Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

V.I.Lênin với sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga
1. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã khai sinh ra chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên và mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ đi lên CNXH.
V.I. Lênin đã nhận định về ý nghĩa thời đại của cách mạng Tháng Mười Nga 1917: “Chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu xây dựng nhà nước Xô viết và do đó mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới…”[1]. Cùng với việc dựng cột mốc cho thời đại mới, sự nghiệp xây dựng CNXH đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Lênin cũng được bắt đầu ở nước Nga Xô viết. Sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước Nga giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt.
Về bối cảnh chính trị, cách mạng XHCN mới chỉ thắng lợi bước đầu trong phạm vi một nước. Chính quyền Xô viết - Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời, các giai cấp bóc lột và chế độ người bóc lột người đã bị xóa bỏ, giai cấp công nhân, nhân dân lao động từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của đất nước và một quá trình phát triển với chất lượng, quy mô và tốc độ mới đã diễn ra ở nước Nga. Tuy vậy, nước Nga Sa hoàng là một nước cựu đế quốc, những quan hệ chính trị quốc tế của nó với thế giới tư bản với dã tâm “giành lại thiên đường đã mất” đã khiến cho chính quyền Xô viết vào những tháng năm đầu tiên, giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, phải liên tục đương đầu với những vụ nổi loạn, can thiệp của “thù trong, giặc ngoài”. Thêm vào đó, với những kinh nghiệm chính trị còn ít ỏi của giai cấp mới lên cầm quyền, giai cấp công nhân và hệ thống chính trị Xô viết gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức và xây dựng chế độ mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, V.Lênin đã nhận ra sự khác biệt căn bản là “giành chính quyền đã khó nhưng xây dựng chính quyền còn khó hơn nhiều”. Rằng, “Chúng ta tuyệt đối không thể tự mãn với những thành quả đã đạt được, vì chúng ta chỉ mới bắt đầu chuyển lên chủ nghĩa xã hội; và về phương diện đó, điều quyết định vẫn chưa được thực hiện”[2]
Về bối cảnh kinh tế, nước Nga Xô viết bắt tay vào xây dựng CNXH từ những tiền đề kinh tế thấp kém: CNTB ở Nga mới phát triển ở giai đoạn đầu, trình độ sản xuất phổ biến của đất nước là tiểu nông, nhiều tàn tích của chế độ phong kiến nông nô, chế độ chuyên chế chưa được xóa bỏ; nền kinh tế kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (tiềm lực công nghiệp Nga chỉ còn một nửa mức trước chiến tranh, sản lượng nông nghiệp bị giảm 20%); chế độ mới lại bị CNTB bao vây kinh tế, cấm vận… Thêm vào đó, năng lực tổ chức quản lý còn yếu kém của chính quyền xô viết, “bệnh ấu trĩ tả khuynh” trong cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới cũng khiến cho bối cảnh kinh tế của nước Nga xô viết những năm đầu tiên gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta đã quốc hữu hóa, đã tịch thu, đã đánh đổ, đã đập tan nhiều hơn là đã kịp tính toán. Mà xã hội hóa khác với tịch thu giản đơn chính là ở chỗ tịch thu chỉ cần có “tính kiên quyết”, không cần biết tính toán một cách đúng đắn và phân phối một cách đúng đắn cũng được, còn xã hội hóa mà không biết làm điều đó thì không xong.” [3]
Bối cảnh nước Nga khi bắt tay vào xây dựng CNXH có nhiều nét đặc thù so với lý luận chung của chủ nghĩa Mác về xây dựng CNXH. C.Mác quan niệm rằng, những tiền đề vật chất do CNTB phát triển ở trình độ cao làm chín muồi nguyên nhân kinh tế cơ bản của các cuộc cách mạng XHCN. Nhiệm vụ lịch sử của nó là giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong lòng phương thức sản xuất TBCN - mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất. Từ kinh nghiệm của Công xã Pari (1871), C.Mác cũng đề cập đến tình thế để cách mạng thắng lợi là nó phải nổ ra đồng loạt cùng lúc ở nhiều nước, chí ít là những nước tư bản phát triển cao như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… Nhìn chung, bối cảnh và đặc điểm kinh tế xã hội của Nga đương thời cần rất nhiều đến sự sáng tạo khi vận dụng lý luận của C.Mác về cách mạng XHCN. V.I. Lê nin chính là con người mà lịch sử cần đến và đã tạo ra trong sự nghiệp xây dựng CNXH hiện thực đầu tiên của nhân loại.        
2. Xây dựng CNXH hiện thực là một công trình kỳ vĩ liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn.
Bài viết này chỉ tập trung vào hai điểm cơ bản nhất mà Lênin đã có nhiều đóng góp, phát triển lý luận. Đó là quan niệm về CNXH (mô hình CNXH) và biện pháp để xây dựng CNXH (con đường đi lên CNXH) từ thực tiễn nước Nga.
Thứ nhất, từ mô hình “Chính sách cộng sản thời chiến” đến mô hình “Chính sách kinh tế mới”
Do sự quy định của bối cảnh lịch sử đặc biệt, những năm đầu của Cách mạng Tháng Mười, một kiểu tổ chức xã hội khá đặc biệt đã được V.I Lênin vận dụng. Chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới phải đương đầu với một nền kinh tế lạc hậu và kiệt quệ, lại bị 14 nước tư bản bao vây và kết hợp các lực lượng phản động ở trong nước chống đối, với dã tâm hòng “bóp chết” chế độ mới. Lúc này, trong tình cảnh nội chiến chống thù trong, giặc ngoài, thì bảo vệ chính quyền Xô viết là mục tiêu hàng đầu. Chính sách “cộng sản thời chiến” đã được áp dụng để đáp ứng những yêu cầu cấp bách ấy.
Chính sách “Cộng sản thời chiến” (1918-1921) thực chất là một biện pháp tình thế, thích ứng với trạng thái ngặt nghèo của nhà nước Xô viết non trẻ. Để huy động các nguồn lực cho những nhu cầu cấp thiết, các biện pháp mệnh lệnh hành chính thiên về việc sử dụng quyền lực nhà nước đã được ban bố và thực hiện. Mục đích là để trưng thu, tịch thu lương thực, thực phẩm và các tư liệu sản xuất nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh.
Mặt khác, trong ý tưởng của Lênin, cũng đã khởi phát tư duy rằng có thể ngay lập tức thực hiện những hình thức cộng sản chủ nghĩa vào giai đoạn đầu của cách mạng Tháng Mười. Người muốn “ngay tức khắc xóa bỏ thị trường, phân phối theo sản phẩm, trao đổi bằng hiện vật giữa thành thị và nông thôn”[4] và “biến toàn bộ xã hội thành một guồng máy kế hoạch hóa duy nhất”; Về xây dựng dân chủ, Lênin cũng đã có ý tưởng phát triển dân chủ rộng rãi, trực tiếp và ở trình độ cao. Người viết: “Có thể mở rộng sự quản lý nhà nước đến tất cả mọi người, không trừ một ai, làm cho quần chúng vừa trở thành là người lập pháp vừa là người hành pháp”[5]. Người từng nói về khẩu hiệu: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.”[6]    
Mặt hợp lý và hạn chế của mô hình này đã bộc lộ trong một thời gian ngắn. Nhiều nguồn lực cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh cấp thiết đã được huy động, qua đó giúp củng cố và phát triển sức mạnh của chính quyền xô viết. Song mặt khác, nhiều hạn chế, bất cập cũng đã bộc lộ: phương pháp mệnh lệnh hành chính, ý chí chủ quan muốn xây dựng ngay chủ nghĩa xã hội đã không được thực tế chấp nhận. Việc chưa quan tâm đến lợi ích chính đáng của cả “một biển người tiểu nông đang mong đợi lợi ích thường nhật sau cách mạng” đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.
Cái hợp lý ban đầu và chỉ đúng trong một thời điểm nay đã trở thành khuyết điểm khi nó bị kéo dài quá mức. V.I Lênin nhận định: “Mùa xuân 1921, chúng ta thấy rõ rằng, chúng ta đã thất bại trong các ý định dùng phương pháp “xung phong”, nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.”[7] và “Chúng ta đã phạm một sai lầm là đã quyết định chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa... cách làm như vậy là sai.”[8]    
Nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng này đã được V.I. Lênin nhận ra: “Chúng ta chưa đủ sức để chuyển trực tiếp sang những hình thức thuần túy xã hội chủ nghĩa, sang việc phân phối thuần túy xã hội chủ nghĩa; và nếu chúng ta lại tỏ ra không có khả năng lùi bước, để chỉ đóng khung trong những nhiệm vụ dễ hơn mà thôi, thì có lẽ chúng ta đã bị nguy cơ diệt vong rồi.”[9]
Chính sách cộng sản thời chiến, có thể xem như thử nghiệm đầu tiên về một mô hình CNXH, đã làm trọn vai trò của nó và tất yếu sẽ phải thay đổi.   
Tháng 3 năm 1921, Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga, do V.I.Lênin lãnh đạo đã chuyển từ “Chính sách cộng sản thời chiến” sang “Chính sách kinh tế mới viết tắt là NEP. Nó đã được thực hiện trong quãng thời gian từ 1921-1927. Cần hiểu rằng NEP không chỉ là một chính sách mới để quản lý vĩ mô về kinh tế mà còn là một cải cách có tính tổng thể về mô hình chủ nghĩa xã hội, gồm nhiều nội dung.
Trước hết, chúng ta thấy sự điều chỉnh quan niệm về CNXH, rằng “danh từ nước Cộng hòa xô - viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là Chính quyền xô - viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa”[10]. V.I Lê nin và Đảng Cộng sản Liên xô đã có điều chỉnh lớn về mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản…” ở chỗ, “chuyển trọng tâm của cách mạng vào phát triển kinh tế và văn hóa.”[11] 
Việc nhận thức lại cho rõ về thời kỳ quá độ, cấu trúc của các thành phần kinh tế của nước Nga đương thời cũng là một bước tiến của tư duy về CNXH ở nước Nga. Theo V.I Lênin, nước Nga - một nước kinh tế còn lạc hậu, tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, trong đó nền kinh tế có “sự đan xen”, “những mảnh của CNXH” với “những mảnh của CNTB”. Trạng thái ấy làm cho các yếu tố của CNXH và các yếu tố của CNTB vừa đấu tranh, cạnh tranh với nhau, vừa nương tựa, thâm nhập vào nhau. Mối quan hệ chủ đạo giữa “các mảnh” hay các thành phần kinh tế đó, là quan hệ giữa sản xuất, trao đổi, lưu thông trên cơ sở của trao đổi hàng hóa theo nguyên tắc thị trường…
V.I Lê nin đặt vấn đề “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có...”[12]. Người nêu rõ các thành phần kinh tế ở nước Nga lúc đó là: “1) Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một bộ phận lớn có tính chất tự nhiên; 2) Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); 3) Chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4) Chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5) Chủ nghĩa xã hội.”[13].  Như vậy, nếu như ở mô hình trước kia, chỉ có một thành phần kinh tế nhà nước, chỉ có sự trao đổi bằng hiện vật giữa thành thị và nông thôn, thì đến NEP, đã có sự đổi mới tư duy về kinh tế: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo đặc tính sở hữu của chúng và là bộ phận cấu thành của mô hình này. 
Việc “chuyển trọng tâm cách mạng vào lĩnh vực phát triển văn hóa” là bước một bước tiến có ý thức và có tính chất hiện thực để đi tới Chủ nghĩa xã hội. V.I Lênin nhấn mạnh, những người cộng sản phải học khoa học và công nghệ, cách tổ chức lãnh đạo, quản lý xã hội, giáo dục và đào tạo, cách làm ăn buôn bán…phải biết tiếp thu tất cả những gì quý giá nhất của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội có thể thực hiện được hay không là “tùy ở kết quả của chúng ta có kết hợp được chính quyền xô viết với những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản”. V.I Lênin chủ trương: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài: Chính quyền xô viết + trật tự nước Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, etc... = chủ nghĩa xã hội.”[14] Đó là một tư duy khoa học. Đến đây, sự phát triển của CNXH ở nước Nga vừa có tính độc lập lại vừa là một bộ phận gắn bó biện chứng, kế thừa và đóng góp vào quá trình phát triển văn minh của nhân loại.    
Thứ hai, Chính sách kinh tế mới và các biện pháp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. V.I Lê nin cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô viết, cần tập trung vào các biện pháp “khẳng định tính thiết yếu của việc thực hiện các hình thức “quá độ gián tiếp”, những “biện pháp trung gian”, “quá độ đặc biệt” của Chính sách kinh tế mới. Cụ thể:
(i) Cần phải phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đối với một nước tiểu nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những bất hợp lý của Chính sách “cộng sản thời chiến” bị bãi bỏ, chế độ “trưng thu lương thực thừa” được thay bằng thuế lương thực với tư cách là khâu đầu tiên, là “liệu pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết nhất” để phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp; nông dân được phép mua bán và trao đổi lương thực thừa của mình; lợi ích của người lao động được quan tâm và thực hiện thông qua phát triển sản xuất, kinh tế hàng hóa; việc trao đổi hàng hóa trên cơ sở của nguyên tắc thị trường được thừa nhận và phục hồi…Thực hiện chế độ thuế, tự do buôn bán, trao đổi hàng hoá, sử dụng quan hệ hàng - tiền trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là “đòn xeo” chủ yếu để phát triển kinh tế, là hình thức cơ bản của các mối liên hệ kinh tế giữa công nghiệp với nền nông nghiệp hàng hoá, giữa thành thị với nông thôn. Thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước để xoá bỏ nền sản xuất nhỏ, chủ nghĩa quan liêu và phát triển sản xuất quy mô lớn. “Có thể sử dụng chủ nghĩa tư bản tư nhân… để xúc tiến Chủ nghĩa xã hội”[15] có thể được xem là nhận thức đổi mới nhất.
(ii) Phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” - mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. V.I Lênin đặt câu hỏi: “Liệu có thể kết hợp, liên hợp, phối hợp Nhà nước Xô viết, nền chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa tư bản nhà nước được không? Tất nhiên là được.”[16] Người nhận định: “Kinh tế nông dân, với tư cách là một nền kinh tế tiểu nông, không thể đứng vững được, nếu không có một sự tự do trao đổi nào đó, và không có những quan hệ tư bản chủ nghĩa gắn liền với tự do trao đổi đó.”[17]Tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân, của CNTB - một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ, “chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó”. Và thái độ đúng đắn là “Chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất lên.”[18]
(iii) Phải học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản; kiên quyết phản đối việc “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Theo V.I Lênin: “lùi một bước” và “thoả hiệp” bằng việc thu phục và trả lương cao cho chuyên gia tư sản là giải pháp tốt nhất xúc tiến Chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được.
(iv) Củng cố chính quyền xô viết, tăng cường vai trò của quản lý, kết hợp chặt chẽ hành chính, tổ chức và kinh tế là biện pháp tốt nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Cần thực hiện ở khắp mọi nơi và hết sức nghiêm ngặt sự kiểm kê và kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm” của nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội, trên cơ sở liên minh kinh tế để tăng cường củng cố liên minh công nông về chính trị.
Những quan niệm mới mẻ và đúng đắn về chủ nghĩa xã hội từ NEP đã được cuộc sống chấp nhận. Đó là phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng cơ chế và quy luật thị trường, tạo ra những đòn bẩy kinh tế để giải phóng lực lượng sản xuất, kích thích sản xuất và tính tích cực của người lao động thông qua lợi ích. Ra sức vận dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý của chủ nghĩa tư bản, sử dụng các chuyên gia tư sản có tài vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội. Xây dựng và phát triển nền dân chủ, nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát huy những “sáng kiến vĩ đại” của quần chúng nhân dân…Bằng cách đó, NEP đã tạo ra nguồn lực và động lực mới cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. 
Hiệu quả thực tế là, ở Liên Xô từ năm 1922, thành thị đã có đủ lương thực - thực phẩm, năm 1925 sản xuất nông nghiệp đạt 87%, công nghiệp đạt 75% sản lượng của năm 1913; thương nghiệp đã được tăng cường mạnh mẽ (về nội thương: tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 1926 đã bằng 2 lần năm 1924; về ngoại thương nhà nước mở rộng quan hệ buôn bán với hơn 40 nước); ngân sách nhà nước tăng lên gần 5 lần  trong năm 1925 so với năm 1922; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, tình hình chính trị - xã hội ổn định, khối liên minh công nông được củng cố, mối liên hệ thành thị nông thôn được khôi phục phát triển…
3. Từ “Chính sách cộng sản thời chiến” đến NEP, V.I Lênin đã trở thành nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội và để lại nhiều chỉ dẫn kinh điển quý báu cho công cuộc cải cách, đổi mới hiện nay.
Nhấn mạnh giá trị khai sáng, tinh thần mở lối và xác lập một kiểu phát triển - “một tuyến tiến hóa mới” cho nhân loại, nhà triết học chính trị học A.Dinoviev viết về V.I Lênin và cách mạng Tháng Mười: “Nếu không có Lênin, không có Cách mạng XHCN Tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô viết thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hóa có quy mô ngang với tuyến mà đại diện là thế giới tư bản Phương Tây. Tuyến tiến hóa đó có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển tiếp theo của nhân loại.”[19] “Chính sách kinh tế mới” là đóng góp đặc sắc của Lênin về vấn đề mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó là cuộc cải cách đầu tiên và cũng là nơi hình thành những tư duy mới và bước phát triển lớn lao về lý luận chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.
Kiến tạo một mô hình CNXH phù hợp với điều kiện lịch sử và trung thành với nguyên lý lý luận là khó, nhưng phát hiện và dũng cảm thừa nhận những khuyết tật và phủ định mô hình đó còn khó hơn, vì nó đòi hỏi không những kiến thức và sự sáng suốt, mà cả sự dũng cảm để phủ nhận chính mình. Điều đáng quan tâm là từ mô hình chính sách “cộng sản thời chiến” đến “Chính sách kinh tế mới” quãng thời gian là rất ngắn, chỉ vài ba năm để có một sự đổi mới chiến lược. Phải có một tầm vóc lớn về tư duy lý luận và quyết tâm chính trị mạnh mẽ thì V.I Lênin mới có thể đưa ra và thuyết phục những người đồng chí của mình cùng hướng tới sự cải cách. Cũng cần phải khẳng định uy tín chính trị của V.I Lênin trong toàn Đảng, nhưng điều cốt lõi chính là khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề của thực tiễn bằng tư duy lý luận của Người.        
Về đại thể, chúng ta có thể thừa nhận rằng, những tư duy mới mẻ của V.I Lênin trong NEP là những chỉ dẫn lý luận cơ bản định hướng cho quá trình cải cách, đổi mới của các nước XHCN trên thế giới hiện nay. Nếu không có những chỉ dẫn của V.I Lênin về NEP, rất có thể chúng ta còn phải mò mẫm, trăn trở, dằn vặt khá lâu nữa để đổi mới tư duy về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Hiện nay, trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
Sự nghiệp đó luôn gắn liền với những cống hiến lý luận của V.I. Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng CNXH ở quốc gia đầu tiên trên thế giới!
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh    

[1] V.I Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcova, 1977, tập  44, tr.184.
[2] V. I. Lê-nin: Toàn tập,  Sđd, t. 36, tr. 213.    
[3] V.I.Lê-nin: Toàn tập,  Sđd, t.36, tr. 360.
[7] V.I. Lênin Toàn tập, Sđd, tập 44, tr.254.
[8] V.I.Lênin. Toàn tập, Sđd, tập 44. tr.197
[9] V.I.Lênin, Toàn tâp,  Sđd, tập 45, tr. 328
[10] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, tập 36, tr. 362
[11] V.I.Lênin. Toàn tập, Sđd, tập 45, tr. 428
[12]  V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, Tập. 36. tr.362.
[13]  V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, Tập. 36. tr.362.
[14] V.I.Lênin.Toàn tập, Sđd., Tập36, tr.684.
[15] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd tr.276.
[16] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd, tr.268
[17] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd, tr.376
[18] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd, tr.276
[19] A.Dinoviev, Người vĩ đại nhất của thế kỷ XX,  Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Số 9 (5-2004) tr. 11-14.

Nguồn:http://hcma.vn/Home/Dien-dan-chinh-tri/5818/VILenin-voi-su-van-dung-phat-trien-chu-nghia-Mac-trong-dieu-kien-lich-su-cu-the-cua-nuoc-Nga

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

NHẬN DIỆN MẶT TRÁI CƠN LỐC
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HIỆN NAY
                                                                             Vũ Đảng
Sự phát triển nhanh của mạng Internet và dịch vụ viễn thông hiện nay đang đặt ra những thách thức mới, cần phải nhận diện mặt trái của cơ lốc này. Một bộ phận, nhất là các bạn trẻ, đã và đang chịu tác động tiêu cực của mặt trái công nghệ thông tin, bị mê hoặc, lung lạc bởi những “điều phi lý” trên mạng Internet. Đấu tranh đánh bại cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin của các thế lực thù địch đang trở thành một đòi hỏi cấp bách, một nhiệm vụ trọng yếu của công tác tư tưởng.
Chưa bao giờ trái đất lại trở nên “phẳng” và ngày càng thu nhỏ lại; con người trên khắp hành tinh lại trở nên gần gũi như trong thế kỷ XXI. Trong tác phẩm nổi tiếng “Thế giới phẳng, tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI”, Thomas L. Friedman đã dẫn lời nhận xét của Jimmy Wales - người sáng lập Wikipedia: Chúng ta đang sống trong một thế giới của các phương tiện truyền thông mới với những cơ hội hiếm có để nghiên cứu và liên lạc toàn cầu - nhưng thế giới đó cũng đầy những kẻ phá hoại với những đầu óc thâm hiểm, và luận giải rõ hơn, có thể dễ dàng tung lên mạng nội dung khiêu dâm, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự xảo trá, những âm mưu, hay đơn giản, những câu nói vô nghĩa với tốc độ lan truyền nhanh và xa hơn trên hệ thống thế giới phẳng.
Điều nguy hại chính là ở chỗ, những âm mưu, thủ đoạn xảo trá, những điều vô nghĩa, phi lý được tung lên mạng toàn cầu lại có ma lực lừa mị, lung lạc không ít người truy cập. Không phải ai và lúc nào cũng có thể phân biệt được đúng, sai, thật, giả trong mớ thông tin dày đặc được tung lên mạng toàn cầu, bởi vì về phương diện tâm lý truyền thông, như Yaron Ezrahi, một chuyên gia về mối quan hệ tương tác giữa các phương tiện truyền thông và chính trị, đã phân tích “Hệ thống truyền thông tin mới - mạng Internet - có nhiều khả năng truyền đi những điều phi lý hơn là hợp lý, vì cái phi lý chứa đựng nhiều cảm xúc hơn, đòi hỏi ít tri thức hơn, nó giảng giải được nhiều điều cho nhiều người hơn, và dễ tiếp nhận hơn”. Hiện nay ở Việt Nam đã có khoảng trên 21 triệu người sử dụng Internet, có hơn 2 triệu blog cá nhân (những năm tới số lượng chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần). Một bộ phận những người đang sử dụng mạng thông tin toàn cầu ở Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, đã và đang chịu tác động tiêu cực của mặt trái công nghệ thông tin, bị mê hoặc, lung lạc bởi những “điều phi lý” trên mạng Internet, trở thành nạn nhân của “những bậc giáo điều và giấc mơ tôn giáo thời đại mới” - như chính những chuyên gia của các nước tư bản đã cảnh báo. Chúng tung lên mạng toàn cầu đủ các loại thông tin thất thiệt, hoặc hoàn toàn bịa đặt, hoặc trộn lẫn thật giả, trắng đen, tập trung tấn công, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi đen chế độ, vu cáo đả kích lãnh tụ và các cán bộ cấp cao; bóp méo, xuyên tạc lịch sử; bơm thổi, kích động những bức xúc xã hội, những bất mãn và tham vọng cá nhân... Ý đồ đen tối của chúng là làm sụp đổ niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phân hóa, cô lập Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ngón đòn “diễn biến hòa bình” đang được các thế lực thù địch hướng vào đánh phá nội bộ, thúc đẩy quá trình “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, kết hợp với tích cực chuẩn bị lực tượng, tạo dựng ngọn cờ, tiến hành bạo loạn, lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.  

Hơn lúc nào hết mỗi người, tổ chức, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận diện mặt trái cơn lốc công nghệ thông tin hiện nay, nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, chia rẽ của các phần tử chống đối, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở. Chủ động phát hiện, vạch trần những thông tin bịa đặt, sai trái do các thế lực thù địch tung trên mạng Internet; thông qua nhiều kênh thông tin, nhất là mạng toàn cầu và các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, chính xác để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng bản chất các vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống đất nước. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, công tác tuyên truyền miệng, công tác giáo dục lịch sử, văn hoá... theo hướng nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, tính định hướng và tính chiến đấu, thiết thực góp phần nâng cao trình độ nhận thức, bồi đắp bản lĩnh chính trị và tình cảm tốt đẹp, làm tăng sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trước những âm mưu, thủ đoạn vô cùng hiểm độc của các thế lực thù địch./.
VỀ CÁI GỌI LÀ “HỘI ANH EM DÂN CHỦ” VÀ BẢN ÁN
NGHIÊM KHẮC CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẢN ĐỘNG
                                                                                     Dân Đào
“Hội anh em dân chủ” núp dưới cái bóng gọi là “dân chủ” nhưng bản chất của hội là một tổ chức phản động có mục đích tập hợp các phần tử chống Nhà nước để tiến hành hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, tham gia nhiều cuộc kích động và biểu tình gây rối ở nhiều địa phương, được điều hành, chỉ đạo bởi tổ chức phản động, khủng bố ở nước ngoài.
Nguyễn Văn Đài là đối tượng cầm đầu, đóng vai trò chủ mưu, giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ hai của “Hội anh em dân chủ”, trực tiếp xây dựng cương lĩnh hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; tham gia bàn bạc, định hướng cách thức hoạt động, phát triển lực lượng, lôi kéo các đối tượng khác tham gia “Hội anh em dân chủ”; đào tạo, hướng dẫn các thành viên về cách thức, kinh nghiệm hoạt động; lập dự án và liên hệ với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để vận động ủng hộ; trực tiếp tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
Đối tượng Phạm Văn Trội là người thành lập và là Chủ tịch “Hội anh em dân chủ”, giữ các vị trí phụ trách hoạt động ở khu vực miền Bắc, xây dựng cương lĩnh hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; bàn bạc, định hướng cách phát triển lực lượng; lôi kéo các đối tượng khác tham gia “Hội anh em dân chủ”; đào tạo, hướng dẫn các thành viên về cách thức, kinh nghiệm hoạt động; phụ trách quỹ của “Hội anh em dân chủ”; chỉ đạo các thành viên “Hội anh em dân chủ” tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
Từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2017, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội cùng Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển là người khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức “Hội anh em dân chủ”. Sau đó đối tượng Đài cùng các đồng phạm đã lôi kéo Trương Minh Đức, Lê Thu Hà và một số người tham gia tổ chức thực hiện các hành vi: Lập Văn phòng đại diện, địa chỉ website để hoạt động, xây dựng “Cương lĩnh vắn tắt”, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chiến lược đối nội, đối ngoại, hoạt động phát triển lực lượng, đào tạo hội viên.
Các đối tượng đã lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự” để che giấu mục đích hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền, phân lập”, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân.
Nhận thấy hoạt động của “Hội anh em dân chủ” đã vi pham quy định của Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ các đối tượng cầm đầu để điều tra, xử lý.
Ngày 5/4, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 6 bị cáo thuộc “Hội anh em dân chủ” về cùng tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79, Khoản 1 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
 Tòa đã tuyên: bị cáo Nguyễn Văn Đài 15 năm tù và phạt quản chế bị cáo Đài 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; bị cáo Phạm Văn Trội 7 năm tù, quản chế 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; bị cáo Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức cùng bị phạt 12 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; bị cáo Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; bị cáo Lê Thu Hà 9 năm tù, quản chế 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Đây là bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng có hành vi lợi dụng vấn đề dân chủ để chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
VỀ QUAN NIỆM BÁN NƯỚC CỦA CÁC NHÀ “DÂN CHỦ”
                      Hục Dương
Mới đây, một số nhà “dân chủ” có bài viết tựa đề về đòi công lý cho những công dân yêu nước thuộc hội anh em dân chủ đăng tải trên trang mạng xã hội. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số cách luận giải về cái gọi là bán nước. Và theo cách luận giải này thì các nhà “dân chủ” hiện nay không thể bị gọi là kẻ bán nước như lời qui kết của cộng đồng mạng. Họ cho rằng:“Một người đấu tranh cho dân chủ, dân quyền và nỗ lực giúp dân oan tìm lại công lý, cho dù người ấy có nhận tiền của người nước ngoài hay một tổ chức chính trị nào đó từ bên ngoài có tính đối lập, thậm chí cừu thù với đảng cầm quyền vẫn không thể gọi họ là kẻ bán nước”. “Một người nhận tiền của một người hay một tổ chức chính trị đối lập nào đó đứng ra kêu gọi lật đổ chế độ cầm quyền, cho dù đứng trên góc độ chính thống của đảng cầm quyền để luận tội họ, họ có thể là phản động nhưng không phải là kẻ bán nước”.
Có thể hiểu tác giả đang biện minh cho hành động nhận tiền từ các tổ chức phản động, khủng bố bên ngoài để hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của một số nhà “dân chủ” kiểu như Nguyễn Văn Đài nhận tiền của Việt Tân để hoạt động thì không được gọi là bán nước. Thế nhưng thử hỏi, có khi nào một tổ chức phản động, khủng bố như Việt Tân chi tiền mà không có tính mục đích? Chắc chắn không! Hành động chi tiền của họ là để phục vụ các hoạt động chống, phá Nhà nước Việt Nam. Cái gọi là đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, dân oan chỉ là cái vỏ bên ngoài để che đậy sự thật bên trong cho những hành động phản dân, hại nước. Ai cũng biết rõ điều đó. Ở đây có một luận điểm rất buồn cười của tác giả, đó là phản động không phải là bán nước. Phản động là hoạt động phản bội Tổ quốc nhằm lật đổ chính quyền hiện tại, dựng lên một chính quyền mới theo sự chỉ đạo, khống chế của các thế lực nước ngoài. Vậy mà không gọi là bán nước.
Tác giả viết tiếp: “Một người hay nhiều người tổ chức biểu tình hàng loạt sau một sự cố về môi trường hay tài nguyên nào đó, cuộc biểu tình phát triển đến cấp độ kêu gọi lật đổ chính quyền và ngày càng lộ rõ chân tướng của người chủ mưu. Càng không thể gọi người chủ mưu tổ chức biểu tình là kẻ bán nước cho dù họ có âm mưu phản động lại nhà nước đương quyền. Như vậy, nhà “dân chủ” này thừa nhận thời gian qua có rất nhiều cuộc biểu tình dưới danh nghĩa môi trường, nhưng đằng sau là có âm mưu phản động, chống lại chính quyền và lộ rõ có người chủ mưu, cầm đầu. Thế nhưng họ không phải là người bán nước. Chung quy lại ở đây có thể thấy một luận điểm rất rõ của người viết đó là họ đang chứng minh phản động không phải là người bán nước.

Mặt khác, cần phải thấy rằng, bán nước tức là cắt lãnh thổ ra bán mới gọi là bán nước. Làm tay sai cho các thế lực nước ngoài, nhận tiền của bên ngoài hoạt động chống lại nhân dân, gây tổn hại cho độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, đó cũng đã là hành động bán nước. Thế nên đừng cố thanh minh, chối tội cho bè lũ phản động làm gì? Phản động là bán nước, phản bội lợi ích quốc gia, dân tộc rồi. Hỡi các nhà “DÂN CHỦ”.

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

SỰ “THIẾU KHÁCH QUAN” CỦA NGUYỄN TRUNG
Long Vĩ
Thời gian gần đây, trên boxitvn.net-boxitvn.blogspot.com có đăng bài “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới” của Nguyễn Trung. Bài viết thể hiện cách nhìn nhận của tác giả về tình hình Việt Nam từ sau 1975 đến nay và đề xuất một cuộc cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Đọc bài viết của Nguyễn Trung, chưa bàn về nội dung cải cách, chỉ riêng về tình hình Việt Nam từ sau 1975 đến nay, cho thấy Nguyễn Trung đã có cái nhìn thiếu khách quan, không đúng thực tế.
Một là, Nguyễn Trung đã xuyên tạc thành tựu xây dựng đất nước của Việt Nam
Không hiểu Nguyễn Trung căn cứ vào đâu mà đưa ra nhận định rằng, 43 năm sau khi đất nước thống nhất, ở Việt Nam là sự hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc, là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội, công sức tiền của đổ ra cho công nghiệp hóa như núi biển, song tất cả chỉ để đạt được nền kinh tế gia công màu mè, lãng phí và tham nhũng làm cạn kiệt nguồn lực và tài nguyên quốc gia, đã đạt mức có thu nhập trung bình (thấp) song kinh tế không bền vững, năng suất lao động rất thấp, môi trường tự nhiên bị hủy hoại nặng nề, … đầy rẫy bất công và trấn áp, dân chủ bị xâm phạm, niềm tin của nhân dân sụt giảm, vị thế quốc gia èo uột…
Nhìn nhận tình hình Việt Nam như thế là thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế. Sau năm 1975, công cuộc xây dựng đất nước gặp vô vàn khó khăn; hậu quả vô cùng nặng nề của cuộc chiến tranh ở Việt Nam do đế quốc Mỹ và tay sai gây ra không chỉ ngày một ngày hai có thể giải quyết được, cùng với đó là sự bao vây, cấm vận kinh tế đối với Việt Nam của Mỹ và đồng minh. Đặc biệt là, hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng đã gây ra nhiều tổn thất và khó khăn cho công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, trong vô vàn khó khăn đó, sau 43 năm xây dựng đất nước, đặc biệt là 32 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng (1986 – 2018), đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kinh tế tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Những thành tựu xây dựng đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất đáng trân trọng và mọi người dân Việt Nam có quyền tự hào. Nhận định của Nguyễn Trung thể hiện cái nhìn méo mó, xuyên tạc tình hình Việt Nam.
Hai là, Nguyễn Trung đã xuyên tạc tình hình bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay.
Không chỉ xuyên tạc tình hình xây dựng đất nước sau năm 1975, trong bài viết Nguyễn Trung còn xuyên tạc tình hình, thành tựu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.Viện cớ sự kiện Thành Đô (1990), sự gây hấn, khiêu khích, tập trận,… của Trung Quốc trên biển Đông để đưa ra luận điệu cho rằng “đau quá! nhục quá!...” là cái nhìn thiển cận, xuyên tạc thành tựu, cũng như chủ trương, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Thắng lợi của hai cuộc chiến tranh chống xâm lấn ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông,… là thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận. Hiện nay, việc xác định mục tiêu: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữa vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đã thể hiện lập trường, quan điểm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang bảo vệ đất nước của ông cha ta. Tuy nhiên, trong điều kiện lịch sử mới, việc bảo vệ Tổ quốc không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự và duy nhất bằng biện pháp vũ trang mà phải phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước với tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kết hợp phương thức vũ trang, phi vũ trang, bảo vệ từ sớm, từ xa; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nguyễn Trung đã cố tình bịa đặt rằng ở Việt Nam hiện nay đứng đầu là Đảng Cộng sản nhu nhược trước sự đe dọa chiếm nốt các đảo ở Trường Sa, dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không đúng, xuyên tạc thực tế.
Với cái nhìn thiếu khách quan về tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay như vậy, không thể là kiến nghị tâm huyết, đúng đắn được. Đây chính là những luận điệu xuyên tạc sự thật nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải đấu tranh, bác bỏ./.





SỰ VÔ CĂN CỨ CỦA NICKNAME “DÂN LÀM BÁO”
Khánh Anh
Khi viết về Việt Nam Cộng hòa được thành lập năm 1955 ở miền Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh vào 2/9/1945, “Dân làm báo” đã có sự ngụy biện trắng trợn và sự xuyên tạc lố bịch. Sự xuyên tạc vô căn cứ mang tính phản động của “Dân làm báo” cần được vạch trần.
Thứ nhất, “Dân làm báo” coi Việt Nam cộng hòa ở miền Nam là “một chính thể”, “một thể chế chính trị toàn diện”, đây là sự ngụy biện trơ trẽn, phản động, đi ngược với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Vì sao? như chúng ta đã biết sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Bắc, Nam qua Vĩ tuyến 17. Hiệp định nhấn mạnh rằng, sự chia cắt chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ". Thế nhưng Mỹ đã lộ rõ bản chất đế quốc, muốn thay Pháp ở Đông Dương. Điều này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II): Họp từ ngày 15 đến ngày 17-7-1954. Hội nghị đã đánh giá sự lớn mạnh của ta trong cuộc kháng chiến, thái độ của Chính phủ Pháp và đặc biệt là âm mưu can thiệp và xâm lược Đông Dương của đế quốc Mỹ, Hội nghị đi tới khẳng định: “Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của cách mạng Đông Dương”[1].
Đúng như vậy, năm 1955 Mỹ đã tài trợ trực tiếp cho Ngô Đình Diệm, rồi đưa “Thủ tướng” của “Quốc gia Việt Nam” là Ngô Đình Diệm lên thay Bảo Đại, đổi tên “Quốc gia Việt Nam” thành “Việt Nam Cộng hòa”, rồi từng bước hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngày 23/10/1955, Mỹ - Diệm dàn dựng cuộc “trưng cầu dân ý” gian lận. Cho cảnh sát gõ cửa từng nhà đe dọa và ép người dân đi bầu, bắt giam những người chống lại, cho người dân Công giáo di cư 1954 (vốn nhiều người chống cộng và ủng hộ gia đình Diệm) đi đầu “bỏ phiếu” rồi quay phim chụp hình để quảng cáo tuyên truyền hình ảnh Diệm với quốc tế.
Ngày 23 tháng 10 năm 1955, việc bỏ phiếu được diễn ra và trở thành trò hề vì ban tổ chức đã sắp xếp để Ngô Đình Diệm tuyệt đối thắng, với “98,2%” số phiếu. Chính đại tá CIA Edward Lansdale trước đó đã bảo Diệm rằng: “Trong lúc tôi đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin rằng ông thắng 99,99%.Vì nếu như thế thì biết đó là âm mưu sắp đặt trước". Vì thế cho nên Diệm đắc cử với 98,2%:”. Hay Đại tá Lục quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Spencer C. Tucker trong sách Encyclopedia of the Vietnam War (Bách khoa thư Chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 1997, đã ghi nhận cái gọi là “trưng cầu dân ý” này còn có những gian lận vụng về lộ liễu khác, như ở Sài Gòn, Diệm công bố được “605.025″ phiếu trong khi khu vực này có chưa tới 450.000 cử tri ghi tên”.
Tiếp tục củng cố quyền lực, Ngô Đình Diệm được sự hỗ trợ của cố vấn Mỹ đã từng bước gạt bỏ các lực lượng vũ trang thân Pháp, dùng “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” diệt các lực lượng vũ trang giáo phái được Pháp mua chuộc, trả lương. Đồng thời, Diệm cho lôi máy chém khắp miền Nam để đàn áp người dân vô tội và tiêu diệt những người yêu nước phấn đấu vì sự hòa bình thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Chính phủ Ngô Đình Diệm được thành lập nhờ sự lừa đảo chính trị, bám “váy” Mỹ, tàn sát nhân dân vô tội và những người yêu nước chắc chắn không thể được gọi là “một chính thể” hay “một thể chế chính trị toàn diện”, mà đó chỉ là chế độ độc tài gia đình trị, tay sai của đế quốc Mỹ, là ngụy quân, ngụy quyền. Vậy mà vẫn có kẻ trơ trẽn ngụy biện, truyền bá lý lẽ phản động đi ngược với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam như kẻ mượn danh “Dân làm báo” đã tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook.   
Thứ hai, “Dân làm báo” nói Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân đã bán đất, bán đảo cho Trung Quốc là sự xuyên tạc trắng trợn, vô căn cứ, thể hiện rõ bản chất chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam của “Dân làm báo”.
“Dân làm báo” xuyên tạc trắng trợn, vô căn cứ rằng, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: “…, Tàu Cộng tiếp tế từ A-Z cho Cộng sản Bắc Việt”, và vì Cộng sản Việt Nam không có tiền trả nợ thì phải trả “bằng biển đảo, đất liền” cho Trung Quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta đã khẳng định một chân lý rõ ràng, đó là: với sức mạnh của chính nghĩa, lòng tự tôn dân tộc, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã tự lực, tự cường đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 nắm 1975. Tuy nhiên, trong công cuộc chiến tranh vĩ đại ấy, nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng vô cùng biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí nghĩa, chí tình của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. Người Việt Nam có câu “ơn trả, oán đền” nghĩa là, nếu có ơn về nghĩa, tình sẽ trả bằng nghĩa, tình, nếu có ơn về vật chất, sẽ trả bằng vật chất, chứ hoàn toàn không có chuyện trả nợ bằng chủ quyền trên đất liền và biển đảo như bọn phản động rêu rao.
Sự kiện Trung Quốc chiếm phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956, chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma cùng 5 cấu trúc khác của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1988 trở thành vết thương nhức nhối trong lòng dân tộc Việt Nam. Đây là sự xâm lược có chủ đích và tính toán kỹ lưỡng của phía Trung Quốc. Song, sự kiên định mục tiêu, nguyên tắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Công ước về Luật biển 1982, cũng như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC); kiên trì con đường giải quyết các vấn đề phát sinh bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng xác định, biện pháp chủ yếu bảo vệ chủ quyền biển, đảo là thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế.
Đối với đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc được xác định và mô tả chi tiết đúng với tình hình thực tế, phù hợp với Hiệp ước 1999 (Hiệp ước về biên giới đất liền giữa nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa); mức độ cột mốc dày đặc, dễ nhận biết, bảo đảm tính chính xác và tính bền vững, có giá trị và độ tin cậy cao cả về mặt kỹ thuật cũng như về tính pháp lý. Nói cách khác, kết quả phân giới cắm mốc là thoả đáng, thấu tình, đạt lý, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, đáp ứng yêu cầu đặt ra của cả hai bên.
Sự ngụy biện, xuyên tạc phản động không có căn cứ của “Dân làm báo” dù có tinh vi, xảo quyệt đến đâu chăng nữa cũng không che mắt được nhân dân Việt Nam, không thể đổi trắng thay đen được. Đối với toàn thể dân tộc Việt Nam luôn luôn khẳng định, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam giai đoạn 1955 - 1975 là ngụy quyền tay sai, bù nhìn do đế quốc Mỹ dựng lên; Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn vì lợi ích của nhân dân, luôn coi chủ quyền đất đai, biển đảo là bất khả xâm phạm, không gì mua chuộc và đánh đổi được./.




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 591.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...