PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT
CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN TRONG CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC
Cách đây 74 năm, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày
22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu
tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện chính trị,
lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời, phát triển của lực lượng vũ trang cách
mạng Việt Nam; khẳng định sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin
của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng về xây dựng quân đội
kiểu mới của giai cấp công nhân và dân tộc ta. Trải qua hơn bảy thập niên xây
dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân
dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì mục tiêu: độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, càng đánh càng mạnh, lập
nhiều chiến công hiển hách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, làm nòng cốt cho
toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc; xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị, lực lượng
chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Quân đội nhân dân đã nỗ lực phấn đấu,
vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu,
đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất; chủ động làm tốt công tác
nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu với Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng
đắn, xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh,
cả trên không, trên biển, biên giới và nội địa, không để bị động, bất ngờ; phát
huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc
phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ
tỉnh, thành phố vững chắc. Đồng thời, tích cực triển khai toàn diện và thực
hiện có hiệu quả các mặt công tác: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng
chính quy, chấp hành kỷ luật, hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, khoa
học công nghệ, đối ngoại quốc phòng, v.v. Đời sống, sinh hoạt của bộ đội ngày
càng được cải thiện; chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn
sàng chiến đấu của Quân đội ngày càng được nâng lên.
Toàn quân đã chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận, thắt chặt tình
đoàn kết “Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn
nhau”1; tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây
dựng nông thôn mới, cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, chủ động phòng,
chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần tô
thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng nhân dân củng cố khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
|
Đại tướng Ngô Xuân Lịch duyệt đội danh dự Quân đoàn 1. (Ảnh: qdnd.vn)
|
Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn quán triệt, thực hiện tốt phương
hướng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại; đã có nhiều chủ trương, biện pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quân, gắn xây dựng
tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn
diện. Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, luôn kiên định, vững
vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn gương mẫu
đi đầu, chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm
vụ được giao, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân
dân. Những kết quả, thành tích mà Đảng bộ Quân đội và toàn quân đạt được trong
thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân
dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi
trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Trong những năm tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển là
xu thế chủ đạo nhưng tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó dự báo; tranh chấp chủ quyền,
lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, khủng bố, tấn công mạng có chiều
hướng gia tăng; các nước lớn sẽ thực thi nhiều biện pháp cứng rắn hơn trong
quan hệ quốc tế, cả về chính trị và kinh tế, sẵn sàng thỏa hiệp vì lợi ích quốc
gia, dân tộc. Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, đe dọa đến sự ổn
định, phát triển của khu vực và an ninh thế giới. Bên cạnh thuận lợi là cơ bản,
đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện phát triển kinh
tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế
lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động chống phá ta về chính trị,
kinh tế, tư tưởng, văn hóa; thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội, v.v. Trước
tình hình đó, để hoàn thành tốt trọng trách được giao, Quân đội nhân dân phải
tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc
phòng toàn dân, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình
huống; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc
tình hình, nâng cao chất lượng dự báo chiến lược, thực hiện tốt chức năng tham
mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới
Đây là nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng,
bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng
sâu rộng. Bởi vậy, Quân đội nhân dân phải thường xuyên quán triệt, thực hiện
nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng về quốc phòng,
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh
giá, dự báo chiến lược, làm cơ sở để tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định
đường lối quân sự, quốc phòng đúng đắn, khoa học, có đối sách phù hợp, kịp thời
xử lý kiên quyết, thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh, đối ngoại,
không để Tổ quốc bị động, bất ngờ về chiến lược. Các cơ quan, đơn vị, nhất là
cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với
các ban, bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trong chia
sẻ thông tin, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược. Tiếp tục
quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 347-NQ/QUTW, ngày 23-5-2015 của
Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến
lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; nắm vững những nội dung cơ
bản của các chiến lược, đề án về quốc phòng, an ninh; tích cực nghiên cứu, dự
báo, đánh giá đúng tình hình trong nước, khu vực, quốc tế, các tình huống quốc
phòng. Đồng thời, nắm vững những vấn đề phức tạp nảy sinh cùng động thái của
các nước liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… của đất nước.
Quá trình nghiên cứu, dự báo chiến lược, cần đảm bảo khách quan, khoa
học, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng,
vận dụng đan xen, tổng hợp trên tất cả các ngành, lĩnh vực có liên quan; coi
trọng việc dự báo, tham mưu về các đối sách chiến lược, kịp thời giải quyết tốt
các mối quan hệ quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, có
kế hoạch, phương án ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa;
chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi bên trong,
bảo đảm chủ động trong mọi tình huống.
Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của Quân
đội nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu
sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là trách nhiệm của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân giữ
vai trò nòng cốt. Để hoàn thành trọng trách đó, Quân đội cần chủ động phối hợp
chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tích cực xây dựng nền
quốc phòng toàn dân vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, với nhiều
giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và đặc điểm, thế mạnh của từng vùng,
từng địa phương. Cùng với xây dựng lực lượng và tiềm lực, cần tập trung xây
dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt
là “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở các địa bàn chiến lược, khu vực
biên giới, biển, đảo.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày
22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X), tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; triển
khai thực hiện tốt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh
tế - xã hội trên địa bàn cả nước đến năm 2020; bổ sung, hoàn thiện cơ chế,
chính sách huy động nguồn lực địa phương cho xây dựng tiềm lực của khu vực
phòng thủ; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp,
đảm bảo cho các địa phương có thể chủ động đối phó, xử lý tốt các tình huống
quốc phòng, an ninh trong cả thời bình và thời chiến. Phát huy tốt vai trò nòng
cốt của các doanh nghiệp quốc phòng, khu kinh tế - quốc phòng trong tham gia
phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến
lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền, trên biển, hải đảo; huy động các
doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng vũ trang tham gia sản xuất, sửa chữa
trang thiết bị cho Quân đội, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất
nước, đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhà nước. Thực hiện nghiêm túc Luật Quốc
phòng, Luật Dân quân tự vệ, nhất là chỉ đạo xây dựng điểm mô hình chốt chiến
đấu của dân quân thường trực biên giới; Đề án xây dựng hải đội dân quân thường
trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; kế hoạch mở rộng
lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trạng thái
quốc phòng. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng
kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; thực hiện tốt công tác quản
lý nhà nước về quốc phòng ở các ban, bộ, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp
với lực lượng Công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên
từng địa bàn và cả nước.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tổng
hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân
trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Củng cố quốc phòng, giữ
vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ
trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn
dân; trong đó, Quân đội nhân dân,… là nòng cốt”2. Như vậy, Quân đội
không chỉ là chủ thể, mà còn là đối tượng cần được xây dựng, bảo đảm nâng cao
chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện điều đó, cần tập trung xây
dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; cán
bộ, chiến sĩ Quân đội phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung
thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; chủ động phát hiện và đấu tranh có hiệu
quả với mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” nội bộ và “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội của các thế lực
thù địch. Cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng,
các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải chú trọng thực hiện tốt công tác chính
sách, dân vận, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh, phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền
thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; ra sức xây dựng tổ chức
đảng trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển
biến mạnh mẽ trong thực hiện ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã xác định; tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức biên
chế Quân đội theo hướng: “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu hợp lý; triển khai thực hiện
có hiệu quả Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội đến năm
2021; bảo đảm vũ khí, trang bị đến năm 2025; thành lập mới, tổ chức lại một số
cơ quan, đơn vị theo kế hoạch. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị
quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất
lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; triển khai nhiều
biện pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến về chất lượng huấn luyện, diễn
tập hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng trong các môi trường; nâng
cao trình độ làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị mới,
hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư,
phục vụ hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự, phát triển công
nghiệp quốc phòng, đáp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình
hình mới.
Bốn là, đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế
và đối ngoại quốc phòng, tạo thế và lực để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng có vai trò quan trọng đối với
sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Quân đội nhân dân phải
tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối,
chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết 22-NQ/TW,
ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 806-NQ/QUTW,
ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc
phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hội nhập
quốc tế, đưa công tác đối ngoại quốc phòng đi vào chiều sâu, bền vững. Tăng
cường hợp tác với các nước cả trên bình diện song phương và đa phương; ưu tiên
hợp tác với các nước láng giềng, củng cố, phát triển mối quan hệ với các nước
lớn, coi trọng hợp tác với ASEAN và các nước bạn bè truyền thống, nhằm giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, tăng cường quốc
phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Quá trình thực hiện, phải giữ vững nguyên tắc chiến lược, nhưng hết sức
linh hoạt, mềm dẻo về sách lược để tổ chức thực hiện đúng đắn, sáng tạo đường
lối, chủ trương đối ngoại của Đảng; gắn kết chặt chẽ nội dung hợp tác về chính
trị, quốc phòng với các nội dung hợp tác về kỹ thuật, trang thiết bị quân sự,
thương mại quân sự, công nghiệp quốc phòng và các hoạt động quốc phòng khác
thành một thể thống nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu hội nhập và đối
ngoại đã đề ra. Tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa
phương, nhất là cơ chế về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các cuộc
diễn tập đa phương trong lĩnh vực nhân đạo, tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ thảm họa
ở từng quy mô khác nhau. Trước mắt, Quân đội cần chủ động xây dựng, hoàn chỉnh
Đề án tổng thể hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm
vai trò Chủ tịch ASEAN; thực hiện tốt các cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng
biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng; phát huy vai trò Bệnh viện dã
chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng,…
góp phần tạo sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị
thế, uy tín của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế.
Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội, thực hiện thắng
lợi mọi nhiệm vụ được giao
Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan, đơn vị toàn quân cần tiếp
tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng. Trọng tâm là
các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính
trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh, gắn với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của
Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X cùng các quy chế,
quy định của Đảng. Trong đó, coi trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, chấp
hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, năng lực tổ
chức thực hiện nghị quyết, nhất là trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng
yếu. Kịp thời củng cố, kiện toàn cấp ủy các cấp phù hợp với quá trình điều
chỉnh tổ chức lực lượng ở từng cơ quan, đơn vị; tăng cường quản lý, giáo dục,
rèn luyện, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên,
nhất là đối với cán bộ chủ trì các cấp.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm
túc nguyên tắc, quy trình, quy chế về công tác cán bộ, có nhiều giải pháp thiết
thực, cụ thể trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng; bảo đảm cân
đối về cơ cấu, số lượng và chất lượng, nhất là đối với cán bộ cấp chiến dịch,
chiến lược. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng;
coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công
tác xây dựng Đảng, lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chủ yếu, bảo đảm 100% cơ quan,
đơn vị tuyệt đối an toàn về chính trị. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp
vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, không ngừng nâng cao năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm nhiệm vụ.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc
phòng của đất nước là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước. Trước yêu cầu
cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhiệm vụ này lại
càng quan trọng, cấp thiết. Với niềm tự hào dân tộc, phát huy phẩm chất tốt đẹp
“Bộ đội Cụ Hồ”, toàn quân sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng,
cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng
toàn dân vững mạnh, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung
ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2000, tr.
435.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Nxb CTQG, H. 2016, tr. 148.
http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-chu-truong-cong-tac-lon/phat-huy-vai-tro-nong-cot-cua-quan-doi-nhan-dan-trong-cung-co-quoc-phong-bao-ve-to-quoc/12965.html