CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH “MUỐN LÀM CÁCH MẠNG, PHẢI CẢI CÁCH TÍNH NẾT MÌNH TRƯỚC
TIÊN”
Huy Lê
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, vị lãnh tụ cách mạng luôn
quan tâm chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng và bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức
mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Vốn là người phương Đông, Hồ Chí
Minh hiểu sâu sắc vai trò, sức mạnh của đạo đức trong đời sống xã hội, nhất là
trong nhân cách người cán bộ cách mạng. Người đã có rất nhiều bài nói, bài viết
về đạo đức, đặt nền móng cho việc xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng
ở nước ta. Người cũng luôn dành nhiều tâm sức trong việc giáo dục, rèn luyện
đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên của Đảng. Tại buổi Lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu
(Khoá I - ngày 18/01/1949), Bác căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn làm cách mạng,
phải cải cách tính nết mình trước tiên”[1].
Bản thân Người suốt cả cuộc đời vì nước, vì dân, luôn nêu gương sáng mẫu mực về
đạo đức cách mạng để các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
Đề cao ý thức cộng đồng và giá trị
đạo đức đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam . Đối với Hồ Chí Minh, Người đã
đến với Lênin không chỉ ở lý tưởng giải phóng triệt để con người, mà quan trọng
nữa là sự ngưỡng mộ về đạo đức vĩ đại của Lênin. Ca ngợi tấm gương đạo đức vĩ
đại của Lênin, Hồ Chí Minh đã viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà
chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng,
nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh
hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về
Người không gì ngăn cản nổi”[2].
Từ lôgíc biện chứng “Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách
mệnh”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất
bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “Huấn
luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, Hồ Chí Minh xác định: khi đã có
đường lối, quan điểm đúng thì mọi việc tốt hay xấu đều do cán bộ. Có cán bộ tốt
thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc. Cán bộ tốt ở đây theo Người
bao hàm cả đức và tài trong đó đức là gốc. Trau dồi đạo đức vì thế là yêu cầu
nền tảng hết sức quan trọng không thể thiếu đối với cán bộ, đảng viên của Đảng.
Hồ Chí Minh căn dặn: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải
giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính...Mọi việc
thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là
không”[3].
Uy tín của người cán bộ được tạo nên
không chỉ bởi tài năng, trí tuệ, mà trước hết còn bởi đạo đức cách mạng trong
sáng của họ. Người nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên
trán chữ “cộng
sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo
đức”[4].
Theo Người: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và
tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tự nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là
một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những
tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính
xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại cho Đảng, có hại đến nhân dân”[5].
Sửa đổi tính nết, trau dồi đạo đức
đối với cán bộ, đảng viên của Đảng là yêu cầu đầu tiên, quan trọng trong xây
dựng nhân cách người cách mạng. Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Làm cách mạng để
cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó
cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài,
gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có
đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[6].
Cán bộ, đảng viên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là vấn đề thường
xuyên và suốt đời. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, mà do đấu
tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng
mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Tu dưỡng, rèn luyện, sửa đổi tính
nết của mình phải thông qua hoạt động thực tiễn, bền bỉ mọi lúc, mọi nơi, trong
mọi điều kiện, hoàn cảnh... Người nêu rõ: “đạo
đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh,
chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu
khuất phục, không chịu cúi đầu”[7].
Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn học lấy bốn đức cách mạng: Cần, Kiệm,
Liêm, Chính. Nếu như “Trung với nước,
hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức bao trùm xuyên suốt, phản ánh mối quan
hệ giữa cá nhân với Tổ quốc và nhân dân thì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là phẩm chất
nền tảng của đạo đức cách mạng mà mỗi người phải quán triệt và trau dồi. Nó
phản ánh mối quan hệ “tự mình đối với
mình”, nghĩa là mỗi người phải lấy chính bản thân mình làm đối tượng để tu
dưỡng, rèn luyện trong hoạt động hàng ngày để hình thành những phẩm chất đạo
đức tốt đẹp đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức của người cán bộ của Đảng.
Trong xã hội tồn tại đan xen nhiều
lợi ích khác nhau, giữa lợi ích chung với lợi ích riêng, lợi ích cá nhân và lợi
ích tập thể - xã hội, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích vật chất và
lợi ích tinh thần... liên quan chặt chẽ với nhau. Là người cán bộ của Đảng,
phải giải quyết hài hoà các lợi ích đó và mối quan hệ giữa người với người. Đạo
đức cách mạng luôn đòi hỏi: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của
cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo
đức cách mạng”[8]. Hồ
Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chống chủ nghĩa cá
nhân, vì nó là một thứ “vi trùng” rất độc. Do chủ nghĩa cá nhân mà đẻ ra các
sai lệch khác, từ đó sinh ra các thói hư tật xấu, mắc phải khuyết điểm nghiêm
trọng như: bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, thiếu kỷ luật, óc
lãnh tụ, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị không biết nhìn xa trông rộng. Những
người mắc bệnh ấy, theo Hồ Chí Minh “có mắt cũng như mù, có tai không chịu nghe
thấy, có kỷ luật mà không giữ vững”.
Vì
thế, Người thường căn dặn cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ
cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước, phải tự mình sáng suốt nhìn nhận và lắng nghe
ý kiến đóng góp của quần chúng để sửa mình và sửa người nhằm nâng cao chất
lượng công việc. Người nêu rõ: “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn
luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm
mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và
khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định sẽ hết
dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định sẽ thắng lợi”[9].
Hiện nay, sau hơn 30 năm thực hiện
đường lối đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa”[10].
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn nhiều hạn chế,
khuyết điểm, trong đó “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến
phức tạp”[11].
Vì vậy, việc bồi dưỡng, rèn luyện
đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước nói chung, cán bộ,
đảng viên trong quân đội nói riêng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay vừa là
yêu cầu cơ bản thường xuyên, đồng thời mang tính cấp thiết. Để thực hiện được
yêu cầu đó, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp:
Một
là, tiến hành thường xuyên và nghiêm túc việc học tập chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao
nhận thức, trách nhiệm trong tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nhân
cách người cán bộ của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Hai
là, duy trì thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sự suy thoái về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Đại hội XI
và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra, trong đó biện pháp
hàng đầu là cá nhân phải tích cực tự tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên gắn với
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ
thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương..
Ba
là, sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám
sát của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ và sự giám sát của công luận đối với
phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà
nước, đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền.
Bốn
là, các cấp uỷ, tổ chức đảng và những người đứng đầu các cơ quan, các cấp,
các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng, tiêu
cực ở nơi mình phụ trách...
Ngăn ngừa, sửa chữa sai lầm, khuyết
điểm và tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là
nhiệm vụ của toàn Đảng mà trực tiếp là các tổ chức cơ sở đảng, nhưng trước hết
là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết
mình trước tiên”, đồng thời trên cơ sở quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại
hội XII và các nghị quyết Trung ương (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
gắn chặt với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh, sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là đội
tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới./.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.16.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 1, tr.317.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 9, tr.354.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 6, tr.16.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 5, tr. 294
[6] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 11, tr.601.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 11, tr.606.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 15, tr.547.
[9] Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.305.
[10]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016,
tr.65.
[11]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016,
tr.74.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét