CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM PHẢI
CHĂNG LÀ ẢO TƯỞNG?
|
Khánh Anh
|
Hiện nay, có một
số người phủ định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, họ cho rằng CNXH chỉ là
"bóng ma", đi theo con đường CNXH là "mơ hồ", "ảo tưởng"
về một chế độ xã hội. Có thể khẳng định, đó chỉ là luận điệu tuyên truyền,
xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.
Tổng kết 30 năm
đổi mới, Đại hội XII của Đảng khẳng định: "đường lối đổi mới của Đảng là
đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn
của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử"[1].
Con đường đi lên
CNXH chính thức đã được Đảng Cộng sản Việt
Nam – người lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam nhất quán và xác định ngay từ khi ra đời (1930) và kiên định thực hiện bằng cả trí tuệ và tình cảm, cùng với sự đồng thuận của cả dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng. Đó hoàn toàn không phải là sự lựa chọn ngẫu hứng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng tuyệt nhiên không là ảo tưởng, mà là hiện thực của con đường cách mạng Việt Nam.
Nam – người lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam nhất quán và xác định ngay từ khi ra đời (1930) và kiên định thực hiện bằng cả trí tuệ và tình cảm, cùng với sự đồng thuận của cả dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng. Đó hoàn toàn không phải là sự lựa chọn ngẫu hứng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng tuyệt nhiên không là ảo tưởng, mà là hiện thực của con đường cách mạng Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam
chứng minh, toàn dân tộc đã vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược ngay từ năm
1858, với khát vọng độc lập dân tộc. Tuy nhiên các cuộc đấu tranh đều thất bại
do chưa có đường lối cách mạng đúng đắn. Có thể thấy rất rõ, toàn bộ trí lực,
tình cảm của dân tộc hướng vào tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc
lúc này. Và Nguyễn Ái Quốc đã xác định được con đường cách mạng giải phóng dân
tộc trên cơ sở lý luận của học thuyết Mác – Lênin để vận dụng vào thực tiễn
cách mạng Việt Nam. Lựa chọn con đường cách mạng vô sản, đi lên CNXH của cách mạng
Việt Nam hoàn toàn không là ảo tưởng hay cảm tính mà là kết quả của nhiều năm
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu thực tiễn cách mạng thế giới, các học thuyết
từ cổ chí kim bằng cả tình cảm và lí trí. Người đã hiểu rõ và nhận thức đúng đắn
từ khát vọng của dân tộc Việt Nam, từ quy luật vận động của sự thay đổi, phát
triển của các chế độ xã hội lịch sử nhân loại và tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu
để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn và vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt
Nam, đó là: tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô
sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn phong trào cách mạng giải
phóng dân tộc trong nước với phong trào cách mạng thế giới. Người khẳng định:
"Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường
cách mạng vô sản"[2].
Khi thành lập, Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định: "làm tư sản dân
quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"[3].
Và, thành lập chính đảng là điều trước hết, nhân tố hàng đầu để sự nghiệp cứu
nước, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người đi đến
thành công. "Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao
khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực
hiện xã hội cộng sản"[4].
Tại Đại hội II (tháng 2- 1951) tiếp tục cụ thể hóa Chánh
cương vắn tắt của Đảng, nêu rõ: "Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt
Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới chủ nghĩa xã hội"[5].
Đến Đại hội III
(tháng 9-1960), đường lối chung của miền Bắc bước vào thời kì quá độ được Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là "đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến
vững chắc lên chủ nghĩa xã hội"[6],
là hậu phương vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất
nước nhà.
Sau Đại thắng
mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, mặc dù hai miền Nam, Bắc còn có những
nhiệm vụ cụ thể riêng, khác nhau, song trên cơ sở nhận định về nội dung cơ bản
của thời đại, Đại hội IV của Đảng (1976) xác định: "trong thời đại ngày
nay, khi độc lập dân tộc và CNXH không thể tách rời nhau, và ở nước ta, khi
giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng
xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội"[7]. Với
nhận thức sâu sắc này, Đảng đã quyết định con đường lựa chọn cả nước cùng đi
lên CNXH với phương thức "bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để
tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội"[8]. Lựa
chọn này vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa phù hợp với thực tiễn phát triển của
cách mạng Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại. Tuy nhiên, Đảng
ta cũng nhận thức rất rõ hoàn cảnh điều kiện thực tại của nước mình "vẫn
đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ"[9] rất
lạc hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ lao động vẫn thủ công là
chính…
Tuy nhiên, trong
quá trình thực hiện con đường đó, chúng ta lại mắc không ít sai lầm, khuyết điểm
như "chủ quan, nóng vội, bảo thủ, trì trệ", chưa nắm vững những quy
luật của quá trình phát triển từ sản xuất nhỏ lên đến sản xuất lớn, còn thiếu
kiến thức về thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội… đã để đất nước rơi vào tình
trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội... Tình hình đó làm cho niềm tin vào con đường
đi lên CNXH ở không ít người giảm sút, thậm chí có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn
con đường đó là sai lầm, ảo tưởng! Với nhận thức khách quan, khoa học, Đảng ta
tiếp tục khẳng định: Không phải sai lầm dẫn tới khủng hoảng kinh tế - xã hội là
do lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, mà là ở việc chúng ta đã thiết kế mô
hình phát triển kinh tế không phù hợp với thực tiễn đất nước và cách thức tiến
hành không thích hợp, đòi hỏi chúng ta phải thiết kế lại, đổi mới nhận thức và
triển khai các bước đi lên CNXH cho phù hợp.
Đại hội VI
(1986) mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định: "do tiến
thẳng lên CNXH từ một nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ
nghĩa, đương nhiên phải lâu dài và khó khăn. Đó là một thời kỳ cải biến cách mạng
sâu sắc, toàn diện, triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực
lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng… Nắm vững chuyên
chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng
thời ba cuộc cách mạng, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa"[10]. Phương
thức phát triển kinh tế nhiều thành phần để huy động sức mạnh của toàn xã hội,
trong và ngoài nước được triển khai để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đó
được cụ thể hóa hơn tại Đại hội VII (1991). Giữa lúc tình hình thế giới biến đổi
sâu sắc, đặc biệt là hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, tại
Hội nghị giữa nhiệm kì, Đảng ta vẫn nhất quán xác định: "CNXH biện chứng đứng
trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước
quanh co; song, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến
hóa của lịch sử"[11]. Đảng
tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là quá độ lên chủ nghĩa xã hội;
"nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" là bài học
xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để
thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Quá độ
lên CNXH là "quá trình lâu dài; trải qua nhiều chặng đường: Mục tiêu của
chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định
vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau"[12].
Đổi mới nhưng
không xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm vững hai nhiệm vụ
chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa được Đại hội VIII, IX, X, XI chứng minh tính đúng đắn trong thực
tiễn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng tiếp tục khẳng định sự nhận thức
ngày càng rõ hơn về các bước quá độ lên CNXH ở Việt Nam.
Đại hội XI
(2011) đã khẳng định: "Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, chúng ta đã giành
được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công
bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân
dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được
củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ
xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc
tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền
đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ
nghĩa"[13].
"Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng
Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch
sử"[14].
Đại hội XII
(2016) đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và tổng kết
chặng đường 30 năm đổi mới, Đảng ta đã khẳng định: "Nhìn tổng thể, qua 30
năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử
trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa"[15].
Đồng thời, Đại hội cũng khẳng định "…con đường đi lên CNXH của nước ta là
phù hợp với … xu thế phát triển của lịch sử".
Nhìn lại một
cách xuyên suốt, từ khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cách mạng vô
sản (7- 1920) trong sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề
thuộc địa của V.I. Lênin đến Chánh cương vắn tắt ở Hội nghị thành lập Đảng, với
88 năm lãnh đạo, qua 12 lỳ đại hội, con đường đi lên CNXH luôn được Đảng xác định
là sợi chỉ đỏ dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Đó là sự trung thành, vận dụng đúng đắn,
sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng xã hội chủ
nghĩa vào hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam.
Sự lựa chọn,
kiên định và luôn luôn bổ sung, phát triển một cách sáng tạo làm cho con đường
đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng sáng tỏ, cụ thể hơn, với những phương cách
phù hợp, hiệu quả, thiết thực hơn với trách nhiệm của toàn Đảng và toàn dân là
quá trình với cả lý trí, trên cơ sở khách quan, khoa học, đúng đắn, phù hợp với
điều kiện và khát vọng chân chính của dân tộc Việt Nam và xu thế phát triển tất
yếu của lịch sử xã hội loài người. Đó là con đường giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp, giải phóng con người, để mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi
người và tất cả mọi người, chứ tuyệt nhiên không giành riêng cho một nhóm người
nào đó. Cả phương diện lí luận lẫn thực tiễn từ cách mạng Việt Nam 88 năm qua dưới
ngọn cờ của Đảng đã và đang minh chứng cho sự lựa chọn và kiên định con đường
đi lên CNXH hiện thực này.
Trước hết về mặt lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đảng ta đã nhận thức rõ tính khoa học và cách mạng của con đường đi lên CNXH trong
học thuyết Mác – Lênin. Đó sự nhận thức thế giới và giải thích thế giới một
cách khoa học, duy vật, biện chứng đúng đắn và là cơ sở khoa học, cách mạng để
cải tạo thế giới theo chiều hướng phát triển, văn minh, nhân văn. Học thuyết đó
cũng đã chứng minh một cách khoa học, biện chứng về sự sụp đổ tất yếu của chủ
nghĩa tư bản và sự quá độ sang một xã hội mới, vạch ra những nguyên lý cơ bản
nhất, chung nhất về con đường, về hình thức, phương pháp, lực lượng đấu tranh
cách mạng. Chỉ có CNXH – chủ nghĩa cộng sản mới triệt để giải phóng giai cấp,
giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc
lột, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, đem lại vị trí làm chủ chân chính
cho mỗi người và mọi người.
Về thực tiễn, lịch sử nhân
loại đã lần lượt trải qua các chế độ xã hội khác nhau từ thấp đến cao, từ mông
muội tới văn minh mà các nhà lý luận đã khái quát thành sự thay đổi các hình
thái kinh tế - xã hội là một tất yếu. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng mười Nga
năm 1917 thắng lợi mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản
lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, đã tạo khả năng và điều kiện để hình thành
hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và hàng chục nước trong dòng thác giải phóng
dân tộc ở thế kỷ XX đã giành được độc lập dân tộc. Hơn 7 thập kỷ xây dựng, hệ
thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng hệ thống
xã hội chủ nghĩa hiện thực thế giới đã vấp phải những sai lầm dẫn tới sụp đổ.
Song, đó không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội,
không phải là sự sụp đổ của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, bởi vẫn trên
cơ sở lý luận của học thuyết ấy, một số nước xã hội chủ nghĩa đã vận dụng sáng
tạo, với những bước đi phù hợp với hoàn cảnh nước mình nên đang tiếp tục đứng vững
và từng bước phát triển dẫu trong bão giông, thử thách.
Là một dân tộc
đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc xâm lược, mỗi người
dân Việt Nam, hơn ai hết thấu hiểu bản chất thực sự của chế độ tư bản chủ nghĩa
là bất công, nô dịch, bần cùng hóa đối với nhân dân lao động. Từ đầu thế kỷ XX,
khi có các đảng phái, tổ chức, cá nhân hướng lái đất nước đi theo con đường tư
bản chủ nghĩa nhưng cả dân tộc vẫn kiên định đi theo con đường cách mạng đã chọn.
Chủ nghĩa tư bản là mới đối với Việt Nam, nhưng người Việt Nam không xa lạ với
bản chất bóc lột, bất công của chủ nghĩa tư bản, mà điển hình là sự nô dịch, thống
trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Vì thế, khước từ con đường phát triển của chủ
nghĩa tư bản và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn là yếu tố tất
yếu đối với dân tộc Việt Nam. Dẫu con đường xây dựng CNXH còn nhiều gian nan,
thử thách, song, với nhận thức khoa học và cách mạng, với những thành quả trong
thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là những thành tựu qua hơn 30 năm
đổi mới, con đường đi lên CNXH là quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại, là
hiện thực ở Việt Nam.
[1]Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.66
[4]Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 5.
[5]Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,
2001, t.12, tr.434.
[6]Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 604.
[7]Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,
2004, t.37, tr.499.
[8]Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,
2004, t.37, tr.146.
[9]Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,
2005, t.37, tr.505.
[11]ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kì
đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Sđd, phần I, tr. 410.
[12]ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kì
đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Sđd, phần I, tr. 414.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại
hội đại biểu toàn quốc lần tứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 65.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét