Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, ngoại giao đa phương đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt khi tham gia vào một loạt sự kiện đối ngoại quan trọng của nước nhà trong năm 2021.
Vài năm trở lại đây, ngoại giao đa phương của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc khi tham gia vào một loạt sự kiện quốc tế quan trọng như: Nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, Hội nghị WEF ASEAN năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019, Chủ tịch ASEAN, AIPA 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động đa phương khác có sự tham gia của các bộ, ngành. Đặc biệt, năm 2021 là năm thắng lợi của ngoại giao nước nhà khi Việt Nam được bầu là thành viên của Ủy ban Thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL), ký được thỏa thuận xây dựng trụ sở của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) tại Việt Nam cũng như lần thứ hai có người được bầu là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) của LHQ với số phiếu cao hơn lần trước.
Điều này chứng tỏ cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào vai trò của Việt Nam cũng như năng lực của cán bộ ngoại giao Việt Nam.
Những dấu ấn ngoại giao đa phương của Việt Nam khi tham gia vào HĐBA được Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt nhắc đến trước hết là Việt Nam có lập trường nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng và tiếng nói của các bên liên quan, qua đó tạo dựng được ý kiến đồng thuận.
“Bên cạnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy một loạt ưu tiên và hoàn thành tương đối tốt. Chúng ta thúc đẩy để tăng cường vai trò, tiếng nói, sự hiện diện của ASEAN tại LHQ. Ví dụ, khi bàn thảo về vấn đề Myanmar, Việt Nam luôn mời đại diện của ASEAN tham gia phát biểu, chia sẻ quan điểm, đánh giá về tình hình ở Myanmar. Đây là vấn đề rất mới, bởi bắt đầu từ năm 2020, ASEAN mới hiện diện và đóng góp ý kiến tại HĐBA”, Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt kể lại.
Đồng quan điểm trên, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế, cho rằng lần đầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam trong giai đoạn khẳng định vị trí của mình. Ở nhiệm kỳ thứ hai, Việt Nam đã chủ động trong nhiều vấn đề.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đóng góp lớn nhất của Việt Nam ở HĐBA LHQ là thúc đẩy tiến trình xây dựng lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ. Việt Nam cũng nói lên tiếng nói của các nước đang phát triển để giải quyết xung đột ở những “điểm nóng” như Sudan, Ethiopia và một số nước khác. Lần đầu tiên Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27-12 là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh theo sáng kiến của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Đức còn đồng sáng kiến thành lập Câu lạc bộ các nước về Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, với 112 nước tham gia.
“Tại HĐBA, Việt Nam tham gia giải quyết những xung đột ở châu Phi, Trung Đông để làm gì, thu lợi được gì?”. Câu hỏi này được Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt giải đáp rằng, nhiệm vụ hàng đầu của nền ngoại giao Việt Nam chính là tạo dựng môi trường hòa bình để phát triển.
Khi Việt Nam hội nhập, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên LHQ thì sự hiện diện, giao thương của Việt Nam đã ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi nào có sự hiện diện của người dân, doanh nghiệp Việt Nam, ở đó có lợi ích của Việt Nam.
Vì thế, khi tham gia vào HĐBA, dù đóng góp ít hay nhiều để mang lại ổn định, hòa bình cho các nước, cũng là mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Việt Nam. “Có thể chúng ta không nhìn thấy ngay lập tức, nhưng 5, 10, thậm chí 15 năm sau, chúng ta mới thấy sự tham gia này quan trọng như thế nào”, ông Việt nhấn mạnh.
Song, có những việc mà ngoại giao đa phương vừa làm đã mang lợi ích tức thì. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, cơ chế đa phương gần như bị tê liệt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức chuyên môn, các cơ chế đa phương từ khu vực như ASEAN cho đến liên khu vực như ASEM, APEC, G20 và các tổ chức chuyên môn của LHQ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có vai trò điều phối rất quan trọng.
Điển hình là cơ chế COVAX do WHO, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đồng sáng lập. Cơ chế này ngay khi thành lập đã xác định mục tiêu cung cấp đủ lượng vaccine cho 20% dân số thế giới, trong đó Việt Nam có thể tiếp nhận 39 triệu liều vaccine ngay từ đầu.
Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, những liều vaccine đầu tiên tiêm cho người dân Việt Nam đến từ cơ chế COVAX. Cái khó của giai đoạn đầu là khan hiếm nguồn cung, do đó công tác vận động càng phải quyết liệt. Nhân tố quyết định chính là sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước.
Một yếu tố rất quan trọng được COVAX tính đến khi cung cấp vaccine cho Việt Nam chính là năng lực của hệ thống y tế trong việc triển khai tiêm chủng.
“Chúng ta đã đi gom từng liều vaccine, có những lô vaccine cả triệu liều, nhưng có lô chỉ 30.000 liều. Có lần, biết tin một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương không tiêm hết vaccine trong thời gian ngắn nên Việt Nam đã đề nghị WHO, COVAX chuyển số vaccine đó cho chúng ta. Chúng ta đã sẵn sàng tiếp nhận và triển khai rất nhanh lượng vaccine đó”, Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt nhớ lại.
Năm 2021 đã khép lại với những thành tựu nổi bật của ngoại giao đa phương, góp phần quan trọng trong những dấu ấn nổi bật của ngành ngoại giao nói chung. Khi Việt Nam kết thúc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nhiệm vụ đặt ra đối với ngoại giao đa phương ngày càng nặng nề hơn.
Hiện nay, Vụ Các tổ chức quốc tế-Bộ Ngoại giao đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục ứng cử vào vị trí lãnh đạo khác của LHQ. Ngoài việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam dự kiến sẽ ứng cử vào một số cơ chế, tổ chức khác của LHQ, đồng thời tiếp nối sáng kiến, ưu tiên đã triển khai; tăng cường tham gia xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều dư địa để phát huy vai trò hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn: Báo QĐND