Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017



MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN
NÂNG CAO VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY
Phú Quốc
Văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay là văn hóa chính trị hiện đại, mang bản chất của giai cấp công nhân, bao gồm tổng hòa các giá trị về chính trị mà nhân dân Việt Nam đã tạo ra dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tính chân, thiện, mĩ, hợp quy luật khách quan, xu thế thời đại của những giá trị đó đã được thực tiễn chứng minh và khẳng định. Do đó, việc giữ vững và nâng cao văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay là yêu cầu khách quan, cần thiết và cấp bách để bảo đảm cho sự ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước vì sự phồn vinh, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Để giữ vững và nâng cao văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tế cho thấy, sau khi đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta rất coi trọng và quan tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa chính trị của dân tộc nói riêng. Từ Nghị quyết đầu tiên của Đảng về văn hóa là Đề cương văn hóa năm 1943, đến nay Đảng ta đã có gần hai mươi Nghị quyết có tính chất chuyên đề về xây dựng văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, diện mạo đời sống chính trị của nhân dân ta đã thay đổi về chất và không ngừng được nâng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi chính trị của người dân. Vì vậy, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, với sự nghiệp xây dựng nền văn nói riêng, trong đó có văn hóa chính trị là giải pháp cơ bản quyết định nhất.
Giải pháp này đòi hỏi cấp ủy đảng các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực sự tiêu biểu về văn hóa chính trị mà cụ thể là: có sự hiểu biết từ cơ bản đến sâu sắc về chính trị; có phẩm chất đạo đức, nhân cách chính trị; có văn hóa lãnh đạo, quản lý, năng lực hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình… luôn lấy việc bảo đảm lợi ích của tập thể, của cộng đồng dân tộc và quyền lợi của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải là tấm gương tiêu biểu về văn hóa chính trị, được cán bộ, đảng viên cấp dưới và nhân dân noi theo.
Hai là, đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự phát triển của văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng diễn ra bắt đầu từ nhận thức của con người. Đây vừa là chức năng, vừa là động lực phát triển của văn hóa. Nhận thức của con người sẽ chuyển hóa thành thái độ, động cơ và quyết tâm trong hoạt động thực tiễn. Nhận thức đúng sẽ có thái độ tích cực, động cơ đúng đắn, quyết tâm cao và ngược lại. Vì vậy, muốn phát triển văn hóa chính trị ở nước ta cần phải phát huy cao độ chức năng giáo dục của văn hóa theo định hướng chính trị của Đảng. Đó chính là hình thức hoạt động của công tác tư tưởng, lý luận mà Đảng ta đang tiến hành.
Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, công tác tư tưởng, lý luận cần được đổi mới cả nội dung và hình thức. Trước hết cần củng cố nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận với tính cách là mặt trận xung kích trên con đường phát triển của đất nước và trong sự nghiệp xây dựng con người mới. Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cần định hình rõ mục tiêu của công tác tư tưởng, lý luận là vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam. Đây chính là cơ sở, là tiêu chuẩn để xem xét tính phù hợp hay lỗi thời, lạc hậu của một số giá trị văn hóa đã ra đời trong bối cảnh xã hội khác xa hiện nay. Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về việc tiến hành công tác tư tưởng, lý luận phù hợp với mục tiêu chính trị, môi trường chính trị và con người chính trị cụ thể. Do đó, Người đã để lại một hệ thống di sản văn hóa chính trị có giá trị to lớn đối với sự phát triển, tiến bộ của dân tộc, góp phần nâng cao giá trị của nền văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại.
Nội dung cốt lõi của công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay là khẳng định giá trị, ý nghĩa vận dụng và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, cần làm rõ tính đúng đắn, giá trị nhân văn, nhân đạo trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận là khái quát và giải đáp về mặt nhận thức những vấn đề quan trọng của chính trị như: vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp trong điều kiện mới; vấn đề đảng chính trị và đảng cầm quyền trong xu thế dân chủ hóa; vấn đề kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Song song với đó, nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận là nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục làm cho các giá trị chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng giữ địa vị chủ đạo trong đời sống chính trị của mọi tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân góp phần giữ vững và nâng cao văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy các giá trị văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc với tiếp thu và vận dụng sáng tạo các giá trị mới của nhân loại. Đặc trưng cơ bản của văn hóa là tính kế thừa và sáng tạo, văn hóa chính trị cũng không ngoại lệ. Vì vậy, chỉ có trên cơ sở giữ vững và phát huy các giá trị truyền thống mới có thể tiếp biến các giá trị mới của nhân loại. Trong các giá trị văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc, có những giá trị bất biến như: yêu nước, đoàn kết, nhân văn nhân ái, tương thân, tương ái…cần được bổ sung tính chất mới để mở rộng không gian tồn tại cho các giá trị này. Bên cạnh đó có những giá trị đã không còn phù hợp với hiện thực cần được thay thế bằng các giá trị mới như: tư tưởng cá nhân, manh mún; gia trưởng, bảo thủ, trì trệ; quan niệm phép vua thua lệ làng; tư tưởng duy tình hơn duy lý…
Do đó, để làm giàu cho nền văn hóa chính trị của dân tộc, cần mở rộng hội nhập và giao lưu văn hóa với thế giới để chủ động lựa chọn, tiếp thu, cải biến những giá trị phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, môi trường, truyền thống và con người chính trị Việt Nam. Đây là con đường ngắn nhất để phát triển nền văn hóa chính trị của dân tộc. Bởi lẽ, văn hóa là những giá trị chung của nhân loại, sự lan tỏa của văn hóa là tự nhiên do giá trị nội tại của nó quy định. Tuy nhiên, văn hóa lại mang bản chất giai cấp, cho nên, lựa chọn giá trị nào lại phụ thuộc vào định hướng chính trị của giai cấp cầm quyền.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa chính trị của con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, tính chất cạnh tranh về không gian tồn tại của các giá trị văn hóa có bản sắc khác nhau cũng ngày càng gay gắt. Mặt khác, các chủ thể chính trị, nhất là các đảng cầm quyền đều nhận rõ vai trò chi phối của văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng đối với con người và xã hội, cho nên cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa được coi trọng ở tất cả các quốc gia.
Theo đó, muốn giữ vững và nâng cao văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay cần nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh tư tưởng - văn hóa. Đây là một quá trình vừa xây, vừa chống. Do vậy, một mặt, không ngừng bổ sung, phát triển làm gia tăng tính chính đáng và tính phổ quát của các giá trị văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; sáng tạo những giá trị mới về tư tưởng, hành vi và sản phẩm chính trị. Mặt khác, cần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, mục đích chính trị của việc truyền bá các giá trị chính trị mang bản chất giai cấp đối lập với bản chất của giai cấp công nhân vào nước ta. Phát huy vai trò của hệ thống giáo dục, của cấp ủy, người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện và ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cần quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” với tính cách là xây dựng các chủ thể của văn hóa chính trị. Sự nghiệp “trồng người” bao gồm một chỉnh thể các hoạt động có mục đích nhằm tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực mà con người chính trị cần có là một yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Các chuẩn mực văn hóa chính trị bao gồm: chuẩn mực về tư tưởng; về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; về phương pháp và phong cách tham dự chính trị… Đây không chỉ là cơ sở để tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng con người mới, mà còn là tiêu chuẩn để mỗi chủ thể chính trị phấn đấu, rèn luyện nhằm chiếm lĩnh các giá trị, chuẩn mực phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đời sống chính trị.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy, hệ thống chính trị là bộ phận quan trọng nhất, có vai trò chi phối sự tồn tại, vận động phát triển của toàn bộ nền văn hóa chính trị; vừa là nơi chỉ đạo, tổ chức xây dựng văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng, vừa là nơi biểu hiện tập trung và trực tiếp nhất của văn hóa chính trị. Một hệ thống chính trị trong sạch, đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng chính trị và luôn vận hành thông suốt sẽ là tiền đề, điều kiện để xây dựng và phát triển một nền văn hóa chính trị đúng định hướng của giai cấp cầm quyền. Ngược lại, nếu một hệ thống chính trị chứa đựng những yếu tố như: Suy thoái về tư tưởng chính trị;  tha hóa về đạo đức, lối sống; tham nhũng, lãng phí; mất đoàn kết; lợi ích nhóm…thì sẽ là nguyên nhân làm suy thoái hoặc biến chất nền văn hóa chính trị. Bởi lẽ, những yếu tố đó sẽ phá hủy niềm tin của nhân dân với đảng cầm quyền, với mục tiêu, lý tưởng chính trị, tạo sự chia rẽ, mất đoàn kết và thiếu thống nhất trong lựa chọn giá trị chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội.
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị luôn được củng cố, hoàn thiện cả về cơ cấu tổ chức, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Cho nên, hệ thống chính trị nước ta luôn tỏ rõ là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn lấy lợi ích của quốc gia dân tộc và quyền lợi của nhân dân làm mục tiêu tồn tại và phấn đấu. Vì vậy, trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng tạo nên nền văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tham nhũng, lãng phí; quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành lực cản cho sự phát triển của hệ thống chính trị với tính cách là căn bản, cốt lõi của nền văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại. Vì vậy, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị nói chung, cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị nói riêng là một trong những giải pháp cơ bản có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với sự nghiệp giữ vững và nâng cao văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...