Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018


NHỮNG NHẬN ĐỊNH THIẾU THIỆN CHÍ
VỀ KINH TẾ VIỆT NAM
Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 rất tốt, thế nhưng một vài người núp dưới danh nghĩa "chuyên gia kinh tế" vẫn cố tình phủ nhận thành quả đó.
Họ cho rằng kinh tế Việt Nam không những không tăng trưởng mà đang trong đà suy thoái năm thứ 10 liên tiếp. Họ thổi phồng nguy cơ nợ xấu và cho rằng Việt Nam có thể sắp vỡ nợ; rằng nhà đầu tư nước ngoài đang tháo chạy; rằng đời sống người dân khổ cực... Những nhận định thiếu khách quan, thậm chí có dụng ý xấu đó không thể đánh lừa được dư luận.
Nền kinh tế đặc trưng của “con hổ châu Á”
Có thể thấy đây là nhận định hoàn toàn bịa đặt. Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao của thế giới: Năm 2017 đạt 6,81%; quý I-2018 đạt 7,38% (cao nhất trong 10 năm qua). Điểm nổi bật là trong quý I-2018, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng cao hơn cùng kỳ: Nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh với mức 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2018 tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI-thể hiện sức mua của nền kinh tế) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang là nền kinh tế xuất siêu. Năm 2017, xuất siêu 2,9 tỷ USD; 4 tháng năm 2018 xuất siêu 3,39 tỷ USD.
Trong số báo cuối tháng 3, tờ Les Echos của Pháp có bài viết đánh giá về nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Tập đoàn tài chính Coface nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang có những đặc trưng thường thấy của một “con hổ châu Á”, như: Tăng trưởng mạnh ở mức hơn 6% được duy trì từ nhiều năm nay; đầu tư nước ngoài tương đương 6,2% GDP vào năm 2016; thị trường nội địa năng động nhờ vào hơn 90 triệu dân; cơ cấu kinh tế được đa dạng hóa và nâng cấp, không còn chỉ dừng ở ngành dệt may mà chuyển hướng sang lĩnh vực điện tử. Cùng chung nhận định trên, hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam có thể sẽ trở thành công xưởng của thế giới tiếp theo ở châu Á. Điều này đang nhanh chóng trở thành sự thật bởi rất nhiều công ty công nghệ lớn của thế giới đang đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 17 tỷ USD, với các nhà máy sản xuất ra 1/3 sản lượng của tập đoàn này trên toàn thế giới. Theo tờ The Economist, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn Việt Nam là một nền kinh tế tự do hóa đầy hấp dẫn.
Tài chính quốc gia ổn định, tích cực
Về nhận định cho rằng Việt Nam sắp vỡ nợ thì tình hình thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Các tổ chức quốc tế đều đang đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Hãng tin Bloomberg đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á.
Mới nhất, trung tuần tháng 5 này, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) vừa thông báo nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức “BB-” lên “BB” với triển vọng “ổn định”. Fitch Ratings cũng đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Hãng xếp hạng này cũng nhận xét khả năng phòng, chống các cú sốc kinh tế từ bên ngoài của Việt Nam đã được cải thiện, thể hiện ở việc dự trữ ngoại hối tăng từ 37 tỷ USD cuối năm 2016 lên 49 tỷ USD năm 2017. Fitch Ratings dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, tương đương 3,1 tháng nhập nhẩu. Dòng vốn vào mạnh và khả năng tích lũy đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tăng.
Theo đánh giá quốc tế, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Fitch Ratings cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được cam kết duy trì mức nợ công và cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Tổ chức này ước tính, tổng nợ chính phủ của Việt Nam giảm về 52,4% GDP năm 2017 từ mức 53,4% năm 2016, trong khi nợ chính phủ bảo lãnh giảm về 9% GDP vào cuối năm 2017 từ mức 10,3% cuối năm 2016. Nhờ đó, nợ công của Việt Nam giảm còn 61,4% GDP cuối năm 2017 từ mức 63,6% cuối năm 2016, và dưới mức trần 65% GDP. Theo ước tính của Fitch Ratings, nợ chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm và về dưới mức 50% GDP vào năm 2019, nhờ nguồn thu từ chương trình cổ phần hóa.
Như vậy có thể thấy, "sức khỏe" tài chính công của Việt Nam đang khá tốt. So sánh với nền tài chính công của một số nước trên thế giới, ngay cả những nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, không ai không thấy được sự tích cực của nền tài chính công Việt Nam. Ví dụ hiện nay, Italy đang có khoản nợ công lên tới 132% GDP.
Ông Alwaleed Alatabani-chuyên gia tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam đạt được lạm phát thấp và tăng trưởng GDP cao những năm gần đây là kết quả và minh chứng của việc điều hành chính sách tiền tệ mạnh mẽ, kiên định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành công trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và sự ổn định, bền vững. TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì cho rằng: “Chúng ta có thể tin tưởng khẳng định rằng, gam màu sáng là chủ đạo trong bức tranh của hệ thống ngân hàng và tiền tệ Việt Nam”.
Thước đo sức mạnh của một nền kinh tế được thể hiện khá rõ trên thị trường chứng khoán. Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg thì Việt Nam đang trở thành thị trường chứng khoán phát triển nhanh nhất, có nhiều thương vụ IPO lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2017, các thương vụ IPO của Việt Nam tăng lên đến 6 tỷ USD. Bloomberg cho rằng, chứng khoán trên thị trường Việt Nam còn đắt hơn cả nhóm cổ phiếu công nghệ ở Thâm Quyến (Trung Quốc).
Đời sống của người dân dần được nâng cao
Về nhận định mức sống của người dân Việt Nam đi xuống thì thực tế không ai có thể tin nổi. Bởi theo WB, mức sống ở Việt Nam đang được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm và các tầng lớp tiêu dùng mới mở rộng nhanh chóng. Cụ thể, báo cáo "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam" của WB cho thấy, số dân Việt Nam được phân loại là an toàn về kinh tế lên 70%, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu. Số người nghèo ở Việt Nam từ 18 triệu vào năm 2010 đã giảm xuống còn khoảng 9 triệu vào năm 2016. 72% người nghèo ở Việt Nam nằm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; WB dự báo người nghèo ở khu vực này sẽ tiếp tục giảm với chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị cao để tăng thu nhập trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. 
Nghiên cứu của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cũng cùng chung nhận định trên khi cho rằng, tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, tầng lớp trung và thượng lưu với mức thu nhập từ 714USD/tháng trở lên ở Việt Nam tăng lên mức 33 triệu người trong thời gian 2014-2020. Trong khi đó, Công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030.
Theo Solidiance-công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á, giai đoạn 2012-2016, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng trưởng nhanh nhất khối ASEAN. Nếu tính riêng quãng 2015-2016, Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ ô tô đạt tăng trưởng 36%, trong khi Indonesia chỉ tăng nhẹ 5%, Thái Lan giảm 4% và Malaysia giảm 13%. Có thể nói, nhu cầu mua ô tô mới là một biểu hiện rõ ràng của mức sống người dân đi lên.
Trong Báo cáo thịnh vượng 2017 (Wealth Report 2017) được Công ty Knight Frank công bố, Việt Nam là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh hàng đầu thế giới. Theo báo cáo này, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (mỗi người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), tăng 32 người so với báo cáo năm trước đó và tăng 50 người so với năm 2014. Theo đó, tốc độ tăng người siêu giàu đạt 170%. Knight Frank dự báo, trong vòng một thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có 540 người siêu giàu.
Tất cả những đánh giá tích cực, mang tính khách quan nêu trên của các cơ quan, tổ chức quốc tế, cũng như sự phấn khởi của người dân trước sự cải thiện thấy rõ của đời sống là những câu trả lời rõ ràng cho những nhận định thiếu thiện chí của một số cá nhân về nền kinh tế Việt Nam. Trong số này có những người luôn tỏ rõ thái độ hằn học với sự đi lên của kinh tế-xã hội, của đời sống nhân dân Việt Nam, của sức mạnh dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng những cố gắng câu kết với thế lực bên ngoài để bôi nhọ nền kinh tế-xã hội Việt Nam của họ là vô nghĩa bởi thực tế đã chứng minh tất cả. 
 HỒ QUANG PHƯƠNG
http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-nhan-dinh-thieu-thien-chi-ve-kinh-te-viet-nam-539974

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...