của hơn 800 đại biểu kiều bào. Chuỗi hoạt động vui Tết, đón Xuân dành cho kiều bào trên khắp cả nước là những sắc màu nổi bật của ngày hội non sông mừng Xuân Kỷ Hợi, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, hội nhập. Hiện thực ấy, sức sống ấy chính là nguồn lực mạnh mẽ, sống động để vườn hoa xuân đất nước vươn cành, bung nụ, đơm bông, khẳng định chân lý: Máu thịt của dân tộc là không thể chia tách.
Xin trích lời phát biểu của một trí thức Việt kiều tại Nam Caly (Mỹ) trong một video clip được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng, với số người xem lên đến hàng chục nghìn lượt, để kết bài viết này: “Quý vị có chính kiến gì, đó là quyền của quý vị. Nhưng nếu quý vị không vui mừng, không thích thú, không cực kỳ sung sướng khi đất nước của chúng ta không còn chiến tranh, khi đất nước của chúng ta độc lập và thanh bình, tự chủ, thì quý vị không phải là người Việt Nam”...
PHAN TÙNG SƠN

http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/mau-thit-cua-dan-toc-khong-the-chia-tach-562910

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

LINH MỤC VIỆT NAM HÔM NAY ĐANG TRONG CƠN LỐC TỰ DO CÓ PHẦN KHÔNG LÀNH MẠNH


LINH MỤC VIỆT NAM HÔM NAY ĐANG TRONG
 CƠN LỐC TỰ DO CÓ PHẦN KHÔNG LÀNH MẠNH
(Bài viết của Giám Mục Anphong NGUYỄN HỮU LONG – Giám mục Giáo phận Vinh)
Nguy cơ của linh mục là được giáo dân quý mến thái quá, coi linh mục như Chúa : “Cha nói là Chúa nói”, “Ai vâng lời cha là vâng lời Chúa”, muốn chào cha thì phải “xin phép lạy cha”!… Điều đó dễ khiến linh mục quên mất sự dòn mỏng, yếu đuối, bất xứng… của mình.
– Đó đây, thỉnh thoảng, đã có những lời bình phẩm linh mục này hách dịch, cha kia ăn nói linh tinh, lối sống không phù hợp… Một phần lỗi, phải nhận rằng do giáo dân đã quá đề cao linh mục. Xin đừng nâng linh mục lên cao quá, để rồi thất vọng khi thấy linh mục không được như mình mong đợi.
Anh chị em muốn thương yêu linh mục đúng cách thì xin lưu ý mấy điểm sau đây :
– Hãy cầu nguyện cho các linh mục. Linh mục cần lời cầu nguyện lắm, vì sứ vụ và trách nhiệm của linh mục rất nặng nề. Nhiều khi anh chị em xin linh mục cầu nguyện cho mình, mà quên cầu nguyện cho linh mục.
– Hãy tôn kính linh mục vì là người thay mặt Chúa hướng dẫn giáo dân. Nhưng hãy tôn kính cách đúng mực, bình dị, thân tình, chứ đừng thần thánh hóa, khép nép, sợ hãi, tâng bốc. Linh mục là người của Chúa và của mọi người, chứ không phải của riêng ai.
– Hãy nâng đỡ tinh thần cho linh mục. Linh mục cũng cần sự nâng đỡ, nhất là trong những lúc gánh nặng của sứ vụ đè trên đôi vai và trong tâm hồn. Tôi xin anh chị em quan tâm nâng đỡ tinh thần, chứ không phải vật chất, cho các linh mục. Chỉ chú trọng nâng đỡ vật chất sẽ có thể làm thoái hóa linh mục.
– Hãy cộng tác cách chân thành, tích cực và hữu hiệu, để linh mục chu toàn sứ vụ của mình. Linh mục chẳng thể làm được gì nếu không có giáo dân đồng tâm hiệp lực”.
http://ngheanthoibao.com/linh-muc-viet-nam-hom-nay-dang-trong-con-loc-tu-do-co-phan-khong-lanh-manh/

NHÌN LẠI MỘT NĂM RỒNG RẮN VÀO NHÀ TÙ CỦA ĐÁM DÂN CHỦ CUỘ


NHÌN LẠI MỘT NĂM RỒNG RẮN VÀO NHÀ TÙ
CỦA ĐÁM DÂN CHỦ CUỘI
Đất nước đang hân hoan, vui tươi đón chào năm mới, năm 2019, kết thúc một năm 2018 với những thành công rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực. Năm mới đến với mọi nhà, người người hân hoan chúc nhau những câu chúc hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Trái ngược với không khí ấy, chắc chắn sẽ có những con người một năm 2018 có thể gọi là một năm tồi tệ, tăm tối và ảm đảm, vâng, không ai khác chính là các nhà “dân chủ” Việt, tức là các đối tượng phản động chuyên chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Vì sao gọi đó là một năm tồi tệ đối với các nhag dân chủ rởm ư, đơn giản thôi:Năm 2018 là năm mà các nhà “dân chủ” Việt bị thất bại nặng nề. Hầu hết các gương mặt nổi trội của làng “dân chủ’ Việt như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng… đều lần lượt phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và lĩnh những bản án không hề nhỏ, điển hình:
Ngày 5/42018 Nguyễn Văn Đài và các đồng đảng của mình trong Hội anh em dân chủ bị xét xử về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và lãnh án tổng cộng 66 năm tù.
Ngày 6/2/2018, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) tuyên phạt Hoàng Đức Bình, 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức,công dân”.
Ngày 15/8/2018, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt Nguyễn Viết Dũng 6 năm tù giam và 5 quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Ngày 16/8/2018 Lê Đình Lượng (một tên đầu sọ của tổ chức Việt Tân) bị Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 20 năm tù giam và 5 năm quản chế về hành vi Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Ngày 26/12, Toà án nhân dân cấp cao TP. Đà Nẵng tuyên phạt 12 năm tù giam và 5 năm quản chế kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đối với Nguyễn Trung Trực về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”…
Điều này thể hiện rõ sự nghiêm khắc và cương quyết của chính quyền trước các hành vi ngông cuồng, phản quốc vi phạm pháp luật của số người núp danh “nhà dân chủ”. Qua đó người dân cũng đã nhận thức sâu sắc hơn bản chất của các nhà “dân chủ”, chưa kể, trong năm 2018 Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái nên niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng được tăng lên, các nhà “dân chủ” hết điều kiện lợi dụng để chống Đảng, Nhà nước. Chưa kể, sự hỗ trợ của “quốc ngoại” dành cho quốc nội trong năm 2018 cũng rất hời hợt bởi vì ngay giới cờ Vàng chống Cộng ở nước ngoài cũng đang khốn đốn trước việc tổng thống Mỹ đe dọa trục xuất hàng nghìn người tị nạn gốc Việt.
Rốt cuộc năm 2018 đã không làm nên một trò trống gì để đánh dấu phòng trào của mình, cuối năm, họ an ủi nhau tìm cách cứu vớt sự bết bát của phong trào bằng cái gọi là yêu sách 8 điểm năm 2019 nhưng cũng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Sự thất bại này không phải không được báo trước bởi những kẻ chống phá chính quyền, phản bội dân tộc luôn luôn chỉ là một thiểu số lạc lõng, bị người dân cô lập.
Năm 2019 đã tới, nhưng với những thành tựu to lớn mà Việt Nam đang đạt được như GDP tăng mức kỉ lục từ trước đến nay 7, 08% đứng trong top của thế giới, đời sống nhân dân nâng lên, chính trị ổn định, lòng dân đang lên… thì rõ ràng năm 2019 phong trào “dân chủ” của đám phản động núp bóng nhà dân chủ rởm sẽ chẳng hề có một tương lai tươi sáng nào.
Và không thể không kể đến ngay trong ngày đầu năm mới, Luật An ninh mạng có hiệu lực cũng đã là cú đòn giáng mạnh vào những toan tính của làng “dân chủ”. Phen này, làng dân chủ nghe có vẻ sắp giải tán đến nơi rồi còn đâu ?
Cùng chúc mừng cho một năm thắng lợi của dân tộc ta, chúc cho một năm 2019 phát triển thịnh vượng hơn nữa./.
http://ngheanthoibao.com/nhin-lai-mot-nam-rong-ran-vao-nha-tu-cua-dam-dan-chu-cuoi/

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TINH GIẢN, KIỆN TOÀN BỘ MÁY GẮN VỚI SỬA ĐỔI PHONG CÁCH, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CÁN BỘ


TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TINH GIẢN, KIỆN TOÀN BỘ MÁY
 GẮN VỚI SỬA ĐỔI PHONG CÁCH, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CÁN BỘ
Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một kho tàng lý luận phong phú về xây dựng Đảng. Trong đó những tư tưởng của Người về tinh giản, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với sửa đổi phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là khi chúng ta đang thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 6 và 7 (khóa XII) hiện nay. Vì vậy, việc khai thác những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, có thể khái quát ở một số nội dung sau:

Một là, tổ chức bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, luôn đổi mới, chỉnh đốn cho phù hợp. Ngay trong những ngày đầu của nền độc lập, Hồ Chí Minh nói nhiều về sự cần thiết, những nội dung, yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng non trẻ qua loạt bài “Cách tổ chức các UBND”, “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Tinh thần tự động trong các UBND”, “Sao cho được lòng dân”, “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Đặc biệt trong bài “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các UBND”, Hồ Chí Minh lưu ý: “Một khuyết điểm lớn chung cho phần đông các UBND là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức… Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính. Chia công việc không khéo thành ra tư biện: nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng”[1]. Bước sang năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở thời kỳ gay go, quyết liệt, Hồ Chí Minh lại có một số bài chấn chỉnh lề lối, phương pháp, nhất là về tổ chức bộ máy, như “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ”, “Thư gửi các đồng chí Trung bộ”, trong đó Người đều nhấn mạnh: “Trong các cơ quan chỉ huy, chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, liên lạc phải mật thiết, hợp tác phải chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh cái lối lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ, không phụ trách”[2]. Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều người làm thành một tổ chức, nhưng mỗi người đều có vị trí quan trọng trong bộ máy tổ chức đó: “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng”[3].
Từ chiều sâu bản chất quý trọng và thương yêu con người, Hồ Chí Minh xác định dù ở mỗi người tài năng có khác nhau nhưng đều có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Người đã ví cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Người nói: “Chúng ta, tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người làm không tròn nhiệm vụ là hỏng cả”[4]. Trong thư gửi Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc (2-1950), Hồ Chí Minh yêu cầu hội nghị cần hướng vào thảo luận những vấn đề căn cốt, thúc bách của tổ chức, để các tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị: “Thảo luận kỹ lưỡng những vấn đề rất quan trọng như: Chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy chính quyền; sửa đổi và thống nhất cách làm việc; thiết thực thực hiện quân dân chính nhất trí; giải quyết vấn đề cán bộ”[5]. Có thể nói, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đổi mới, chỉnh đốn tổ chức bộ máy luôn là một công việc thường xuyên phải làm. Ngày 10-9-1950, dự chiến dịch Đông Khê, Người có bài viết “Chỉnh đốn Đoàn thể và chính quyền” với bút danh X.Y.Z, có đoạn: Chính quyền và đoàn thể (Đảng) cũng cần thường xuyên rửa các bộ máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất chính, đầu cơ và chỉnh đốn lại cách làm việc cho gọn gàng, mau chóng. Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, để dồn sức cho cuộc kháng chiến, giảm tải sự đóng góp của nhân dân, Người đưa ra biện pháp cụ thể: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”[6]. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (25-6-1952), Hồ Chí Minh không chỉ khen ngợi những kết quả của ngành đã đạt được mà Người còn chỉ rõ hiện trạng tổ chức bộ máy và đưa ra lộ trình, phương châm sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Người chỉ dẫn “Nói chung, các cơ quan, đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”[7]. Để bộ máy vận hành hoạt động có hiệu quả, theo Hồ Chí Minh mấu chốt là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, bộ phận, của mỗi cán bộ. Đây là cơ sở để mỗi tổ chức, cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Bộ máy hoạt động vận hành có hiệu quả, không có sự chồng lấn về nhiệm vụ. Trước yêu cầu cấp thiết đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”[8]. Bởi công tác tổ chức quyết định cán bộ - quyết định đến số lượng, cơ cấu, phẩm chất và trình độ chuyên môn của cán bộ. Nếu vận hành không tốt thì hệ quả dẫn tới những lệch lạc đáng tiếc trong thiết kế bộ máy và thực thi công vụ. Hồ Chí Minh đã dự liệu trước những khó khăn phức tạp, tinh tế của công tác tổ chức. Do đó, Người yêu cầu các cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng với sở trường của cán bộ. Người chỉ dẫn: “Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động”[9]. Năm 1962, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, chúng ta tổ chức hệ thống chính trị theo mô hình Xô-viết, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối liên hệ giữa tổ chức bộ máy và biên chế, khi bộ máy cồng kềnh thì biên chế phình ra và dẫn tới vừa quan liêu, vừa lãng phí. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà nước năm (11-1-1962), Người chỉ rõ: “Từ các bộ, ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và ngày càng phình ra. Vì vậy, sinh ra quan liêu, lãng phí. Một nhược điểm nữa là từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương chưa thật nhất trí, trên dưới chưa thật thông suốt, đang còn khuynh hướng cục bộ, bản vị…” [10].
Đặc biệt, Hồ Chí Minh đưa ra những chỉ dẫn về phương pháp khi đổi mới, sắp xếp, chấn chỉnh về bộ máy. Đầu năm 1949, trong “Bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu” ngày 18-1-1949, Người nhấn mạnh: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành… Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm”[11]. Nhấn mạnh đến tính liên thông, đồng bộ và sự phụ thuộc lẫn nhau, Người ví: “Một bộ máy là do nhiều thứ máy to nhỏ lắp lại. Các máy ấy đều ăn khớp với nhau, thì bộ máy ấy tốt và sản xuất nhiều. Nếu chỉ một cái máy nhỏ không ăn khớp, thì cũng ảnh hưởng xấu đến toàn cả bộ máy”[12]. Theo Hồ Chí Minh, chỉnh đốn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, phải luôn luôn được đặt ra. Năm 1952, trong “Báo cáo tại Hội nghị Trung ương 3, khóa II”, Hồ Chí Minh lưu ý: Về chính quyền. Chúng ta có tiến bộ nhiều, nhưng vì chúng ta quan niệm chưa đúng tính chất và sự quan trọng của chính quyền nhân dân nên chưa thực sự kiện toàn chính quyền về mặt công tác, tổ chức, cán bộ. Và một trong các giải pháp mà Người đề ra là: Chỉnh Đảng là việc chính mà chúng ta phải làm ngay. Chỉnh Đảng phải làm từng bước và có trọng tâm: Chỉnh đốn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh huấn cán bộ rồi mới chỉnh huấn toàn thể đảng viên. Chỉnh đốn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng[13]. Chính nhờ đợt chỉnh Đảng, chỉnh cán, chỉnh quân những năm 1952-1953, đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta cũng cần rút ra những kinh nghiệm tốt từ những đợt chỉnh huấn này dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.
Hai là, xây dựng phong cách, phương pháp, sửa đổi lối làm việc. Khi coi con người “là vốn quý nhất”, theo Hồ Chí Minh, gắn với đổi mới tổ chức bộ máy là đổi mới phong cách, tác phong, phương pháp, lề lối làm việc và chính phong cách, tác phong, phương pháp, lề lối làm việc của cán bộ là biểu hiện của cơ chế, các mối quan hệ trong vận hành tổ chức bộ máy. Người khái quát: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[14]. Trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa II) ngày 3-3-1955, Người nhấn mạnh đến kiện toàn bộ máy, phương pháp, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác: “Tổ chức của Đảng cần phải kiện toàn hơn. Lề lối làm việc cần phải tiến bộ hơn”[15]. Kiện toàn tổ chức bộ máy xét tới cùng là nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nội bộ đoàn kết thống nhất, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, giúp cho bộ máy hoạt động thông suốt, nhịp nhàng. Phẩm chất, bản lĩnh và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng tổ chức bộ máy, vì cán bộ là nhân tố quyết định, là “cái gốc của mọi công việc”. Bởi vậy, theo Hồ Chí Minh: “Kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”[16] là hai mặt của một vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ “bất kỳ chỗ nào, bất kỳ việc gì, Đảng và Chính phủ đã giao thì các cô, các chú phải quyết tâm làm cho trọn, không nên muốn thế này thế khác”. Trong bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, Người đã nêu rõ vì sao trước khi làm phải xin chỉ thị của cấp trên, sau khi làm xong phải báo cáo. Thời kỳ đầu 1950, có tình trạng như vậy, cho thấy tác phong tùy tiện, cẩu thả, vô kỷ luật còn phổ biến trong bộ máy. Để khắc phục tình trạng này, những chỉ dẫn về nội dung, phương pháp, quy trình, trách nhiệm người viết báo cáo của Người trong bài viết còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hồ Chí Minh căn dặn: “Không tự kiêu, không có bệnh làm “quan cách mạng”. Phải siêng năng, siêng nghĩ, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nói, siêng làm. Cầu tiến bộ luôn luôn. Không lúc nào không ngừng nghiên cứu, tự rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm”[17]. Người cũng luôn nhắc nhở: “Phải có biện pháp cho tốt, “kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần”. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Công tác tư tưởng, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác kế hoạch”[18]. Và “Kế hoạch phải thật tỷ mỷ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu”[19]. Và “cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”[20]… Đây là những chỉ dẫn rất quý báu về phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của người cán bộ hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập bộ máy chính quyền cách mạng, cũng như sau khi ĐCS Việt Nam ra hoạt động công khai, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới vấn đề phải nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng phong cách, tác phong làm việc khoa học, sát dân, trọng thực tiễn, “nói đi đôi với làm”… của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh nói nhiều về vấn đề này. Rõ ràng trong khi tình hình cách mạng thay đổi nhanh chóng, phức tạp; bộ máy đảng, nhà nước còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thì vấn đề quan trọng là lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên phải được coi trọng. Trong rất nhiều bài viết, thư, bài nói chuyện với cán bộ, nhân dân, như “Đời sống mới”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt, việc tốt””, “Di chúc”… Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách có hệ thống, toàn diện, cụ thể, thiết thực: từ vì sao (sự cần thiết) phải xây dựng đạo đức cách mạng, sửa đổi tác phong, lề lối làm việc đến việc chỉ ra (nhận diện) những căn bệnh cố hữu, tệ của xã hội cũ, của nền sản xuất nhỏ, của hậu quả thực dân ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ các giải pháp để nâng cao đạo đức cách mạng quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, sửa đổi lối làm việc đến vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu và vai trò của tự tu dưỡng, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ vai trò tự nêu gương, tiền phong, gương mẫu, chú trọng thực hành của mỗi cán bộ, đảng viên đến việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức nhân dân làm theo… Ví dụ, trong mục “Mấy điều kinh nghiệm” trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người nhấn mạnh làm bất cứ việc gì đều phải nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc, phải phân tích kỹ càng xem việc làm ấy vì sao đưa đến thành công để học tập kinh nghiệm, để đặt ra khuôn phép cho những công việc khác, để nhân rộng cái tốt, cái hay. Nếu không nghiên cứu, phân tích thì việc nào xong việc ấy, cán bộ không học được kinh nghiệm gì và cũng không thể tiến bộ được.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với sửa đổi phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên là những định hướng, cơ sở phương pháp luận để Đảng ta củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ hiện nay.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.4, tr.38.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.5, tr.78
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr.130.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000t.6, tr.17.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.6, tr.281.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.6, tr.513.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr.91.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.6, tr.77.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t 10, tr.494.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t 5, tr.551
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.6, tr.68.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.6, tr.458.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.5, tr.520.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr.392.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr.488.
[17] Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử. Nxb CTQG,H 1996. t 3, tr 31-32.
[18] Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử. Nxb CTQG,H 1996. t 8, tr 26-27.
[19] Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử. Nxb CTQG,H 1996. t 10, tr 138.
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.4, tr.39.

TS. Lê Quang Hoan
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2018/12379/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-tinh-gian-kien-toan-bo-may.aspx

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...