LẠI MẤY CHỨNG BỆNH
“VĨ CUỒNG” VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM
Vẫn nhớ những “khuôn mặt tư tưởng” đã quen. Và, vẫn hiện
tồn qua đó những “linh hồn tư tưởng” với các luận đề cũng trở nên quá nhàm
nhưng lại ảo vọng thành những “vĩ nhân” trong chuyện làm huyên náo “học thuật
chính trị”...
Rốt
cuộc, tất cả đã rơi tõm vào im ắng, và chẳng ai còn nhớ gì các vị nữa.
Chẳng
hiểu có phải vì cả thẹn bởi những chuyện đó hay không mà ít năm nay các vị cũ
ấy và lác đác thêm vài dung mạo nữa bỗng dưng đùng đùng tự lăng-xê mình bằng
cái trò “đốt đền Ác-tê-mi”, khiến không ít người, dù hiền nhất, cũng phải bực
mình.
Các
vị ấy “đốt đền Ác-tê-mi” kiểu gì?
Bằng
cách, qua đài báo của các thế lực thù địch ở hải ngoại, họ hô
hoán toáng lên; và đồng thời, “du thuyết cao đàm khoát luận” khắp nơi để huyên
truyền, để ầm ỹ phát tán cái “tâm huyết”, để trương ra tá hỏa trên sách báo hải
ngoại, trên mạng xã hội những sự “uyên bác” của mình bằng những cuộc “tọa đàm
nhỏ” hay dưới dạng những “huyết thư về Việt Nam”(!)
Các
vị ấy nói những gì?
Nhìn
tổng thể, kỳ thực, chúng ta thấy rất nhiều ý kiến cũ mèm hay đại loại như vậy
trong hàng đống sách báo chống chủ nghĩa xã hội, chống Việt Nam của đủ hạng
người trong và ngoài nước, đã mấy mươi năm nay.
Mặc
nhiên vậy, điều chúng ta buộc lòng phải trao đổi ở đây là, liệu tất cả những
điều “tâm huyết”, “khuyến nghị” của họ có thực sự đúng đắn không?; có “hoàn
toàn vô tư, trong sáng”, như đã từng khuếch trương trong các lời “phi lộ” của
họ không?
Trước hết, đó là chung
quanh vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa
Họ
cho rằng, việc Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra định hướng xã hội chủ nghĩa là
“thừa”, là “vô nghĩa”, do đó “chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam
giàu mạnh là đủ, cần gì phải định hướng xã hội chủ nghĩa”(!)
Xin
thưa rằng, 89 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lựa chọn mục
tiêu chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân Việt Nam, xét về lô-gíc, là một tất yếu khách quan; xét
về lịch sử, là hoàn toàn phù hợp
với sự vận động của cách mạng Việt Nam; xét về xu
thế phát triển của thời đại và xét về nhu
cầu, là hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa,
nửa phong kiến và nguyện vọng của nhân dân lao động Việt Nam.
Hẳn
ai cũng đều biết, chẳng cứ gì xã hội xã hội chủ nghĩa, mà bất cứ xã hội nào
khác, trong tiến trình phát triển của mình đều cần có một sự hoạch định từ
phương hướng đến bước đi. Ở tầm vĩ mô, lịch sử thế giới càng về cuối thế kỷ XX càng trở nên rất rõ ràng, là thời kỳ lịch
sử phát triển rút ngắn, với gia tốc mạnh mẽ chưa từng thấy; đồng thời xu thế
toàn cầu hóa, quốc tế hóa về kinh tế với tốc độ chóng mặt tạo nên một thế giới
chỉnh thể vừa hợp tác, vừa đấu tranh hết sức phức tạp giữa các quốc gia, dân
tộc. Bối cảnh đó đã làm xuất hiện tính đa
dạng của sự phát triển và sự phát triển có tính ngắn hạn. Thực tiễn
nóng bỏng và gay gắt trong cuộc chạy đua để tìm hướng đi và giải pháp phát
triển, và nhất là khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI đã bật lên hàng loạt vấn đề
mới mẻ và xác nhận rằng, sẽ chỉ còn lại những quốc gia, dân tộc nào đã xác định rõ rệt và đúng đắn hướng đi, có một nội
lực đủ mạnh, bền vững và đủ khả năng thích ứng nhằm tiến tới hội nhập hiệu quả
vào thế giới. Trong số những bài học ấy, bài học về lựa chọn mục tiêu và hoạch định phương hướng phát triển trở thành bài
học có ý nghĩa căn bản, then chốt,
có ý nghĩa tồn vong trước hết
đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Đó chính là vấn đề có tính thời đại về tư
tưởng phát triển đúng hướng, mạnh mẽ và
bền vững.
Việt
Nam trên con đường phát triển của mình không nằm ngoài quy luật ấy.
Đối
với Việt Nam, định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ dừng lại ở tiền đề, mục
tiêu, mà rộng lớn và sâu sắc hơn, nó còn bao hàm sự nhận thức tất cả các tính
quy luật, bản chất của chủ nghĩa xã hội quy định toàn bộ sự vận động của xã hội
Việt Nam hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội được thể hiện thông qua
con đường, phương thức, bước đi và hệ giải pháp theo những nguyên tắc xã hội
chủ nghĩa.
Xây
dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử nên quá
trình nhận thức và tổ chức thực tiễn sẽ hết sức khó khăn, lâu
dài, thậm chí có cả những khúc quanh co, thất bại tạm thời. Bởi vậy, xét về nhu
cầu thông thường tối thiểu, định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu. Chúng
ta có thể giả định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội là con đường thẳng để
có thể hình dung rõ đâu là bước đầu, đâu là bước tiếp theo, đâu là bước cuối
cùng để tránh khỏi lạc đường và mất phương hướng. Thực tiễn phát triển cho
thấy, phương pháp chắc chắn nhất và cần thiết nhất để thực sự có được thói quen
xem xét vấn đề đó một cách đúng đắn, và không để lạc hướng trong rất nhiều chi
tiết, hoặc trong rất nhiều ý kiến đối lập nhau - điều quan trọng nhất là không
nên quên mối liên hệ lịch sử căn bản; là xem xét mỗi vấn đề theo quan điểm sau
đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện
tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan
điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào.
Nhưng
trên thực tế, con đường đó không phải là con đường thẳng tắp, trơn tru mà nó
rất quanh co, phức tạp. Để tránh chủ quan, duy ý chí, muốn đốt cháy giai đoạn
dẫn tới tình trạng làm cho con đường đó càng phức tạp, quanh co hơn, thậm chí
chệch hướng, nên không thể không hoạch định những giới hạn cho phép, trong khả
năng cụ thể, vững vàng đi tới mục tiêu đã vạch ra. Đó chính là quá trình định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do
đó, sự thống nhất về nhận thức, sự đồng tâm về tư tưởng, sự tỉnh táo và đúng
đắn trong việc xử lý các cảnh huống có ý nghĩa hết sức to lớn, thậm chí có vai trò quyết định. Đặc biệt, việc khắc
phục và ngăn ngừa những khuynh hướng tự phát, vô chính phủ, nhất là chủ nghĩa
cơ hội và chủ nghĩa thực dụng, là chệch
hướng xã hội chủ nghĩa, ở đây, là vấn đề vừa mang tầm chiến lược, vừa có tính
nóng bỏng, cấp bách. Vì vậy, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh hiện
nay, rõ ràng không thể không bao hàm định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Tầm
cỡ, quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc, trong bối cảnh thời đại hiện nay, càng đòi hỏi nghiêm ngặt
phải giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, cho dù
hiện nay xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa về kinh tế có phát triển đến đâu đi
nữa thì vẫn nguyên vẹn còn đó cuộc đấu tranh quốc gia, đấu tranh dân tộc, dù
dưới hình thức này hay khác. Và dù chúng ta có “mở cửa”, “hội nhập” thế giới
đến đâu đi nữa thì trong điều kiện phức tạp ấy, phải có nguyên tắc. Nguyên tắc
tối cao là bảo vệ triệt để lợi ích dân
tộc tối thượng, lợi ích quốc gia tối cao theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.
Do đó, hiển nhiên là không thể có “mở cửa”, “hội nhập” chủ động, đúng đắn và
hiệu quả, nếu không bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, không giữ
vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó không chỉ là yêu cầu có tính nguyên tắc,
là nhu cầu nội tại trọng yếu, thường xuyên của tiến trình phát triển đất nước
mà còn quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện
nay, quyết định sự “mất, còn” của dân tộc Việt Nam. Bởi, nếu xa rời mục tiêu
chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới “những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ
đạo thực tiễn, sẽ đưa tới nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa” và như thế “sẽ
phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được”, như Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Do đó, nhất định phải tiến hành định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nói
khái lược, Việt Nam định hướng xã hội
chủ nghĩa là quá trình xác định những giới hạn, những “độ” tồn tại lịch sử cụ
thể của chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ điểm xuất phát tới mục tiêu cuối cùng, mà
nếu vượt ra ngoài những giới hạn, những “độ” ấy có thể và tất yếu xuất hiện một
chế độ xã hội khác với chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, thực chất của toàn bộ
quá trình định hướng xã hội chủ nghĩa là hoạch định một hành lang hoạt động cho
phép, phù hợp thực tế và những quy luật khách quan, với những tiêu chí xác
định, thông qua một cơ chế thích hợp xuyên suốt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội, từ điểm xuất phát tới đích cuối cùng nhằm đạt hiệu quả mong muốn, chứ
quyết không phải thứ tù mù “chủ nghĩa nào cũng được miễn là giàu mạnh” (!). Đó
chính là nhiệm vụ trung tâm của
quá trình định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghĩa
là chúng ta không ngừng kiến lập và phát triển: Tầm nhìn chiến lược - Định vị
chiến lược quốc gia - Xây dựng quyết sách phát triển chiến lược xây dựng chủ
nghĩa xã hội Việt Nam chính là định hướng xã hội chủ nghĩa vậy!
Bởi
vậy, một cách hiển nhiên, định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu, một nhu
cầu, một phương án phát triển duy
nhất đúng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ
quốc; và hơn nữa, nó cần luôn được xem xét, bổ sung và hoàn chỉnh không ngừng.
Quả
đúng rằng, khi người ta lén lút đưa dã tâm và núp dưới danh nghĩa cái gọi là
khoa học mưu toan bài xích chủ nghĩa xã hội, thì nói như V.I. Lê-nin, tự nó đã
lòi ra cái đuôi kỳ thị vô lối, thậm chí là cái đuôi hằn học của những kẻ đối
lập về ý thức hệ.
Thứ hai là chung quanh
vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Họ
cho rằng, “Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là
một điều kỳ quặc, trái quy luật”(!)
C.
Mác đã đưa ra một luận điểm nổi tiếng: Lịch sử là một quá trình phát triển tự
nhiên. Ai cũng biết, luận điểm này xuất phát từ vai trò của nhân tố kinh tế
rằng: Không một chế độ xã hội nào lại tự bị diệt vong khi tất cả những lực
lượng sản xuất mà chế độ xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho sự phát triển, vẫn
còn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới cao hơn không bao giờ xuất
hiện khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó còn chưa chín
muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Kết luận này của C. Mác là hoàn toàn chính
xác, nếu xét ở tầm bao quát lịch sử, mang tính khuynh hướng của một thời đại.
Nhưng,
nếu xét ở những trường hợp đặc thù, tại một thời điểm lịch sử cụ thể, thì không phải bao giờ kinh tế cũng là cái duy nhất
quyết định. Bởi, kết luận trên của C. Mác là một kết luận có tính triết
học - lịch sử. Hơn nữa, như đã biết, trong điều kiện cụ thể, C. Mác chú ý nhấn
mạnh nhân tố kinh tế , và Người xem nó trong tư cách khi “xét cho đến cùng” mà
thôi. Vì, C. Mác thừa hiểu rằng, sự phát sinh, tồn tại, phát triển của một chế
độ xã hội không chỉ phát sinh từ các điều kiện kinh tế, mà còn bắt nguồn từ các
vấn đề không thể tách biệt là xã hội, chính trị... Còn ai đó chỉ cố bám vào cái
luận đề “không tất yếu về kinh tế” để nhằm bài xích “bỏ qua chế độ tư bản chủ
nghĩa” của Việt Nam, chẳng khác gì cái xu hướng muốn giải đáp những vấn đề cụ
thể bằng cách phát triển một cách đơn thuần lô-gíc chân lý chung... là một cách
lập luận tầm thường hóa chủ nghĩa Mác và chỉ chế giễu một
cách mù quáng chủ nghĩa duy vật biện chứng mà thôi. Vả nữa, “cả tôi lẫn Mác
chưa bao giờ khẳng định như thế, - Ph. Ăng-ghen viết như
thế - còn ai đó xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa kinh tế là nhân tố quyết
định duy nhất thì người đó
biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa”.
Thực
tế cho thấy, vô số các quốc gia ở vào tình thế như vậy. Khi V. I. Lê-nin tuyên
bố: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”
thì không ít người phương Tây thiếu thiện chí cho rằng, đó là trò không tưởng.
Song chỉ 15 năm sau đó, Liên Xô
trở thành một nước công nghiệp hùng mạnh. Rõ ràng, ở những trường hợp cụ thể
nhất định, thì khoa học và ý chí thực sự đã làm biến đổi kinh tế. Và nữa, cuộc
Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 chẳng hạn. Cuộc cách mạng này nổ ra khi trong
lòng xã hội Pháp lực lượng sản xuất đại diện cho phương thức sản xuất mới còn
chưa phát triển tới trình độ để mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất phong
kiến. Ở thời đoạn này, người ta thấy nổi bật lên vai trò của những tư tưởng đi
tiên phong. Vì hàng chục năm trước đó, các nhà lý luận, các nhà tư tưởng như J.
Rút-xô, C. Mông-te- xki-ơ, Vôn-te (bút danh của Francois-Marie Arouet), Đ.
Đi-đrô và các nhà kinh tế, như J. Ma-bli, Mô-ren-li... đã phê phán chế độ phong
kiến, cổ vũ tư tưởng dân chủ tư sản đó sao.
Từ
sau Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917), một loạt nước
châu Á và khu vực Mỹ La-tinh đã xây dựng các chế độ xã hội chủ nghĩa ở một xuất
phát điểm về trình độ sức sản xuất thấp hơn nước Nga đương thời rất nhiều. Rõ
ràng, lịch sử là một quá trình tự nhiên, nếu “xét cho đến cùng”, khi lấy nhân tố kinh tế để bao quát lịch sử là hoàn toàn đúng. Song,
trong nhiều trường hợp lịch sử cụ thể, như đã thấy, hoặc lúc này nhân tố kinh
tế là quyết định, hay lúc khác nhân tố tư tưởng, ý chí lại đóng vai trò tiên
phong. Cho nên, nếu cứ khư khư xem cái nhãn hiệu gọi là “tất yếu kinh tế” để
gán cho bất cứ mọi sự vật, hiện tượng lịch sử khác nhau thì chẳng khác gì cái
lối đã từng bị Ph. Ăng-ghen chỉ trích, “dùng đòn bẩy để kết cấu theo kiểu của
phái Hê-ghen”, chẳng khác gì tự giam mình vào “một khuôn mẫu đúc sẵn, theo đó
người ta đẽo gọt những sự kiện lịch sử tùy theo ý muốn”. Rốt cuộc, “... họ đã
phạm phải những điều hết sức kỳ quái” và “rối rắm một cách lạ lùng”, như Ph.
Ăng-ghen từng nói.
Các
hình thái kinh tế - xã hội thông thường được xây dựng như một quá trình tiệm
tiến và liên tục từ thấp đến cao, bước sau phải bao gồm các bước trước có tính
chất tuần tự. Nhưng, sự tiến hóa trong lịch sử nhân loại, bên cạnh đó, lại diễn
ra với những bước nhảy vọt. Chẳng hạn, người Giéc-manh từ xã hội thị tộc chuyển
thẳng lên xã hội phong kiến, không qua chế độ chiếm hữu nô lệ. Hy Lạp, La Mã cổ
đại tạo ra chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình, nhưng không xây dựng xã hội phong
kiến. Và người Giéc-manh lại không phải là người tiên phong “tiến lên” chế độ
tư bản mà đó lại là người Ăng-lô Sắc-xông... Còn hầu hết các nước ở châu Á,
châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh đều không trải qua các hình thái kinh tế - xã hội
phát triển. Cụ thể là, không có nước nào lúc đó tiến lên chủ nghĩa tư bản. Cơ sở của đại đa số các xã hội này vẫn là các công
xã nông thôn tồn tại trong lịch sử cho tới thế kỷ
XIX và một phần còn kéo sang thế kỷ XX.
Rõ
ràng, một chế độ xã hội cụ thể khi đã suy tàn, xét trong tiến trình phát triển
tự nhiên, có thể tiến lên hai hoặc thậm chí ba hình thái kinh tế - xã hội cao
hơn, chứ nhất thiết không phải chỉ tiến lên một hình thái cao hơn liền kề với nó.
Nghĩa là, không nhất thiết tiến lên một cách tuần tự, mà tiến lên với bước nhảy vọt. Từ chế độ xã hội nguyên thủy,
nước này có thể tiến lên xã hội theo kiểu “phương thức sản xuất châu Á”, như Ấn
Độ, Ai Cập; nước khác bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ, như trường hợp Hy Lạp;
nước khác nữa lại nhảy vọt lên chế độ phong kiến, như Giéc-manh... Cùng xuất
phát từ chế độ phong kiến nửa thuộc địa như Trung Quốc hoặc thuộc địa nửa phong
kiến như Việt Nam, nhưng các nước này không tiến lên chủ nghĩa tư bản mà đều tiến
lên chủ nghĩa xã hội. Điển hình là, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào vượt qua
hai nấc thang trong tiến trình phát triển lịch sử tự nhiên để đi lên chủ nghĩa
xã hội. Như vậy rằng, cùng với hiện
tượng tuần tự của lịch sử còn nổi bật lên hiện
tượng lịch sử nhảy vọt, như chúng ta đã thấy. Nói cách khác, đó là sự phát triển đứt đoạn trong liên tục, tuần tự
kết hợp với nhảy vọt biện chứng của lịch sử(1).
Cho
nên, tiến hóa là cái bên trong (giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản
xuất) cộng với thời cơ phát
triển bứt phá. Do đó, việc “bỏ qua” một hay nhiều giai đoạn là vấn đề mang tính
quy luật và là hiện thực, chỉ có điều còn tùy thuộc vào khả năng hiện thực bên
trong với sự liên kết nguồn động lực với bên ngoài và chớp đúng thời cơ phát
triển mà thôi. Một quốc gia còn ở trình độ tiền tư bản chủ nghĩa vẫn có thể tiến lên xây dựng chế độ xã hội chủ
nghĩa, chứ không nhất thiết phải kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa một cách tuần
tự cứng nhắc hay nhất thành bất biến nào đó, như mấy ai vẫn khư khư nghĩ. Nước
Việt Nam trong tiến trình phát triển của mình cũng không nằm ngoài tính quy
luật và thực tiễn lịch sử có tính phổ biến ấy. Đó là biện
chứng của lịch sử.
Cách
đây tròn 99 năm, chung quanh vấn đề “bỏ qua” này, tại diễn đàn Đại hội lần thứ
II của Quốc tế cộng sản, V.I. Lê-nin đã luận chứng rất rõ ràng: Đối với dân tộc
lạc hậu hiện nay đang trên con đường giải phóng và chiến tranh đã có một bước
tiến bộ, mà khẳng định rằng nền kinh tế quốc dân của những dân tộc đó nhất định
phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chúng ta có cho như vậy là
đúng hay không? Chúng tôi cho rằng không đúng. Và trên thực tế, các nước Trung
Quốc, Việt Nam, Cu-ba, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ
nhân dân Lào... đã chuẩn bị toàn diện cho mình những điều kiện cần và đủ để
thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo phương thức “bỏ qua” đầy
thuyết phục này.
Đó
là tất yếu lịch sử.
Vậy
là, không chỉ trên phương diện lý luận, mà rõ ràng cả trên bình diện lịch sử đã
chứng minh hết sức chắc chắn và phong phú, chỉ có điều trái với những suy nghĩ
đầy kỳ quặc và thiếu thiện ý của những ai đó về vấn đề “bỏ qua” này ở Việt Nam
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà thôi. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã
hội bỏ qua chế độ tư bản chủ
nghĩa, chứ không bỏ qua những thành quả văn minh của loài người (kinh tế, khoa
học công nghệ...) được tạo ra dưới chủ nghĩa tư bản.
Thứ ba là vấn đề Việt
Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Cách
nay hơn ba năm (tháng 1-2016), có vị khăng khăng rằng: “Làm gì có nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà tìm” (!)
Xin
được nói ngay, cách nay hơn 18 năm, tức là sau 15 năm đổi mới và thực thi kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ thực tiễn, đồng chí U. Côi-chi-ô,
Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản, tham dự Đại hội IX của Đảng Đảng
Cộng sản Việt Nam, nhận định: “Đường lối đổi mới trong đó kết hợp kinh tế thị
trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại
của nhiều thành phần kinh tế là con đường của những người mở đường mới mẻ trong
lịch sử. Chúng tôi hy vọng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, đã
từng chiến thắng trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ trước đây, sẽ thành công
trước thách thức mới trên chặng đường mà chưa một ai đi qua”(2), thì há còn gì để nghi ngờ nữa?
Vả
nữa, hiện nay, ai cũng biết, đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193
quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức
quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện
với 30 nước... Đặc biệt, đối ngoại đa phương được nâng tầm, Việt Nam chủ động,
tích cực tham gia các công việc chung của quốc tế theo phương châm chuyển từ
“tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi
chung”, bảo đảm được các lợi ích thiết thân của Việt Nam tại các diễn đàn quan trọng, như Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -
Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Việt Nam đã thực sự là
thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ: song phương, khu
vực và toàn cầu. Việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là minh chứng sống động
cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã được nâng lên một tầm
cao mới, qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh,
phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần của “thành viên có trách
nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Việc
Việt Nam được bầu với số phiếu rất cao vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh
tế - xã hội, Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc, Ủy ban Di sản thế giới
của UNESCO... cho thấy mức độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam
trong việc gánh vác trách nhiệm chung.
Hoạt
động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập
kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta
tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Việt Nam cùng
các nước thành viên kiên trì nền tảng hướng tới một Hiệp định Đối tác toàn diện
và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam cũng đang cùng các nước tích
cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy
mạnh các hoạt động ngoại giao vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm ký
kết, phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -
Liên minh châu Âu (EVFTA). Lãnh đạo các nước đối tác cũng nhất
trí cùng Việt Nam triển khai một cách hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt
Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu. Nên nhớ, ngay từ năm 2015, Việt Nam đã thúc đẩy
quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất
cả châu lục, há chẳng đủ để thấy thực lực và sức mạnh của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam sao hay còn cần gì nữa!?
Mười một nước thành viên CPTPP chụp ảnh chung sau khi ký hiệp
định CPTPP tại Chile (năm 2018) _Nguồn:
Reuters
Thị
trường và kinh tế thị trường ra đời cách đây hơn 1.300 năm. Từ thế kỷ XVI trở
đi, sự phát triển của khoa học - kỹ thuật mạnh mẽ chưa từng thấy và với tốc độ
ngày càng lớn. Giai cấp tư sản tìm mọi cách tận dụng nó để đẩy nhanh tốc độ
phát triển của lực lượng sản xuất, nói như C. Mác, điên cuồng thực hiện mưu đồ
“xâm lấn khắp hoàn cầu”, điên cuồng mở rộng và chiếm đoạt thị trường thế giới
nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho mình. Qua năm thế kỷ, sau bốn cuộc cách mạng
kỹ thuật, sự mở rộng và chiếm đoạt thị
trường và đẩy nhanh kinh tế thị trường được giai cấp tư sản coi như một mục đích
sống còn của nó, đến mức nhắc đến kinh tế thị trường là không ít người
nhầm lẫn và ngỡ tưởng nó là thứ của riêng chủ nghĩa tư bản, thậm chí đồng nhất
nó với chính chủ nghĩa tư bản, chứ không hiểu một cách rành rẽ và tường tận
rằng, nó chỉ là một thành tựu của nền văn minh nhân loại mà giai cấp tư sản
đang nắm lấy, nhằm áp đặt những giá trị của thể chế tư bản chủ nghĩa, tức kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa lên
toàn nhân loại.
Tới
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự phát triển tột bậc của quá trình quốc tế hóa
lực lượng sản xuất chuyển thành toàn cầu hóa kinh tế và giai cấp tư sản vẫn
đang nắm quyền thao túng. Trong bối cảnh đó, kinh tế thị trường phát triển mạnh
mẽ với quy mô, tính chất và phát huy
tác dụng chưa từng thấy, tới mức có thể hình dung toàn cầu là một thị trường
khổng lồ, dưới sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản. Theo đó, hơn bao giờ hết,
phát triển kinh tế thị trường một cách ồ ạt, tự do, tức là kinh tế thị trường
tự do... để chiếm đoạt lấy càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Và, hơn bao giờ hết, vai
trò và sự tác yêu tác quái của chủ nghĩa tư bản trong cơn lốc toàn cầu hóa
thông qua kinh tế cũng khủng khiếp và tàn bạo chưa từng thấy, đang trở thành
“cái thòng lọng” hữu hình hoặc vô hình đe dọa đối với tất cả các quốc gia, dân
tộc trong thời đại ngày nay, tất cả nhằm bành trướng trật tự tư sản: tự do
chiếm đoạt, tự do bóc lột, tự do xâm lược, tự do khủng bố, tự do gian lận trong
bầu cử, tự do phân biệt chủng tộc,... Giai cấp tư sản đang cố sức bảo vệ những
thứ quyền đó và chừng nào những tai họa đó chưa bị đập tan, chưa bị thay thế
thì chừng đó giai cấp tư sản vẫn áp đặt sự thống trị lên đông đảo nhân dân lao
động, nô dịch các quốc gia, dân tộc khác bởi những thứ “tự do”: tự do thất
nghiệp, tự do bị bóc lột, tự do bị chết đói, bị chà đạp một cách tự do, bị xâm
lược một cách trắng trợn và vô cớ,... Điều đó giải thích vì sao, tại các nước
tư bản chủ nghĩa, dù chỉ chiếm hơn 1% số dân nhưng những người giàu - những nhà
tư sản đã sở hữu hơn 62% tổng số của cải xã hội. Đó cũng chính là hệ quả tự nhiên của nền chính trị tư
sản trên chính lãnh địa của nó và đối với các quốc gia, dân tộc khác, trong nền
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Vậy
là, kinh tế thị trường không phải là cái riêng của chủ nghĩa tư bản, mà là
thành tựu chung của văn minh nhân loại. Nó đã từng tồn tại và phát triển qua
các phương thức sản xuất khác nhau. Như vậy, trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường tồn
tại là tất yếu. Trung Quốc đang xây dựng nền
kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang hoàn thiện thể chế,
phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Vậy
thì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Nói giản lược, nó là một kiểu tổ chức nền kinh
tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật vận động của kinh tế thị trường,
vừa dựa trên và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và tính chất xã hội
chủ nghĩa, thể hiện một cách toàn vẹn và tập trung trên cả ba mặt: sở hữu, tổ
chức quản lý và phân phối.
Theo
đó, Việt Nam đã và đang thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền
kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, giải phóng tối đa sức sản xuất, huy động mọi
nguồn lực (nội lực và ngoại lực) nhằm mục tiêu hàng đầu là nâng cao hiệu quả
kinh tế và xã hội, cải thiện không ngừng đời sống mọi mặt của nhân dân; chủ
động đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác
và các thành phần kinh tế khác, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo
và cùng với kinh tế tư nhân vừa là một bộ phận cấu thành, vừa là động lực, kinh
tế hợp tác trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; tạo dựng
khung pháp lý thuận lợi và môi trường chính trị - xã hội ổn định và môi trường
sản xuất, kinh doanh tự do, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế, để tất cả
các thành phần kinh tế hoạt động tốt nhất; tiếp tục xác lập, củng cố và không
ngừng nâng cao địa vị làm chủ của người lao động trong nền sản xuất xã hội,
thực hiện công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển,...; thực hiện nhiều
hình thức phân phối, trong đó lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả
kinh tế làm chủ yếu, đồng thời dựa trên mức đóng góp
các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất, kinh doanh, phân phối và phân phối lại
một cách hợp lý các nguồn thu nhập, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với
xóa đói, giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh
thái và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước;
giữ vững độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;...
Nghĩa
là chúng ta chỉ coi kinh tế thị trường là phương
tiện, là cách thức để
xây dựng những cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội gắn chặt với việc không
ngừng nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân, chứ tuyệt nhiên không phải là
mục đích giành lấy lợi nhuận tối đa bằng mọi giá như chủ nghĩa tư bản đã và cố
sức làm. Nói cách khác, cụ thể hơn, dưới chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường
tồn tại như một thể chế được bảo đảm bởi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu
sản xuất, được đẩy nhanh bằng tốc độ hàng hóa hóa, tiền tệ hóa mọi thứ, kể cả
nhân phẩm, đạo đức con người, đồng tiền giữ ngôi chúa tể chế ngự và chi phối
hết thảy nhằm sinh lợi tối đa cho giai cấp tư sản, thì dưới chủ nghĩa xã hội,
kinh tế thị trường được sử dụng như một
phương tiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế nhằm phục vụ toàn
thể nhân dân lao động trên nền tảng sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu.
Điều
cần nhấn mạnh là, ai đó còn băn khoăn về vấn đề bóc lột trong lộ trình chúng ta
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đúng. Chúng ta hiểu
rằng, tiến hành phát triển kinh tế thị trường, trong bước quá độ lên chủ nghĩa
xã hội, nên không thể ảo tưởng ngay lập tức triệt để xóa bỏ bóc lột. Như thế là
chủ quan. Nhưng phải nói và thực tiễn chứng minh rằng, nếu dưới chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường, việc bóc lột được ví
như một con lắc đơn có biên độ dao động khuếch đại dần, thì chúng ta nỗ lực
bằng mọi phương thức làm cho con lắc đơn đó dao động với biên độ tắt dần theo
quy luật: ngăn chặn mọi sự tha hóa con người, không còn tình trạng bần cùng
hóa, bảo đảm sự bình đẳng các thành phần kinh tế,... Đó là con đường đi tới thủ
tiêu mọi sự nô dịch dân tộc và xóa bỏ tình trạng người bóc lột người. Đó là sự
khác biệt về chất giữa nền
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng và phát triển.
Không
chỉ có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển
mạnh mẽ ở Việt Nam mà về vị thế, nó tiếp tục được phát triển và không ngừng
hoàn thiện với tư cách là mô hình kinh
tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Và
trên thực tế, nó đã đưa Việt Nam lên vị trí cao ở châu Á và thứ nhất khu vực
Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế suốt nhiều năm liền cho tới
nay. Năm 2018, các tổ chức kinh tế quốc tế thừa nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế
Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất
trong 10 năm gần đây.
Trên
nền tảng kinh tế phát triển, tháng 7-2019, HSBC Expat vừa
công bố Bảng Xếp hạng tổng thể khảo sát chuyên gia nước ngoài về nơi sống và
làm việc tốt nhất năm
2019,
Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia đứng đầu, từ vị trí thứ 19 vào năm 2018, với
71% số chuyên gia nước ngoài cho rằng, họ tự tin về nền kinh tế Việt Nam, đồng
thời 76% số đó cho rằng, yên tâm về tình hình chính trị ổn định.
Trên
hết, nhiều chuyên gia nước ngoài nhận thấy, môi trường làm việc tại Việt Nam
rất thuận lợi. Việt Nam đứng thứ ba sau Thụy Sĩ và Ba Lan trong chỉ số phụ Kỳ vọng cá nhân - chỉ số tổng
kết quan điểm của chuyên gia nước ngoài về nền kinh tế thị trường, cơ hội phát
triển nghề nghiệp và mức độ ảnh hưởng đối với những người mới chuyển tới sinh
sống và làm việc. Việt Nam cũng đứng thứ tư trong danh sách các nước có số
chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm đến làm việc nhiều nhất, sau Ấn Độ, Trung
Quốc và In-đô-nê-xi-a.Và, mới đây, ngày 7-6-2019, với số phiếu
192/193 phiếu, Việt Nam đã chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là số phiếu cao kỷ lục,
chưa từng có trong lịch sử 75 năm phát triển của Liên hợp quốc.
Nếu kinh tế thị trường là thành quả của chung nhân loại,
phát triển mạnh mẽ dưới chủ nghĩa tư bản và đem lại tiềm lực rất lớn cho chính
chế độ tư bản chủ nghĩa (mà người ta thường gọi là kinh tế thị trường tư bản
chủ nghĩa), thì trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa là điều hết sức bình thường, rõ ràng. Điều quyết định cơ bản là, nếu dưới
chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường được xem là mục
tiêu, thì dưới thể chế xã hội chủ nghĩa của chúng ta nó chỉ là công cụ, là phương
tiện để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh” mà thôi. Để làm phản đề cho sự bôi nhọ hoặc bác bỏ định hướng xã hội
chủ nghĩa và thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam, tối thiểu xin được dẫn lời bình của bộ phim dài 30 phút, với
nhan đề “Chào buổi sáng, Việt
Nam” (Guten Morgen, Vietnam) của Đài
Truyền hình Đức 3 Sat, ngày 18-11-2011: Với mức tăng trưởng kinh tế
từ 5% đến 9% trong suốt thập niên
qua và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này, Việt Nam là một trong những nước có sự phát
triển kinh tế kỳ diệu ở châu Á; là quốc gia thành công nhất trên thế giới trong
cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa để Việt Nam không rơi
vào quyết định luận kinh tế, kinh tế vị
kinh tế, tiền vì tiền, điều mà các thể chế tư sản đang sử dụng kinh tế thị
trường nhằm chiếm đoạt ngày càng nhiều lợi nhuận cá nhân nhưng không bao giờ
thỏa lòng tham. Nếu vứt bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nguyên vẹn chỉ là
thứ kinh tế thị trường hoang dã hay kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, như
bất cứ ai đều thấy, và như vậy Việt Nam càng không xác quyết và theo đuổi. Điều
đó cũng càng không phải là chuyện “Việt Nam phát triển kinh tế thị trường là
quyết tâm trượt sang con đường tư bản chủ nghĩa”(!), như ai đó lo ngại và bài
xích, cách đây hơn ba mươi năm.
Do
đó, Việt Nam phát triển kinh tế thị trường tất
yếu phải bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, tức kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó vừa là yêu cầu, là nhu cầu, vừa là tất yếu, là
thời cơ gắn liền với thách thức đối với Việt Nam trên con đường xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Về điều này, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng: “Tiến lên chủ nghĩa
xã hội thông qua kinh tế thị trường là phương hướng phát triển có tính quy luật
của chủ nghĩa xã hội”; “Quá trình tìm tòi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội thông
qua kinh tế thị trường ở Việt Nam và Trung Quốc đang trở thành một hướng đi
quan trọng của thế giới trong thế kỷ XXI”(3)./.
---------------------------
(1)
Xem: Nhị Lê: Mấy vấn đề lý luận và thực
tiễn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2001; Một số vấn đề
lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2015...
(2) Lời chào mừng Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 57
(3) Báo cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng
sản Việt Nam về Đại hội lần thứ XXVIII của Đảng Cộng sản Nhật Bản, ngày
1-2-2004